Bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm với Chủ tịch nước, Thủ tướng

144

Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí hằng năm sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với đối với Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các chức danh khác do Quốc hội bầu.

Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Theo đó, hằng năm sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn Quốc hội cuối 2011. Ảnh: Hoàng Hà.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn Quốc hội cuối 2011. Ảnh: Hoàng Hà.

Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành nhiều nội dung đổi mới hoạt động của Quốc hội như cải tiến, đổi mới hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng, tổ chức kỳ họp, hoạt động đối ngoại, tiếp xúc cử tri và công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Đối với việc tổ chức kỳ họp Quốc hội, có 2 phương án. Thứ nhất là rút ngắn thời gian họp mỗi kỳ xuống còn 20-25 ngày (so với 30-35 ngày hiện nay), mỗi năm họp 2 kỳ; một phần công việc của kỳ họp sẽ được chuyển sang hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp và các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Phương án hai là mỗi năm tổ chức 3 kỳ họp. Kỳ họp thứ nhất chủ yếu về công tác xây dựng pháp luật và một số vấn đề kinh tế xã hội cấp bách, được tổ chức vào tháng 3. Hai kỳ họp tiếp theo để thảo luận, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và một số nội dung khác, được tổ chức vào nửa đầu tháng 7 và nửa đầu tháng 11.

“Làm sao tổ chức kỳ họp vẫn phải bảo đảm chương trình, quy trình mà lại rút ngắn được thời gian. Cho nên việc họp tập trung, họp toàn thể cần ngắn lại, một số nội dung chuyển sang hoạt động chuyên trách, hoạt động tăng cường các uỷ ban, hoạt động họp trực tuyến. Nhưng thảo luận để biểu quyết thông qua thì phải họp tập trung”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Các ý kiến thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất tạo điều kiện để báo chí tiếp cận, đưa tin về hoạt động của Quốc hội, có không gian dành cho việc tiếp xúc của các phóng viên báo chí với các đại biểu Quốc hội, tăng thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình về Quốc hội, xây dựng kênh truyền hình Quốc hội và các chương trình thông tin công chúng phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, ngay tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nội vụ về những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Phiên chất vấn này sẽ diễn ra vào ngày 26/3 tới, được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Nguyễn Hưng

Theo Vnexpress