Sau khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư kiểm điểm trong suốt 12 ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác minh các vấn đề liên quan đến một số Uỷ viên Bộ Chính trị và báo cáo trong tháng 9.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Chính phủ. |
Ngày 13/8, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đã nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện, đang chuẩn bị tự phê bình và phê bình.
Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong 4 ngày. Tổng Bí thư đã nêu rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đợt tự phê bình và phê bình; xác định rõ yêu cầu phải đạt được, trách nhiệm nêu gương của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và mỗi thành viên.
Sau khi nghe Văn phòng Trung ương Đảng trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm, tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu, có người phát biểu 2 lần; phát biểu dài nhất gần 2 giờ; ít nhất trên 30 phút. Các vấn đề nổi cộm của tập thể trên cả 3 nội dung cấp bách đã nêu trong Nghị quyết đều được đặt ra để phân tích. Kết luận phần kiểm điểm tập thể, Tổng Bí thư khẳng định những ưu điểm cơ bản và chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm đã rõ và yêu cầu tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề quan trọng nảy sinh trong quá trình kiểm điểm.
Về kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân trong 12 ngày, chia làm 2 đợt. Đợt 1 trong năm ngày (21 – 25/7) kiểm điểm tự phê bình và phê bình: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Bình quân thời gian kiểm điểm mỗi người trên một ngày. Đợt 2, trong bảy ngày (1 – 7/8), tiếp tục kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn lại.
Các bản tự kiểm điểm của cá nhân trình bày trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư được chuẩn bị kỹ, kiểm điểm nghiêm túc. Các ý kiến góp ý chân tình, thẳng thắn; các vấn đề được các tổ chức Đảng và cá nhân góp ý với cá nhân các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được trình bày, phân tích góp ý. Sau khi kiểm điểm tập thể, từng người đối chiếu, hoàn thiện lại bản kiểm điểm cá nhân.
Tổng Bí thư giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến một số Uỷ viên Bộ Chính trị và báo cáo Bộ Chính trị (trong tháng 9/2012) để có kết luận cụ thể.
Hội nghị đã dành 5 ngày để kiểm điểm tự phê bình, phê bình 4 lãnh đạo chủ chốt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Chính phủ. |
Khác với nhiều năm, việc chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình, phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện rất nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ và khoa học. Tổ chức lấy ý kiến các cấp uỷ, tổ chức đảng, các chi uỷ, chi bộ nơi cư trú, các vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng và tương đương góp ý chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước khi kiểm điểm.
Trong kiểm điểm, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu; không khí thảo luận thẳng thắn, góp ý dân chủ, đoàn kết, chân thành. Hầu hết các vấn đề nổi cộm, bức xúc do các tập thể và cá nhân góp ý đều được phân tích, mổ xẻ. Khi kiểm điểm cá nhân, tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu góp ý, nhiều người phát biểu lần 2 và có trao đổi qua lại về cùng một vấn đề. Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận về kiểm điểm của từng người. Bộ Chính trị sẽ ban hành các kết luận này để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
Qua kiểm điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu, khuyết điểm và hạn chế của tập thể và các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề quan trọng cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; về một số dư luận bức xúc liên quan đến cá nhân, gia đình, vợ con,…).
Bộ Chính trị đã đề xuất và trình Hội nghị Trung ương 5 thảo luận, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Bộ Chính trị cũng chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và một số đề án về công tác cán bộ khác để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Kết luận Hội nghị cán bộ toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI được toàn Đảng, toàn dân và đồng tình, nhất trí cao vì đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phê bình và tự phê bình là giải pháp rất quan trọng nhưng khi thực hiện phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo nếu làm lần này không tốt, nguy cơ lại tiếp tục giảm sút lòng tin và như thế vô cùng nguy hiểm. Đây là sức ép nhưng cũng là cơ hội lớn để xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đây là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi phải phân tích, mổ xẻ ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình, tổ chức của mình. Đây thực sự là cuộc đấu tranh, không phải đấu tranh giữa người này và người kia mà là đấu tranh trong chính bản thân mỗi con người, giữa cái chính và cái tà, cái tốt và cái xấu vì lợi ích của tập thể và cá nhân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ yêu cầu, việc phê bình, tự phê bình phải thực sự cầu thị, thành khẩn, làm chặt chẽ, theo đúng quy trình, phải bám sát Nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương để làm cho tốt, làm bài bản, công phu, tỷ mỉ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đặc biệt, phải có quyết tâm rất cao, niềm tin lớn, tìm ra cách làm khả thi theo lộ trình và bước đi chặt chẽ. Làm không thành công phải làm lại, không làm theo kiểu hình thức, chiếu lệ.
Cuối cùng, phải có kết luận cho tập thể, kết luận cho từng cá nhân. Việc gì làm được ngay thì làm, việc gì kết luận được ngay thì kết luận, việc gì cần phải có thời gian thì phải cho làm tiếp, kể cả điều tra, xác minh, làm rõ… Trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình vẫn phải luôn đảm bảo công việc thường xuyên của cơ quan, đơn vị,…
“Chúng ta đang bước vào thời điểm rất thiêng liêng và hệ trọng, làm những công việc thiêng liêng và hệ trọng không chỉ cho mỗi bản thân chúng ta, đối với từng tổ chức mà đối với toàn Đảng, toàn dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Chính phủ