Khát vọng học tập của chàng sinh viên cao 1m, nặng 18 kg

219

“Chàng sinh viên tí hon” Lê Hải Trung, SV năm 1 khoa Tin học, ĐH Khoa học Huế (ngồi ngoài cùng) trên giảng đường.

Với chiều cao chỉ 1m, nặng 18 kg, Lê Hải Trung (SN 1991, trú tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) đã vượt qua nhiều mặc cảm, nỗ lực, tự tin “vượt vũ môn” thành công – đỗ cùng lúc 2 trường ĐH, CĐ tại Huế trong kỳ thi tuyển sinh 2010.

Với nghị lực học tập của mình, cậu tân sinh viên khoa Tin học, ĐH Khoa học Huế đã khiến cho nhiều người cảm phục.

Tuổi thơ chất đầy khó khăn

Gặp Trung tại giảng đường A1 Trường ĐH Khoa học Huế, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên với vẻ ngoài “đặc biệt” của cậu. Trung có bộ dạng nhỏ bé như đứa trẻ lên 10 tuổi, cái cặp sách sau lưng che lấp mất đi phần lớn anh chàng tân sinh viên. Điều dễ nhận thấy ở Trung là bước đi nhanh thoăn thoát, một ánh mắt sáng và khuôn mặt hài hòa.

 

Gia đình nghèo, cuộc sống khó khăn, từ nhỏ Trung đã nuôi một ước mơ vào giảng đường đại học. “Vóc dáng em nhỏ, không thể làm các nghề chân tay hay làm nông được cho nên em nung nấu một quyết tâm phải học để vào đại học. Vì việc học sẽ mở ra nhiều chân trời mới, cho em cơ hội để lao động trí óc”, Trung kể lại.

Sinh ra được 2 năm, trong một lần sơ ý, Trung bị bỏng nước sôi. Gia đình đưa em đi hết bệnh viện này sang bệnh viện khác để cứu chữa. Phải nằm cấp cứu gần 1 tháng ròng Trung mới thoát cảnh thập tử nhất sinh. Khi tính mạng được bảo toàn thì người em lại rất còm cõi, phát triển quá chậm so với bạn bè cùng trang lứa. Tuy “da bọc xương” vì trải qua tai nạn nhưng Trung rất hiếu động, những trò chơi của chúng bạn Trung đều tham gia.

Khi lên 6 tuổi, những đứa trẻ bạn Trung lần lượt cắp sách đi học thì cậu bé này cũng khao khát được cầm bút. Thương con, gia đình Trung xin cho em đi học dù trong lòng còn bộn bề lo lắng. Để chăm đứa con thiếu may mắn, ba mẹ Trung bỏ bớt công việc để thay phiên đưa đón con mỗi ngày. Ngày mưa ngày nắng, bóng dáng nhỏ bé Trung và ba mẹ in dấu đều đặn trên những con đường làng. Rất ít khi em nghỉ học, kết quả cuối năm luôn đạt khá, giỏi với sở trường là các môn Tự nhiên.

Nhà nghèo, ba mẹ làm nghề nông lại nuôi 5 miệng ăn nên dẫu thương Trung cũng không thể nào đáp ứng hoàn toàn nhu cầu học tập của đứa con “nghiền” đọc sách. Biết hoàn cảnh, em đã mượn sách bạn, phô tô những cuốn sách hay, hỏi thầy cô những bài làm khó, tìm mua sách cũ nâng cao và tự ngồi mày mò đọc, làm cho đỡ tiền cho cha mẹ. Dần dần, Trung trở nên thông thạo những bài tập trên lớp dù dễ hay khó.

Tuy nhiên, cảm giác mặc cảm về chiều cao ngày càng trở nên lớn trong Trung. Nhìn bạn bè hết năm học cứ cao lên còn mình cứ thấp, em đâm ra bối rối, lo sợ và cả …tuyệt vọng. Với nỗi buồn vẫn đọng lên trên mắt, Trung từ từ kể lại: “Vào cấp 3, em ngại đứng trước đám đông, lắm. Có lẽ do em hơi thấp, hơi ốm nên nảy sinh những cảm giác đó. Nhiều ngày em nghỉ học vì sợ bạn bè trêu chọc về cơ thể nhỏ bé của mình. Ngay sau khi vào lớp 10 một thời gian, em đã xin gia đình đến ban giám hiệu nhà trường bảo lưu một năm học vì mặc cảm. Từ đó em sống thu mình lại, ít tiếp xúc với ai.

Tưởng mình sẽ gục ngã, bỏ cuộc trên đường học hành vì nhiều người nói ra nói vào, chế nhạo chiều cao của mình. Nhưng may mắn, các thầy cô và bè bạn đã đến động viên em, bảo em có gì mà ngại, mình đi học để giúp xã hội chứ có làm hại ai đâu. Nhiều người bảo, em mà học giỏi thì nhiều đứa sẽ phục lắm vì chúng bình thường nhưng nhác học thì cũng bằng không. Bên cạnh đó, cha mẹ, anh chị động viên em nhiều lắm. Tất cả đều đặt niềm tin vào em, cảm động quá, em đã dần lấy lại sức mạnh và tìm ra ước mơ cuộc đời mình”.

Vững tin với nghề Tin học đã chọn

Cứ như vậy, Trung lại vững tin cắp sách tới trường. Những năm học cuối cấp ba, Trung tự mình đạp xe đến trường. Bóng dáng nhỏ bé ngồi trên xe đạp đi học là hình ảnh quen thuộc đối với mọi người ở quê em. Những ngày gần kỳ thi, Trung nhỏ hơn, gầy hơn vì thức khuya, ăn ít. Nhưng tinh thần em lại lên rất cao và phấn khởi. Em đã lấy đủ tự tin để vững vàng “chiến đấu” với kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách.

Và không còn niềm vui nào hơn lúc em đỗ đại học. Cầm trên tay hai tờ giấy ghi đỗ ngành Tin học Trường ĐH Khoa học Huế với tổng điểm 13,5 và trường Cao đẳng công nghiệp Huế với 17 điểm, Trung bật khóc trong sung sướng. Sau tất cả khó khăn đi qua, em chính thức trở thành tân sinh viên của Đại học Huế. Ngành em chọn là Tin học ở trường ĐH Khoa học Huế vì lý do: em rất có năng khiếu về lĩnh vực tin học, điện tử.

“Sau khi ra trường, em sẽ dễ có cơ hội tìm việc làm phù hợp với bản thân so với các ngành, khoa khác vì nó phù hợp với năng khiếu và cả chiều cao khiêm tốn của em. Sau này em ước mơ trở thành một lập trình viên máy tính giỏi”, Trung thổ lộ.

Dường như chững chạc hơn khi bước vào giảng đường Đại học, Trung tự tin tâm sự: “Những ngày học đại học, bạn bè cô thầy rất ưu ái dành cho em những tình cảm đặc biệt. Không ai tỏ ra coi thường mình cả nên em rất tự tin học và nghiên cứu”.

Bạn Hoàng Phước Ngọc Minh, lớp trưởng lớp Trung, cho biết: “Trung rất chăm chỉ học hành. Mặc dù chiều cao, cân nặng không như những sinh viên bình thường nhưng cả lớp đều động viên Trung học. Tất cả ai cũng yêu quý và rất cảm phục trước tinh thần ham học hỏi, vượt qua khó khăn của Trung”.
Khi viết trên bảng, Trung gặp khó khăn do chiều cao đặc biệt khiêm tốn của mình.

 

Trung với đôi mắt, khuôn mặt sáng ngời.

Tuy vậy, với chiều cao “đặc biệt” khiêm tốn của mình, Trung rất vất vả khi ngồi trên bàn học của giảng đường. Trung cho biết, do bàn cao – người thấp nên em phải luôn nhoài người mới viết được bài giảng. “Nhiều khi mỏi tay chân lắm nhưng phải cố gắng vì bài vở rất nhiều. Lên bảng viết em cũng chỉ ghi được ở phần dưới. Ngoài ra do trường rộng quá mà người em lại nhỏ nên em di chuyển cũng gặp những khó khăn đáng kể”. Hiện tại, do đường đi khó khăn nên chị Trung phải chở em mình đi học.

Chia tay Trung khi thành phố Huế vẫn chìm trong mưa lớn, chúng tôi thật cảm phục chàng sinh viên tí hon đã vượt qua nghịch cảnh, tự ti để giành chiến thắng trên con đường học vấn của mình. Với Trung, khó khăn không bao giờ làm em chùn bước vì em đã vượt lên chính mình, tự tin bước qua những chặng đường gian khó nhất.

(Nguồn Dân Trí)-BA