6- Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc kiểm điểm lần này, rút kinh nghiệm cách làm của các khoá trước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã triển khai chuẩn bị một cách công phu, nghiêm túc, chặt chẽ. Đã có 89 tập thể và 103 cá nhân gửi văn bản góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 25 tập thể, 36/36 chi bộ nơi công tác, nơi cư trú và 72 đồng chí góp ý cho cá nhân, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhiều ý kiến góp ý rất thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, xây dựng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lọc ra 30 vấn đề cần phải tiếp thu, giải trình kỹ và giao cho các cơ quan hữu quan (Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng) giúp Bộ Chính trị chuẩn bị báo cáo.
Các đồng chí dự Hội nghị Trung ương 6 biểu quyết thông qua Nghị quyết hội nghị (ảnh: Vũ Duy) |
Sau hơn 2 tháng chuẩn bị, từ ngày 12-7-2012, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bắt đầu tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình với một nhận thức và tâm thế bước vào một đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng; vì sự vững mạnh và danh dự của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; và vì sự tiến bộ của từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo tự phê bình và phê bình là phải giữ đúng nguyên tắc, có tình đoàn kết, thương yêu đồng chí; vừa có lý, có tình, vừa phải xử lý nghiêm minh những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm, theo phương châm “trị bệnh cứu người”, giúp nhau cùng tiến bộ.
Thời gian tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là 21 ngày (tập thể 4 ngày, cá nhân 12 ngày, thảo luận làm rõ một số báo cáo và một số vấn đề có liên quan đến kiểm điểm 5 ngày), theo đúng nguyên tắc và quy định của Đảng. Tập thể trước, cá nhân sau. Trong kiểm điểm cá nhân thì đồng chí Tổng Bí thư kiểm điểm trước, tiếp đến các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác. Việc kiểm điểm được tách thành nhiều đợt để có thời gian cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo giải quyết các công việc thường xuyên, đột xuất của Đảng, Nhà nước.
Nội dung kiểm điểm tập thể và cá nhân bám sát vào các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4. Một số vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ khá sâu sắc. Nhìn chung, các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thể hiện tinh thần tự giác và trách nhiệm cao trong tự phê bình và phê bình. Tất cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu góp ý cho tập thể và cá nhân. Một số đồng chí phát biểu nhiều lần, có ý kiến trao đi, đổi lại. Những vấn đề có thể kết luận được thì Bộ Chính trị kết luận ngay (như về tái lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương; đổi mới công tác giao ban báo chí; yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình tái cơ cấu Vinashin, Vinalines). Những vấn đề cần phải xác minh, làm rõ thì giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với một số cơ quan chức năng có liên quan xác minh, làm rõ.
Về ưu điểm nổi bật : Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Nhìn chung, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn có ý thức giữ gìn đạo đức cách mạng, sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; hết lòng, hết sức tận tuỵ phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Trước tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, bám sát các quan điểm, đường lối nêu trong Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng và tình hình thực tiễn, quyết định nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng suốt; lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng.
Về khuyết điểm chủ yếu : Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa ngăn chặn, khắc phục được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt về lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc.
Việc một số đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn có biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ, thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực trong công tác cán bộ (như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp…) và đề bạt con một số cán bộ lãnh đạo không dựa trên năng lực, trình độ và quá trình rèn luyện, gây dư luận bức xúc.
Trong công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá X có một số thiếu sót, khuyết điểm như : không sử dụng đầy đủ các cơ quan chức năng của Đảng theo đúng quy định; một số cuộc họp thảo luận việc này chưa thấu đáo, kỹ lưỡng.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư có khuyết điểm lớn trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương về doanh nghiệp nhà nước. Chưa nhận thức đầy đủ, chưa nghiên cứu thấu đáo trong việc ban hành một số quyết định (về phân cấp quản lý cán bộ chủ chốt tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt; về mô hình tổ chức đảng trong một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước…) đã dẫn đến lúng túng, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp nhà nước. Việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan nhà nước (khi bỏ Luật Doanh nghiệp nhà nước, bỏ chế độ bộ chủ quản và giao mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp); cùng với việc kéo dài thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước, chậm tổng kết là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (điển hình là Vinashin, Vinalines) hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, với hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt và ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò kinh tế nhà nước.
Trên thực tế, ngay trong quá trình chuẩn bị và tiến hành tự kiểm điểm, phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tạo được một số chuyển biến khá rõ, như : phát huy ngay các nhân tố tích cực, siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Từ các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến cán bộ, đảng viên bước đầu có tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt động của mình trong công tác và trong cuộc sống hằng ngày của gia đình, vợ con và người thân.
Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tự giác xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, tiếp thu ý kiến góp ý và sửa chữa ngay một số khuyết điểm, góp phần đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4. Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước (trình Hội nghị Trung ương 6); ban hành một số văn bản : Hướng dẫn thực hiện việc chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; quyết định điều chuyển, phân công công tác đối với một số đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng.
Đã tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí, chấn chỉnh việc truyền phát một số kênh truyền hình nước ngoài và tình trạng quản lý lỏng lẻo các trang mạng, blog cá nhân, từng bước hạn chế tác động tiêu cực của những thông tin sai trái, xuyên tạc trên Internet. Ban Bí thư ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và Quy định bổ sung, sửa đổi về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; chỉ đạo sửa đổi ngay lề lối làm việc, cách đi công tác địa phương, cơ sở theo hướng thiết thực, cụ thể, tránh hình thức, nghi lễ rườm rà. Đối với một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo cao cấp có hoạt động, bài viết hoặc phát biểu trái với chủ trương, đường lối của Đảng, Ban Bí thư đã chỉ đạo các tổ chức đảng phối hợp với các cơ quan có liên quan vận động, thuyết phục; phân công một số đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, góp ý chân thành trên cơ sở nguyên tắc đảng và tinh thần đồng chí.
Đã tập trung chỉ đạo xử lý một số vấn đề phức tạp, nổi cộm trong thực hiện chủ trương cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường tài chính. Chỉ đạo việc điều tra, xử lý một số vụ án kinh tế nghiêm trọng, điển hình là việc khởi tố Nguyễn Đức Kiên và một số nguyên lãnh đạo Ngân hàng ACB (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Xuân Giá, Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải…) về các hoạt động phi pháp nhằm mục đích đầu cơ, thao túng thị trường tiền tệ; truy bắt Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình. Ngay trong quá trình kiểm điểm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bàn, cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong Đảng và nhân dân, như về tình hình thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin và về vụ việc ở Vinalines.
Qua việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư càng có điều kiện hiểu biết, học hỏi lẫn nhau để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đổi mới lề lối làm việc, nghiêm khắc với mình hơn, giữ gìn đạo đức, lối sống. Quá trình kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có tác dụng nêu gương cho cấp dưới. Cách làm, kinh nghiệm chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có tác động lan toả, định hướng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm ở cấp tỉnh và tương đương nói riêng, trong toàn Đảng nói chung, được dư luận đánh giá tốt.
Ngay sau khi kết thúc đợt đầu kiểm điểm tập thể và cá nhân, ngày 13-8-2012, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc phổ biến kinh nghiệm, cách làm cho cán bộ cấp tỉnh, thành và tương đương. Bộ Chính trị cũng đã gợi ý kiểm điểm sâu hơn về một số nội dung đối với 56 tập thể và một số cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị quản lý; phân công các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thành lập các nhóm công tác của Trung ương đi dự, chỉ đạo kiểm điểm ở cấp tỉnh và tương đương. Vừa qua, các nơi đã vận dụng cách làm, kinh nghiệm nói trên trong chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Một số địa phương đã quyết định triển khai thực hiện một số chủ trương mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, như chấn chỉnh ngay một số khuyết điểm, xử lý vi phạm trong công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn; quyết định thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do bầu cử trong cấp uỷ đảng và hội đồng nhân dân; ra chỉ thị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; tạm dừng các đoàn đi nước ngoài, giảm bớt các lễ hội tốn kém… Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước, khu vực và thế giới, cùng với việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết công việc thường xuyên và đột xuất của Đảng, Nhà nước đạt được một số kết quả quan trọng : Bước đầu kiềm chế được lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý; củng cố quốc phòng và an ninh, tăng cường các hoạt động đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia và môi trường hoà bình để phát triển đất nước. Bước đầu thấy rõ hơn phương hướng, giải pháp, một số việc cần làm ngay và có quyết tâm sửa chữa, góp phần củng cố thêm niềm tin trong Đảng và nhân dân.
Về phương hướng, giải pháp khắc phục, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung thực hiện ngay một số công việc sau :
Từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước hết là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, cam kết với Ban Chấp hành Trung ương : Luôn thực sự gương mẫu, thực sự đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân; giáo dục gia đình, vợ (chồng), con, người thân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Thực hành tự phê bình, phê bình thẳng thắn, thương yêu đồng chí, khắc phục ngay tình trạng nể nang, né tránh. Gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tăng cường giám sát, nhắc nhở nhau để sớm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý những biểu hiện vi phạm Quy định 19 điều đảng viên không được làm.
Sau khi chỉ đạo sơ kết ở cấp tỉnh, có hướng dẫn chỉ đạo việc tự phê bình và phê bình một cách chặt chẽ và nghiêm túc ở cấp huyện và cơ sở, tránh khuynh hướng làm qua loa, chiếu lệ. Từ đó, đưa việc sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 trở thành công việc thường xuyên trong Đảng. Thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương. Khẩn trương xây dựng và hoàn thành các đề án theo đúng tiến độ đã đề ra trong Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Tập trung nghiên cứu, tiếp tục làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận – thực tiễn của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là đối với thế hệ trẻ và trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Lãnh đạo, chỉ đạo quản lý chặt chẽ đối với hoạt động báo chí, xuất bản. Chủ động xây dựng mạng xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta; xây dựng đội ngũ cán bộ đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái trên mạng, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Xây dựng chế độ thường kỳ gặp gỡ các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao; chủ động gặp gỡ trao đổi, để vận động, thuyết phục những người có quan điểm khác với quan điểm của Đảng, kể cả những cá nhân có quan điểm sai trái. Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì tổ chức trao đổi, đối thoại về lý luận trong nội bộ Đảng. Kiên quyết phê phán và có hình thức xử lý nghiêm đối với những đảng viên nói trái, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, truyền bá những quan điểm sai trái với đường lối của Đảng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ, đảng viên thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm và xử lý nghiêm khắc những đảng viên vi phạm. Đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật quốc gia, bảo vệ cán bộ, bảo vệ Đảng.
Tăng cường quản lý đảng viên, ngăn chặn các thế lực thù địch thâm nhập, tác động chuyển hoá, lôi kéo.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, kiểm tra, giám sát, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Sớm chấn chỉnh để hạn chế tối đa việc tổ chức các ngày kỷ niệm, lễ hội…; khắc phục ngay tình trạng phô trương, hình thức, lãng phí, tốn kém. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các quyết định của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm quản lý chặt chẽ, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong công tác đảng, công tác tổ chức, cán bộ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định, quy chế để hoàn thiện cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thật sự chặt chẽ và có hiệu quả; chỉ đạo thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát tài chính, quản trị doanh nghiệp.
Về việc xem xét trách nhiệm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư :
Sau khi đánh giá toàn diện và toàn bộ kết quả đợt kiểm điểm lần này, Bộ Chính trị đã báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương. Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương, trước toàn Đảng và toàn dân về tất cả những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, về những suy thoái, hư hỏng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Mặc dù nhiều khuyết điểm, hạn chế có từ các khoá trước, thậm chí chủ yếu là từ các khoá trước dồn lại, nhưng với trách nhiệm của người đứng đầu hiện nay (tập thể, cá nhân), Bộ Chính trị và từng Uỷ viên Bộ Chính trị đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm chính trị rất lớn trước những khuyết điểm và hạn chế đó. Để giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng và góp phần giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Đảng và làm gương cho toàn Đảng, Bộ Chính trị đã thống nhất cao tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét có hình thức kỷ luật khiển trách về trách nhiệm chính trị đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị. Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao việc tập thể Bộ Chính trị tự giác xin nhận kỷ luật; điều đó thể hiện tinh thần thẳng thắn, cầu thị, nghiêm túc, gương mẫu và quyết tâm cao trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị.
Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh, đánh giá cao sự nghiêm túc, gương mẫu với ý thức trách nhiệm cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng như quyết tâm, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; nhất trí với các báo cáo của Bộ Chính trị; thống nhất kết luận, đợt kiểm điểm tự phê bình, phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI cơ bản đạt yêu cầu.
Ban Chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận thấy phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân và cố gắng sẽ làm hết sức mình để từng bước khắc phục. Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, lúc này, hơn lúc nào hết, chúng ta càng cần siết chặt đội ngũ, tăng cường đoàn kết, thống nhất, giữ vững niềm tin, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy những kết quả bước đầu quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế yếu kém, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực sự là Đảng cách mạng chân chính, gắn bó máu thịt với nhân dân.
Theo VOV