Khắc phục bất hợp lý về lương giữa lãnh đạo và người lao động(*)

173
Sáng 7.5, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội.

Khắc phục bất hợp lý về lương giữa lãnh đạo và người lao động(*)

Quang cảnh hội nghị lần thứ năm khóa XI ban chấp hành T.Ư Đảng. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ hội nghị lần này bàn một số nội dung quan trọng, gồm: Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; xem xét, quyết định một số vấn đề về chính sách xã hội, tiền lương giai đoạn 2012 – 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.

Hiến pháp 1992: Chỉnh sửa những vấn đề chín muồi, cần thiết

Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đây là công việc rất hệ trọng, vì Hiến pháp là văn kiện chính trị – pháp lý quan trọng điều chỉnh những quan hệ xã hội trọng yếu nhất, có tính nền tảng, thể hiện bản chất của Nhà nước và chế độ; là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội và chủ quyền quốc gia.

Việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải bám sát những tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 2, có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử; bám sát vào thực tế thi hành các quy định của Hiến pháp và các yêu cầu của tình hình mới. Tập trung đánh giá, khẳng định những kết quả nổi bật của Hiến pháp năm 1992 với vai trò là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới; chỉ rõ những kết quả, mặt tích cực đã đạt được; những hạn chế, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân; những nội dung quy định của Hiến pháp năm 1992 không còn phù hợp cần được bổ sung, sửa đổi; những nội dung Hiến pháp năm 1992 quy định đúng, nhưng do tổ chức thực hiện chưa tốt cần chấn chỉnh trong khâu tổ chức thực hiện.

Các đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết thực tế 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp. Chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, được thực tiễn chứng minh là đúng, đã chín muồi, có đủ cơ sở và được sự thống nhất cao. Tổng Bí thư đề nghị trung ương tập trung thảo luận kỹ từng đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể, đặc biệt là những vấn đề còn có ý kiến khác như nêu trong tờ trình.

Quyền sử dụng đất là tài sản, hàng hoá đặc biệt

Về chính sách, pháp luật về đất đai, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, hết sức phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau. Khi đánh giá tình hình và nguyên nhân, cần nắm vững các quan điểm và nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước để phân tích một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp nêu trong nghị quyết và pháp luật về đất đai; chỉ rõ nội dung của nghị quyết đã được thể chế hóa như thế nào? Những điểm gì thể chế hóa đúng, điểm gì chưa đúng? Những quan điểm, yêu cầu quan trọng nào của nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc chưa được thực hiện một cách nghiêm túc? Tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào?… Những chủ trương, chính sách gì cần sửa đổi, điều chỉnh?…

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư chỉ rõ: Cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình tham nhũng, lãng phí và kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nhận dạng cho đúng những biểu hiện nổi bật của tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực chủ yếu như: Đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, nhất là tại các doanh nghiệp nhà nước, hoạt động tín dụng, ngân hàng, công tác tổ chức, cán bộ… Cần phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, khẳng định những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là những nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân chủ quan gây ra tệ tham nhũng, lãng phí và dẫn đến những hạn chế, yếu kém đó; trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, giải pháp quyết liệt, có tính đột phá, khả thi cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực này.

Khắc phục bất hợp lý về lương giữa lãnh đạo và người lao động

Về một số chính sách xã hội và tiền lương giai đoạn 2012 – 2020, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách, từng bước đi là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 25 năm đổi mới, được nhân dân hoan nghênh và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, là một nước nghèo, lại trải qua nhiều năm chiến tranh chống ngoại xâm, thường xuyên phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh, nước ta đã và sẽ còn phải đương đầu với nhiều vấn đề xã hội bức xúc; ở nhiều nơi đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân còn hết sức khó khăn. Vì vậy, sẽ có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội hết sức to lớn nếu như tại hội nghị lần này, trung ương bàn và ban hành nghị quyết chuyên đề về một số chính sách xã hội giai đoạn từ nay đến năm 2020, mà trọng tâm là chính sách ưu đãi đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội, với những nội dung chủ yếu là: Bảo đảm việc làm, thu nhập, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở, trợ giúp xã hội và bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.

Đối với đề án một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, Tổng Bí thư đề nghị trung ương cho ý kiến chỉ đạo về một số vấn đề cấp bách cần và có thể điều chỉnh ngay trong năm 2012, 2013, như: Điều chỉnh lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công theo tinh thần kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa X; khắc phục những bất hợp lý về tiền lương và thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và của người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công, lương hưu và bảo hiểm xã hội; xem xét trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội…; đồng thời trao đổi, thống nhất về chủ trương, định hướng cho việc nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng trình Hội nghị Trung ương 7 (dự kiến họp tháng 5.2013) đề án tổng thể cải cách cơ bản chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công đến năm 2020 cùng các đề án khác có liên quan; xác định những quan điểm, nguyên tắc và định hướng cải cách cơ bản chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công; chú trọng các chính sách, biện pháp tích cực tạo nguồn, khắc phục tình trạng lâu nay nhiều đề xuất hay nhưng không khả thi do thiếu nguồn; cần gắn cải cách tiền lương thực chất và đồng bộ hơn với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế; tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp nhà nước…

Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 15.5.

Cùng với việc khẳng định những chuyển biến tích cực và những kết quả nổi bật đã đạt được trong gần 10 năm qua, cần nêu rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, tập trung làm rõ vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi? Vì sao gần 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai?…

 

(*) Đầu đề do tòa soạn đặt.

X.H (lược trích TTXVN)

Theo Báo Lao Động