Thành lập các tổ chức bầu cử và những vấn đề cần chú ý

149

Triển khai công tác bầu cử (BC) đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) khóa XIII và BC ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở. Trong số những nhiệm vụ cần thực hiện để phục vụ tốt cho ngày BC 22-5-2011, có việc thành lập các tổ chức BC và công tác tuyên truyền BC.

. Thành lập các tổ chức bầu cử

Thực hiện kế hoạch của Trung ương, ngày 16-2, tỉnh Khánh Hòa đã chính thức công bố Quyết định (QĐ) thành lập Ủy ban (UB) BC ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 (có 21 người, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch tỉnh, Thư ký và các ủy viên là đại diện Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ cùng cấp và một số cơ quan hữu quan). Cùng thời gian này, tại các địa phương cũng thành lập UBBC ĐB HĐND cấp huyện (từ 11 – 15 người, gồm đại diện Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ, một số cơ quan, tổ chức hữu quan). Tại cấp xã, thành lập UBBC ĐB HĐND cấp xã, có từ 9-11 người, với thành phần như cấp tỉnh và huyện.

Theo quy định, chậm nhất là 60 ngày trước ngày BC (23-3-2011), UBND tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực UBMTTQ cùng cấp QĐ thành lập ở mỗi đơn vị BC một Ban BC ĐBQH có từ 9 – 15 người, gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Thư ký và các ủy viên là đại diện Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ cùng cấp, cùng một số cơ quan hữu quan. Chậm nhất là 45 ngày trước ngày BC ĐB HĐND (ngày 7-4), UBND tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực UBMTTQ cùng cấp QĐ thành lập ở mỗi đơn vị BC một Ban BC ĐB HĐND cấp tỉnh gồm đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội. Ban BC ĐB HĐND cấp tỉnh có từ 11 đến 13 người. Ở cấp huyện và cấp xã, chậm nhất là ngày 7-4 cũng thành lập Ban BC ĐB HĐND với cách làm tương tự như cấp tỉnh, nhưng thành phần có khác. Cấp huyện có từ 9 đến 11 người, cấp xã có từ 7 đến 9 người. Ở cấp xã, thành phần Ban BC có thêm đại diện tập thể cử tri tại địa phương. Chậm nhất là 35 ngày trước ngày BC (ngày 17-4), UBND xã, phường, thị trấn sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực UBMTTQ cùng cấp QĐ thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ BC để thực hiện công tác. Tổ BC này có từ 11 đến 21 người, gồm Tổ trưởng, Tổ phó, Thư ký và các ủy viên là đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tập thể cử tri ở địa phương.

UBBC tỉnh cũng trưng tập một số chuyên viên của các sở, ban, ngành có liên quan để thành lập tổ giúp việc cho UBBC tỉnh. Cơ quan thường trực của UBBC ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011 – 2016 đặt tại Sở Nội vụ.

. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để công tác BC diễn ra một cách chặt chẽ, công khai, dân chủ và đúng luật định, trong thời gian sớm nhất, tỉnh sẽ thành lập các tiểu ban giúp việc cho UBBC tỉnh gồm: Tiểu ban chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về BC; Tiểu ban tuyên truyền; Tiểu ban chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tiểu ban cơ sở vật chất.

Với mục đích động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, tự giác tham gia cuộc BC, Tiểu ban tuyên truyền cùng các ngành hữu quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra, tổ chức rút kinh nghiệm và báo cáo với UBBC về công tác tuyên truyền; kết hợp tuyên truyền với việc động viên nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế – xã hội ở địa phương. Các đoàn thể và tổ chức xã hội cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên làm nòng cốt để vận động cử tri nghiêm chỉnh thực hiện BC. UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn căn cứ vào kế hoạch hướng dẫn tuyên truyền về BC, chỉ đạo các cơ quan ở địa phương triển khai tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm cho cuộc BC là ngày hội lớn của toàn dân.

Công tác tuyên truyền chia thành 3 đợt. Đợt 1 từ 10-2 đến 10-4, tập trung tuyên truyền về Hiến pháp, chỉ thị của Bộ Chính trị, Luật BC ĐBQH, Luật BC ĐB HĐND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BC ĐBQH và Luật BC ĐB HĐND, các văn bản của HĐBC, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt về tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND, các quy định về giới thiệu người ứng cử, người tự ứng cử, về quyền BC của công dân, các bước hiệp thương của MTTQ… Đợt 2 tiến hành từ ngày 11-4 đến 22-5 với nội dung: tiếp tục tuyên truyền về tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND, quyền và nghĩa vụ của cử tri; các quy định về trình tự BC và thể thức BC. Trong thời gian 10 ngày trước ngày BC, cần đẩy mạnh về mật độ và thời lượng hoạt động tuyên truyền cổ động (khẩu hiệu, pa nô, áp phích), hoạt động của các đội thông tin lưu động; ra bản tin về thể thức tiến hành BC ĐBQH và ĐB HĐND các cấp; niêm yết danh sách cử tri và danh sách những người ứng cử. Đợt 3 từ ngày 23-5 đến 11-6: tuyên truyền về kết quả BC.

Còn vừa tròn 3 tháng nữa là đến ngày các cử tri tham gia BC. Lựa chọn các ĐB có đủ phẩm chất và năng lực để xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi chúng ta.