Chỉ trong vòng một vài ngày với những động thái ngoại giao đầy bất ngờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm sống dậy ký ức về một thời kỳ tưởng như đã xa, khi Washington và Mátxcơva so kè quyết liệt để giành ảnh hưởng tại Trung Đông.
Bất kể chuyện gì sẽ xảy ra với đề xuất của Nga trong việc giải trừ kho vũ khí hóa học của Syria, Mátxcơva, ít nhất trong thời điểm này, đã trở lại vị trí nhân vật trung tâm tại Trung Đông. Và quan trọng không kém, Nga đã chứng tỏ mình là một “tay chơi” không dễ dàng quay lưng với các đồng minh.
Đây là một điều rất có ý nghĩa trong một khu vực mà việc Mỹ đột ngột bỏ rơi Tổng thống bị phế truất của Ai Cập Hosni Mubarak cách đây 2 năm như một khoảnh khắc bước ngoặt, khiến nhiều nhà cầm quyền phải đặt câu hỏi về sự hẫu thuẫn đôi khi sớm nở tối tàn của Mỹ.
Trái lại, Putin đã dám đương đầu với sự giận dữ khi sát cánh cùng đồng minh Syria, công khai khẳng định rằng không có đủ bằng chứng cho thấy Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học hôm 21/8, và thậm chí còn úp mở rằng ông theo cách nào đó sẽ hỗ trợ Bashar Assad trong trường hợp xảy ra tấn công quân sự.
Cách thức các sự kiện diễn ra – cả trong ấn tượng cũng như thực tế trên bàn ngoại giao – cũng sẽ vang vọng tới Iran, nơi các nhà lãnh đạo quốc gia này đang theo dõi kim đồng hồ nhích tới một cuộc đấu khác có thể xảy ra, lần này là với chương trình hạt nhân của Iran.
“Thông điệp được phát đi tại Syria sẽ được tiếp nhận một cách cẩn trọng tại Iran”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhận định. Ông Netanyahu hiện đang thúc giục cộng đồng quốc tế buộc Iran từ bỏ các chương trình hạt nhân trước khi chế tạo được vũ khí hạt nhân – một mục tiêu mà Iran luôn bác bỏ.
Những khó khăn có thể làm hỏng tiến trình giải giáp vũ khí hóa học của Syria. Khi mà niềm tin đang mong manh, việc kiểm tra là một vấn đề tiêu tốn nhiều thời gian, và một số người sẽ hoài nghi rằng liệu Syria có thực sự thẳng thẳn.
Vấn đề an ninh cho các thanh sát viên cũng có thể là một trở ngại khác, bởi kho vũ khí hóa học của Syria được cho là nằm phân tán khắp đất nước, vốn đang là một vùng chiến sự dữ dội và khó lường.
Nhưng một điều ấn tượng đã xảy ra: sự hãm phanh, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, của những chuẩn bị cho một hành động quân sự của Mỹ, vốn bị cả người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế phản đối, và có thể đã vượt qua khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Thậm chí ngay cả chính quyền của Tổng thống Barack Obama dường như cũng không thấy yên tâm trước viễn cảnh đầy khó lường, khi các quan chức cố tranh luận rằng một cuộc tấn công là thiết yếu, nhưng cũng giải thích rằng cuộc tấn công đó không được phép làm thay đổi cục diện nội chiến tại Syria.
Chính tuyên bố này đã để lộ ra việc Washington không muốn chọn giữa một bên là nhà lãnh đạo bị mất uy tín, với bên kia là một phong trào nổi dậy đang ngày càng bị chi phối bởi các phần tử thánh chiến căm ghét phương Tây.
“Putin dường như đã cứu Obama khỏi một sự bẽ bàng ở trong nước”, Leo Aron, chuyên gia hàng đầu về chính sách Nga tại Viện doanh nghiệp Mỹ, một cơ quan nghiên cứu tại Washington, nhận định. “Đây là một chiến thắng địa chiến lược quốc tế vô cùng to lớn cho Putin. Nga giờ đã thực sự có vị thế của một cường quốc tại Trung Đông”.
“Bước đi thực sự thông minh”
Putin đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tuần trước ở một thời điểm có tính thử thách trong quan hệ Nga – Mỹ cũng như căng thẳng gia tăng liên quan đến các vấn đề đối ngoại. Vậy nhưng trước thềm cuộc họp, ông chủ điện Kremlin đã đưa ra một đánh giá đầy vui vẻ về mối quan hệ với Obama.
“Chúng tôi làm việc, chúng tôi tranh luận về một số vấn đề. Chúng tôi cũng là con người. Đôi khi một trong hai chúng toi có thể bực mình. Nhưng tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng những lợi ích song phương toàn cầu là một nền tảng tốt trong việc tìm một giải pháp chung cho những vấn đề của chúng tôi”, ông Putin khẳng định trong buổi phỏng vấn với AP.
Đề xuất của Nga về Syria sẽ đánh dấu sự trở lại của một quốc gia từng bị Mỹ lấn lướt tại khu vực Trung Đông sau cuộc chiến 1973, khi Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat trục xuất các cố vấn Liên Xô, bắt tay hòa bình với Israel, và tuyên bố hình thành liên minh chiến lược với Washington.
Những lợi ích của Nga trong khu vực hiện nay vừa có tính chính trị vừa mang tầm chiến lược. Mátxcơva từ lâu đã cố gắng định vị mình như một lực lượng trong việc tìm giải pháp cho bất đồng giữa Israel và Palestine, sau khi không ngừng kêu gọi, nhưng chưa thành công, việc tổ chức hội nghị hòa bình Trung Đông.
Nga cũng quan tâm mạnh mẽ trong việc giải quyết tranh cãi về chương trình hạt nhân Iran, vốn không đơn giản. Trong khi Nga rõ ràng tin việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ gây bất ổn cho khu vực, họ cũng muốn có nhiều hoạt động làm ăn trong lĩnh vực hạt nhân với Iran, và nhìn chung là trong cả khu vực.
Georgy Mirsky, một chuyên gia hàng đầu về Trung Đông tại Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, một cơ quan nghiên cứu được chính phủ Nga tài trợ tại Mátxcơva nhận định, sáng kiến về vũ khí hóa học vừa qua “có thể được xem như bước đi thực sự thông minh và hữu ích duy nhất của ngoại giao Nga” trong cuộc chiến Syria.
Một số người có thể nói rằng Putin chỉ đơn giản là nắm lấy cơ hội được tạo ra bởi một loạt tình huống lí tưởng hiếm có: Nga là đồng minh lớn duy nhất của Assad ngoài Iran, khiến Putin có ảnh hưởng; và Nga có căn cứ không quân tại cảng Tartus của Syria, giúp nơi đây có thể trở thành nơi cất giữ các vũ khí hóa học.
Trong khi đó Syria cũng có lí do để xuôi theo đề xuất của Nga: Assad không có lí do gì để sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai gần. Bằng việc từ bỏ chúng – hoặc tham gia vào một tiến trình dài để tiến tới việc đó – nhà lãnh đạo của Syria sẽ có thêm thời gian ổn định tình hình trong nước.
Đứng xem “vở diễn” trong cánh gà là Iran, nơi các nhà lãnh đạo nước này sẽ đánh giá sự thực chất trong lời đe dọa sử dụng mọi biện pháp – bao gồm cả vũ lực – của Mỹ để ngăn chặn hoạt động sở hữu vũ khí hạt nhân.
Còn tại Israel, sự giận dữ đã lên cao trong tuần qua, trước khả năng Iran có thể rút ra kết luận nào đó từ sự do dự của Mỹ.
“Từ sự do dự và yếu đuối của Obama, những bài học nghiêm túc phải được rút ra”, Danny Gillerman, cựu đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc tuyên bố. “Đó là một thông điệp cho Iran và Triều Tiên rằng các đồng minh của Mỹ không thể tin Mỹ, và rằng các kẻ thù của họ có thể làm những gì họ muốn…Tôi cho rằng điều này với Iran là rất rõ ràng”.
Gillerman cũng tuyên bố Obama “đã thành công trong việc đưa chúng ta trở lại trật tự thế giới hai cực”.
Nhiều người sẽ không đồng ý với nhận định này. Bởi sự lớn mạnh của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi, cùng những nỗ lực của EU trong việc nhất thể hóa, và cả những hỗn loạn của toàn cầu hóa đều cho thấy một thế giới thực sự đa cực đang hình thành trong thế kỷ 21.
Nhưng ít nhất trong tuần này, một thế hệ những người chưa từng biết đến cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba, hay bức tường Berlin sụp đổ, đã được chứng kiến màn so kè giữa Nhà Trắng và điện Kremlin như ngày nào.
Theo Dân Trí