‘Ứng viên lãnh đạo cấp cao đã được sàng lọc’

149

Chiều 19/7, trả lời báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho hay, ở kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bầu nhân sự cấp cao, lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 và nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn. Ảnh: Tiến Dũng.

– Theo lịch trình, Quốc hội sẽ bàn về công tác nhân sự. Ông có thể cho biết số lượng ứng viên chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, số lượng phó thủ tướng, bộ trưởng…?

– Quốc hội lần này bàn nhiều nội dung, nhưng vấn đề được nhân dân quan tâm chính là bầu chức danh chủ chốt và tổ chức bộ máy Nhà nước. Ứng cử viên được các cơ quan giới thiệu là những người đã có quá trình rèn luyện, có đủ đức, đủ tài và phải qua sàng lọc, lựa chọn từ thực tiễn.

Các ứng viên là ai, bao nhiêu phó thủ tướng… chúng ta phải chờ sau khi Chính phủ trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức bộ máy, rồi sau đó trình nhân sự cụ thể, lúc đó mới biết được con người cụ thể. Việc bầu có số dư hay không cũng do Quốc hội quyết định. Nhưng các đoàn, đại biểu có quyền giới thiệu thêm ứng viên.

– Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ bàn về vấn đề sửa Hiến pháp, vậy cụ thể sẽ sửa điều nào?

– Hiến pháp năm 1992 là thời kỳ đầu của đổi mới đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, sau trên dưới 25 năm đổi mới, rõ ràng chúng ta phải có tổng kết và sửa đổi. Đặc biệt, vừa qua Đại hội Đảng đã thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do đó cần phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 gắn với Cương lĩnh và chiến lược phát triển đất nước. Nhưng sửa đổi một số điều hay sửa đổi toàn diện phải do Quốc hội bàn và quyết định.

– Dự kiến Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình biển Đông. Vấn đề này sẽ Quốc hội được xem xét thế nào?

– Nhân dân cả nước hết sức quan tâm tới tình hình biển Đông. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thông tin tình hình của xã hội, đất nước để các đại biểu biết. Tùy thuộc sự tham gia phát biểu của đại biểu, lúc đó đoàn chủ tịch mới xin ý kiến Quốc hội việc ra nghị quyết về biển Đông. Điều này phụ thuộc vào ý chí và đề nghị của các đại biểu Quốc hội.

Ngoài việc gửi báo cáo, Quốc hội sẽ dành khoảng 1-1,5 tiếng để nghe Chính phủ trình bày vấn đề cụ thể.

Các đại biểu Quốc hội sẽ thông qua nhiều vấn đề lớn tại kỳ họp này.
Các đại biểu Quốc hội sẽ thông qua nhiều vấn đề lớn tại kỳ họp này.

– Quốc hội khóa 13 có tới 2/3 đại biểu là người mới, chưa có kinh nghiệm. Điều này sẽ ảnh thưởng thế nào tới chất lượng các quyết định cũng như dự luật của Quốc hội?

– Hội đồng bầu cử trung ương vừa họp phiên toàn thể thông qua văn bản trình tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13. Lần đầu Quốc hội bầu đủ 500 đại biểu, gần 2/3 là mới. Chất lượng đại biểu rất tốt, có kiến thức, kinh nghiệm. Chúng tôi đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho trên 300 đại biểu mới để hiểu tổng quan về Quốc hội, Luật Quốc hội, tổ chức của HĐND và UBND, giúp các đại biểu kỹ năng xây dựng luật để tham gia vào vai trò quyết định của Quốc hội.

Chiều 19/7, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo quốc tế công bố nội dung, chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13. TS Nguyễn Sĩ Dũng – Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ dành khoảng 11 ngày cho việc xem xét, quyết định công tác tổ chức và nhân sự. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, các phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch nước, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND tối cao…

Cũng theo ông Dũng, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với Cương lĩnh của Đảng; đồng thời sẽ thông qua chương trình xây dựng luật và pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ.

Theo Vnexpress