Không sinh ra ở cội nguồn đất Đền Hùng, vậy mà cứ đến ngày giỗ Tổ, tôi lại nao lòng như thể một người con của đất Tổ trong tâm trạng hồi hộp đợi chờ phút giây thiêng liêng khai hội.
Hoàng Mây
Tâm trạng không phải đơn thuần chỉ là vì một người con đất Việt hướng về ngày Giỗ Tổ trọng đại của dân tộc. Đó còn là tình yêu cội nguồn, là cái hồn quê thơ mộng, trữ tình, cái chất quê nặng nghĩa tình làng xóm. Những trò chơi dân gian thuở ấu thơ giờ chỉ còn là ký ức cứ thôi thúc, gợi nhớ và tái hiện trong bất kỳ mùa lễ hội nào hoặc đôi khi chỉ là một cái tên, một nỗi niềm khi được nhắc đến.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Ôi sao thân thương quá đỗi, những địa danh, mảnh đất anh hùng ghi dấu những cuộc đời thầm lặng hy sinh vì đất nước mà văng vẳng lời dặn của cụ Hồ:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Có viết nên bao yêu thương, bao kỷ niệm, dùng những ngôn từ hoa mỹ cũng chỉ là để thể hiện hết cái tình yêu quê hương đất nước và con người đang dồn nén trong góc khuất máu thịt mỗi chúng ta.
Có quá khứ mới có hôm nay, có hôm nay mới có ngày mai, thuận theo chiều quay của tạo hóa thời gian và cuộc đời người chẳng thể vĩnh hằng. Qua một ngày là cuộc đời ngắn đi một ngày. Lòng chùng xuống ngổn ngang những mong đợi, ước mơ về một thế giới thanh bình, cuộc sống vạn vật của thiên nhiên tươi xanh hùng vĩ theo đúng điệu vốn có, nhân loại trao trọn vòng tay yêu thương, đồng cảm trong sẻ chia và bao dung trước những trái ngang của cuộc đời mỗi con người. Kiến tạo để cùng nhau xây dựng những cuộc sống ấm no hạnh phúc, văn minh và có văn hóa.
Dòng người đi trảy hội đền Hùng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Truyền thuyết Cha Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ đã sản sinh ra dòng giống con rồng cháu tiên vẫn còn nguyên đó để tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên của một dân tộc anh hùng. Đất Việt hôm nay đã “thay da đổi thịt” biết nhường nào, đang hòa nhập trong “cái thế vận hội mới” cùng toàn cầu mà hướng đến sự phát triển văn minh và hiện đại.
Cuộc sống mọi người đổi khác và ở thế hệ nào, xã hội nào cũng thế, cũng có những cái tốt cái xấu hòa lẫn trong nhau. Trong cái tốt có cái xấu xuất hiện, trong cái xấu bỗng trở nên tốt theo tháng năm, theo cách sống, theo cách nghĩ, sự lựa chọn và chấp nhận của mỗi con người. Đó mới là xã hội. Cuộc sống lạnh lùng và dửng dưng nhưng khi hoạn nạn mới thấy được sợi xích của tình thân gắn kết lại với nhau trong tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, đó là bản chất của con người Việt.
Lại chợt nghĩ “Lý thuyết chỉ một màu xám xịt”, mình mang cái cảm xúc này để nhớ, để trăn trở liệu có “dớ dẩn” không nhỉ? Các bạn trẻ bây giờ, kể cả những thế hệ trước mình nữa, cũng có mấy ai như mình mà nhạy cảm đến thế không?
Mình nhỏ nhoi giữa trần tục chỉ có suy nghĩ là to hơn một tí, nhưng thường phải là hành động mới chiến thắng và được tôn vinh. Thôi thì “mưa dầm thấm đất”, trong cái tôi mỗi con người, ai cũng có những phút giây tĩnh lặng, có những phút sống thật mà khóc thật với cuộc đời.
Ngày mồng mười tháng ba Giỗ Tổ Hùng Vương, họ nhà mình cũng có một bàn thờ tổ, hòa nhịp cùng không khí ngày quốc lễ để trọn đạo “uống nước nhớ nguồn” trong nét văn hóa rất Việt Nam.