2- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Ban Chấp hành Trung ương nhận định, hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX và các nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, các ngành, các cấp đã tổ chức quán triệt và thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước một cách khá đồng bộ, sâu rộng, đạt được những kết quả quan trọng. Doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp lại một bước (từ 5.374 doanh nghiệp giảm xuống còn 1.060 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt nhà nước cần nắm giữ; đứng vững và có bước phát triển, góp phần vào thành tựu chung của đất nước; chi phối được những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thế và lực của đất nước.
Ban Chấp hành Trung ương cũng nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong thực hiện các chủ trương của Đảng về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Quá trình cơ cấu lại và đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm; tổ chức triển khai chưa tốt, chỉ đạo thiếu chặt chẽ; một số doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản nhà nước nhưng chậm được phát hiện, xử lý. Vai trò công nhân tham gia cổ phần hoá trong các doanh nghiệp nhà nước còn mờ nhạt; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được đầu tư, chưa làm tốt vai trò đầu tàu, mở đường, dẫn dắt, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý chủ sở hữu nhà nước còn bất cập. Mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước nhìn chung chưa phù hợp với mô hình tổ chức, quản lý doanh nghiệp. Ban Chấp hành Trung ương đã phân tích, chỉ ra các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém. Đó là những sai sót, khuyết điểm trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ quản trị các tập đoàn, tổng công ty; trong phân cấp cơ quan quản lý và công tác kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp.
Ban Chấp hành Trung ương cho rằng, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, giữ vững vai trò nòng cốt, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Phải khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, bao gồm : công nghiệp quốc phòng, công nghiệp độc quyền tự nhiên, lĩnh vực cung cấp hàng hoá dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ có sức lan toả cao. Chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước vào năm 2015. Khẩn trương bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện nghiêm chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch. Kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước; xem xét chuyển một số tập đoàn kinh tế nhà nước thành tổng công ty. Đồng thời, với việc mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, phải tăng cường vai trò và sự giám sát, kiểm tra của đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhất là trong việc phê duyệt điều lệ, quyết định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt các doanh nghiệp. Nghiên cứu hình thành cơ quan nhà nước thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt, tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công, phối hợp trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương đã ra Kết luận về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Theo VOV