“Khi màn đêm buông xuống, các chú có lẽ rất nhớ nhà, nhớ người mẹ già từng ngày mong con, nhớ người vợ với nỗi nhớ chồng khôn nguôi, nhớ con thơ đợi cha…”, một học sinh tỉnh Khánh Hòa viết thư gửi bộ đội Trường Sa.
Đây là một trong gần 9.000 lá thư thăm hỏi của học sinh, thiếu nhi Khánh Hòa gửi bộ đội đảo Trường Sa thời gian qua, hưởng ứng phong trào viết thư cho chiến sĩ Trường Sa.
Nói đến lính đảo là nói đến muôn vàn khó khăn phải đương đầu. Bạn Trần Khánh Hòa (lớp 9/13 trường THCS Thái Nguyên, TP Nha Trang) chia sẻ điều ấy qua dòng thư tâm sự: “Giữa chốn ngút ngàn trùng khơi, quanh năm chập chùng sóng vỗ ấy, chúng cháu biết các cô chú phải đương đầu với rất nhiều thử thách, khó khăn: Sự khắc nghiệt khí hậu, sự thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, sự cô đơn buồn bã giữa đêm khuya thanh vắng… rất nhiều và rất nhiều…”.
Học sinh viết thư gửi lính Trường Sa. Ảnh: Tường Châu |
Cùng với đó là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân: “… Ở hậu phương chúng cháu luôn đón chờ tin tức hằng ngày qua các thông tin truyền thông. Khi màn đêm buông xuống các chú có lẽ rất nhớ nhà, nhớ người mẹ già từng ngày mong con, nhớ người vợ với nỗi nhớ chồng khôn nguôi, nhớ con thơ từng ngày đợi cha…”.
Bài thơ “Chú bộ đội” Cháu yêu chú bộ đội Hà Duy Việt, lớp 10A13, trường THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang |
Hàng ngày, những thông tin về biển và Trường Sa luôn được giới trẻ tuổi teen cập nhật liên tục để hiểu hơn về cuộc sống nơi đảo xa. “Mỗi khi có cơn bão đến em lại thấy bồn chồn và rất lo cho các chú bộ đội ở Trường Sa, cứ mong trời hết mưa bão để các chú được bình yên” – Trần Ngọc Hoàng Thi, học sinh lớp 9/11, trường THCS Thái Nguyên chia sẻ. Và trong mỗi bức thư gửi ra đảo, bạn không bao giờ quên nói lên điều đó: “Chúng cháu ở đây vô cùng lo lắng cho các chú, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Chúng cháu trong đất liền đi lại đã rất khó khăn rồi, không biết các chú phải làm sao để chống lại cái lạnh, cái rét, giữ gìn thể lực, tiếp tục bảo vệ biển đảo”.
Mượn lời của các bác ngư dân, bạn Trương Quang Duy (lớp 11A15, trường THPT Lý Tự Trọng) dành tình cảm cho Trường Sa bằng một cách khác: “Cháu xin chuyển lời cảm ơn của các bác ngư dân ở quê cháu đến các chú. Các bác ấy thường nói với nhau rằng họ lúc nào cũng yên tâm đánh bắt xa bờ bởi có chuyện gì bất trắc họ luôn được hải quân của mình hỗ trợ, gọi tàu thuyền vào tránh bão”.
Đằng sau những lo lắng ấy còn có cả sự khâm phục nghị lực phi thường của các chiến sĩ dù khó khăn, vất vả nhưng luôn bền gan, vững chí và tinh thần đoàn kết cao để vượt qua tất cả. Chính vì điều đó, các em luôn muốn: “Chúng cháu ao ước một ngày nào đó sẽ được đặt chân đến vùng đất thiêng liêng này, được thực hiện sứ mệnh vinh quang mà các chú đang làm…”.
Những dòng thư của cô học trò nhỏ cấp một trường tiểu học Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa) Huỳnh Trường An Phúc thể hiện với điều ước giản dị: “Ước gì đêm nào cháu cũng được xem một chút thời sự về Trường Sa thân yêu. Cho gửi chút nắng, chút gió đất liền để làm quà đến các chú bộ đội Trường Sa thương nhớ. Cháu muốn tận mắt nhìn thấy quả bàng vuông là đặc sản nơi Trường Sa, màu tím của hoa muống biển…”.
Thầy Bùi Thúc Thiện – Tổng phụ trách Đội trường THCS Thái Nguyên cho biết: “Phong trào viết thư gửi các chiến sĩ Trường Sa được các em học sinh hưởng ứng rất nhiệt tình. Các chiến sĩ cũng đã gửi thư về lại cho một số học sinh của trường”.
Anh Trương Tấn Hùng, Ủy viên Thường trực Hội đồng đội tỉnh Khánh Hòa cho biết năm học 2010-2011 hưởng ứng các phong trào Nghĩa tình biên giới hải đảo, Vì Trường Sa thân yêu và Vì điểm tựa tiền tiêu do Hội đồng đội tỉnh phát động, đã có 8.546 lá thư thăm hỏi của các em thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh gửi các chiến sĩ Trường Sa.
Anh Hùng nhận xét: “Đây là một phong trào mạnh của thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa trong nhiều năm qua, các em tham gia rất tích cực”. Những lá thư, phần quà đã được gửi cho Vùng 4 Hải quân để chuyển tận tay các chiến sĩ Trường Sa.
Tường Châu
Theo Vexpress