Lấy hệ giá trị ‘Độc lập – Tự do – Hạnh phúc’ để xây dựng hình mẫu thanh niên thời đại Hồ Chí Minh

46
Theo GS. TS Hoàng Chí Bảo – chuyên gia cao cấp – nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi hệ giá trị: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Vì vậy, hệ giá trị cốt lõi này phải được lấy làm nền tảng để giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, trung thành vô hạn với Đảng, với dân, với Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội cho thanh niên, để xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Vận dụng 3 điểm cốt yếu

GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, cần thấm nhuần và thực hành 3 điểm cốt yếu có ý nghĩa quan điểm, nguyên tắc và phương pháp vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào việc giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới.

GS Hoàng Chí Bảo

 

Đầu tiên, cần nhận thức đúng tính chỉnh thể và hệ thống, sự thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng với đạo đức, với phương pháp và phong cách của Người. Với Hồ Chí Minh, tư tưởng gắn liền với phương pháp để nhận thức phải trở thành hành động, dẫn dắt và thúc đẩy hành động.

Muốn hành động tự giác, chủ động và sáng tạo, con người phải có giác ngộ chân lý và quy luật. Do vậy, lý luận khoa học và cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục lý tưởng, niềm tin, bồi dưỡng tình cảm, nhất là tình cảm cách mạng cho thanh niên.

Lý luận định hướng cho thực hành trong hoạt động thực tiễn chứ không lý luận suông, chỉ biết câu chữ trong sách vở một cách máy móc, giáo điều mà không đi vào hành động. Theo đúng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, nói phải đi đôi với làm, đã nói thì phải làm, nhất là phải tiên phong và có trách nhiệm.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phương pháp, bởi Người luôn hướng tới thực hành, lấy hành động làm định hướng và hành động cao cả nhất là vì dân, vì nước, suốt đời theo đuổi hệ giá trị: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

“Hệ giá trị cốt lõi này phải được lấy làm nền tảng để giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, trung thành vô hạn với Đảng, với dân, với Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội cho thanh niên, để xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”, GS Bảo nhấn mạnh.

Ông cho rằng, hình mẫu thanh niên Việt Nam phải thấm nhuần hình mẫu thanh niên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, bởi tuổi trẻ Hồ Chí Minh và cả cuộc đời Hồ Chí Minh là hiện thân lý tưởng của thanh niên.

GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, hình mẫu thanh niên Việt Nam phải thấm nhuần hình mẫu thanh niên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, bởi tuổi trẻ Hồ Chí Minh và cả cuộc đời Hồ Chí Minh là hiện thân lý tưởng của thanh niên.

 

Thứ hai, vị Giáo sư cho rằng, xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam là thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa dân tộc, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam theo giá trị Văn hóa Hồ Chí Minh – một mẫu mực của sự kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống với hiện đại, dân tộc với thời đại và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Những hệ giá trị đó phải lấy hệ giá trị gia đình Việt Nam, mà gia đình luôn luôn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam, lấy đó làm điểm xuất phát, làm cơ sở tạo dựng nhân cách thanh niên Việt Nam.

Thứ ba, để xây dựng và thực hiện hình mẫu thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới, tất yếu cần thiết phải có nhận thức đúng và mới về “thời kỳ mới”, nghĩa là xem xét tác động của hoàn cảnh, bối cảnh thế giới và thời đại ngày nay với vô số những biểu hiện mới, yêu cầu mới, đặc điểm mới tác động vào tuổi trẻ.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, “thời kỳ mới” của thế hệ trẻ hiện nay là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ; cùng với đó là thách thức thời kỳ tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày càng thu hẹp và cạn kiệt…

“Xã hội càng phát triển hiện đại và văn minh, kỹ thuật – công nghệ càng mới mẻ và xuất hiện nhiều thành tựu đỉnh cao, kinh tế càng giàu có và phồn vinh thì càng cần đến vai trò của đạo đức, của văn hóa, của đời sống tinh thần, của phẩm giá tự do và công bằng, của tinh thần khoan dung văn hóa”, GS Hoàng Chí Bảo nói.

Coi trọng bồi dưỡng niềm tin, đức tin

Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam hiện nay, theo GS Hoàng Chí Bảo cần đặc biệt coi trọng giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng và của nhân dân ta.

Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam phải được khai thác và thể hiện trong lĩnh vực giáo dục quan trọng này. “Tựu trung lại là giáo dục lòng yêu nước, ý thức và tinh thần dân tộc, niềm tự hào, tự tôn, tự trọng dân tộc. Phải coi đây là cái gốc để hình thành nhân cách”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Các bạn sinh viên tiêu biểu giao lưu với các chiến sĩ Điện Biên để được giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Ảnh: Dương Triều

 

Cần đào tạo, bồi dưỡng công phu, kết hợp cả khoa học, nghệ thuật, văn hóa để bồi đắp năng lực trí tuệ sáng tạo cho thế hệ trẻ. Cùng với trí tuệ khoa học phải là đạo đức, lẽ sống, lối sống thanh niên – một thế hệ thanh niên có văn hóa. Đạo đức là bảo đảm quan trọng cho trí tuệ phát triển, cho giữ gìn và phát huy nhân cách, không bị hư hỏng, suy đồi, tha hóa.

GS Bảo cũng lưu ý, cần hết sức coi trọng bồi dưỡng niềm tin, đức tin, tình cảm, rèn bản lĩnh chính trị; đồng thời, đào tạo các thủ lĩnh thanh niên mang cốt cách, phong cách văn hóa…

“Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải nêu cao trách nhiệm, tạo môi trường lành mạnh, có chính sách tạo động lực phát triển thanh niên xứng đáng với thời đại Hồ Chí Minh”, GS Hoàng Chí Bảo đặt vấn đề.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị, nhà quản lý, nhà giáo dục, đặc biệt là các trí thức, chuyên gia, văn nghệ sĩ tài năng, những người có ảnh hưởng lớn tới thanh niên, vốn được thanh niên yêu mến và tin cậy, coi như những thần tượng của tuổi trẻ là vô cùng to lớn, nặng nề.

 

Lưu Trinh – TPO