Chiến lược quân sự Mỹ hướng tới châu Á

116

Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp chính sách cắt giảm chi phí quốc phòng.

Tổng thống Obama cùng các quan chức Bộ Quốc phòng trong buổi họp báo tại Lầu Năm góc hôm qua. Ảnh: AFP

Tổng thống Obama đưa ra tuyên bố trên trong buổi họp báo hôm qua nhằm công bố chiến lược quốc phòng quốc gia được điều chỉnh để phù hợp với chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong thập kỷ mới.

“Chúng ta sẽ tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương. Việc cắt giảm ngân sách sẽ không ảnh hưởng đến chi phí quân sự ở khu vực trọng điểm này”, ông nói tại Lầu Năm góc, trước sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey.

“Chúng ra sẽ tiếp tục đầu tư cho các đối tác và đồng minh quan trọng, trong đó có NATO, và đặc biệt thận trọng, nhất là ở khu vực Trung Đông”, ông nói thêm.

Theo Telegraph, đây là một trong những thay đổi chiến lược quan trọng nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II. Việc Mỹ chuyển trọng tâm từ châu Âu sang châu Á-Thái Bình Dương được xem lại động thái nhằm cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này.

Cũng theo ông Obama, Mỹ sẽ đảm bảo an ninh quốc gia bằng những lực lượng an ninh thông thường, nhỏ gọn nhưng linh hoạt hơn. Tổng thống cam kết xóa bỏ hệ thống quân sự lỗi thời từ Chiến tranh Lạnh, tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết cho tương lai, bao gồm tình báo, giám sát, do thám và chống khủng bố.

“Quân đội chúng ta sẽ tinh gọn hơn nhưng cũng linh hoạt hơn, sẵn sàng cho các tình huống và những mối đe dọa bất ngờ”, ông nói. Các quan chức quân sự dự kiến số lượng binh sĩ và hải quân sẽ giảm 10-15% trong thập kỷ tới.

Bản điều chỉnh chiến lược quốc phòng đã thiết lập lại những ưu tiên quân sự của Mỹ trong bối cảnh hơn 450 tỷ USD ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt giảm trong 10 năm tới. Lầu Năm góc được cấp hơn 600 tỷ USD hàng năm cho cả ngân sách cơ bản và chi phí chiến tranh. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ khẳng định dù “thắt lưng buộc bụng”, chi phí quốc phòng của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng lên nhưng ở một tốc độ chậm hơn. Ông yêu cầu các nghị sĩ thực hiện giảm thâm hụt ngân sách theo Luật Kiểm soát Ngân sách đã được quốc hội thông qua năm ngoái.

Các nhà phê bình cho rằng quyết định cắt giảm được đưa ra chủ yếu là do khủng hoảng ngân sách hơn là do nhu cầu quân sự. Tuy nhiên, ông Obama và ông Panetta khẳng định ngược lại. Mỹ không tiết lộ chi tiết về các khoản chi và cắt giảm. Số lượng binh sĩ và các khoản chi tiết sẽ được công bố trong báo cáo dự trù ngân sách liên bang trong năm tài khóa 2013 sắp tới.

Anh Ngọc

Theo Vnexpress