Xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước giai đoạn mới

42

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2030, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025 và một số chỉ tiêu đến 2030. Do đó yêu cầu đặt ra là cần thực hiện tốt chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, đồng thời xây dựng và thực hiện chỉ tiêu giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

HƠN NỬA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã đi được hơn nửa chặng đường với rất nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, xuất phát từ tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, mục tiêu được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng: đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Theo đó có các chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP 5 năm đạt 6,5-7%, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 USD…; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 25% GDP, kinh tế số đạt khoảng 20%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ trọng lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì ở mức giảm 1 – 1,5%/năm…

Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, trong đó xác định một số chỉ tiêu chính như, đến năm 2030, GDP tăng bình quân 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 7.000 USD, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP…

Trong các chỉ tiêu của nhiệm kỳ, điều đáng quan tâm là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, vì đây là yếu tố đặc biệt quan trọng. Theo đó, năm 2021, trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm, nhưng kinh tế nước ta tăng trưởng đạt 2,56%, xuất, nhập khẩu đạt 668,54 tỷ USD, đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD. Năm 2022 đạt 8,02%, xuất, nhập khẩu vượt 730 tỷ USD, đầu tư nước ngoài đạt 27,72 tỷ USD. Trong 15 chỉ tiêu chính của năm 2022, có 1 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam tăng trưởng 5,05%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 23.183 triệu USD, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,5 lần so với năm trước và phục hồi 70% so với năm 2019. Chỉ số CPI bình quân tăng 3,25%…

Từ những kết quả trên cho thấy, thời gian còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn 2026-2030 có một số điểm đáng chú ý về tốc độ tăng trưởng:

1) Nếu như chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng dự kiến từ 6,5 – 7%, nhưng thực tế kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua: năm 2021 tăng trưởng 2,56%, năm 2022 tăng trưởng 8,02%, năm 2023 tăng trưởng 5,05%. Do vậy, các năm còn lại phải có tốc độ tăng trưởng cao hơn, dự kiến phải đạt từ 7% – 9% thì mới đạt chỉ tiêu chung theo dự kiến của cả nhiệm kỳ, đây là điều khó có thể đạt được. Một số tổ chức uy tín quốc tế dự báo, Việt Nam tăng trưởng khoảng từ trên 5% cho đến dưới 6,5% trong những năm còn lại. Điều này là thách thức lớn cho các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo tính toán lại GDP, đánh giá quy mô của nền kinh tế của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2019 của Việt Nam là 332 tỷ USD, GDP bình quân đầu người là 3.442 USD. Năm 2020 đạt 343,6 tỷ USD, GDP theo đầu người là 3.521 USD. Năm 2022, quy mô kinh tế của Việt Nam đã vượt trên 410 tỷ USD, bình quân đầu người đã đạt mức khoảng trên 4.000 USD. Năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 4.284 USD. Do vậy mục tiêu 5.000 USD vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, nếu không có đột biến gì bất lợi.

Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

 

2) Giai đoạn 2026-2030, áp lực để đạt GDP theo đầu người khoảng 7.500 – 8.000 USD vào năm 2030 là không lớn, nếu như không có đột biến xấu nào xảy ra, nhưng cơ cấu kinh tế, đóng góp của kinh tế số, TFP, ICOR, năng xuất lao động và tỷ lệ đô thị hóa, môi trường, tuổi thọ trung bình… cần phải đạt được bước phát triển mới.

3) Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, giai đoạn 2030-2045, mục tiêu thu nhập bình quân theo đầu người 18.000 USD là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên tốc độ, chất lượng tăng trưởng là điều vẫn đáng phải quan tâm, tương ứng với chỉ tiêu thu nhập theo đầu người có các chỉ tiêu về tuổi thọ trung bình, về môi trường kinh tế, xã hội, về chỉ số GINI, chỉ số hạnh phúc. Đó là điều rất quan trọng khi Việt Nam xác định gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm tới phát triển xã hội, phát triển con người là một mục tiêu ưu tiên, một đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG XÂY DỰNG, THỰC HIỆN, ĐIỀU CHỈNH CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

Xây dựng và thực hiện, điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu phát triển trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn luôn có vị trí quan trọng hàng đầu đối với các quốc gia, để xây dựng các chính sách, giải pháp thực hiện, thể hiện trọng tâm ưu tiên và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực. Các mục tiêu khi được xác định là tiền đề cho việc xây dựng hệ chỉ tiêu trên từng lĩnh vực, tuy nhiên quá trình thực hiện luôn xuất hiện những yếu tố chủ quan, khách quan làm thay đổi kết quả dự kiến ban đầu, dẫn đến phải điều chỉnh hoặc thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Một số nguyên tắc chung trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh mục tiêu và chỉ tiêu được thực hiện ở nhiều quốc gia là:

Một là, mục tiêu được xác định rõ ràng, phù hợp với đặc điểm mỗi quốc gia và xu thế phát triển của thế giới.

Xây dựng mục tiêu cần phải đảm bảo các yêu cầu: 1) Tạo được động lực phấn đấu của người dân, doanh nghiệp thông qua việc chỉ rõ lợi ích người dân được thụ hưởng, tránh để tham vọng chính trị lấn át khả năng hiện thực hóa trên thực tế; 2) Các mục tiêu đặt ra kỳ vọng phát triển, song phải rõ ràng, không mơ hồ, có thể định lượng được, có tính khả thi; 3) Vừa có tính kế thừa, vừa dự liệu khả năng đạt được gắn với bối cảnh trong nước, thế giới luôn thay đổi, phù hợp với đặc điểm mỗi nước và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc; 4) Xác định mục tiêu vừa có tính động, mở nhưng phải rõ hướng ưu tiên, có khả năng điều chỉnh qua từng giai đoạn…

Hai là, hệ các chỉ tiêu đặt ra không nên quá nhiều, nhất là các chỉ tiêu pháp lệnh, đồng thời chuyển từ đo lường tăng trưởng, phát triển về lượng sang chất lượng phúc lợi người dân được thụ hưởng.

Xây dựng hệ chỉ tiêu phục vụ mục tiêu phát triển đất nước chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có vai trò của Nhà nước và mức độ hoàn thiện của thị trường. Ở các nước phát triển, vai trò can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của nền kinh tế ít hơn, chẳng hạn ở Anh, khi xây dựng mục tiêu dài hạn, quốc gia này xác định xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn và bảo đảm tốt hơn cho sự phát triển đất nước bằng 5 chỉ tiêu: giảm thâm hụt ngân sách; cắt giảm thuế; tạo thêm việc làm; bảo đảm phúc lợi và giảm nhập cư; cung cấp trường học tốt nhất.

Liên minh châu Âu (EU) xác định 6 chỉ tiêu pháp lệnh. Các mục tiêu, chỉ tiêu phần lớn mang ý nghĩa cam kết của chính phủ, hoặc để giải trình chi tiêu, chứ không có ý nghĩa pháp lý mà chính phủ phải đạt được. Bên cạnh đó, điểm mới trong việc xây dựng mục tiêu, tiêu chí hiện nay là chuyển từ đo lường tăng trưởng, phát triển kinh tế và thu nhập sang phúc lợi cho người dân, lấy người dân làm trung tâm.

 

Ba là, việc xây dựng, thực hiện và điều chỉnh mục tiêu, hệ tiêu chí luôn tính đến các nhân tố bất thường khi nền kinh tế gặp cú sốc lớn, nhất là chiến tranh, thiên tai, khủng hoảng, bệnh dịch… Điều đó đòi hỏi:

Xây dựng cơ chế tự điều chỉnh các chỉ tiêu, các ngưỡng tài chính, ngân sách. Khi có nhân tố bất thường, các cơ chế điều chỉnh tự động và phản hồi chính sách được kích hoạt, giúp chính phủ tăng cường hiệu lực thực, điều chỉnh các nguồn lực. Chẳng hạn, đối với nợ công: Ba Lan và Slovakia đặt mức trần nợ công ở mức tương đương 60%GDP. Tại Slovakia, khi tỷ lệ nợ lên 50% GDP, Bộ trưởng Tài chính có nghĩa vụ giải trình trước Quốc hội và đưa ra những giải pháp giảm nợ công; khi lên tới mức 53% GDP, chính phủ có thể sẽ thông qua một gói các biện pháp để giảm mức nợ; và khi tới mức 55% GDP, chi tiêu công có thể sẽ bị cắt giảm tự động 3% và chi tiêu cho năm kế tiếp sẽ bị “đóng băng”, trừ các quỹ liên kết với EU. Đối với cân đối ngân sách nhà nướcQuy tắc cân bằng cơ cấu ngân sách của Thụy Sĩ và Đức có cơ chế tự điều chỉnh nhằm “phanh nợ”. Khi sự chênh lệch tích lũy vượt một ngưỡng thì cơ chế “chỉnh sửa” nhằm làm giảm chênh lệch sẽ được kích hoạt, với thời hạn cho điều chỉnh được xác lập sẵn.

Quy định trường hợp được phép miễn áp dụng các nguyên tắc tài chính, ngân sách hiện hành khi khẩn cấpCác điều khoản miễn áp dụng các quy định tài chính, ngân sách là: 1) Giới hạn và xác định rõ những yếu tố, những trường hợp được phép miễn áp dụng; 2) Đưa ra chỉ dẫn rõ ràng về việc nội dung, cách thức giải trình, lý giải và việc xác định các trường hợp; 3) Xác định lộ trình quay trở lại áp dụng các quy định đã bị hoãn để xử lý những sai lệch. Các điều khoản miễn áp dụng này đã được thực hiện ở nước, nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế, thiên tai hay giải cứu hệ thống ngân hàng. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, nhiều nước đã tạm thời không áp dụng cơ chế, nguyên tắc tài chính, ngân sách hoặc được điều chỉnh bằng cách nới lỏng theo hướng linh hoạt hơn…

Bốn là, một số chỉ tiêu là ngưỡng an toàn cần phải điều chỉnh theo giai đoạn, nhất là khi bối cảnh mới tác động mạnh đến điều kiện thực hiện.

Các ngưỡng hầu hết có ý nghĩa cảnh báo cho các nước, trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô, điển hình là trường hợp ngưỡng an toàn về nợ công, nợ nước ngoài như ở một số quốc gia châu Âu. Đối với ngưỡng về dự trữ ngoại hối, một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… không tính đến các ngưỡng thông thường do có dự trữ nhiều. Năm 2023, IMF đã đưa yếu tố nhận kiều hối là nhân tố quan trọng trong đánh giá tính bền vững của nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.

Một số nhân tố ảnh hưởng tới việc áp dụng và cảnh báo các chỉ tiêu có liên quan tới chuẩn mực an toàn, quy định về thống kê, thu thập dữ liệu; việc phân tích, công khai chỉ tiêu và khả năng so sánh quốc tế, đặc biệt là các yếu tố chính trị, kinh tế… ảnh hưởng tới việc xây dựng và áp dụng các chỉ tiêu kinh tế của mỗi quốc gia cũng cần được điều chỉnh.

Năm là, xây dựng và thực hiện mục tiêu, hệ tiêu chí phát triển đất nước hiện nay ở các nước ASEAN cần tính đầy đủ, sâu sắc các nhân tố tác động mới, như: tác động của Đại dịch COVID-19; tác động của chiến tranh thương mại, căng thẳng trong chiến tranh Nga – Ucraina; gia tăng xu hướng Nam tiến (ASEAN) của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan; tranh chấp lãnh hải và thay đổi lớn trong các tuyến hàng hải quốc tế qua biển Đông; tác động của tiến bộ công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự trỗi dậy của Trung Quốc và cạnh tranh giữa các nước lớn; hệ lụy của biến đổi khí hậu và xâm mặn…

CÁC NGUYÊN TẮC, YÊU CẦU, ĐIỀU KIỆN TRONG XÂY DỰNG, THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM

Thứ nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2030, trong đó, đã có các chỉ tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025 và một số chỉ tiêu đến 2030. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần thực hiện tốt chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, đồng thời xây dựng và thực hiện chỉ tiêu giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bởi vậy, cần có các nguyên tắc phù hợp với thực tiễn Việt Nam, cụ thể là:

Nguyên tắc chung: 1) Quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo được nêu trong các văn kiện Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ và thời gian tới; xử lý đúng đắn các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay và giai đoạn tiếp theo. 2) Tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu thể hiện tính định hướng XHCN phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế; chủ động lựa chọn, tiếp thu các tiêu chí thể hiện xu hướng văn minh, tiến bộ của nhân loại. 3) Đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa chủ trương của Đảng với thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữa phát triển bên trong và tranh thủ bên ngoài, trong đó giữ ổn định, phát triển bên trong có vai trò quyết định. 4) Luôn xác định các hướng ưu tiên, khâu đột phá trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, phục vụ mục tiêu phát triển, nhất là trong điều kiện có những tác động bất lợi từ bên ngoài. Đây là cơ sở để tạo đột biến trong phát triển. Các nguyên tắc cụ thểTrong quá trình thực hiện có sự ưu tiên, lựa chọn tùy theo điều kiện phát triển của đất nước, không dập khuôn, cứng nhắc theo một mẫu kế hoạch với các tiêu chí, các mục giống nhau hàng năm. Việc xây dựng, thực hiện và điều chỉnh cần: 1) Có tính kế thừa, phản ánh được thành quả phát triển, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cần bám sát với tầm nhìn chung, càng cụ thể càng dễ thực hiện, việc đặt ra các mục tiêu quá chung chung dễ dẫn đến việc thực hiện không đầy đủ, dẫn tới mất định hướng. 2) Đảm bảo tính nhất quán, đồng bộgắn kết chặt chẽ giữa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là cơ sở để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các khâu đột phá, các hướng ưu tiên. 3) Phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và những khuyến nghị hợp lý của một số tổ chức quốc tế uy tín như WB, IMF, ADB…, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan tới phát triển bền vững và chất lượng tăng trưởng. 4) Cụ thể, dễ hiểu – đo lường được – khả thi – có khung thời gian thực hiện. Việc đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cần đảm bảo có thể thực hiện được, không quá cao, không quá thấp. Mục tiêu, chỉ tiêu cần được xác định thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. 5) Là công cụ để đánh giá các khía cạnh của nền kinh tế về quy mô, tốc độ, hiệu quả, bền vững, sáng tạo và bao trùm. Mục tiêu, chỉ tiêu được lượng hóa cao càng dễ dàng kiểm tra, kiểm soát tiến độ hoàn thành mục tiêu.

Cần phải thấy rằng, việc điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong quá trình thực hiện thời gian còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XIII và thời gian tới luôn tính tới những tác động tổng thể cả về cơ chế, chính sách và các hệ lụy kèm theo. Điều quan trọng là phải đánh giá đầy đủ các nhân tố tác động, ảnh hưởng bên trong, bên ngoài, nhất là các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng. Có hai khuynh hướng cần quan tâm, đó là: 1) Tình hình đã thay đổi, do nhiều nhân tố tác động, một số chỉ tiêu xây dựng, dự kiến từ ban đầu không có khả năng hoàn thành, khi những căn cứ, dữ liệu thông tin, khoa học đã đủ rõ, nhưng vẫn không thay đổi, điều chỉnh chỉ tiêu, dẫn tới lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng tới kết quả các chỉ tiêu, mục tiêu khác; 2) Đơn giản, tùy tiện, thay đổi, chạy theo thành tích hoặc phản ứng chính sách không kịp thời khi thực tiễn đã thay đổi, chủ quan duy ý chí, dễ dẫn tới nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô, lãng phí nguồn lực của đất nước.

Yêu cầu đặt ra khi xây dựng, thực hiện và điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII trong thời gian còn lại, cần đảm bảo: 1) Tính nhất quán giữa các mục tiêu cụ thể không trái ngược, mâu thuẫn nhau và phải nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát. Mục tiêu tổng quát trong từng giai đoạn phải phù hợp với Cương lĩnh của Đảng. Mục tiêu dài hạn, mang tính định hướng, khái quát, mục tiêu ngắn hạn, phải đảm bảo tính cụ thể. 2) Xác định vấn đề cần ưu tiên trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, các mục tiêu, chỉ tiêu cần xác định các trọng tâm thực hiện, đặc biệt là những lĩnh vực có tính đột phá; tập trung vào các lĩnh vực then chốt, quan trọng, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, tránh dàn trải. 3) Phân bổ nguồn lực hợp lý để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã xác định; đảm bảo vừa thực hiện theo cơ chế thị trường, vừa có vai trò của Nhà nước. 4) Bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giữa kinh tế, xã hội và môi trường; cụ thể hóa định hướng XHCN trong xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu. 5) Lấy con người là trung tâm, mục tiêu cuối cùng và cao nhất vẫn là phát triển con người Việt Nam toàn diện cả về vật chất, tinh thần và tiến bộ. 6) Thực hiện nguyên tắc phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế, xã hội và môi trường. 7) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là ở những ngành và lĩnh vực sản xuất có ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng như công nghệ thông tin, internet, kinh tế số, xã hội số… 8) Nâng cao chất lượng, năng lực quản trị của Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 9) Phát triển nhanh, bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng và hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và người dân.

Điều kiện áp dụng để xây dựng, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới là: ổn định chính trị – xã hội; các giải pháp phòng, chống COVID-19 ở Việt Nam tiếp tục đạt hiệu quả tốt; tình hình an ninh – quốc phòng được đảm bảo; hệ thống thể chế phát triển, đặc biệt là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN hoàn thiện, thực thi hiệu quả; củng cố, phát huy vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, kỷ luật, kỷ cương xã hội được giữ vữngvai trò lãnh đạo, lòng tin của nhân dân với Đảng tiếp tục được củng cố, nâng cao; cuộc chiến đấu chống tham nhũng đem lại kết quả tích cực.

Hai là, để đảm bảo tính chủ động, tính khoa học trong thực hiện, điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu khi phát sinh những tình huống mới, cần phân loại, xử lý đúng đắn mối quan hệ. Hướng ưu tiên là: 1) Nhóm chỉ tiêu về phát triển, phản ánh khái quát tình hình phát triển trong từng giai đoạn phát triển mới của đất nước. 2) Nhóm chỉ tiêu về chất lượng phát triển của nền kinh tế, liên quan đến tính bao trùm, tính bền vững của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân. 3) Nhóm chỉ tiêu về động lực phát triển, tập trung vào các vấn đề thể chế phát triển, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, chất lượng đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; cần bám sát các khâu đột phá trong từng giai đoạn đến năm 2030 và đến 2045.

Ba là: Bổ sung một số chỉ tiêu đảm bảo tính định hướng XHCN của nền kinh tế đến năm 2045.

Việc xây dựng chỉ tiêu, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước là quá trình liên tục, từ thấp đến cao, trong đó vấn đề phát triển bền vững, gắn kinh tế với xã hội là thuộc tính của mô hình XHCN, đòi hỏi gắn ngay từ đầu, trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Vì vậy, phải nghiên cứu, bổ sung các nhóm chỉ tiêu dẫn dắt, nòng cốt đảm bảo tính định hướng XHCN. Các nhóm tiêu chí này được thể hiện trong mối quan hệ đồng bộ giữa kinh tế, xã hội và môi trường, từ thấp đến cao trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là các chỉ số về tuổi thọ, GINI, xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu thiên niên kỷ so sánh Việt Nam với nhóm nước cùng trình độ.

Trong thời gian tới, các chỉ tiêu mang tính dẫn dắt về kinh tế, xã hội, môi trường và một số chỉ tiêu đặc thù khác cần được xác định mang tính ưu tiên, minh bạch và có tính hiện thực cao, cần chú ý là: 1) Mức độ hoàn thiện thể chế phát triển đất nước theo định hướng XHCN2) Chỉ tiêu về giảm mức độ tham nhũng hàng năm. 3) Chỉ tiêu về mức độ hài lòng của người dân ở một số dịch vụ công cơ bản. 4) Chỉ số đánh giá mức tín nhiệm các chức danh theo quy định của Đảng và Nhà nước với 2 năm một lần, có chế tài xử lý cụ thể4) Các chỉ số về hoạt động của bộ máy công quyền, đánh giá về tổ chức đảng, đảng viên trong sạch, vững mạnh, đảm bảo chất lượng. Trong quá trình phát triển đất nước thời gian tới, cần giảm bớt các chỉ tiêu pháp lệnh về kinh tế; nhấn mạnh hơn một số chỉ tiêu đột phá, động lực như khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, các chỉ tiêu về tiến bộ xã hội, sự hài lòng của người dân.

Bốn là, yêu cầu về hoàn thiện thể chế và các điều kiện đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững. Cần sớm hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phục vụ mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN; tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những tiêu chí mới, tiến bộ của nhân loại, nghiên cứu làm rõ hơn các đặc trưng, thuộc tính của chế độ XHCN, cụ thể hóa thành các tiêu chí có thể đo lường được, làm cơ sở để xây dựng và thực hiện trong các giai đoạn phát triển mới. Cần sửa đổi một số luật phù hợp với giai đoạn mới, khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngoài ra, cần thực hiện tốt các nhóm giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc về thể chế./.

PGS. TS. PHẠM VĂN LINH
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương