GIỚI THIỆU VỀ ĐIỂM DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA CHỈ ĐỎ CHIẾN KHU ĐỒNG BÒ

516

I/. Mở đầu:

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về!”

(Đất nước, Nguyễn Đình Thi)

Trong hàng ngàn năm lịch sử đầy thăng trầm của dân tộc Việt Nam, những bậc cha ông đi trước đã luôn kiên cường, bất khuất và quyết tâm hy sinh nhằm bảo vệ một bầu trời hòa bình của Tổ quốc. Để ngày nay, thế hệ trẻ chúng ta không chỉ được kế thừa một truyền thống yêu nước nồng nàn, mà còn có cả những chiến tích, di tích được xem như “mốc son” đánh dấu cho những thời kỳ giữ nước và dựng nước đầy huy hoàng. Trong đó phải kể đến chiến khu Đồng Bò – một địa chỉ đỏ hay một căn cứ chủ yếu của cơ quan lãnh đạo kháng chiến cứu nước vẫn mang đậm giá trị lịch sử cao quý ở địa phương thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng chính là điểm di tích sẽ được tìm hiểu ở phần sau.

II/. Nội dung:

  • Giới thiệu chung:

Trực thuộc xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Đồng Bò là tên chỉ một vùng rừng núi sở hữu cho mình một hệ thống những dãy núi cao, hình vòng cung kéo dài theo hướng Tây – Đông đã tạo nên một bức trường thành kiên cố,vững chắc che chắn hướng Tây – Nam và cách thành phố khoảng 7,6km. Phạm vi khu vực này phân bố rất rộng, diện tích toàn vùng khoảng 200km2 trải rộng trên địa bàn Nha Trang cùng một phần của hai huyện Diên Khánh và Cam Lâm, được chia làm 3 khu vực chính:

  • Đồng Bò Hạ: từ Núi Đất xuống Vườn Dừa.
  • Đồng Bò Trung: Từ Đồng Bò Hạ đi về hướng Tây Bắc (Từ núi Đất chạy lên Gò Bông).
  • Đồng Bò Thượng: Từ Gò Bông lên giáp chân núi Chín Khúc, núi Hòn Thị.

  • Chiến khu Đồng Bò trong lịch sử cách mạng:

Nhờ thiên nhiên dày công ban tặng cho khu vực núi Đồng Bò một địa hình khá hiểm trở, điều đó đã giúp nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng góp mặt qua cả hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của các đơn vị bộ đội như: C252, D5; cơ quan tình báo Nha Trang, Trạm quân báo Liên khu V ,…. cùng những trận chiến đấu ác liệt của nhân dân Nha Trang – Vĩnh Xương, có khi là cả toàn thể nhân dân Khánh Hòa ta với giặc ngoại xâm:

Đầu năm 1948, trong những năm toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, kẻ địch từ lâu đã xác định chiến khu là “cái gai” cần nhổ bỏ nên đã huy động trên 2.500 quân, phối hợp pháo binh và không quân  mở trận càn quét dài 21 ngày hòng xóa sổ mật khu, tiêu diệt Ban lãnh đạo kháng chiến của chiến khu Đồng Bò, nhưng bị thất bại.

Ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau Tết Mậu Thân 1968, quân Mỹ sử dụng lực lượng đặc biệt Khánh Hòa với chiến thuật “trực thăng vận” đổ biệt kích, kết hợp với Sư đoàn Bạch Mã của Đại Hàn càn quét suốt liên tục suốt 12 ngày đêm, nhưng một lần nữa chiến khu này vẫn kiên cường đứng vững trước loạt bom đạn dữ dội. Đến đầu tháng 4 năm 1975, quân giải phóng đập tan cánh cửa thép đèo Phượng Hoàng nối Đắk Lắk – Khánh Hòa, tiến quân về giải phóng tỉnh lỵ Khánh Hòa, lực lượng cách mạng từ chiến khu Đồng Bò đã nhanh chóng nổi dậy giải phóng Nha Trang, đón quân cách mạng.

Từ đó, có thể thấy được Chiến khu Đồng Bò là một khu vực hết sức quan trọng khi đóng góp giải phóng xứ trầm hương nói riêng và củng cố chiến thắng của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

  • Giá trị nghệ thuật quân sự:

Không đơn giản mà chiến khu được liệt vào danh sách những mật khu nguy hiểm nhất, bởi lẽ xung quanh dãy Đồng Bò có nhiều đỉnh núi cao, rừng rậm, có nhiều vùng gộp đá tạo thành các hang, động, ngóc ngách, liên hoàn rất hiểm trở, bảo đảm bí mật cũng như rất thuận lợi cho việc trú quân, ẩn nấp, bảo vệ bộ đội tránh khỏi bom đạn. Ngoài ra, còn có những đỉnh núi cao rất thuận tiện cho việc quan sát như: Cù Hin (927m), hòn Chu Hạ (595m),…

Song cuộc sống ở chiến khu Đồng Bò cũng vô cùng gian khổ, ngoài việc lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh thường xuyên thiếu thốn thì nhiều cán bộ, chiến sĩ ở đây còn phải chịu đựng những trận càn quét của địch cùng với các loại bom pháo, các loại hóa chất với khối lượng rất lớn và làm việc trong các gộp chật hẹp.

  • Giá trị ngày nay:

Trước chiến tranh, hệ động thực vật ở đây vô cùng phong phú đa dạng, hiện nay ở phần núi phía Tây (hướng Suối Lùng) vẫn còn có những cánh rừng nguyên sinh, là môi trường sinh sống thuận lợi của một quần thể động thực vật quý hiếm. Bởi vậy ở hiện tại, Đồng Bò sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa sinh thái ở Nha Trang – Khánh Hòa, đưa hoạt động ngành du lịch thu hút sự quan tâm của mọi người con trên cả nước đến với Nha Trang nhằm trở về nguồn – nơi từng là địa điểm quan trọng của cách mạng nhằm truyền tải tầm quan trọng của nhận thức của thế hệ trẻ ngày nay đối với lịch sử dân tộc và giúp thúc đẩy du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương. Hơn thế nữa, những cánh rừng ở Đồng Bò giống như một lá phổi vĩ đại, góp phần điều tiết làm trong sạch cho môi trường khí hậu ở Nha Trang.

  • Biện pháp giúp bảo vệ và phát triển điểm di tích:

Việc bảo vệ và phát triển các điểm di tích nói chung và chiến khu Đồng Bò nói riêng là điều cần thiết nên chúng ta cần phải đề ra những biện pháp và cùng nhau thực hiện một cách hiệu quả nhất để có thể gìn giữ chiến khu lịch sử này được trường tồn qua năm tháng như bao ý chí, truyền thống yêu nước của dân tộc:

  • Chúng ta phải nuôi dưỡng ý thức biết trân trọng, hiểu rõ tầm quan trọng của chiến khu Đồng Bò trong lịch sử và hiện tại để tạo cơ sở cho những hành động thiết thực
  • Tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh chiến khu qua các trang mạng xã hội nhằm giới thiệu cho mọi công dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến nơi đây rộng rãi.
  • Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tham quan, dọn dẹp chiến khu để giữ một vẻ đẹp thiêng liêng và trường tồn theo năm tháng
  • Nhà nước, các cấp lãnh đạo cần phải đề ra các chính sách bảo tồn, tu bổ và phát triển cơ sở vật chất khu vực Đồng Bò để chóng khỏi sự băng hoại của thời gian.
  • Quan trọng nhất là tất cả mọi người đều phải chung tay gìn giữ, ra sức bảo vệ, phát huy ý nghĩa và tầm quan trọng không những là của chiến khu Đồng Bò mà còn cả những di tích lịch sử khác để bảo vệ những thứ lớn lao hơn, đó là di sản, truyền thống yêu nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

III/. Kết luận:

Sự tồn tại của chiến khu Đồng Bò ở Nha Trang trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc là một biểu tượng cho tình yêu nước và lòng quyết tâm bảo vệ nước khỏi sự xâm lăng của giặc thù của thế hệ cha ông đi trước trong cách mạng ở Nha Trang – Vĩnh Xương. Đồng Bò luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, là niềm tự hào mãnh liệt của cán bộ và nhân dân đang sống tại địa phương Khánh Hòa ngày nay đối với thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân của Tổ quốc. Chính vì vậy, đừng chần chừ, mà chúng ta hãy chung tay ra sức trân quý, giữ gìn và phát triển mọi ý nghĩa đẹp đẽ của các di sản văn hoá, di tích lịch sử ngay từ bây giờ.

Thực hiện: Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của Thành đoàn Nha Trang