Cho rằng đất nước đang cần đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong những người Việt Nam định cư, du học ở nước ngoài trở về góp phần xây dựng, phát triển Tổ quốc.
Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đối thoại với các đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi đối thoại với thanh niên. Ảnh: Chinhphu.vn |
– Đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hóa): Đào tạo đại học còn tương đối tràn lan, chưa thực sự gắn kết với nhu cầu xã hội, sinh viên gặp khó khăn khi xin việc, tạo điều kiện cho những tiêu cực khi tuyển dụng cán bộ, công chức. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này?
– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đây là một vấn đề lớn, khó, cũng đang đặt ra với cả xã hội. Trước hết, tôi xin khẳng định, nền kinh tế đang thiếu cả thầy cả thợ chứ không phải thừa thầy thiếu thợ. Dân số cả nước hiện là 88 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 60 triệu, chiếm 66% dân số. Đất nước đang trong giai đoạn dân số vàng, tức là 2 người trong độ tuổi lao động gánh 1 người phụ thuộc, bắt đầu từ năm 2007, dự báo kéo dài 30 – 35 năm.
Trong số 60 triệu người đó, đến 2012 số lao động qua đào tạo các cấp là mới chiếm 46%. Nhưng trong số 46%, có 8% từ đại học trở lên, trong khi các nước phát triển triển hầu hết là những người lao động trong độ tuổi đều được đào tạo, đào tạo lại, và trong số lao động được đào tạo thì tỷ lệ từ đại học trở lệ khá cao, như Malaysia là 20,1%, Thái Lan 14,2%, Hàn Quốc 33,6%. Mặt khác, nếu tính số sinh viên trên 1 vạn dân thì năm 2011 Việt Nam mới có 250 sinh viên từ cao đẳng trở lên, trong khi tỷ lệ của Thái Lan từ năm 2005 là 374, Hàn Quốc 674, Nhật Bản 316, Pháp 359, Anh 380, Úc 504, Hungary 432, Chile 407…
Cơ cấu đào tạo hiện còn bất hợp lý được thể hiện qua các tỷ lệ: ĐH và trên ĐH là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và CNKT là 0,92; trong khi trên thế giới, tỷ lệ này là 1 – 4 – 10. Tôi muốn nói, Việt Nam đang thiếu cả thày, cả thợ, cơ cấu chưa hợp lý. Do đó, Chính phủ ban hành chiến lược phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2020, dạy nghề đến 2020, chiến lược và quy hoạch phát riển nguồn nhân lực. Mới đây, Hội nghị Trung ương có kết luận chỉ đạo về vấn đề này, với tinh thần làm sao nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhanh bền vững các loại hình đào tạo.
Chúng tôi đặt ra quyết tâm, mục tiêu là không để bạn nào, em nào thi đỗ cao đẳng, đại học bỏ học, không có tiền đóng học phí. Chúng ta đang rất cần đội ngũ này nhưng mặt khác cũng đang rất cần công nhân, kỹ thuật viên lành nghề. Vậy thì, những bạn, những em chưa đủ điều kiện vào ngay CĐ, ĐH, con đường học trung cấp, học nghề cũng rất tốt. Rất nhiều cán bộ quản lý giỏi, doanh nhân giỏi thành đạt, nhiều nhà văn hóa, khoa học, tướng lĩnh cũng trưởng thành từ con đường vừa học vừa làm, học trong thực tiễn công tác, học liên thông, tại chức…
Vấn đề đặt ra là phải học thật, tài năng thật, năng lực thật. Tôi muốn chia sẻ điều nữa là dù con đường nào thì sự thành đạt, thành công của mỗi bạn trẻ thì nhân tố quyết định là phải có hoài bão, ý chí, bản lĩnh, quyết tâm và sống có nghĩa tình, trách nhiệm với bản thân, gia đình, dân tộc.
Các đoàn viên, thanh niên tại buổi đối thoại. Ảnh: Chinhphu.vn |
– PGS TS Bùi Thế Duy, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Là lưu học sinh về trong nước làm việc, tôi muốn quan tâm đến việc kêu gọi bạn bè, học sinh của mình về nước cống hiến. Ngoài trở ngại về chế độ thu nhập còn khó khăn, lưu học sinh còn lo ngại về nước có được trọng dụng để giao việc hay chỉ “để trưng bày, cất vào ngăn tủ”. Xin Thủ tướng chia sẻ với thanh niên về vấn đề này?
– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. Đất nước đang cần đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, cần cả thầy, cả thợ có trình độ, kiến thức, kỹ năng thực sự. Chúng ta vừa tập trung sức để phát triển giáo dục đào tạo các cấp học, vừa nâng cao chất lượng, tăng quy mô hợp lý để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.
Trong khi đó, Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm đến hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, trong đó có khoảng 100.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh. Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích để đồng bào đang định cư ở nước ngoài, thanh niên đang học tập ở nước ngoài về góp phần xây dựng đất nước.
Trong thực tế, có những điều kiện vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của một số trí thức được đào tạo cao, sâu, ở một số chuyên ngành. Đây là điều kiện mà Chính phủ đã thấy, và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, đặc biệt là những trí thức sau khi học tập ở nước ngoài về nước làm việc, vừa cho bản thân, cho gia đình mình vừa đóng góp cho đất nước. Chính phủ đang rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách.
Nhưng mặt khác, tôi cũng mong rằng mọi công dân, đồng bào, sinh viên đang học tập ở nước ngoài cũng chia sẻ với đất nước, với Tổ quốc mình. Tuy đã đạt được những thành tựu to lớn, vượt qua tình trạng kém phát triển, đứng vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh, khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội. Rất mong các bạn hiểu, chia sẻ khó khăn của đất nước để góp phần xây dựng, phát triển Tổ quốc.
– Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn: Thủ tướng đã cho phép Đoàn Thanh niên xây dựng 10 Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên, tổng số nguồn vốn ngân sách đầu tư là 733 tỷ đồng. Hiện, việc triển khai đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên năm 2015 rất khó hoàn thành xây dựng 10 Trung tâm này. Xin Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo?
– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc xây dựng các trung tâm, tôi đã làm việc với Trung ương Đoàn, và hoan nghênh phần việc này. Chính phủ đã đồng ý, kế hoạch đã phê duyệt, kinh phí đã bố trí nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, kinh phí chưa được bố trí kịp tiến độ. Tôi sẽ quan tâm, kiểm tra đôn đốc, bố trí đủ ngân sách xây dựng theo kế hoạch đã được duyệt. Rất mong Trung ương Đoàn quản lý, hoạt động tốt, hướng nghiệp tạo việc làm cho thanh niên.
Khi làm việc, tôi đã đề nghị trong hướng nghiệp và dạy nghề, Đoàn nên tập trung vào nội dung hướng nghiệp và giới thiệu việc làm. Vấn đề dạy nghề, nên ở mức phù hợp với điều kiện của Đoàn. Các trường dạy nghề đã được Chính phủ giao cho Bộ Lao động Thương binh Xã hội và một số bộ, ngành khác tổ chức, đồng thời khuyến khích xã hội hóa. Vì vậy, nội dung quan trọng nhất, Đoàn nên hình thành các trung tâm tư vấn, hướng nghiệp và tạo việc làm. Điều đó rất thiết thực.
* Tiếp tục cập nhật
Theo Vnexpress