Houellebecq đăng quang giải Goncourt

136

Lúc 12 giờ (giờ địa phương) ngày 8-11 tại nhà hàng Drouant (Paris), Michel Houellebecq – người được mệnh danh là “đứa con khủng khiếp” của nền văn học Pháp đương đại – đã trở thành chủ nhân giải Goncourt 2010 với tác phẩm La carte et le territoire (Bản đồ và lãnh thổ).

 

Michel Houellebecq – Ảnh: egs.edu

Ban giám khảo cho biết Houellebecq trogn tác phẩm đã trở nên nhân bản hơn so với các tác phẩm trước. Dù một số đoạn viết về cái chết có thể được xem là gây sốc nhưng việc mô tả về xác chết là một thời điểm lớn của tác phẩm và đã đạt tới đỉnh điểm giới hạn –  đến nỗi chỉ cần tiến thêm nữa thì sẽ trở thành không thể tha thứ được.

Là một trong những quyển sách bán chạy nhất nước Pháp kể từ 3-9-2010, La carte et le territoire nhận được 7/10 phiếu bầu của các giám khảo. Kết quả này làm hài lòng báo chí lẫn độc giả vì Houellebecq được xem là “siêu ứng viên” của giải năm nay, đến nổi chủ đề thảo luận của họ không phải là “giải thưởng thuộc về ai?” – mà là “giải thưởng có thuộc về Houellebecq không?”.

Là tác giả Pháp được biết nhiều nhất ở nước ngoài, Houellebecq từng 2 lần bỏ lỡ giải Goncourt: năm 1998 với Les particules élémentaires (Hạt cơ bản) và năm 2005 với La possibilité d’une île (Khả năng của một hòn đảo).

Ba ứng viên khác lọt vào vòng chung khảo giải Goncourt 2010 là Virgine Despentes với Apocalypse bébé (Thảm họa trẻ con), Mathias Enard với Parle-leur de batailles, de rois et d’éléphants (Hãy nói với họ về chiến tranh, vua và voi) và Maylis de Kerangal với Naissance d’un pont (Sự ra đời của một chiếc cầu).

Riêng Naissance d’un pont của Maylis de Kerangal đã nhận giải Médicis vào ngày 3-11, còn Apocalypse bébé của Despentes đoạt giải Renaudot 2010 được công bố sau giải Goncourt vài phút.

 

Là giải thưởng văn học cao quý nhất hiện nay của Pháp dành cho tiểu thuyết viết bằng ngôn ngữ của Molière được xuất bản trong năm, giải Goncourt mang tên của người sáng lập: nhà văn Edmond de Goncourt (1822-1896).

Giải được công bố tại nhà hàng Drouant (Paris) vào đầu tháng 11 hàng năm. Số tiền thưởng của giải chỉ vào khoảng 10 euro nhưng lợi ích vật chất “hậu Goncourt” thì vô cùng to lớn. Tính từ năm trao giải đầu tiên (1903) cho đến nay, giải Goncourt đã 107 lần thổi nến sinh nhật.

10 giám khảo của giải Goncourt không hưởng lương nhưng làm việc suốt đời. Trước sự chỉ trích về việc giải Goncourt chỉ quan tâm đến các nhà xuất bản lớn và ban giám khảo quá già, Viện Goncourt thay đổi quy chế từ năm 2008: giám khảo không phải là người hưởng lương của một nhà xuất bản nào và không quá 80 tuổi.

Một nhà văn không thể nhận giải Goncourt quá một lần, trừ một “sự cố” ngoại lệ: sau khi nhận giải Goncourt 1956 với tiểu thuyết Les Racines du ciel (Gốc rễ của bầu trời), Romain Gary nhận giải Goncourt 1975 cho tác phẩm La Vie devant soi (Cuộc đời trước mắt ta) với bút danh khác là Émilie Ajar.

CÔNG KHANH (Theo 20 minutes)

Nguồn Tuổi Trẻ Online