Hãy yêu nhau đi

150

Ngày 3 hay 4 tuổi học mẫu giáo, tôi từng bị một cậu bạn cùng lớp cắn… chảy máu má vì cậu ấy… thích tôi quá (mẹ tôi kể thế). Cậu ấy tên là Cường. Sau này khi lớn lên chúng tôi có gặp lại nhau đôi lần nhưng không đứa nào nói gì…

Ku Bò

Có thể bây giờ cậu ấy đang tự nguyền rủa bản thân: “Sao ngày xưa mình lại thích con bé đó”.
Hồi ấy, “yêu” là cắn.

Ngày học lớp 1C ở trường Lê Lợi, cùng một lúc, tôi thích hai cậu bạn cùng lớp tên là Hoàng Anh và Hoàng Hà, hai bạn ấy là anh em họ. Hoàng Anh là lớp trưởng. Hoàng Hà không là lớp trưởng nhưng là một cậu bé học giỏi. Cả hai đều ngoan ngoãn và dễ thương.

Hoàng Hà thỉnh thoảng có chơi với tôi và rất hay bị tôi… giật tóc. Lý do một là cậu ấy nhiều tóc hơn tôi. Lý do hai là tóc cậu ấy rất đẹp và mượt. Lý do ba (cũng là lý do lớn nhất) là tôi thích cậu ấy.

Còn Hoàng Anh tôi ít chơi lắm. Hồi ấy phía sau trường tôi là một thảm cỏ (hoặc có thể gọi là lùm cây hay bụi rậm cũng được), chúng tôi hay ngắt cỏ phi tiêu để chơi. Tôi không biết chính xác loại cỏ đó tên là gì, nhưng khi phi vào áo thì rất bám, nhất là áo len. Tụi trẻ con chúng tôi mê tít mít. Dĩ nhiên, Hoàng Anh là đối tượng hay bị tôi chọn để ném cỏ phi tiêu. Lý do là vì tôi thích cậu ấy. Cậu ấy da trắng và “baby” hơn người anh họ Hoàng Hà.
Hồi ấy, “yêu” là giật tóc và ném phi tiêu.

Như bao đứa trẻ khác, tôi lớn lên cùng không ít lần “rung rinh” trước một cậu bạn nào đó cùng lớp hoặc cùng trường. Họ chủ yếu là những người đẹp trai, chơi thể thao giỏi hay có điểm gì đó nổi bật một cách… hào nhoáng. Và có vẻ như những đứa con gái khác cũng vậy, cũng thích mẫu người như thế.

Sau này, khi đã trưởng thành, tôi hiểu rằng để chọn được một người con trai và yêu đúng nghĩa thật chẳng dễ dàng bởi lẽ đẹp trai và nổi bật không còn là điều quan trọng.

13 tuổi, tôi yêu người đầu tiên. Diễn biến: Bình thường, không có gì nổi bật. Kết quả: Tôi là kẻ bị bỏ rơi. Tôi òa khóc đúng nghĩa một “đứa trẻ” 13 tuổi. Buồn đến đâu, khóc đến đó. Hết khóc thì hết buồn. Tôi khóc một mình, không chia sẻ cùng ai.
Hồi ấy, “yêu” là khóc.

Từ hồi ấy tới bây giờ (tức là 7 năm đấy các bạn), tôi có “ì xèo” chuyện tình cảm với một vài người (khi là tôi thích người ta, khi là ngược lại, khi là cả hai). Tất cả mọi chuyện đều diễn ra chóng vánh, chớp nhoáng, hời hợt… Duy chỉ có một điều, lần nào tôi cũng buồn (nặng hơn thì đau) và lần nào tôi cũng khóc.
Hồi ấy, yêu vẫn có khóc. Nhưng tôi hiểu một điều đáng giá hơn: Yêu không chỉ có khóc.

Có quá nhiều cách để con người ta bộc lộ tình yêu của mình: Cắn này, giật tóc này, ném phi tiêu này… và cả khóc cũng là cách bộc lộ tình yêu, một tình yêu không lời đáp, hoặc người ta đáp không như ý mình.

Tôi có một người bạn thân rất hay chia sẻ cảm xúc về tình yêu trên Facebook. Mọi thứ cảm xúc. Nhưng nhiều nhất vẫn là đau đớn, quằn quại, xót xa, tuyệt vọng… cùng rất nhiều thứ triết lý ỉ ôi. Nó giống tôi trước đây nhưng mức độ của nó nặng hơn, nặng hơn rất nhiều. Nhiều tới mức tôi và một số người phải than rằng mỗi lần đọc là một lần mình bi ai theo (cái này gọi là Quy luật lan truyền tâm lý). Và thế là… tôi không đọc nữa. Có thể nó sẽ rất không vui khi biết tôi – bạn thân của nó, không đọc hết những gì nó viết, cơ mà… mặc nó đi.

Buồn bã và đau thương là một phần của tình yêu. Và nếu đã dám yêu thì phải dám chấp nhận. Cũng giống như việc những cô bé hay cậu bé phải dám chấp nhận đau thương khi bị cắn, bị giật tóc hoặc ném phi tiêu. Than thở là điều tất yếu nhưng hãy than thở có mức độ, hoặc đừng than thở ở những chốn quá đông đúc như Facebook bởi mỗi lần người khác online lại thấy trang chủ hiện ra cả một tràng triết lý hết sức… đau đầu.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bảo:
“…Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều…”

Tình yêu là cả hạnh phúc lẫn thương đau.
Nhưng rồi, bài hát ấy vẫn tên là Hãy yêu nhau đi.
Vì thế, dù bạn đang hạnh phúc hay khổ đau, chúc bạn luôn yêu và luôn được yêu.