Chương trình Tham gia đào tạo nguồn nhân lực trẻ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013 – 2020

419

    ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BAN CHẤP HÀNH TỈNH KHÁNH HÒA   Khánh Hòa, ngày 25 tháng 07 năm 2013

                    ***

          Số : 04   CTr/ĐTN

                            

CHƯƠNG TRÌNH

Tham gia đào tạo nguồn nhân lực trẻ phát triển

kinh tế, xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013 – 2020

 

——————–

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010 – 2015;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 – 2017;

Căn cứ Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 29/06/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa về Chương trình phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 26/03/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2012-2020 tỉnh Khánh Hòa;

Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Khánh Hòa xây dựng chương trình tham gia đào tạo nguồn nhân lực trẻ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013 – 2020, với các nội dung cụ thể như sau:

         I. MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA

– Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của nguồn nhân lực trẻ trong việc phát triển nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

– Góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ của tỉnh nhà có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, có năng lực tự học, năng động, sáng tạo, có ý thức chấp hành pháp luật, ý thức công dân, có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; có văn hóa, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học và công nghệ tiên tiến.

– Kế thừa và phát huy truyền thống ham học, cần cù, lao động sáng tạo của người dân Việt Nam, qua đó tuổi trẻ Khánh Hòa quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN

1. Hàng năm 100% đoàn viên công chức, viên chức tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng thanh niên; 70% thanh niên công nhân được bồi dưỡng nâng cao ý thức nghề nghiệp, tay nghề.

2. Hàng năm 100% thanh niên học sinh được giáo dục hướng nghiệp.

3. Hàng năm, mỗi huyện, thị, thành đoàn, đoàn trực thuộc tổ chức ít nhất 02 hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ thanh niên trong học tập và nghiên cứu khoa học.

4. Hàng năm mỗi huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc tổ chức 01 hoạt động tuyên dương khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình xuất sắc trong lao động, học tập, sáng tạo thuộc các lĩnh vực tại địa phương, đơn vị.

5. Hàng năm, các đoàn cơ sở tổ chức ít nhất 01 hoạt động cho đoàn viên thanh niên đối thoại với cấp ủy đảng và chính quyền.

6. Đoàn thanh niên các cấp tham gia thực hiện các chỉ tiêu cơ bản của chương trình phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển thanh niên của tỉnh như sau:

– Hàng năm, 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên công chức, viên chức, thanh niên học sinh và sinh viên; 80% thanh niên nông thôn, đô thị và công nhân thường xuyên được học nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đời sống, học tập và việc làm của thanh niên.

– Đến năm 2020, phấn đấu 90% thanh niên đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; 70% thanh niên trong lực lượng lao động được đào tạo nghề; 100% thanh niên học sinh được giáo dục hướng nghiệp.

– Mỗi năm phấn đấu giải quyết việc làm mới cho ít nhất 10.000 thanh niên, trên 80% thanh niên được tư vấn về nghề nghiệp và việc làm. Giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị xuống dưới 7% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn xuống dưới 6%.

– Đến năm 2020, có khoảng 80% lao động được đào tạo; trong số này có khoảng 75% lao động được đào tạo có trình độ đào tạo nghề chuyên môn, 15% lao động được đào tạo có trình độ trung cấp, cao đẳng và 10% lao động được đào tạo có trình độ đại học và sau đại học.

– Đến năm 2020 đạt khoảng 100% cán bộ công chức có trình độ đại học, trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, 100% viên chức có trình độ đại học chuyên ngành trở lên.

– Phấn đấu đến năm 2020, lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thủy sản, cơ khí đóng tàuđạt khoảng 15% lao động có trình độ cao đẳng nghề, 30% lao động có trình độ trung cấp nghề.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của nguồn nhân lực trẻ trong việc tham gia phát triển kinh tế – xã hội

– Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó, nhằm giúp cho đoàn viên thanh niên có ý thức trong việc học tập, học nghề, lao động sáng tạo.

– Đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức đối với bản thân, gia đình, xã hội. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức và lối sống, lịch sử và truyền thống dân tộc, niềm tự hào và ý thức tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cho thanh niên.

– Tổ chức Đoàn các cấp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thanh niên, bản tin phát thanh thanh niên về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ thanh niên trong học tập, lao động, sáng tạo. Mỗi tổ chức cơ sở Đoàn là một địa chỉ tin cậy cung cấp các thông tin hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên.

2. Nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề và ý thức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội

– Tuyên truyền, vận động, khuyến khích thanh niên tham gia các lớp nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội ngay tại địa phương, đơn vị mình.

– Tham mưu Cấp ủy, Chính quyền đơn vị có chính sách quan tâm cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được tham gia các lớp đào tạo về chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng cán bộ trẻ các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cán bộ nữ.

– Phối hợp tổ chức các lớp tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ giúp đoàn viên thanh niên nắm bắt và áp dụng vào việc học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất.

– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ phục vụ công tác chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả hoàn thành công việc. Thường xuyên tổ chức và vận động đoàn viên thanh niên tham gia các cuộc thi đóng góp ý kiến, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các mô hình sản xuất, mô hình cải cách hành chính.

– Phối hợp với Sở Khoa học công nghệ tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, gặp mặt cho đối tượng thanh niên yêu thích khoa học, công nghệ, kỹ thuật, sáng tạo… để phát huy khả năng sáng tạo của tuổi trẻ trong các lĩnh vực. Tạo điều kiện để các mô hình nghiên cứu khoa học đã được kiểm chứng hiệu quả được áp dụng vào thực tiễn và được nhân rộng.

– Duy trì tổ chức các lớp tập huấn triển khai cho đoàn viên thanh niên tham gia học tập lý luận chính trị, rèn luyện kỹ năng sống, bản lĩnh hội nhập quốc tế,…

3. Tham gia hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên

– Tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; vận động thanh niên tự học nghề, lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

– Định kỳ tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp; tư vấn học nghề, dạy nghề; tạo việc làm, vay vốn tạo việc làm cho thanh niên; góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ cho địa phương, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, tạo thu nhập bền vững, ổn định đời sống.

– Phát triển mạnh các mô hình, câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên cùng sở thích, tạo nhiều sân chơi lành mạnh thu hút đoàn viên thanh niên tham gia nhằm hạn chế và ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, những tác động tiêu cực từ game online, phấn đấu giảm thiểu tỷ lệ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.

– Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia, chú trọng xây dựng thế hệ đoàn viên thanh niên tỉnh nhà khỏe về thể chất, tinh thần đủ khả năng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

– Tăng cường tổ chức các hoạt động tình nguyện và vận động đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia vào các chiến dịch tình nguyện nhằm gắn kết đoàn viên, thanh niên, sinh viên với cộng đồng xã hội.

4. Tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền và Mặt trận đoàn thể

– Phối hợp với ngành Nội vụ tham mưu để triển khai đề án đưa trí thức trẻ về công tác tại xã phường, thị trấn để bầu giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Định kỳ, tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp với thanh niên để nắm bắt tình hình và giải quyết những nhu cầu chính đáng của thanh niên; đồng thời, tạo cơ hội để thanh niên đóng góp ý kiến tham gia phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương mình.

– Kịp thời động viên, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực. Qua đó, giới thiệu những hạt nhân thật sự xuất sắc cho Đảng, Chính quyền tạo nguồn để đưa vào quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tỉnh đoàn

– Tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức trong nghiên cứu khoa học công nghệ.

– Phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo hàng năm tổ chức 01 hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại các địa phương trong tỉnh.

– Phối hợp với Sở Thông tin truyền thông tăng cường các hoạt động tuyên truyền về hướng nghiệp, đào tạo và học nghề cho đoàn viên thanh niên.

– Phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh hàng năm tổ chức hội thảo khoa học công nghệ cho thanh niên, sinh viên tỉnh Khánh Hòa.

– Phối hợp với Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Hàng năm tổ chức hội chợ việc làm cho thanh niên.

– Tổ chức Festival sáng tạo trẻ tỉnh Khánh Hòa(2 năm/lần).

2. Các Huyện, Thị, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc

 Trên cơ sở những nội dung của chương trình, các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình và gửi kế hoạch triển khai về Tỉnh đoàn qua Ban Thanh niên Công nhân Nông thôn và Đô thị, Email: bantncnntdt@tinhdoankhanhhoa.org.vn.

3. Chế độ thông tin báo cáo

– Định kỳ hàng năm (cuối tháng 10) các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện chương trình về Tỉnh đoàn Khánh Hòa qua Ban Thanh niên Công nhân Nông thôn và Đô thị, địa chỉ 06 Hoàng Hoa Thám – Tp Nha Trang, Điện thoại: 058.3820111, email: bantncnntdt@tinhdoankhanhhoa.org.vn.

Định kỳ hai năm, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình.

Quý III năm 2020 tổ chức tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình, tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trên đây là chương trình Đoàn thanh niên tham gia đào tạo nguồn nhân lực trẻ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013-2020. Ban Chấp hành Tỉnh đoàn đề nghị Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:

– Ban Bí thư TWĐ (b/c);

– TT Tỉnh ủy, UBND tỉnh (b/c) ;

– Ban Tổ chức, TN nông thôn, TN trường học TWĐ (p/h) 

– Sở GD-ĐT, LĐTBXH, TT-TT, KHCN (p/h);

– UBND các H,TX, TP(p/h);

– Các Ban tỉnh đoàn (t/h);

– Các H, T,TĐ và đoàn trực thuộc (t/h);

– Lưu VP, Ban TNCNNTĐT.

TM. BAN CHẤP HÀNH

BÍ THƯ

 

 

đã ký

 

 

 

          Hồ Văn Mừng