LỄ HỘI “THANH ÂM CỦA NÚI”, GÓP PHẦN VÀO NHIỆM VỤ CHẤN HƯNG VĂN HÓA TRONG THỜI KỲ MỚI VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

64
Đồng chí Ca Tông Thị Mến – Phó Chủ tịch UBND huyện 

Thiết thực Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024). Nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay gắn với nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên thanh thiếu niên và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Từ ngày 30/4 đến 01/5/2024, Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp với UBND huyện Khánh Vĩnh tổ chức Lễ hội “Thanh âm của núi”. Đến dự buổi Lễ khai mạc có đồng chí Trần Anh Tuấn – Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh; đồng chí Đặng Văn Tuấn – Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Khánh Vĩnh và đồng chí Ca Tông Thị Mến – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh.

Lễ hội “Thanh Âm Của Núi ” là Lễ hội nông sản và giao lưu văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, lễ hội diễn ra trong 02 ngày (30/4 và 01/5/2024) thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, người dân trên địa bàn huyện tham gia. Tại đây, các tổ chức đoàn xã, thị trấn cùng các nghệ nhân người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cùng tham gia nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo tồn, gìn giữ nét văn hoá truyền thống như: diễu hành và trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn nhạc cụ truyền thống Mã La của người Raglai; Giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương; Hội diễn nghệ thuật văn hoá cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện; Hội thi giã gạo; tái hiện nghề đan lát truyền thống, Hội thi ẩm thực truyền thống, tổ chức sinh hoạt về nguồn tại địa chỉ đỏ…

Lễ hội “Thanh Âm Của Núi” đặt ra các mục tiêu: Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành trong điều kiện phát triển chung của huyện Khánh Vĩnh, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai. Tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam.

Đồng chí Trần Anh Tuấn và Đồng chí Đặng Văn Tuấn tặng hoa chúc mừng lễ hội
Chương trình văn nghệ tại lễ hội
Trình diễn nghệ thuật “Thanh Âm Của Núi”
Chương trình văn nghệ, trình diễn nghệ thuật tại lễ hội
Trình diễn nhạc cụ truyền thống Mã La của người Raglai
Trình diễn trang phục truyền thống, nhạc cụ văn hóa cộng đồng các dân tộc tại địa phương
Chương trình văn nghệ tại lễ hội
Diễu hành và trình diễn trang phục truyền thống tại Lễ hội nông sản
Giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương
Sản phẩm nông nghiệp địa phương
Nghề đan lát truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số miền núi
Tái hiện nghề đan lát truyền thống
Hội thi giã gạo tại Lễ hội nông sản

Lễ hội không chỉ là dịp để thưởng thức, đắm mình trong bản sắc văn hoá của đồng bào mà còn là cơ hội để trao đổi, thể hiện vai trò của tuổi trẻ trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Thực tế hiện nay, trong khi các Nghệ nhân dân gian tuổi càng ngày càng cao và số lượng nghệ nhân cũng giảm dần, bên cạnh nhiều bạn trẻ thờ ơ với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thì có những bạn trẻ đã và đang nỗ lực góp phần để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Xuất phát từ lòng đam mê văn hóa văn nghệ, cũng như ý thức được việc bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc, trong những năm qua ở huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều mô hình, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ được ra đời và đi vào hoạt động hiệu quả, không chỉ trở thành điểm sinh hoạt của những người yêu quý nét văn hoá truyền thống của đồng bào Raglai mà còn lưu giữ, bảo tồn, phát huy được những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Raglai. Dịp này, các đồng chí đại biểu, đoàn viên thanh niên đã được trải nghiệm thực hành các nghề thủ công với nghề đan, lát, hòa mình vào các hội thi truyền thống của người đồng bào Raglai. Đây là những trải nghiệm thực tế hết sức thú vị, giúp đoàn viên thanh niên hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Raglai. Đồng thời là cơ hội quảng bá, giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương Khánh Vĩnh nói riêng và của tỉnh Khánh Hòa nói chung đến với bạn bè du khách góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.