Thời khắc đối diện sự thật quan hệ Nga – Mỹ

181

Khi hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra tại Bắc Ireland tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn sử dụng phòng tập tại khu resort, nhưng người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã đặt lịch trước. Không ai trong hai vị muốn tập chung.

Bài viết của Đại sứ M K Bhadrakumar, nhà ngoại giao kỳ cựu của Ấn Độ phục vụ trong ngành suốt 29 năm. Ông từng là đại sứ tại Uzbekistan (1995-1998) và Thổ Nhĩ Kỳ (1998-2001).

Sau đó Putin đã quyết định đi bơi ở khu hồ lạnh lẽo Lough Erne. Chuyện này do một nguồn thạo tin trong giới ngoại giao kể lại. Nó có thể chỉ là chuyện phiếm vu vơ, nhưng cũng giúp thấy tình trạng khó khăn trong quan hệ hiện nay giữa hai cường quốc Nga và Mỹ.

Nếu ai nghĩ rằng ngôn ngữ cơ thể đầy vẻ xa cách mà Putin và Obama đã thể hiện ở Enniskillen là minh chứng cho thấy quan hệ Nga – Mỹ đang ở mức thấp nhất, thì họ đã nhầm. Vụ rắc rối quanh cựu nhân viên tình báo Mỹ CIA Edward Snowden còn cho chúng ta thấy mối quan hệ sẽ xấu đi hơn nữa, trước khi có thể hồi phục trong tương lai.

Obama thể hiện sự bực tức với quyết định của Kremlin cho phép Snowden ẩn náu, thậm chí giới chức Mỹ còn bóng gió rằng Obama có thể hoãn lại chuyến đi tới Moscow vào tháng 9 tới đây, nhân hội nghị thượng định G20 tại St Petersburg.

Obama-Putin-G8-Ireland-1374567277_500x0.
Gương mặt của hai tổng thống trong cuộc gặp tại Ireland. Ảnh: AP

Tại sao mọi việc lại ra như thế này? Điều thú vị là tình trạng hiện nay một phần là do Trung Quốc, dù vô tình hay cố ý, đã tạo ra. Từ Hong Kong, Snowden được đưa lên chuyến bay của hãng Aeroflot tới Moscow, trong khi  Bắc Kinh thừa biết rằng Washington đã hủy bỏ hộ chiếu của anh ta và khi Snowden đặt chân xuống ở sân bay Sheremetyevo, anh ta sẽ không còn giấy tờ đi lại hợp pháp.

Fyodor Lukyanov,  một nhân vật có uy trong giới lập chiến lược của Nga, nói một cách châm biếm trên tờ báo ngày của chính phủ là Rossiyskaya Gazeta tuần trước, rằng: “Các lực lượng tình báo của Trung Quốc, những người đưa Snowden lên máy bay tới Moscow và nói với anh ta rằng ở đó tốt hơn, đáng được lãnh đạo của họ khen ngợi bởi đã giúp Bắc Kinh tránh một cơn nhức đầu nghiêm trọng. Nhưng những người khác thì không được may mắn thế”.

Bắc Kinh hành xử với động cơ hiển nhiên, nhằm tránh cho “mối quan hệ kiểu mới” giữa họ và Washington – mới nhen nhóm trong chuyến thăm không chính thức của ông Tập Cận Bình đến California hồi tháng 6 – khỏi bị chết yểu bởi tay Snowden.

Trong vụ việc này, Bắc Kinh đã thu lợi rất lớn về mặt tuyên truyền, mặt khác lại được giải phóng khỏi những rắc rối liên quan đến việc quyết định số phận của Snowden. Tay này, Trung Quốc đang bêu riếu Mỹ bởi tiến hành chương trình nghe lén rộng khắp đối với các quốc gia có chủ quyền; tay kia, Bắc Kinh nâng cao các chuẩn về nhân quyền khiến Nga phải nhảy cao hơn.

Tình thế hiện nay của Nga có phần do chính họ, khi Moscow không trục xuất Snowden trả lại Hong Kong với lý do anh này không có giấy tờ hợp lệ – điều vẫn thường diễn ra trên thế giới. Thay vào đó, Moscow đưa ra cơ sở pháp lý,  rằng Snowden ở khu vực quá cảnh tức là không ở lãnh thổ Nga, bao bọc anh ta trong một tấm chăn pháp lý và an ninh, và có thể khiến các đối tác của Nga hiểu lầm. 

Khác với sự im lặng hoàn toàn của Bắc Kinh, ở Moscow xuất hiện những lời bình luận về hành tung vô hình của Snowden. Các nguồn tin rất đa dạng, từ các quan chức chính phủ đến các học giả và chính trị gia cấp cao. Tất cả những lời lẽ đó mang đến một cảm giác rằng Moscow đã cho Snowden ở lại, vừa chọc tức Washington vừa hy vọng sẽ đi đến một thỏa thuận cuối cùng với Mỹ về vụ rắc rối này. Đến giai đoạn này Moscow không thể than vãn rằng Snowden là một đứa trẻ được ban cho họ ngoài ý muốn.

Trái lại, Washington đã khẳng định một lập trường kiên định, từ tổng thống Obama cho đến các quan chức cấp dưới, rằng sẽ không có “mặc cả mặc lẽ” gì với Moscow về chuyện Snowden, và rằng Nga nên trục xuất anh ta bởi người này vi phạm luật pháp Mỹ và phải đối mặt với tòa án Mỹ. Mỹ cũng cảnh báo rằng bất cứ sự thiếu hợp tác nào từ Moscow cũng có hậu quả tiêu cực tới quan hệ hai bên.

Việc thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns, một gương mặt quen thuộc ở Moscow, được giao nhiệm vụ giải quyết trường hợp của Snowden cho thấy Mỹ nghiêm túc như thế nào trong chuyện này. Mỹ nỗ lực thuyết phục Kremlin rằng Nga có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để trục xuất kẻ tội đồ, ngắn gọn là như vậy, đây là chuyện chính trị.

Nhưng Moscow lại đưa ra nguyên tắc cũng hoàn toàn đúng về pháp lý, và là nguyên tắc được thế giới đề cao, đó là: một cường quốc đích thực không thể bỏ qua “những cân nhắc nhân đạo”.

Không mặc cả về Snowden

Dù thế nào, Nga cũng trông đợi là mối quan hệ Nga – Mỹ sẽ vẫn tiến triển như thể không có gì xảy ra, vì thế một khi truyền thông ngừng chú ý, như đã từng xảy ra quá thường xuyên trong mối quan hệ Chiến tranh lạnh, một thỏa thuận có thể được thực hiện giữa hai chính phủ. Đây là điều mà Lukyanov kết luận:

“Nhiều khả năng Edward Snowden sẽ được tỵ nạn ở Nga trong thời gian ngắn như anh ta nói, nhưng rồi anh ta sẽ lưu lại ở lại Nga một thời gian dài bởi đường về Mỹ hay tới Mỹ La Tinh sẽ vẫn bị ngăn chặn trong tương lai gần. Moscow và Washington đều muốn vụ việc này sẽ bị quên lãng nhanh nhất có thể về mặt tryền thông. Rồi sau đó hai bên có thể bàn thảo mà không bị quấy rầy bởi con mắt nhòm ngó của báo chí, xem cần làm gì để nhổ cái gai ra khỏi quan hệ hai bên”.

Lukyanove gợi nhớ một “giải pháp tao nhã” đã được đưa ra thông qua thỏa thuận Nga – Mỹ hồi năm 2010 khi tổng thống Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiyev bị phế truất, trong khi cả Moscow và Washington đều nhận ra rằng họ có lợi ích để việc hạ bệ này thành êm thấm. Bakiyev được đưa đến Minsk, thủ đô của Belarus.

Liệu chính quyền Obama có đồng tình thực hiện một “kế hoạch Minsk” đối với Snowden không? Đó là câu hỏi lớn nhất, và nó có vẻ sẽ không xảy ra, bởi nếu xảy ra có nghĩa là Mỹ đã thực hiện đúng điều mà Obama cam kết sẽ không làm –  mặc cả về số phận của Snowden.

Vì thế, khoảnh khắc của sự thật đang đến với cả Moscow và Washington trong quan hệ được cho là không đối đầu giữa hai cường quốc hậu Chiến tranh Lạnh. Với Nga, đây là lúc xác định rõ bản sắc của chính sách đối ngoại của mình. Cho đến nay chính sách của Nga vẫn tập trung vào lợi  ích quốc gia. Liệu nước này có tạo điều kiện cho sự trở lại của hệ lý tưởng nào không, chắc không phải một hệ lý tưởng Macxit như trước kia. Liệu nó có thể là tư tưởng đề cao chủ nghĩa nhân đạo, ưu tiên các “cân nhắc nhân đạo”?.

Còn với Mỹ đây là lúc giống như người ta bóc nhẹ một lớp vỏ sơn để nhìn rõ bản thân xem mình là ai. Đội ngũ chính sách ngoại giao từ thời Clinton từng được đánh giá rằng họ đã luôn đòi hỏi và đòi hỏi từ Nga, và nước Nga thời Boris Yeltsin đã nhiều lần đáp ứng. Nhưng Nga ngày nay sẽ không dễ dàng chấp nhận những đòi hỏi gây bất lợi cho họ nữa. Hãy xem cuộc tập trận khổng lồ mới đây của Nga ở Viễn Đông. Moscow không có kế hoạch gây chiến với bất kỳ nước nào ở khu vực này từ Nhật đến Trung Quốc. Vậy mục đích tập trận rầm rộ, và những cuộc diễn tập bất ngờ từ đầu năm nay ở Nga, là để làm gì.

Vụ Snowden cho thấy rằng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ không nên tiếp tục như trước đây. Hai cường quốc cần thiết lập một kiểu quan hệ hoàn toàn mới, như Trung Quốc vừa làm với Mỹ đầu mùa hè này.