Mỹ tháo ‘ngọc trai’ khỏi chuỗi hạt của Trung Quốc

193
 Tổng thống Obama gặp Tổng thống Thein Sein khi tới thăm Myanmar. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Obama gặp Tổng thống Thein Sein khi tới thăm Myanmar. Ảnh: Reuters.

Việc Tổng thống Myanmar Thein Sein lần đầu đến Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua cho thấy rõ mong muốn giành ảnh hưởng của Mỹ tại một quốc gia có vị trí quan trọng đối với Trung Quốc.

Những người ủng hộ cải thiện quan hệ Mỹ-Myanmar gọi chuyến thăm sắp tới là mốc quan trọng trong quan hệ song phương và là bằng chứng về sự hỗ trợ của Washington dành cho sự thay đổi dân chủ tại Myanmar.

Những người phê phán lại nhấn mạnh thực tế là tình trạng vi phạm nhân quyền tại Myanmar vẫn đang tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, như thường lệ, trong trường hợp này, nhân quyền chỉ là màn khói che giấu mục tiêu địa chính trị quan trọng hơn của Mỹ, đó là đưa Myanmar ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và đảm bảo cho Washington một chỗ đứng trong khu vực chiến lược quan trọng này.

Gần nửa thế kỷ qua Myanmar nằm dưới quyền lãnh đạo của chính quyền quân sự. Phương Tây áp đặt lên quốc gia này các cơ chế trừng phạt cứng rắn, và trên thực tế, từ lâu đồng minh duy nhất của Myanmar là Trung Quốc.

Năm 2011, tổng thống Myanmar Thein Sein đã thực hiện chính sách dân chủ trong nước và đường lối cởi mở hơn trong quan hệ với phương Tây. Hàng trăm tù nhân chính trị được ra tù, trong đó có lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, người trong nhiều năm bị quản thúc tại gia. Người phụ nữ được trao giải Nobel Hòa bình này đã được bầu vào Quốc hội.

Do đó, phương Tây đã làm dịu lập trường của mình và gỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar. Tháng 11/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Myanmar.

Tuy nhiên, cải cách tại Myanmar chỉ mang tính nửa vời. Thậm chí xung đột sắc tộc và tôn giáo trong nước trong những năm gần đây còn gia tăng. Ông Boris Volkhonsky, chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược Nga nói: “Năm 2012, tại bang miền tây Rakhine, đám đông Phật tử chiếm đa số ở Myanmar đã càn quét, tàn sát người dân tộc thiểu số Hồi giáo. Hậu quả các cuộc bạo loạn là khoảng 200 người thiệt mạng, hơn 140.000 người mất nhà cửa và vẫn đang sống ở các trại tị nạn trong điều kiện kinh khủng.”

Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, ông Zaw Htay, Chánh Văn phòng của Tổng thống Thein Sein, nói rằng việc người đứng đầu nhà nước Myanmar được mời tới Nhà Trắng thể hiện sự tán thành của Washington đối với “mùa xuân Myanmar” và là một dấu hiệu nữa cho thấy các cuộc cải cách tại quốc gia từng bị cô lập này là không thể đảo ngược.

Ông Zaw Htay nhấn mạnh rằng, quốc gia của ông sẽ không đi tụt lùi trên con đường dân chủ, và rằng “mùa xuân Myanmar cụ thể hơn so với mùa xuân Ảrập và là hiện thân của những giá trị mà Mỹ hỗ trợ trên toàn thế giới”.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền chỉ ra thực tế rằng tổng thống Mỹ làm ngơ trước tội ác chống nhân loại và diệt chủng ở Myanmar, và thậm chí còn gọi tình hình hiện nay là “phân biệt chủng tộc.”

Ông Boris Volkhonsky nhận định: “Myanmar là một trong những điểm quan trọng trong chiến lược ‘chuỗi ngọc trai’ của Trung Quốc. Myanmar nằm trên con đường tắt tiềm năng vận chuyển hàng hóa từ châu Phi và Trung Đông tới miền nam Trung Quốc. Cảng Chauphyu nằm ở bang Rakhine đang được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc và có vai trò rất quan trọng”.

Cuối năm 2011, Mỹ công bố chiến lược “xoay trục và “trở lại châu Á”. Mục đích chính của chiến lược này hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, Volkhonsky nói thêm.

Xung đột dân tộc phù hợp với chiến lược này một cách hoàn hảo. Nguyên tắc “chia để trị” không chỉ có thể cản trở việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc, mà còn tạo cho Mỹ nhiều đòn bẩy kiểm soát tình hình. Vì vậy, theo chuyên gia Volkhonsky, Washington sẽ tiếp tục xem xét vấn đề nhân quyền tại Myanmar một cách “có chọn lọc,” trên thực tế cũng giống như họ vẫn thực hiện ở các nước khác.

Theo Vietnam+