Ước mơ bảo tồn nguồn cội

201

Người gọi là “anh bảo tàng”, người cho rằng anh là tay chơi ngông vì thấy khi không anh lại mang về nhà những thứ lỉnh kỉnh bị vứt lăn lóc.

Hồ Văn Nghiếu (sinh năm 1979), Phó chủ tịch UBND xã Hồng Trung, H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, là một người như thế. Anh chuyên gom nhặt những công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt, nhạc cụ… tưởng chừng như vô giá trị với ước mơ lập cho được một bảo tàng dân tộc. 

Anh Hồ Văn Nghiếu với căn gác chứa đầy hiện vật về văn hóa Pakôh – Ảnh: Hoàng Sơn


Bảo tồn nguồn cội

Hỏi cơ duyên nào để anh bắt đầu công việc sưu tập, Nghiếu chỉ nói một câu tục ngữ của người Pakôh mà bố anh đã dạy: “Dù sống ở môi trường nào cũng phải nỗ lực phấn đấu”. Nghe lời bố, Nghiếu muốn phấn đấu làm một việc gì đó có ích cho đồng bào Pakôh rồi anh bắt tay vào công việc bảo tồn đó.

Anh kể: “Bố mình vốn là cán bộ của phòng văn hóa thông tin huyện từ những năm sau giải phóng. Hồi nhỏ, khi bố đi cơ sở mình thường xuyên đi theo để tìm hiểu cuộc sống của đồng bào. Lớn lên nhìn thấy những vật dụng truyền thống dần dần mất đi, mình càng ý thức rằng nếu không sớm làm một việc gì đó thì một ngày người Pakôh thậm chí sẽ không biết đến nguồn cội của mình”.

Rồi anh lấy ví dụ: “Chẳng hạn thời nay thì có còn ai dùng đến Tur Păl (cối xay lúa). Ngay cả những người già trong các bản cũng chỉ dùng máy tuốt lúa công nghiệp. Thử hỏi, trong vài năm nữa thôi thì những Tur Păl đó có còn?”.

Vậy là từ năm 2006 đến nay, ngày nào Nghiếu cũng mang về nhà một ít đồ vật. Ban đầu mẹ anh không khỏi phiền lòng, than thở rằng chưa thấy ai như anh, người ta thì mua những vật dụng giá trị còn anh thì mua những thứ bỏ đi. Thuyết phục mãi, cuối cùng mẹ anh cũng hiểu ý nghĩa công việc này.

“Tiền bạc có thể làm ra nhưng những thứ này mất đi thì mình có lỗi với đồng bào lắm”

Khắp H.A Lưới, nơi đâu có đồng bào Pakôh sinh sống là nơi đó có dấu chân của anh. Nghe bên H.Tù Muội (Salavan – Lào) có người Pakôh quần cư anh cũng lò dò sang đó tìm hiểu. Anh kể lại: “Có lần sang Lào, mình may mắn gặp tết Bun Pi May (tết té nước) nên gặp được rất nhiều già làng. Cái mà mình mang được về nhà chính là những câu chuyện cổ, những câu ca dao đã thất truyền mấy chục năm nay. Và chiếc Tứp – một dụng cụ sinh hoạt bằng tre đã mất tích từ lâu”.

Ước mơ bảo tàng dân tộc

Ngoài công việc chuyên môn của mình tại UBND xã Hồng Trung, cứ có thời gian rảnh rỗi là Hồ Văn Nghiếu lại len lỏi vào các bản làng xa xôi để tìm các đồ vật. Nuôi giấc mơ lập cho được một bảo tàng văn hóa dân tộc người Pakôh, Nghiếu càng không biết mệt mỏi đi xin hiện vật, xin không được thì bỏ tiền túi mua.

Anh cho biết, anh tâm đắc nhất là đã tìm được chiếc A Chiéu (như chiếc chiếu dùng làm sính vật cưới hỏi) mà đã cất công tìm trong mấy năm liền. “Lần đó, mình bất ngờ bắt gặp hiện vật này khi một người phụ nữ phơi nó bên bờ rào. Năn nỉ mãi họ cũng không cho, cuối cùng họ đã bán cho mình với giá 600 nghìn đồng”, anh nói.

Hiện Nghiếu đang có đến hơn 200 hiện vật và được phân loại chỉn chu, bao gồm văn hóa vật thể như: công cụ đánh bắt, công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt, trang sức cổ. Trong đó, hàng chục nhạc cụ được xem là một gia tài quý báu mà dân bản thường nói là “thằng Nghiếu có cả chục con trâu con bò cất trong nhà đó”. Ngoài ra, anh còn ghi chép đầy đủ và cẩn thận vốn văn hóa phi vật thể của dân tộc mình như những điệu múa, câu hát, ca dao tục ngữ…

Dẫn chúng tôi lên thăm căn gác nhỏ treo đầy hiện vật trên trần, móc trên tường, đặt dưới mặt sàn, anh say sưa giải thích ý nghĩa từng vật. Như cái này có từ năm nào, dùng để làm gì, hiện tại có còn được người dân sử dụng không. Nhưng chung quy lại tất cả đều vô giá với anh. “Có nhiều người ngỏ ý muốn mua và trả giá lên đến vài triệu đồng một vật nhưng mình quyết không bán. Tiền bạc có thể làm ra nhưng những thứ này mất đi thì mình có lỗi với đồng bào lắm”, Nghiếu tâm sự.

Nói dự định của mình trong tương lai, Nghiếu có chút lo lắng: “Đồng lương của mình còn ít ỏi quá, đam mê mua thứ gì là cả tháng đó vợ chồng mình cũng khó khăn theo luôn. Mình dự định sửa nhà rộng hơn, đóng tủ làm kệ lồng kính cho bà con ai ai cũng có thể đến coi để tự hào về gốc gác mình”.

Ngoài việc sưu tầm hiện vật, anh Hồ Văn Nghiếu còn thường xuyên vào rừng đi tìm Alour A Ut Leng (gỗ lũa: là phần lõi cây cứng nhất còn sót lại của các gốc cổ thụ khô sau khi cây bị chết. Gỗ lũa rất cứng, không bao giờ bị mối mọt, mục nát và các tác động của nắng, mưa, côn trùng hay dòng chảy của nước…) chỉ để thỏa lòng đam mê mà không bán. Căn nhà anh được cấu tạo như căn nhà sàn thông thường nhưng phần dưới là nơi sinh hoạt gia đình còn phần trên là không gian riêng của anh với những thớ gỗ độc đáo xen lẫn với những hiện vật giá trị.

Theo Thanh Niên