Bạn đã có thói quen dùng mỹ phẩm chống nắng, nhưng đôi khi không hiểu hết các ký hiệu ghi trên sản phẩm, vì thế sẽ không phát huy hết công năng của chúng.
• Tia UV: được xem là “kẻ thù” của sắc đẹp vì chúng gây ra làn da bị cháy nắng, nám, tàn nhang, làm nhanh thêm quá trình lão hóa da. Hơn thế nữa, những nghiên cứu gần đây cho thấy, tia UV làm yếu đi chức năng miễn dịch của cơ thể.
Người ta chia tia UV làm ba loại tùy theo độ dài sóng của chúng: tia UV-A có sóng dài (320nm – 400nm); tia UV-B sóng trung bình (280nm – 320nm); tia UV-C sóng ngắn (280nm và có thể ngắn hơn).
Sóng càng ngắn bao nhiêu thì chúng càng ảnh hưởng mạnh lên da bấy nhiêu. Tia UV làm da bị cháy nắng và mất nước hoặc có thể gây tổn thương cho các sợi thuộc về chân bì (sợi collagen, sợi đàn hồi). Vì vậy, thường xuyên phơi nắng sẽ là nguyên nhân gây ra nếp nhăn và chùng da.
• Cháy nắng: do phơi nắng kéo dài dưới tia UV. Các mạch máu giãn nở do gia tăng lưu thông máu, gây tổn thương các thành mạch máu. Kết quả là da trở nên đỏ và bị sưng, viêm.
Khi bị trầm trọng, cháy nắng phá hủy các cơ quan trong da, gây nên ngứa, đau và nhức nhối. Nguyên do cháy nắng chủ yếu bởi tia UV-B, nhưng UV-A và các tia hồng ngoại cũng ảnh hưởng lên da một cách trực tiếp và gián tiếp.
• Rám nắng là màu da bị đậm đi sau khi phơi da dưới nắng. Màu sắc của da sẽ về trạng thái cũ sau khoảng một tháng. Melanin có thể được xem như là tấm chắn mặt trời tự nhiên vì chúng hấp thụ hết những tia UV có hại. Màu da tối đi bởi rám nắng là một phần của cơ chế tự phòng thủ bên trong nhằm làm giảm thiểu tổn thương cho da.
Rám nắng thường xảy ra sau cháy nắng, nhưng nó cũng xảy ra khi da bị phơi dưới một lượng tia UV-A cao.
• Lão quang: Phơi da lâu dài dưới tia UV sẽ làm da bị khô, không mịn và hình thành các nếp nhăn sâu. Các thay đổi này là do lão quang.
Lão quang không những chỉ ảnh hưởng lên biểu bì mà còn ảnh hưởng lên các sợi thuộc chân bì (collagen và sợi đàn hồi). Những tổn thương này sẽ làm cho da có nhiều nếp nhăn và tàn nhang.
• PA (Protect Grade) nghĩa là có khả năng lọc tia cực tím UV-A. Trong đó, PA được nhà sản xuất chia làm nhiều mức độ: PA+ có tác dụng chống UV-A khoảng 40% – 50%, PA++ mức độ chống UV-A lên đến 70% và PA+++ đạt mức cao nhất là 90%.
• SPF (Sun Protection Factor) chỉ thời gian bảo vệ da khỏi tia UV-B. Theo đó, mỗi độ SPF tương đương với 15 phút da bạn được bảo vệ ngoài nắng. Như vậy, chỉ số chống nắng càng cao thời gian da được bảo vệ càng dài. Lưu ý, các sản phẩm kết hợp giữa SPF với PA sẽ mang lại hiệu quả hơn so với chỉ có SPF.
• Sunnbock: là loại kem chống nắng theo cơ chế lý học, tránh sự xuyên chiếu trực tiếp của tia tử ngoại vào da. Tuy nhiên do chứa oxít kẽm nên dễ gây tắc lỗ chân lông, đồng thời do kem có màu trắng đục nên rất dễ nhìn thấy sự “loang lỗ” đối với người có làn da sậm.
• Suncreen: là loại kem chống nắng theo cơ chế hóa học để chống xâm nhập vào da và làm vô hiệu hóa các tác nhân gây hại cho da. Suncreen phù hợp với da dầu và da dễ bị cháy nắng. Tuy nhiên, một số kem thường chứa chì, nên nếu dùng thường xuyên và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của tế bào da.
Báo PN TP