Yêu cầu Đài Loan hủy bỏ thăm dò dầu khí ở Trường Sa

118

Việt Nam phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ việc vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Đảo Ba Bình của Việt Nam nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Google Maps

“Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc phía Đài Loan tiến hành thăm dò dầu khí trên đảo Ba Bình là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói trong cuộc họp báo hôm nay.

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan hủy bỏ ngay kế hoạch phi pháp nêu trên”.

Tuyên bố nói trên của ông Nghị là để trả lời cho câu hỏi của VnExpress, về phản ứng của Việt Nam trước việc quan chức Đài Loan mới đây đã tuyên bố tiến hành thăm dò dầu khí tại vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cũng trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam cũng trả lời câu hỏi liên quan tới việc 20 ngư dân Việt Nam vào ngày 8/1 bị tàu Trung Quốc ngăn cản việc tránh bão ở gần quần đảo Hoàng Sa.

“Cản trở các ngư dân vào tránh trú bão là việc làm không phù hợp với tinh thần đối xử nhân đạo. Hiện nay các tàu cá và ngư dân Việt Nam đã tránh trú bão an toàn”, ông Nghị nói.

Về việc phía Trung Quốc và Đài Loan gần đây lên tiếng bày tỏ quan ngại cho rằng Luật Biển Việt Nam có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với các nước trong khu vực, ông Nghị cho hay: “Liên quan đến Luật Biển Việt Nam, chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của Việt Nam. Việt Nam thông qua Luật Biển là việc làm bình thường và cần thiết của một quốc gia ven biển có chủ quyền, thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”.

Theo ông Nghị, Luật Biển Việt Nam khẳng định rõ chủ trương của Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như các thỏa thuận, cơ chế liên quan, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực Biển Đông.

 

Theo Vnexpress