Khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Giao thông Vận tải – ông Đinh La Thăng chia sẻ với VnExpress.net: “Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi”. Sau đó, một số vị lãnh đạo khác cũng lần lượt đưa ra quan điểm khá sắc bén, nhấn mạnh thông điệp của người đứng đầu Chính phủ: Sẵn sàng làm công bộc của dân.
Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng gây ấn tượng bởi phát biểu: Sẽ đưa lãi suất về 17-19% trong vòng hai tháng kể từ ngày nhậm chức. Trong lịch sử, chưa có vị thống đốc nào đưa ra một cam kết như vậy.
Tuyên bố của ông Bình đã đánh trúng vào những vấn đề bức xúc hiện nay là lãi suất quá cao, doanh nghiệp đói vốn. Đi kèm với thông điệp mạnh mẽ về lãi suất, vị tân thống đốc cũng đưa ra một loạt chính sách, biện pháp mạnh tay đối với những cá nhân và tổ chức vi phạm. Kết quả là 2 tháng sau ngày nhậm chức, lãi suất cho vay đã bắt đầu hạ dù chưa thiết lập một mặt bằng ổn định.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng để lại dấu ấn cá nhân khá mạnh mẽ trong tuyên bố sẽ lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu, công khai minh bạch các khoản lỗ lãi trong lĩnh vực nhạy cảm như xăng dầu và điện.
Ông Huệ gây ấn tượng mạnh mẽ hơn khi tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm trước quyết định giảm giá bán xăng dầu. “Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước”, ông Huệ tỏ thái độ.
Giới chuyên gia nhìn nhận những tuyên bố này thể hiện sự cởi mở hơn của nhà lãnh đạo, các thành viên Chính phủ trong thời kỳ mới và phù hợp hơn với điều kiện thực tế của đất nước.
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông – Mai Liêm Trực: “Thể hiện quan điểm riêng ở những vấn đề dư luận bức xúc”.
Nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực |
“Tôi rất ấn tượng và ủng hộ với những phát biểu của một số Bộ trưởng đặc biệt là Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Các bộ trưởng đã thể hiện được quan điểm riêng của mình về những vấn đề bức xúc mà dư luận đặc biệt quan tâm. Điều này thể hiện ở 2 khía cạnh, một là những vấn đề mà dư luận bức xúc và đặc biệt quan tâm, trực tiếp liên quan đến đời sống người dân như giao thông, ngân hàng, giá cả, xăng dầu, điện nước… Hai là bối cảnh xã hội hiện nay cũng đòi hỏi cách thể hiện trách nhiệm cá nhân rõ ràng và minh bạch hơn.
Cơ chế hiện nay là lãnh đạo tập thể nên nhiều khi không thể hiện được trách nhiệm của người đứng đầu, thường là né tránh dư luận. Nhiều bộ ngành chỉ cho người phát ngôn là cấp dưới phát biểu chứ lãnh đạo không đứng ra trực tiếp. Thậm chí khi phát biểu thì lời lẽ cũng rất e dè. Khi sự cố, trục trặc xảy ra, không ai chịu trách nhiệm vì cơ chế lãnh đạo tập thể, quy trách nhiệm rất khó khăn. Tôi rất ủng hộ việc các Bộ trưởng nêu quan điểm cá nhân và dám chịu trách nhiệm như vậy.
Tôi hy vọng rằng đây là bản lĩnh và trách nhiệm của một số lãnh đạo trẻ trong Chính phủ. Trước đây, một số lãnh đạo từng phát biểu nhưng cuối nhiệm kỳ, họ đã không làm được như những gì họ tuyên bố.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm: “Nói được, làm được, lãnh đạo mới được dân tin”.
Nguyên Thống đốc ngân hàng Cao Sỹ Kiêm |
Tôi cho rằng, việc các Bộ Trưởng thắng thắn nói lên quan điểm là một biểu hiện rất tốt, đó là lời hứa trước dân khi nhậm chức. Mỗi bộ trưởng đều đưa ra được những lĩnh vực quan trọng như vấn đề tắc nghẽn giao thông, y tế, giá xăng dầu và lãi suất. Những phát ngôn của các Bộ trưởng thể hiện thái độ, quan điểm xử lý rõ ràng, quyết liệt có tinh thần trách nhiệm cao với người dân. Thông điệp các Bộ trưởng đưa ra là một dấu hiệu tốt cho thấy các Bộ trưởng có tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, đây mới là những tuyên bố ban đầu, điều quan trọng nhất là phải xem xét quá trình thực hiện đến đâu. Nếu nói được, làm được, tôi tin chắc chắn các Bộ trưởng sẽ tạo được niềm tin mạnh mẽ trong dân chúng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Cần áp tư duy mới cho ngành điện giống như xăng dầu”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Một số Bộ trưởng đã thể hiện được phong cách, tư duy mới trong quá trình điều hành quản lý, tiêu biểu như Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Giá cả là vấn đề khá nhạy cảm ảnh hưởng đến CPI, sự phát triển của đất nước. Tôi hy vọng, giống như xăng dầu, những tư duy này sẽ được áp trong giá điện và chính sách tài khóa nói chung. Tôi hoan nghênh tinh thần của Bộ Tài chính, sau khi giảm giá xăng dầu đã cho đi kiểm tra các doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ Bộ trưởng không chỉ nói suông mà bắt tay vào làm luôn và ngay.
Bộ trưởng Tài chính nhậm chức đúng lúc nền kinh tế gặp phải một số vấn đề lớn như bội chi ngân sách kéo dài, nợ công, nợ nước ngoài tăng. Tôi mong rằng Bộ trưởng sẽ có những giải pháp sáng suốt kiểm soát các vấn đề này.
Đối với ngành giao thông, tôi nghĩ Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã nêu bật được 3 khâu cần tập trung chiến lược giải quyết. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn, thứ ba là ùn tắc. Mục tiêu chọn lựa này hoàn toàn đúng. Tôi cũng đồng ý quan điểm của Bộ trưởng giao thông chỉ khi đất nước có đủ điều kiện mới làm đường sắt cao tốc. Các quan điểm đưa ra đều rất tốt chỉ còn chờ hành động.
Ước vọng tư lệnh ngành phải được giao toàn quyền cũng ấn tượng. Nhưng theo tôi, chỉ nên giao toàn quyền khi điều hành thực hiện. Trong kế hoạch phát triển chung, các vấn đề lớn cần có ý kiến thấu đáo đóng góp của chuyên gia, lấy ý kiến phản biện xã hội. Khi quy hoạch chung đã được phê chuẩn thì người tư lệnh có toàn quyền quyết định, nhưng đồng nghĩa với nó là phải chịu cả trách nhiệm.
Lâu nay, các ngành chưa có văn hóa từ chức dẫn đến nhiều chuyện ì xèo xảy ra. Tôi nghĩ các Bộ trưởng sau phải hoàn thành những điều bậc tiền nhiệm chưa làm được.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: ‘Tuyên bố của lãnh đạo chính là uy tín của họ’
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. |
Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng công tác thông tin rất quan trọng trong hoạt động quản lý nói riêng và trong cơ chế thị trường nói chung, nhất là với các quan chức, bộ máy lãnh đạo Nhà nước. Các cấp lãnh đạo càng phát ngôn sớm, chuẩn xác và có uy tín thì càng tạo ra các hoạt động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội, cũng như tác động đến thị trường.
Gần đây chúng ta thấy những dấu hiệu tích cực cho thấy có những quan chức đứng đầu bộ đã có những phát ngôn chính thức mang dấu ấn cá nhân, kể cả quan điểm và chịu trách nhiệm cá nhân về những điều mình nói. Những phát biểu như vậy đã gây hiệu ứng tích cực, tạo lòng tin và những thông tin cần thiết để xã hội hiểu đúng hơn về cách thức điều hành của Nhà nước.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương: “Thành viên mới của Chính phủ bộc lộ cái tôi khá rõ”.
Tiến sĩ Võ Trí Thành. |
Tôi cho rằng quan điểm cá nhân của các tân bộ trưởng, nhà hoạt định chính sách đã cởi mở hơn trước rất nhiều. Bước khởi đầu vừa qua cho thấy Chính phủ mới có tiến triển rất tốt. Theo tôi, đã là người hoạch định chính sách thì cần phải cởi mở, có khả năng giải trình trước dân chúng và nêu quan điểm cá nhân rõ ràng.
Cuộc tranh luận giữa lãnh đạo Tài chính – Công Thương cho thấy sự phối hợp giữa các bộ ngành thời gian qua bộc lộ nhiều điểm yếu. Tuy nhiên, qua các cuộc tranh luận ấy, các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ tìm ra được những cơ chế phối hợp để làm tốt hơn. Theo tôi, nên coi đây là cuộc tranh luận để đi đến thống nhất và tìm ra điểm mới trong cách thức điều hành.
Điểm tốt nữa tôi nhận thấy ở các thành viên mới của Chính phủ đó là sự bộc lộ cái tôi khá rõ. Trong một xã hội cởi mở hơn, hòa nhập hơn, các nhà lãnh đạo cũng cần phải chứng tỏ bản thân, gắn với nó là sự giải trình và dám chịu trách nhiệm. Điều này là tốt. Tuy nhiên, bất kể người nào, ai cũng vậy ở vị trí nào cũng luôn phải học hỏi đó là sự đằm hơn trong các cách ứng xử, điều này đòi hỏi thời gian.
Theo Vnexpress