Nhà chống lũ của chàng sinh viên miền Trung

170

 

Kết thúc cuộc thi thiết kế “Nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt” do Hội Kiến trúc sư VN tổ chức, Phạm Hữu Thủy – sinh siên năm 5 khoa kiến trúc Trường đại học quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM – đã xuất sắc đoạt giải A.

Thiết kế của Thủy đã mở ra phương án phòng chống lũ lụt hiệu quả cho người dân vùng lũ miền Trung.
 

Đau đáu ngôi nhà cho dân quê mình
Quê ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, nơi năm nào cũng hứng chịu những trận lũ ngập hết xóm làng, nên Thủy luôn đau đáu với suy nghĩ thiết kế những ngôi nhà tránh lũ.

 

Phạm Hữu Thủy trong ngày nhận giải thưởng

Thủy tâm sự: “Hai trận lũ trong tháng 10 năm ngoái, nhà cửa xóm làng bị cuốn trôi, hàng chục người mất mạng. Đó là lý do khiến mình quyết tâm thiết kế bằng được ngôi nhà chống lũ”. Vừa lúc Hội Kiến trúc sư VN phát động cuộc thi thiết kế “Nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt” nên Thủy bắt tay vào thiết kế ngay. “Thiết kế nhà để thi nhưng trong tâm trí luôn nghĩ đến làng quê mình trong cơn lũ dữ nên càng quyết tâm hơn”, Thủy nói.

Lũ miền Trung thường lên xuống rất nhanh, diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó địa hình miền Trung nhiều nơi hiểm trở, chia cắt nên việc di dời, cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần phải có giải pháp tại chỗ để ứng phó trước khi chờ được cứu hộ. Mặt khác cần phải sơ tán người, gia súc, gia cầm, tài sản nhanh nhất mà không mất nhiều sức lực… Đó là tất cả yêu cầu đặt ra với Thủy trước khi hình hài ngôi nhà chống lũ ra đời.

Phương án nhà chống bão lụt đoạt giải A


Ngôi nhà nổi trên nước lũ

“Người dân quê phần lớn nghèo khó. Ngôi nhà cho họ vừa phải tránh được lũ, vừa phải rẻ thì họ mới có cơ may được sử dụng”, Thủy nói.

Ngôi nhà Thủy thiết kế có một hệ thống phao nổi tự động mỗi khi lũ dâng cao. Phao được làm bằng ba thùng phuy kết lại với nhau đặt dưới nền nhà gần bếp nên không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong gia đình. Trên mặt các thùng phuy được kết chặt bằng ván gỗ nhẹ. Trong nhà vẫn có hệ thống bếp ga bếp củi. Một nửa mái nhà được lợp bằng tôn lạnh, có cửa chớp để thoát hiểm bằng hệ thống phao khi lũ lên cao. Phần còn lại được đổ bêtông cốt thép để che nắng che mưa, làm nơi phơi nông sản vào mùa nắng và nơi trú của người, gia súc khi lũ về. Tất cả sẽ được đưa lên mái nhà trước khi lũ dâng cao bằng hệ thống ròng rọc đôi cố định vào phía mái lợp tôn lạnh. Khi lũ tràn tới, hệ thống phao sẽ nâng nhà lên. Trường hợp nước ngập trần nhà, phao sẽ tiếp tục nổi lên qua cửa chớp nhưng vẫn giữ được thăng bằng trong dòng nước lớn nhờ hệ thống dây chằng ở bốn góc. Khi lũ rút thì phao sẽ tự động hạ về vị trí ban đầu.

Thủy còn ấp ủ ý định nâng cấp, bổ sung đề tài của mình để hoàn thiện hơn. Phần sàn nhà được thiết kế lại bằng bêtông cốt thép, diện tích rộng gấp đôi phương án trước. Có thêm cầu thang bêtông lên xuống sàn. Từ sàn lên mái được thiết kế bằng hệ thống thang sắt thuận tiện cho việc di chuyển người, gia súc, gia cầm, vật dụng. Hai mái nhà lệch nhau được lợp bằng tôn lạnh, có cửa sổ và cửa thoát hiểm trên cao giúp ngôi nhà luôn thông thoáng…

Cuộc thi kết thúc, tên Thủy được vinh danh ở giải cao nhất cùng với những kiến trúc sư có tiếng khác trên toàn quốc. Thủy bày tỏ: “Mình sẽ chuyển ý tưởng này về quê trước. Nhiều gia đình ở đó đang rất cần. Mùa mưa này có thể họ sẽ còn phải đối mặt với nhiều trận lũ nữa”, Thủy tâm sự.

Theo Tuổi Trẻ