Bản đồ Hoàng Sa – Trường Sa thu hút khách

189

Từ đầu tháng 2, bốn tấm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trưng bày tại 15 điểm ở TP Nha Trang và một số địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa đã thu hút sự chú ý của du khách và người dân.

Hướng dẫn viên Trịnh Thị Thu Minh (bìa trái, Bảo tàng Hải dương học VN) giới thiệu với du khách nước ngoài về bộ bản đồ khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Ảnh: Châu Tường

Chiều 18-2, đoàn du khách Nga khoảng 20 người đến thăm Bảo tàng Hải dương học VN (thuộc Viện Hải dương học Nha Trang). Nơi họ dừng chân đầu tiên là khu tiền sảnh của bảo tàng – nơi trưng bày bốn bản đồ cổ được chú thích bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Hoa.

“Tôi thấy Việt Nam có chứng cứ lịch sử và khoa học để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này”

Ông Igor (du khách Nga)

Hướng dẫn viên của Bảo tàng Hải dương học lần lượt giới thiệu với các du khách bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ năm 1834 dưới triều vua Minh Mạng ghi rõ Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ VN, bản đồ An Nam đại quốc họa đồ do ông Jean-Louis Tabert (người Pháp) vẽ năm 1838 ghi rõ “Paracel seu Cát Vàng” (tức quần đảo Hoàng Sa) thuộc VN, bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (năm 1904, triều nhà Thanh, Trung Quốc) ghi điểm cực nam của Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam và bản đồ Các đài khí tượng Đông Dương (của Pháp, năm 1940) ghi đài khí tượng ở Pattle (Hoàng Sa) và Itu Aba (Trường Sa) là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất của Đông Dương. “Những bản đồ cổ này khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông thuộc chủ quyền của VN” – hướng dẫn viên kết thúc phần giới thiệu.

Ông Igor – một du khách Nga, nhận xét: “Tôi nghe nhiều về các vụ tranh chấp khá nhạy cảm trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Được xem các bản đồ cổ này cũng như tham quan toàn bộ Bảo tàng Hải dương học, tôi thấy VN có chứng cứ lịch sử và khoa học để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này”.

Chị Trịnh Thị Thu Minh – hướng dẫn viên của Bảo tàng Hải dương học VN – cho biết tết vừa rồi mỗi ngày bảo tàng đón hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước, hầu hết mọi người đều quan tâm đến các bản đồ cổ khẳng định chủ quyền biển đảo VN. “Đặc biệt, nhiều du khách người Nhật Bản, Philippines… rất quan tâm đến những bản đồ này, họ hỏi hướng dẫn viên cặn kẽ một số nội dung trong đó và ghi chép rất cẩn thận” – chị Minh kể.

Còn tiến sĩ Nguyễn Sĩ Tuấn – phó viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang – nói: “Cùng với hàng ngàn mẫu vật về sinh vật biển, địa chất biển Đông thu thập được trong gần một thế kỷ qua và phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các bản đồ cổ này đã góp thêm tiếng nói cho Bảo tàng Hải dương học VN, rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc VN từ rất lâu đời. Hằng năm bảo tàng đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước, và những chứng cứ như vậy góp phần nâng cao nhận thức về biển đảo VN đối với người dân trong nước, giúp người nước ngoài hiểu rõ hơn về chủ quyền của chúng ta”.

Không chỉ Bảo tàng Hải dương học VN, những ngày qua hàng ngàn du khách đến Khánh Hòa cũng đã quan tâm, tìm hiểu thông tin từ bộ bản đồ trên, được trưng bày tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, ga Nha Trang, Trung tâm hội nghị tỉnh Khánh Hòa, Trường đại học Nha Trang, cảng tàu du lịch Cầu Đá – Nha Trang…

Theo Tuổi Trẻ