ASEAN gần đạt đồng thuận về Biển Đông

136

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa hôm nay cho hay các nước thành viên ASEAN đang ở rất gần việc cùng nhất trí về một tuyên bố thống nhất đối với tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa bắt tay người đồng cấp Campuchia Hor Namhong trong cuộc gặp hôm nay tại Bộ Ngoại giao Campuchia ở Phnom Penh. Ảnh: AFP

"Dù vẫn còn những ý kiến trái ngược, ASEAN trên thực tế vẫn duy trì được sự đoàn kết", AFP dẫn lời ông Natalegawa nói với báo giới tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, sau khi có những chuyến thăm tới Việt Nam và Philippines hôm qua.

Ngoại trưởng Indonesia cho biết ông đang làm việc để xác định "những quan điểm cơ bản của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông", điều sẽ giúp xua tan nhận định rằng 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bị chia rẽ. "Chúng tôi hiện ở rất gần việc chính thức hóa sự đồng thuận này", Natalegawa nói.

Ông Natalegawa đã đảm nhận vai trò là người trung gian sau khi các hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở Campuchia mới đây không thể tiến tới một quan điểm chung về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Điều này dẫn tới việc các hội nghị ASEAN lần đầu tiên không thể ra được thông cáo chung trong suốt 45 năm tồn tại của khối này.

Sau các cuộc hội đàm với những người đồng cấp Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, và Philippines, Ngoại trưởng Albert del Rosario, ông Natalegawa thúc giục các nước ASEAN sớm thông qua thông cáo chung.

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, Hor Namhong thì nói với báo giới rằng ông hy vọng tuyên bố quan điểm chung của ASEAN vào ngày mai, vì còn phải chờ "sự chấp thuận từ tất cả các bộ trưởng ngoại giao ASEAN". Campuchia là nước đang nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay.

Hồi đầu tuần trước, Campuchia tuyên bố các nước ASEAN đã đạt được những điểm quan trọng trong nội dung của dự thảo COC, tiến tới bước thảo luận với Trung Quốc. ASEAN thấy rõ tầm quan trọng của việc cùng làm việc để hướng tới COC. Bộ quy tắc ứng xử được coi là giải pháp hữu hiệu để xóa tan bất đồng và làm dịu những căng thẳng trong thời gian qua trên vùng biển có vị trí quan trọng và được đánh giá có trữ lượng tài nguyên lớn của khu vực.

Việc ASEAN lần đầu tiên không đưa ra được thông cáo chung xảy ra trong bối cảnh tình hình khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông, liên tiếp có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Đầu tiên, Trung Quốc và Philippines có căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ đầu tháng 4 tới nay. Sau đó, Việt Nam cùng Philippines phản đối lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương áp đặt.

Gần đây, việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã bị Việt Nam cực lực phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị gọi đây là hành động phi pháp. Nhiều học giả quốc tế đều nhận định các lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bình luận về việc không có thông cáo chung, Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc đại học Quốc phòng Australia cho rằng sự kiện này đặt ra một câu hỏi căn bản đối với ASEAN.

Theo vnexpress