Lớp học trên đảo Hòn Tre chỉ vỏn vẹn 3 học sinh. Những con chữ nhọc nhằn đã đến với các em bằng cả tấm lòng của một thầy giáo trẻ.
Điểm trường Đầm Báy là nơi xa nhất và khó khăn nhất trong số 4 điểm trường thuộc Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 (P.Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Để đến trường dạy học, sáng thứ hai hằng tuần, thầy Nguyễn Văn Cần (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) có mặt tại cảng Cầu Đá đi tàu gần 2 tiếng đồng hồ ra đảo. Do điểm trường Đầm Báy nằm trong eo đảo, ngược đường các tàu qua lại, nên chủ tàu chỉ cập bến tại điểm trường Bích Đầm.
Từ đây, thầy Cần thuê thuyền hoặc nhờ người dân Đầm Báy ra chở, nhưng không phải khi nào cũng gọi được. Đã hàng chục lần, thầy Cần phải vượt núi, băng rừng từ điểm trường Bích Đầm đến điểm trường mình phụ trách. “Điểm trường Bích Đầm nằm bên này đảo Hòn Tre thì điểm trường Đầm Báy nằm phía bên kia. Những hôm không có tàu thì phải đi bộ gần 7 km, mất khoảng hai tiếng mới đến trường. Lần đầu chưa quen đường, mình cứ theo đường mòn người dân lên rừng hái củi mà đi. Vừa sợ lạc đường, vừa sợ không kịp lên lớp”, thầy Cần kể.
Thầy Cần trong lớp học tại điểm trường Đầm Báy – Ảnh: N.C |
Điểm trường không đánh trống, cứ đúng giờ, thầy và trò có mặt tại lớp. Trên đảo chỉ có 3 học sinh nên thầy Cần phải “gom” các em lại để dạy một lớp. Trong lớp học, Võ Thanh Dũng học lớp 5, Võ Cường My và Đỗ Văn Minh học lớp 3. Dũng và My là anh em ruột, còn Minh là em họ. Thầy Cần dùng phấn chia bảng ra thành hai, xếp mỗi khối lớp ngồi một dãy bàn để tiện cho việc dạy học. Sau khi hướng dẫn làm xong bài tập toán cho học sinh lớp 5, thầy quay sang dạy tập đọc cho học sinh lớp 3.
Dạy học trên đảo nên thầy Cần phải ở lại, chỉ những ngày cuối tuần mới về đất liền. Sau giờ lên lớp, thầy lại về phòng làm bạn với chiếc radio cũ. Phòng thầy Cần cách lớp học chỉ một bức tường. Trên đảo chưa có điện, thầy dùng vỏ chai nước chụp lên ngọn nến nhỏ để che gió, ánh sáng không đủ nhìn rõ mặt người. Do không có nước ngọt nên thầy phải hứng nước mưa vào lu chứa dùng dần.
Ông Phan Gia Phái – Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 nói: “Là thanh niên, họ có thể vượt qua những khó khăn về vật chất, nhưng đáng sợ nhất là cái buồn. Phải là người tâm huyết với nghề lắm, thầy Cần mới có thể bám trụ lại đảo lâu như vậy”.