Các bước đi của Trung Quốc đối với ‘Tam Sa’

127

Trong hơn một tháng qua, Trung Quốc liên tiếp có các hành động trên nhiều mặt trận nhằm xây dựng thế lực quanh cái gọi là thành phố Tam Sa bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng.

Về mặt chính trị, cuối tháng 6, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. “Tam Sa” sau đó được chính quyền Trung Quốc nâng cấp lên thành thành phố cấp khu vực, tổ chức họp “Hội đồng Nhân dân Khóa I” và tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Thị trưởng, với tham vọng quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Việt Nam đã khẳng định chủ quyền.

Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc và làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.

Quân sự

Tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Song song với việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, Trung Quốc cũng có những động thái công khai quân sự hóa hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hôm 20/7, Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập và triển khai quân đồn trú tại “Tam Sa”. Đơn vị này tương đương cấp phân khu, có nhiệm vụ quản lý các hoạt động quốc phòng, quân bị và thực hiện các hoạt động quân sự. Chưa đầy một tuần sau, các vị trí chỉ huy của cơ sở quân đồn trú, gồm tư lệnh và chính ủy, được chỉ định, và bị Việt Nam cũng như Philippines phản đối gay gắt.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó còn xác nhận một quân đồn trú khác ở Hoàng Sa trực thuộc hạm đội Nam Hải, phụ trách tác chiến hải quân trong khu vực Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trong một tháng qua, hải quân Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện tại Trường Sa. Tuần trước, một tàu đổ bộ của Trung Quốc trang bị súng hạng nặng, cần cẩu và bãi đáp trực thăng, bị phát hiện neo đậu tại cảng mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa.

Kinh tế

Hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Trung Quốc năm nay cũng được chính quyền tạo điều kiện tổ chức với quy mô chưa từng có.

Hôm 1/8 Trung Quốc chấm dứt lệnh đánh bắt cá đơn phương trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, mở đường cho gần 9.000 tàu cá của ngư dân tỉnh Hải Nam và hàng chục nghìn ngư dân các tỉnh khác tiến ra đánh bắt ở Biển Đông. Chính quyền tuyên bố mở rộng phạm vi khai thác nghề cá trong khu vực của cái gọi là “ngư trường Tam Sa”, hướng dẫn ngư dân đóng tàu lớn hơn, ra vùng nước sâu hơn ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam và bãi đá ngầm Macclesfield mà Bắc Kinh gọi là “quần đảo Trung Sa”.

Hoạt động rầm rộ này diễn ra ngay sau khi một nhóm gồm 30 tàu cá của ngư dân tỉnh Hải Nam vừa trở về từ Trường Sa. Các tàu này đều đánh bắt trái phép hoặc trú ẩn gần các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc đưa các tàu cá đến Trường Sa và tổ chức hoạt động khai thác hải sản ở đây là hoàn toàn phi pháp.

Xã hội

Một đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: denfense update

Sau khi ngang nhiên thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tuyên bố xây dựng 83 căn hộ cho thuê mức giá thấp ở đây. Nhân dân Nhật Báo mô tả rằng có 159 cư dân hiện sống trong những căn nhà gỗ bấp bênh trước thời tiết khắc nghiệt ở đảo. Do đó, dự án nhà ở này sẽ được hoàn thành trong hai năm tới để tạo điều kiện sinh sống cho người dân. Họ còn quyết định đặt tên con phố chính trên đảo Phú Lâm là Bắc Kinh, nhằm đặt dấu ấn của người Trung Quốc trên đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Khoa học, môi trường

Đầu tháng 7, Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố nghiên cứu toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông. Theo đó, nước này sẽ tổ chức chương trình nghiên cứu kéo dài trong một tháng để bảo tồn môi trường xung quanh các đảo trên Biển Đông. Chương trình này bao gồm điều tra, khảo sát các đối tượng động vật biển, chim, động vật lưỡng cư trên các đảo và khu vực xung quanh.

Đến hôm 31/7 vừa qua, cơ quan giám sát biển của cái gọi là thành phố Tam Sa tuyên bố sẽ đưa các tàu hải giám đến các đảo không người ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để thăm dò tiềm năng khai mỏ, khai thác cát, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch, bất chấp việc Hà Nội đã nhiều lần đưa ra đầy đủ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo này.

Lịch sử

Trung Quốc còn khai thác cả lĩnh vực khảo cổ để biện minh cho tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của họ. Một đoàn các nhà khảo cổ Trung Quốc mới đây đã tiến hành khảo sát 12 địa điểm cũ và phát hiện thêm 12 địa điểm mới tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, thu thập một lượng lớn các mẫu vật bao gồm đồ gốm, sứ, tiền xu, các bộ phận của tàu cổ dưới lòng đại dương.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng của Việt Nam, gồm khoảng 40 đảo nhỏ, cồn cát và rặng san hô. Việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động khảo cổ tại khu vực này là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Truyền thông

Trong một tháng qua, Biển Đông trở thành tâm điểm của truyền thông Trung Quốc. Giới chức nước này khẳng định trên báo chí rằng Trung Quốc “chỉ muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng thông qua đàm phán” và phản đối can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng tuyên bố chủ quyền gần như bao trọn Biển Đông với lập luận “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò”. Các quan chức nước này kêu gọi Hà Nội cũng như Manila “cần phải tôn trọng chủ quyền” của Trung Quốc, trong khi báo không ngần ngại đăng tải những ý kiến của “phe diều hâu”, với những phát biểu đao tao búa lớn tuyên bố “kiên quyết tự vệ” nếu “lợi ích quốc gia bị xâm phạm”.

Những bài viết và hình ảnh quảng bá về cái gọi là “thành phố mới Tam Sa” và các hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối gay gắt của Việt Nam và Philippines, được cập nhật đều đặn. Đặc biệt, hoạt động đánh cá trái phép quy mô lớn ở Trường Sa được ra quân rầm rộ và còn có nhiều phóng viên báo đài đi kèm để tuyên truyền trực tiếp thông qua các trang mạng xã hội và các báo mạng lớn.

Những động thái trên của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại không chỉ cho các nước có tranh chấp chủ quyền là Việt Nam và Philippines mà còn cho các nước trong khu vực Thái bình dương và Ấn Độ dương. Nhiều chính khách Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang khiêu khích một cách không cần thiết và các hành động nhằm đơn phương khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông là vi phạm luật quốc tế.

 

Theo Vnexpress