Toàn văn thông báo của Hội nghị Trung ương 6, khóa XI

202

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, từ ngày 01-10 đến ngày 15-10-2012, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã họp Hội nghị lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến các báo cáo, đề án về : Tình hình kinh tế – xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước; việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương; Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và một số vấn đề quan trọng khác. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.
1- Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ năm 2013. Ban Chấp hành Trung ương nhận định, chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động rất phức tạp và có nhiều khó khăn hơn so với dự báo. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng và đang phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2012. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,73%, dự báo cả năm đạt khoảng 5,2%. Lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, thông tin có tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là khó vay vốn tín dụng, hàng tồn kho cao. Nợ xấu cao và có xu hướng tăng. Giải quyết việc làm khó khăn. Thị trường bất động sản đình trệ chưa có khả năng phục hồi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Lĩnh vực giáo dục – đào tạo và y tế chưa có sự chuyển biến căn bản. Văn hoá, thể thao còn nhiều bất cập. Tai nạn giao thông còn cao. Tình trạng khiếu kiện, tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp .

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu bế mạc Hội nghị (ảnh: Vũ Duy)

Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, rủi ro; thương mại toàn cầu ít có khả năng được cải thiện, tăng trưởng không cao hơn nhiều so với năm 2012. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm trong khi nhiều chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện vẫn còn khá thấp so với mức đề ra cho cả nhiệm kỳ. Về mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2013, mục tiêu tổng quát là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị – xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo. Các chỉ tiêu chủ yếu : Tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỉ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7 – 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP. Bảo đảm an toàn nợ công. Cố gắng bảo đảm các chỉ tiêu về việc làm, giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu vừa nêu, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012. Điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt; cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối. Tập trung giải quyết có hiệu quả nợ xấu. Bảo đảm nhiệm vụ thu, chi theo kế hoạch, thực hiện triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Sử dụng bội chi ngân sách và tiền thu từ chuyển quyền sử dụng đất chủ yếu cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu. Thu hút và thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn nước ngoài ODA, FDI, quản lý có hiệu quả đầu tư gián tiếp của nước ngoài (FII); tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế và kiều hối. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công với lộ trình phù hợp và yêu cầu kiểm soát lạm phát. Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả. Thực hiện tốt các giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, giảm hàng tồn kho, phát triển thị trường. Ưu tiên tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành hàng, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực; thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, trước hết đối với dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Dành vốn thoả đáng để tham gia các dự án hợp tác công – tư (PPP), vốn đối ứng ODA, kinh phí giải phóng mặt bằng. Có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân vào đầu tư phát triển. Quan tâm bố trí ngân sách và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu các tổ chức tài chính, tín dụng; trong đó cơ bản hoàn thành sắp xếp, xử lý các tổ chức tài chính, tín dụng yếu kém. Tập trung xử lý có hiệu quả nợ xấu. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới, nghị quyết và kết luận Hội nghị Trung ương 5 khoá XI về chính sách xã hội, chính sách tiền lương, Pháp lệnh ưu đãi người có công.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chủ động ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Chủ động đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và các cơ chế, tổ chức, diễn đàn quốc tế.

 Theo VOV