Vượt qua nỗi đau da cam vào đại học

116

Nhận được tin báo con trai Trịnh Đình Anh đỗ vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông Trịnh Đình Ly (60 tuổi) và bà Đoàn Thị Nguyệt (52 tuổi, trú tại làng Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) mừng rơi nước mắt.
Vậy là đứa con mà vợ chồng ông Ly chăm bẵm suốt 18 năm qua nay là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Đình Anh đỗ vào khoa tài chính – ngân hàng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội với số điểm khá cao (26,5 điểm; trong đó môn toán được 8,5; vật lý 9,5; hóa học 8,5).

Trịnh Đình Anh vừa giúp bố mẹ cơm nước, vừa tranh thủ ôn luyện môn ngoại ngữ để chuẩn bị hành trang bước vào đại học – Ảnh: Hà Đồng


Tuổi thơ nhọc nhằn

Sau những năm phục vụ chiến đấu ở chiến trường B2 (vùng Đông Nam bộ), đến khi thống nhất đất nước, ông Trịnh Đình Ly trở về địa phương tham gia sản xuất cùng gia đình rồi thành hôn với bà Đoàn Thị Nguyệt cùng quê.

Hai đứa con gái của ông Ly lần lượt ra đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Mãi đến năm 1993, vợ chồng ông Ly mới sinh tiếp cậu con trai út là Trịnh Đình Anh. Ngay từ những tháng đầu sau khi sinh, Đình Anh ốm yếu quặt quẹo, thời gian nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà, làm kinh tế gia đình ông Ly khánh kiệt. Nhiều đêm ôm đứa con trai chỉ còn da bọc xương nằm ở bệnh viện, bà Nguyệt khóc cạn nước mắt. Em Đình Anh ốm yếu triền miên nên chậm biết nói, biết đi so với trẻ cùng trang lứa.

Đôi chân bé bỏng, yếu ớt của Anh bị khoèo, đi lại rất khó khăn, nên con đường đến trường như dài thêm, đầy nhọc nhằn. Ngày con trai bước vào lớp 1, ông Ly đưa Anh đến trường bằng chiếc xe đạp cũ. Nhìn các bạn của con vui đùa, chạy nhảy trên sân trường, trong khi Anh chỉ biết ngồi thu lu một chỗ, ông Ly buồn ứa nước mắt. Vậy là suốt những năm học tiểu học, ông Ly làm đôi chân đưa Anh đến trường học chữ.

Nhiều hôm bố mẹ bận đi làm đồng, chưa kịp về đưa đi học, Anh lại tập tễnh từng bước khó nhọc trên đôi chân tóe máu đến trường, vì không đi được dép. Thương bạn, từ năm học lớp 5 đến lớp 9, em Nguyễn Đình Chung (người cùng thôn) hằng ngày đến nhà đưa đón Anh đến trường.

 

Trịnh Đình Anh (giữa) cùng bố mẹ trong niềm vui đỗ vào khoa tài chính- ngân hàng ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội – Ảnh: Hà Đồng

Trịnh Đình Anh tâm sự: “Bước ngoặt quan trọng đầu đời của em là năm 2008 em thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Thiệu Hóa với số điểm cao. Đây là trường công lập của huyện, mà kỳ thi tuyển sinh đầu vào rất khó. Ngay sau đó, em quyết tâm tập đi xe đạp để có thể tự đạp xe 10km từ nhà đến trường học cấp III. Dù đôi chân em đã được phẫu thuật, chỉnh hình nhiều lần, nhưng vẫn rất khó khăn khi điều khiển bàn đạp của xe”.

“Hì hục tập cả tháng trời ở sân đình làng, thế rồi em cũng đi được xe đạp, trong khi các bạn cùng lứa tuổi biết đi từ lúc lớp 4, lớp 5. Nhưng những năm học cấp III, chân tay em teo tóp dần. Bị đau đầu triền miên nên em thường xuyên phải dùng thuốc bổ não. Sức khỏe không được tốt để học bài khuya, lại không có điều kiện đi học thêm, nên em ôn bài mọi lúc, mọi nơi. Có hôm ngồi học ở phòng trọ mệt quá, em ngất lịm đi, may mà bạn bè phát hiện kịp”.

Tìm ước mơ nơi kiến thức

Mấy hôm nay gia đình ông Ly lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, bởi rất đông bà con xóm giềng đến chúc mừng Trịnh Đình Anh.

Được biết, suốt 12 năm học phổ thông, Anh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ba năm học THPT, Anh từng đoạt giải ba và giải khuyến khích môn hóa học tại kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Vừa qua, Anh được nhận học bổng 500.000 đồng của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thanh Hóa trao tặng, nhân dịp 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam.

Bà Nguyệt dù rất vui khi con trai đỗ ĐH, nhưng vẫn thường trực nỗi lo của người mẹ: “Để lo tiền cho Anh chi tiêu suốt những năm học ở Hà Nội, gia đình tôi định phải đi vay ngân hàng. Hai vợ chồng tôi ở quê còn làm được sáu sào ruộng khoán, nên khoản nợ ngân hàng chúng tôi gắng trả dần, miễn sao con cái được học hành”.

Nhìn đôi mắt mẹ ngấn nước, Đình Anh an ủi: “Ra Hà Nội con sẽ cố gắng học hành để sau này có việc làm ổn định, phụ giúp bố mẹ lúc tuổi già”.

Ước mơ có được một chiếc xe đạp điện để di chuyển được thuận tiện hơn của Đình Anh cũng thật khó thực hiện bởi chỉ tính khoản tiền chi phí đầu năm học cũng đã quá sức với gia đình.

Theo Tuổi Trẻ