Giảm đầu tư công để tăng lương cho người lao động

253
 
Giảm đầu tư công để tăng lương cho người lao động
Trong phiên họp sáng 31.10, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình 2 lần nhận trách nhiệm về quản lý thị trường vàng. Ảnh: giang huy
 
Cần bao nhiêu tiền để tăng lương? Tăng lương tối thiểu đến mức bao nhiêu và vào thời điểm nào để đảm bảo cân đối đủ ngân sách nhà nước? Quản lý thị trường vàng đã hiệu quả hay chưa? Việc độc quyền thương hiệu vàng SJC lợi hay hại?… là những vấn đề nóng đã được nêu ra tại phiên thảo luận của QH về KT-XH sáng 31.10.

Cần 1 tỉ USD để tăng lương cho 6 tháng cuối năm 2013

Sau khi nghe nhiều ý kiến phát biểu của các ĐB về chương trình tăng lương cho người hưởng lương từ ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH qua các phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, báo cáo QH, dự kiến trình QH xem xét quyết định phương án tăng lương ngay trong khi xem xét quyết định dự toán ngân sách năm 2013 tại kỳ họp này với phương án khái quát cụ thể như: Tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công với số lượng khoảng 8 triệu người ở mức 100.000 đồng/người/tháng, trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 1.7.2013.

“Tổng số kinh phí để đáp ứng mức tăng này cần khoảng 20.700 tỉ đồng (tức là khoảng 1 tỉ USD), trong đó ngân sách trung ương phải lo 18.400 tỉ và ngân sách địa phương phải lo 3.300 tỉ đồng” – ông Huệ khẳng định. Để đảm bảo cân đối ngân sách do tăng lương, ông Huệ cho biết Chính phủ sẽ có báo cáo để QH xem xét quyết định giảm mức đầu tư công khoảng 10.000 tỉ đồng, đồng thời trình QH cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013 ở mức 55.000 – 60.000 tỉ đồng. Tiết kiệm chi ngân sách trung ương 10% khoảng 1.600 tỉ đồng. Giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng xuống còn 73.200 tỉ đồng.

Giá vàng bị phụ thuộc thương hiệu

Thị trường vàng trong thời gian qua cũng đã được nhiều ĐB quan tâm bày tỏ chính kiến. Trước vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đứng lên nhận trách nhiệm:

“Tôi xin thay mặt cho NHNN nhận trách nhiệm về việc không làm tốt thông tin truyền thông để phổ biến kịp thời những nội dung về chủ trương chính sách của Nhà nước trong vấn đề quản lý thị trường vàng, do đó còn nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác, gây nên những cách hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường”.

Về việc SJC độc quyền dập mác vàng, ông Bình tiếp tục nhận lỗi: “Chúng tôi cũng xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội là vẫn còn có một số tồn tại trong các vấn đề quản lý thị trường vàng”. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, thực tế vàng SJC đến thời điểm hiện nay đã chiếm tới khoảng 93 – 95% của thị phần vàng miếng toàn quốc. Do vậy, để tránh xáo trộn trên thị trường vàng miếng cũng như chi phí phải dập lại thì NHNN sử dụng luôn mác đó và độc quyền nhà nước về mác đó, chứ không có Công ty SJC nào được dập vàng miếng SJC nữa.

Không hài lòng với cách giải thích của Thống đốc NHNN, ĐB Nguyễn Văn Hiến – Phó Trưởng đoàn ĐB chuyên trách đoàn ĐBQH Bà Rịa – Vũng Tàu – cho rằng, nhận xét về việc quản lý thị trường vàng chưa mang lại hiệu quả của UBKT của QH là còn quá nhẹ nhàng. Ông Hiến bức xúc: “Chúng ta đang ngồi đây thì ngoài kia hàng đoàn người đang xếp hàng để chuyển đổi, để kiểm định, để có bao bì mới của SJC, nhưng Thống đốc lại cứ thản nhiên là người dân phải tự bảo vệ mình.

Từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng thì thị trường vàng chia làm hai. Một nửa là SJC bán với giá luôn cao hơn 2-3 triệu đồng so với giá vàng thế giới và phần còn lại thì bán sát giá vàng thế giới. Thống đốc nói vừa rồi mua vào 60 tấn vàng, tại sao Nhà nước phải mua 60 tấn vàng, trong khi giá cao như vậy?”. Chưa hết, ĐB Hiến truy tiếp: Ngày 28.10, tại cuộc họp báo Chính phủ, NHNN cho biết SJC chỉ nhận gia công và nhận 5.000 đồng phí/lượng.

Câu hỏi đặt ra là vậy SJC gia công cho ai? Tại sao giá chênh lệch như vậy và chênh lệch vào túi ai? Ngân sách nhà nước có được hưởng không? ĐB Hiến cũng cho rằng, từ khi thực hiện chính sách quản lý vàng đã gây tổn thất không nhỏ cho DN kinh doanh vàng, cho người dân, do phải bù tiền để chuyển đổi thương hiệu và những DN được đội mũ SJC thì thu lợi rất lớn. Việc độc quyền dập mác SJC dẫn đến chỉ có SJC mới có quyền phán là nhái SJC hay không, trong khi đó vàng vẫn là vàng chất lượng 4 số 9. Khi SJC cho rằng đây là vàng nhái SJC thì thu vào thấp hơn 3 triệu đồng/lượng, nếu người dân phải chuyển đổi mất 3 triệu đồng/lượng, không may dính vàng nhái, khi bán lại cho SJC mất 3 triệu nữa tức là 1 lượng vàng dân mất 6 triệu đồng, dù vàng đó vẫn là vàng thật. “Có lẽ chỉ có ở nước ta giá vàng bị phụ thuộc vào thương hiệu chứ không phụ thuộc vào tuổi vàng” – ĐB Hiến bức xúc.

Cần tiết kiệm chi tiêu để tăng lương cho người nghèo

Chiều 31.10, QH đã thảo luận tại hội trường về “chia bánh ngân sách” năm 2013. Rất nhiều ý kiến phát biểu tranh luận về việc phân chia ngân sách cho các lĩnh vực, các ngành như thế nào cho hợp lý. Lẽ tất nhiên, ĐB thuộc ngành nào thì đều có ý kiến muốn ngân sách chi cho ngành mình nhiều hơn.

Gần cuối buổi thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến bày tỏ sự mong muốn QH quyết định nâng lương, phụ cấp cho người nghèo và đối tượng chính sách. Chủ tịch QH nói: “Ngân sách thì do QH quyết định, vì vậy mong rằng các cơ quan của QH, của Chính phủ tính toán làm sao có thể tiết kiệm các khoản chi tiêu để nâng mức phụ cấp, lương hưu cho các đối tượng hưu trí, đối tượng chính sách vì những đối tượng này khó khăn lắm. Cũng mong các cơ quan tính toán làm sao để có thể nâng được mức lương cho cán bộ công chức tới mức 2-3 triệu vì đời sống đối tượng này cũng khó”.   

Chủ nhiệm UBCVĐXH của QH Trương Thị Mai: Dân không chấp nhận bộ máy nhà nước quá đông. “Tôi xin nói chúng ta không thể sử dụng một tỉ lệ quá cao ngân sách để chi cho lương mà chúng ta chỉ có thể sử dụng một phần hợp lý vì phải đầu tư cho an sinh xã hội, cho đầu tư công. Người dân không thể chấp nhận một bộ máy Nhà nước quá đông và sử dụng ngân sách quá lớn để mà trả cho tiền lương được. Để xử lý việc này, không cách nào bằng cách sắp xếp lại bộ máy và sắp xếp lại tiền lương cho các khu vực.

Nhà nước chỉ tập trung cho khu vực hành chính, còn khu vực dịch vụ công thì có thu và phải giữ nguồn thu đó để chi cho trả lương, cho đầu tư trở lại.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền: Cần có lộ trình tăng ngay trong năm 2013. “Qua đánh giá, chúng tôi thấy mức tối thiểu hiện nay không đủ sống, chỉ đảm bảo được trên 60% nhu cầu sống tối thiểu, vậy nên đứng trên quan điểm của cơ quan lập chính sách thì chúng tôi thấy cần có lộ trình tăng ngay trong năm 2013. Tuy nhiên, cũng chia sẻ với người sử dụng lao động trong lúc khó khăn, nên mức đề xuất tăng sẽ không đủ 100% như lộ trình”.      Chí Tùng (ghi)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Tồn kho 16.469 căn hộ chung cư, nhưng dân nghèo vẫn không có nhà ở. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thì  hiện nay cả nước có 2.399 dự án và xấp xỉ khoảng 71.000ha đất cho bất động sản. Riêng Hà Nội có 368 dự án với khoảng 20.000ha cho bất động sản, những dự án đang triển khai chiếm khoảng 40% tức là 8.000ha với 233 dự án. Hàng tồn kho cả nước hiện nay có 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng, và 25.870m2 nhà văn phòng cho thuê. Ông Dũng cũng cho biết: “Sản phẩm bất động sản chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình ở mức độ cao, còn sản phẩm bất động sản cho người thu nhập thấp, những đối tượng xã hội thì rất ít. Một bộ phận lớn người dân nghèo vẫn thiếu nhà ở”.              S.Đà

 
Theo Báo Lao Động