Sáng nay khai mạc kỳ họp Quốc hội

158

Kéo dài một tháng, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 sẽ cho ý kiến và thông qua nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có Luật biển Việt Nam. Trong phiên khai mạc sáng nay, các đại biểu sẽ nghe báo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội 2011 và 4 tháng đầu năm 2012.

Sau phiên họp trù bị kéo dài một tiếng, kỳ họp sẽ chính thức khai mạc lúc 9 giờ. Cùng với diễn văn khai mạc, các đại biểu sẽ nghe đại diện Chính phủ trình bày Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế – xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2012. Báo cáo này sẽ tổng kết việc Chính phủ thực hiện, hoàn thành hay không các mục tiêu mà nghị quyết Quốc hội đã thông qua.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 sẽ có nhiều hơn các phiên tường thuật trực tiếp. Ảnh: Tiến Dũng
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 sẽ có nhiều phiên tường thuật trực tiếp qua truyền hình. Ảnh: Tiến Dũng

Đại diện Mặt trận Tổ quốc sau đó cũng sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Nguyễn Văn Giàu khép lại phiên làm việc buổi sáng với việc trình bày kết quả thẩm tra báo cáo kinh tế – xã hội của Chính phủ.

Sau phiên khai mạc, Quốc hội sẽ làm việc trong vòng một tháng (21/5-21/6), với 42 phiên họp toàn thể, trong đó 15 phiên được truyền hình trực tiếp, và số phiên thảo luận tổ được giảm xuống 7 buổi. Số phiên họp được truyền hình trực tiếp tăng lên, còn thời gian trình bày báo cáo được rút ngắn…

Các dự án luật sẽ được thông qua tại kỳ họp: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật giá, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quảng cáo, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Biển Việt Nam.

Lịch làm việc của Quốc hội sẽ bao gồm nhiều nội dung quan trọng, trong đó cho ý kiến 6, thông qua 13 dự án luật và 7 nghị quyết, thảo luận và cho ý kiến đối với 10 nội dung liên quan đến kinh tế – xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng. Các nội dung này bao gồm đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế (Quốc hội sẽ có Nghị quyết riêng về vấn đề này), các giải pháp thuế của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng. Quốc hội cũng sẽ có nghị quyết về việc đổi mới hoạt động của chính cơ quan lập pháp này, đồng thời xem xét bãi miễn tư cách đại biểu đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến (đại biểu tỉnh Long An).

Về báo cáo kinh tế – xã hội dự kiến được trình bày trong sáng nay, theo tài liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư chuẩn bị trước đó (trình tại phiên thảo luận giữa tháng 5 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), trong số 22 chỉ tiêu được đề ra cho năm 2011, Chính phủ đã hoàn thành và vượt 13 chỉ tiêu. Trong đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 34,2% (so với mục tiêu 10%) và góp phần giảm nhập siêu xuống còn 10,16%, thấp hơn nhiều so đích ngắm 18%.

Kết quả thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2011

Tuy nhiên, trong số 9 chỉ tiêu chưa đạt, có không ít các chỉ báo kinh tế quan trọng. Trong đó, tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,89%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7-7,5%. Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại vượt xa ngưỡng “không quá 7%”, lên tới 18,13% vào cuối năm. Các chỉ số khác như tạo việc làm, tổng đầu tư toàn xã hội… cũng kém hơn so với mục tiêu đề ra.

Bước sang 4 tháng đầu năm 2012, với việc tiếp tục thực hiện mục tiêu chủ yếu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, báo cáo cho thấy Chính phủ đã khá thành công trong việc kéo tốc độ tăng CPI xuống mức 2,6% so với cuối năm 2011 (thấp nhất trong vòng 3 năm qua), nhập siêu tiếp tục giảm, lãi suất hạ dần, tỷ giá ổn định… Tuy nhiên, nền kinh tế lại gặp vấn đề về tăng trưởng, khi tốc độ tăng GDP quý một chỉ đạt khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Các chỉ số về sản xuất, thương mại, tồn kho, phát triển doanh nghiệp… cũng rất đáng lo ngại.

Đánh giá về những điều làm được, Chính phủ cho rằng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của năm 2011, việc thực đạt được những kết quả nêu trên là tích cực mặc dù còn một số chỉ tiêu chưa đạt. Riêng về 4 tháng đầu năm 2012, Chính phủ cũng đánh giá là tình hình kinh tế xã hội “đã có chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng”.

Chính vì những nhận định này mà tại phiên làm việc của Ủy ban Kinh tế, báo cáo của Chính phủ được nhiều đại biểu đánh giá là “hồng” hơn so với thực tế. Tuy nhiên, thay mặt cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết do đây là báo cáo đã tiếp thu ý kiến tại cuộc họp mở rộng trước đó của thường trực Ủy ban Kinh tế (với sự tham dự của Phó chủ tịch Quốc hội) nên nhiều khả năng sẽ không có bổ sung, chỉnh sửa gì trước khi trình ra Quốc hội trong phiên khai mạc sáng nay.

Theo Vnexpress