Chip 64-bit cho điện thoại thông minh có lợi gì?

210

Apple A7 có mặt trong iPhone 5S và iPad Air là chip xử lý cho thiết bị di động đầu tiên trên nền 64-bit, và theo số liệu công bố từ Apple, 36 triệu iPhone và iPad với chip A7 đã đến tay người dùng.

Nền tảng chip xử lý 64-bit sẽ mang đến khả năng tuyệt vời cho những thiết bị di động – Ảnh minh họa: Internet

 

Với A7, Apple lại một lần nữa tạo dư chấn mạnh mẽ lên toàn bộ ngành công nghiệp di động, không chỉ thúc đẩy mà gần như ép buộc các nhà sản xuất chip xử lý và thiết bị di động đặt chip 64-bit ở mức ưu tiên trong lộ trình ra mắt sản phẩm mới.

Tại Đại hội Di động Toàn cầu (MWC) 2014 diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, những ông lớn như Intel, Marvell, MediaTek, Qualcomm, Nvidia và Samsung đều đã giới thiệu các chip xử lý di động 64-bit đầu tiên của mình, tuy nhiên, những dòng smartphone sử dụng các chip này dự kiến sẽ ra mắt nửa cuối năm nay.

Theo công ty nghiên cứu thị trường ABI Research, đến hết năm 2014, chip xử lý di động 64-bit sẽ đạt mốc 182 triệu đơn vị, tuy nhiên, chỉ 20% trong số chúng trở thành bộ não của các thiết bị Android. Đến năm 2018, chip di động 64-bit sẽ thống trị thị trường di động với 55% thị phần.

Các chip di động 64-bit vừa được giới thiệu đa số nhắm tới phân khúc tầm trung của thị trường thiết bị Android thay vì phân khúc cao cấp. Mang tới ba khả năng chính: đưa mức bộ nhớ RAM hỗ trợ vượt xa 4GB, tăng tốc độ xử lý và những tính năng cao cấp khác như mã hóa, giải mã video, hoặc lấy Apple A7 làm minh chứng thì ngoài việc tương thích ngược với các ứng dụng 32-bit trước đó (các ứng dụng cho iOS trước khi iPhone 5S ra đời), nó còn tích hợp khả năng mã hóa bảo mật, TrustZone.

Ích lợi thực tiễn của chip di động 64-bit trên thiết bị Android sẽ trở nên rõ ràng hơn khi nó được triển khai trên một hệ sinh thái Android tương ứng. Điều này mang ý nghĩa chip di động 64-bit sẽ là nhân tố kích thích cho Android trưởng thành hơn, thể hiện qua các phiên bản hệ điều hành Android ra mắt trong thời gian sắp tới phải đủ sức gánh vác và điều khiển được sức mạnh “64-bit” thay vì “32-bit” như trước nay, đồng thời, hệ cộng sinh gồm phần cứng, dịch vụ và ứng dụng là những “nhân viên sale” mời mọc người dùng tiếp cận, cho họ thấy một game “nặng nề” đồ họa cao cấp như Infinity Blade 3 vẫn chạy mượt mà trên nền tảng 64-bit như thế nào.

Nói cách khác, chip di động 64-bit mở đầu cho cuộc chạy đua không chỉ trong thị trường di động cục bộ mà nó còn khiến thị trường máy tính đau đầu để tìm cách bứt phá xa hơn, khi lằn ranh giữa thiết bị di động và máy tính cá nhân ngày càng bị xóa mờ. Bạn có thể nghĩ đến chiếc máy tính bảng hay smartphone / phablet có bộ nhớ RAM cỡ 12GB hoặc 16GB chẳng hạn, vì nền tảng 64-bit cho phép bộ nhớ RAM tăng lên đến… 16 tỷ GB. Bạn không đọc nhầm, nó là 16 tỷ GB. Dĩ nhiên tablet hay smartphone của bạn ở mức 3GB như hiện nay (Samsung Galaxy Note 3) cũng đã cho thấy sự khác biệt lớn khi xử lý, hoạt động đa tác vụ.

Đến năm 2018, doanh số chip xử lý 64-bit dành cho smartphone và tablet sẽ đạt mốc 1,12 tỷ đơn vị, chiếm 55% thị trường. Các thiết bị Android dùng chip 64-bit sẽ nắm giữ 60% thị phần, theo sau là Apple iOS với 30% và Microsoft Windows ở vị trí thứ ba với ít hơn 9%, theo dự đoán từ ABI Research.

Đáng chú ý, theo dự đoán của ARM sẽ thống trị vi kiến trúc chip xử lý di động 64-bit, nhưng lại đánh mất mảng thị trường vi kiến trúc x86 (32-bit) với 10% toàn thị trường năm 2018.

Những tay đua 64-bit trong năm 2014

Một số đại diện đầu tiên trong chặng đua chip 64-bit cho thiết bị di động lần lượt lộ diện tại Mobile World Congress 2014, gồm:

* Qualcomm: Không phải là model Snapdragon 801 cao cấp ra mắt thay thế Snapdragon 800, Qualcomm giới thiệu Snapdragon 615 (SoC) 64-bit với tám nhân thiết kế dựa trên Cortex A53 của ARM (ARMv8), song hành cùng Snapdragon 610 sở hữu bốn nhân.

Chip xử lý Qualcomm hiện diện trong rất nhiều smartphone và tablet cao cấp hiện nay – Ảnh: ExtremeTech

 Cả hai bao gồm GPU Areno 405 nhằm gia tăng khả năng xử lý đồ họa (hỗ trợ độ phân giải 4K, 2560 x 1600), hỗ trợ kết nối mạng 4G LTE Cat 4, mạng 3G cải tiến HSPA+ (42Mbps), CDMA và TD-SCDMA, dự kiến ra mắt vào cuối năm nay.

 * Intel: sẽ tấn công mạnh vào thị trường chip di động 64-bit trong năm nay sau khi trình làng lộ trình ra mắt bộ đôi chip Atom mang tên mã Merrifield và Moorefield sở hữu vi kiến trúc 64-bit mới, GPU cập nhật và dựa trên tiến trình sản xuất 22nm.

 Các chip Merrifield được biết đến qua mã số Z34xx, như model Z3480 hai nhân trước đó được Intel tuyên bố là đối thủ nặng ký của Snapdragon 800 và Apple A7. Model Merrifield mới có tốc độ xung nhịp 2,13GHz, hỗ trợ 4GB RAM, GPU PowerVR 6400, nền tảng IMM 7160 LTE của Intel.

Lộ trình ra mắt chip di động 64-bit của Intel trong năm nay, với hai dòng chip Merrifield và Moorefield – Ảnh: AndroidPolice

Các chip Moorefield sẽ ra mắt vào nửa cuối năm nay, (mã số Z35xx), có các chức năng gần giống với nền tảng Merrifield nhưng nó sở hữu bốn nhân (quad-core), tốc độ 2,3GHz với GPU PowerVR 6430 và IMM 7260 LTE.

Intel đồng thời giới thiệu chip kết nối mạng 4G XMM 7260 LTE-Advanced mới, có thể hoạt động tương thích với 70% mạng LTE toàn cầu, cung cấp tốc độ tải xuống 300Mbps (download) và tải lên 50Mbps (upload).

 * MediaTek: một tên tuổi đã quen thuộc ở nhóm thiết bị di động bình dân đang tiến bước vào cuộc đua với các ông lớn, cụ thể là chặng đua 64-bit với chip MT6732 SoC hướng đến phân khúc trung-cao cấp.

Chip MediaTek bắt đầu phổ biến hơn khi đi lên từ phân khúc bình dân – Ảnh minh họa: GSMArena

MediaTek MT6732 gồm bốn nhân Cortex A53, tốc độ 1,5GHz và GPU Mali T760. Nó hỗ trợ phát video Full-HD 1080p với mã nén H.265, kết nối 4G LTE, Wi-Fi 802.11n băng tần kép, chip xử lý tín hiệu hình ảnh camera 13MP… Model MT6732 dự kiến ra mắt trong Quý 3.

Đáng chú ý tại MWC 2014, Samsung không giới thiệu chip di động 64-bit mà trình làng Exynos 5, không chỉ một mà là hai model gồm: Exynos 5422 tám nhân (octa-core) và Exynos 5260 sáu nhân (hexa-core).

Theo Tuổi trẻ Online