Mưu đồ xua tàu cá độc chiếm biển Đông của Trung Quốc

151

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, việc Trung Quốc đơn phương áp đặt các hành động kiểm soát biển Đông, dùng đội tàu cá để quấy phá trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn, mức độ ngày càng gia tăng.

Trao đổi với VnExpress, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho hay, ông không ngạc nhiên trước việc tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 02 và những hành động kiểm soát tàu cá Việt Nam gần đây của chính quyền Hải Nam.

Theo ông, với chiến lược độc chiếm Biển Đông song lại không muốn đánh rơi “mặt nạ hòa bình”, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xua “đội quân” tàu cá hàng chục nghìn chiếc xuống Biển Đông, đặc biệt là các vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của các nước. Đội quân này luôn đi thành từng đoàn lớn khiến các tàu cá vốn đã nhỏ, mã lực yếu như của Việt Nam không thể nào cạnh tranh nổi dù hoạt động trên vùng biển chủ quyền của nước mình.

“Đây gọi là lấy thịt đè người, không đánh, không dùng đến lực lượng vũ trang mà vẫn độc chiếm được các vùng đặc quyền kinh tế, cướp được tài sản của các nước khác trong đó có Việt Nam. Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển theo hướng này”, tướng Lê Văn Cương khẳng định.

Cũng theo ông, qua trao đổi với các chuyên gia, nhà chiến lược Nhật Bản gần đây, ông được biết cường quốc này cũng phải “ngán” tàu cá của Trung Quốc. Nhật Bản không dám đưa tàu chiến ra vì sợ Trung Quốc “lu loa” với thế giới là tàu quân sự đàn áp tàu dân chính. Trong khi đó các lực lượng chấp pháp không thể ngăn cản hết các vụ xâm phạm.

Vị trí xảy ra sự cố với tàu Bình Minh 02. Ảnh: Petrotimes.

Hoàn cảnh của Việt Nam cũng tương tự khi lực lượng cảnh sát biển lại quá mỏng, kiểm ngư chưa được thành lập. “Trong quan hệ Việt – Trung hàng nghìn năm nay, cần nhớ một điều cốt tử là khi Việt Nam lùi thì Trung Quốc tiến, khi Việt Nam đứng vững thì Trung Quốc không làm gì được”, vị tướng chiến lược nói.

Trước thông tin chính quyền đảo Hải Nam (Trung Quốc) ra quy định cho phép cảnh sát địa phương được phép “lên tàu, thu giữ và trục xuất các tàu xâm phạm trái phép vùng biển của tỉnh”, đại diện Hội nghề cá Việt Nam cho biết, đây là hành động vi phạm Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam.

“Hành động này ảnh hưởng trực tiếp tới ngư dân vì nó sẽ cho phép lực lượng Trung Quốc quyền ngăn chặn, bắt bớ các tàu cá Việt Nam đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của mình. Hội cực lực phản đối”, Phó chủ tịch Hội nghề cá Võ Văn Trác nói.

Theo ông Trác, trước hàng loạt các hành động của phía Trung Quốc như thành lập thành phố Tam Sa, “hiện thực hóa đường lưỡi bò” hay gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 vào ngày 30/11, Hội nghề cá đã có văn bản gửi tới Bộ Ngoại giao để góp tiếng nói.

Các tàu tuần tra của cảnh sát biển Trung Quốc. Ảnh: Cqzg.

Đồng thời, thông qua hệ thống của mình, Hội nghề cá đã có hướng dẫn các chi hội ở các địa phương tổ chức tàu cá hoạt động theo từng tổ đội khi đánh bắt xa bờ, đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Việc hoạt động theo từng đội, tổ sẽ giúp ngư dân Việt Nam có thể giúp đỡ, phản ứng kịp thời trước sự ngăn chặn, bắt bớ từ phía Trung Quốc.

Theo Hội nghề cá, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam cần theo dõi hoạt động của tàu cá Trung Quốc, nếu các tàu này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế mà không xin phép thì cần phải ngăn chặn, đuổi ra ngoài. Bên cạnh đó, Hội cũng tiếp tục phát đi thông báo đối với ngư dân Việt Nam, động viên ngư dân kiên quyết bám biển, giữ ngư trường; thông qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bình luận về các hành động của phía Trung Quốc, thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho rằng, chiến lược hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là thống nhất từ trên xuống. Vì thế, không cứ là bộ, ngành hay địa phương cụ thể nào, khi đưa ra các hành động như in hộ chiếu lưỡi bò, đòi lục soát tàu thuyền trên Biển Đông… đều nằm trong chiến lược chung.

Ông Ngô Sĩ Tồn, chủ nhiệm Văn phòng đối ngoại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) khi trả lời báo báo Wall Street Journal và Hãng tin Reuters ngày 5/12 đã thừa nhận, quy định mới của tỉnh là “sáng kiến” của địa phương song đã được Bắc Kinh “bật đèn xanh”.

Gần đây Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong việc đòi chủ quyền trên Biển Đông như in bản đồ có yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông, thường được gọi là “đường lưỡi bò” lên mẫu hộ chiếu mới. Tuần trước, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc công bố luật cho phép các tàu chấp pháp của họ quyền tiếp cận và lục soát các tàu thuyền mà họ cho là vi phạm vùng nước trên Biển Đông.

4h5 ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 02 di chuyển ở khu vực ngoài ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để khảo sát địa chấn đã gặp rất nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trái phép. Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu tàu cá Trung Quốc ra khỏi khu vực của tàu Bình Minh 02, tàu kéo dã cào của Trung Quốc “đã chạy qua phía sau làm đứt cáp thu nổ địa chấn của tàu Bình Minh 02”. Đây là lần thứ hai trong 18 tháng qua, Bình Minh 02 gặp sự cố với tàu Trung Quốc.

Liên quan tới vụ tàu Bình Minh 02, theo Tân Hoa xã, trong cuộc họp báo ngày 6/12, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc, nói rằng, các tàu cá của Trung Quốc đã “bị đuổi khi hoạt động bình thường ở vùng biển quanh đảo Hải Nam” và đòi Việt Nam “ngừng các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương”. Ông Hồng nói thêm rằng các thông tin mà Việt Nam đưa ra là “trái với thực tế”.