Sản xuất vật liệu xây dựng từ chất thải ở bãi khai thác than, công thức pha chế thuốc thử phát hiện nhanh các chất ma túy tổng hợp là những sáng kiến tiêu biểu được T.Ư Đoàn tuyên dương tại Festival Sáng tạo trẻ năm 2013.
Phạm Hồng Quân, Phạm Trần Nam thao tác pha chế thuốc thử phát hiện Ketamine – Ảnh: Hoàng Phan |
Gạch làm từ chất thải bãi than
Dự án nghiên cứu sử dụng chất thải SIT thực nghiệm tại Thái Nguyên làm nguyên liệu sản xuất gạch block bê tông trang trí tự chèn của nhóm sinh viên Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Huy Bình và Trần Đức Nam (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) được đánh giá là bước đột phá trong giải quyết môi trường ở các khu vực khai thác than ở Việt Nam. Đây cũng là nhóm tác giả sinh viên duy nhất có công trình nghiên cứu được tuyên dương và trao giải thưởng trong Festival năm nay.
Festival Sáng tạo trẻ năm 2013 diễn ra từ ngày 26 – 27.10 tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do T.Ư Đoàn phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Ninh tổ chức, song song với các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.
Festival Sáng tạo trẻ năm nay có 206 hồ sơ dự thi, hội đồng thẩm định đã chọn ra 45 công trình, sản phẩm đã có ứng dụng trong đời sống để tuyên dương. Trong số đó, Quảng Ninh có 3 công trình, sản phẩm được tuyên dương và nằm trong số 1/10 đơn vị được T.Ư Đoàn tặng bằng khen có đóng góp tiêu biểu trong triển khai phong trào Sáng tạo trẻ. |
Trưởng nhóm Trần Đại Nghĩa cho biết dự án ra đời khi tình cờ xem bản tin về vụ sạt lở bãi thải khai thác than ở Phấn Mễ (Thái Nguyên) hồi năm 2012, cướp đi mạng sống của 7 người và khiến 14 ngôi nhà, cùng nhiều tài sản của người dân bị vùi lấp. Cũng sau vụ việc ấy, 3 thành viên là bạn thân trong câu lạc bộ Vật liệu xây dựng, diễn đàn của sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội bắt đầu phân công nhau tìm kiếm tài liệu tìm hiểu về chất thải từ các bãi than. Để có kiến thức thực tế, các thành viên tiết kiệm chi tiêu, dành tiền mua vé xe đi về liên tục trên cung đường Hà Nội – Thái Nguyên, chọn ngay bãi thải Phấn Mễ để làm các thí nghiệm thực nghiệm.
Nghĩa kể mỗi lần đi thực tế thì thấy lo lắng, bất an là tâm lý chung của người dân ở đây khi hằng ngày sinh sống ngay dưới “núi” chất thải cao vượt mái nhà. Chẳng phải chờ đến khi có sự cố sạt lở, trong điều kiện bình thường, khu bãi thải khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ bụi, nguồn nước ô nhiễm. Những cuộc trò chuyện và gặp gỡ người dân đã tiếp thêm quyết tâm biến ý tưởng tái chế SIT thành nguyên liệu xây dựng sớm thành hiện thực.
Thành viên tham gia nghiên cứu Trần Đức Nam giải thích, SIT là chất thải rắn được bóc ra trong quá trình khai thác than, có tỷ lệ ngấm nước thấp hơn nhiều so với các vật liệu khác dùng sản xuất gạch nên gạch block tự chèn sử dụng cho các công trình xây dựng sân chơi công cộng, vỉa hè, mặt bằng kho xưởng… là sản phẩm đầu tiên nhóm mong muốn phát triển. Trong nghiên cứu, công nghệ sản xuất gạch từ chất thải bãi than đã có hướng phát triển mới khi sử dụng các máy nghiền nhỏ SIT theo tỷ lệ, kích thước để phát triển các dòng sản phẩm cao cấp khác nhau.
Trước khi dự thi Festival Sáng tạo trẻ T.Ư Đoàn, công trình nghiên cứu sản xuất gạch block từ chất thải bãi than được một doanh nghiệp trong ngành đưa vào sản xuất thí điểm với khoảng 2.000 m2. Các chỉ số đánh giá và kiểm định từ Viện Khoa học vật liệu xây dựng Việt Nam với các mẫu thử nghiệm cho thấy độ bền cao, bề mặt bóng đẹp hơn gạch cùng loại sử dụng nguyên liệu cốt đá dăm.
Thuốc thử ma túy Ketamine
Cải tiến thành công và tìm ra công thức pha chế thuốc thử phát hiện nhanh các chất ma túy tổng hợp nhóm Ketamine là chiến công thầm lặng có ý nghĩa đặc biệt của đại úy Phạm Hồng Quân và trung úy Phạm Trần Nam, đang công tác tại Đội giám định hóa học, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP.Hà Nội.
Nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc với lô gạch block tự chèn làm từ chất thải SIT |
Quá trình nghiên cứu thuốc thử Ketamine được Quân và Nam bắt tay thực hiện từ đầu năm 2012 từ thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng, vận chuyển và buôn bán các chất ma túy tổng hợp, với nhiều loại mới du nhập vào Việt Nam. Để che mắt lực lượng chức năng, các chất ma túy tổng hợp sử dụng trong các vũ trường, tụ điểm ăn chơi tại thủ đô được truyền miệng với nhiều tên khác nhau: Đá, Ngựa, Ice (nhóm Methamphetamine); thuốc lắc, kẹo, Ectasy (nhóm MDMA); Ke, vitamin K…(nhóm Ketamine). Trong đó, các chất ma túy tổng hợp nhóm Ketamine mới du nhập vào Việt Nam, các mẫu thuốc thử trước đây rất khó phát hiện Ketamine, kết quả không rõ ràng. Nếu dùng thuốc thử cũ cần nhiều thời gian, công sức khi phải làm các thí nghiệm với thiết bị hiện đại.
Trên thực tế, nhiều vụ án, cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ hàng ngàn viên nén, hàng chục kg tinh thể nghi là ma túy tổng hợp nếu không phân loại chính xác, kịp thời thực sự là áp lực lớn với công tác điều tra, phá án. Đối tượng buôn bán, vận chuyển dùng nhiều thủ đoạn tinh vi đánh lạc hướng điều tra, nhằm thoát hoặc giảm nhẹ tội.
Dựa trên các mẫu thuốc thử của đồng đội đi trước, Quân và Nam trực tiếp nhận nhiệm vụ nghiên cứu, cải tiến phương pháp tìm ra công thức pha chế mới với mục tiêu là rút ngắn thời gian phát hiện nhanh các chất ma túy tổng hợp mới thuộc nhóm Ketamine.
Vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, cộng thêm tham vấn từ đồng đội, nhóm nghiên cứu cũng thành công khi đưa ra được công thức và quy trình pha chế thuốc thử Ketamine. “Thuốc thử phát hiện nhanh Ketamine dựa trên phản ứng về màu sắc, mỗi mẫu thử chỉ cần từ 10 – 15 phút đã cho kết quả phản ứng và có thể thực hiện ở mọi lúc mọi nơi. Mẫu thuốc thử này được các đội công tác 141 Công an Hà Nội sử dụng hiệu quả khi phát hiện đối tượng có nghi vấn vận chuyển, tàng trữ chất ma túy tổng hợp”, đại úy Quân nói.
Đồng hành cùng nhóm tác giả và có thời gian theo dõi, cố vấn cho nhóm nghiên cứu, trung tá Đinh Gia Quyết, Đội trưởng Đội giám định hóa học, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội cho rằng: ngoài tiết kiệm chi phí sản xuất và ưu điểm dễ sử dụng thì thuốc thử Ketamine đã giúp cơ quan chức năng tiết kiệm nhiều thời gian trong đấu tranh và xử lý tội phạm ma túy.
Theo Thanh Niên