Năm 3 tuổi, Thịnh theo các cô chú trong hội đi biểu diễn văn nghệ ở các xã. Về nhà, Thịnh tự mò mẫm các loại nhạc cụ để làm quen và tự tập lại theo những điệu nhạc đã nghe. Năm Thịnh 6 tuổi, bố mẹ nhận thấy em ngày càng say mê âm nhạc nên mời thầy dạy thêm. Anh Bùi Văn Lộc, bố của Thịnh, nói: “Có thầy đã từ chối dạy cháu vì nói cháu nhỏ tuổi quá lại bị mù nên sẽ không học được. Nhưng khi thuyết phục được thầy nhận dạy rồi, thầy nào cũng nói cháu học rất nhanh”. Khi mới học đàn ghi-ta và đàn sến, ngón tay của Thịnh rướm máu. Dù rất đau, nhưng Thịnh không chán nản và càng cố gắng học.
|
Thịnh cho biết: Tham dự Liên hoan Tiếng hát từ trái tim do Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa tổ chức tháng 9.2011 ở Nha Trang, em đoạt 1 giải nhất tiết mục đàn ghi-ta cho mẹ hát; 1 giải nhất hòa tấu (Thịnh chơi bộ trống) và 1 giải nhì độc tấu đàn organ. Tháng 11 tới, Thịnh sẽ cùng mẹ ra Hà Nội để tham dự Liên hoan Tiếng hát từ trái tim toàn quốc năm 2011. Thịnh nói: “Em sẽ cố gắng rèn luyện để trở thành nhạc sĩ. Em mong muốn có môi trường học tập tốt để phát huy hết khả năng của mình nhưng nhà em nghèo nên cũng khó. Em dự định học thêm đàn tranh vì em cũng rất mê âm thanh của loại nhạc cụ này”.
Thịnh còn sáng tác được 3 bài hát: Cho ta, Ước mơ và Tung tăng; trong đó, Thịnh đặc biệt thích bài Cho ta. Thịnh chia sẻ: “Em thấy bố mẹ cực quá nên viết bài này để thể hiện tình yêu thương bố mẹ. Lần đầu tiên em đàn organ và hát bài này, bố mẹ em đã rất xúc động. Mẹ đã ôm em rất chặt, rất lâu”. Một buổi chiều tại Hội Người mù thị xã Ninh Hòa, Thịnh vừa chơi organ vừa cất cao giọng hát: “…Cha mẹ sinh ra ta/Cho ta cả cuộc đời/Bầu trời xanh bao la/Không phủ kín tình cha/Biển rộng xanh mênh mông/Không đong đầy tình mẹ/Mai sau lớn nên người/Con xây đắp cho đời/Công ơn cha với mẹ/Suốt đời con không quên…” (bài hát Cho ta, Bùi Ngọc Thịnh sáng tác tháng 12.2010).
Theo báo Thanh Niên