Những ngày này, tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, nhưng không vì thế mà cản được quyết tâm vươn khơi, bám biển của ngư dân cả nước, trong đó có ngư dân phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Nhớ biển
Về làng biển Thủy Đầm (phường Ninh Thủy) lần này, chúng tôi chứng kiến những con tàu vẫn liên tục rẽ sóng ra khơi, dù Biển Đông đang “dậy sóng” khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mới đây, Trung Quốc lại áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời liên tục có những hành động tấn công, xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Nhưng những điều này không làm ngư dân chùn bước. Ở Thủy Đầm, người có tàu thì tất bật chuẩn bị phí tổn để ra khơi, người từng bị tàu Trung Quốc lấy hết ngư cụ cũng tìm mọi cách để trở lại ngư trường quen thuộc – Hoàng Sa.
Ngư dân Phan Quang mong sớm tiếp cận được vốn vay để sắm ngư cụ trở lại Hoàng Sa |
Anh Phan Quang (làng Thủy Đầm) tâm sự: “Đã hơn 20 năm tôi gắn bó với nghề câu cá nhám ở ngư trường Hoàng Sa. Hơn 2 tháng nay, do bị tàu Trung Quốc lấy hết ngư cụ nên tàu phải nằm bờ. Gia đình tôi đang tìm cách để có vốn mua sắm lại ngư cụ. Sau khi mua được ngư cụ, chắc chắn tôi sẽ lập tức dong thuyền ra Hoàng Sa”. Trước đó, tàu cá KH90746TS (công suất 320CV) của gia đình anh đã bị tàu Trung Quốc lấy hết ngư cụ khi đang tránh gió tại đảo Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa. “Ngày 21-2, khi đang cho tàu tránh gió tại bãi cạn Bông Bay, tàu của tôi bất ngờ bị 4 tàu Trung Quốc có vũ trang bao vây. Sau đó, 10 người Trung Quốc lên tàu, khống chế toàn bộ thuyền viên, lấy toàn bộ tài sản trên tàu gồm: 4 bọc câu, 1 máy bộ đàm đường dài, 1 máy tầm ngư định vị, 1 máy nhắn tin, 7 bộ vi cá nhám loại 1, 8 điện thoại di động và giấy tờ của chủ tàu. Tổng giá trị tài sản thiệt hại hơn 200 triệu đồng”, anh Quang nhớ lại.
Những tưởng sau lần bị tàu Trung Quốc lấy ngư cụ, anh Quang sẽ nhụt chí, nhưng ngược lại, anh vẫn quyết tâm vươn khơi. Cách đây hơn 1 tháng, anh Quang mượn tạm ngư cụ của những ghe cùng làng, tiến một mạch ra Hoàng Sa đánh bắt cá cho bớt nhớ biển, nhớ nghề. Ngồi trò chuyện với chúng tôi mà ánh mắt anh vẫn đau đáu nhìn về phía biển: “Nhiều hôm nhìn con sóng vỗ trắng mũi tàu neo trước nhà mà nhớ những ngày đuổi theo đàn cá nhám ở Hoàng Sa!”. Anh Quang cho biết, hiện 2 con trai anh và một số thuyền viên đi bạn tàu anh giờ vẫn đang đánh bắt ở Hoàng Sa cho một chủ tàu người ở Thủy Đầm.
Kiên cường nơi “điểm nóng”
Mới trở về từ “điểm nóng” Hoàng Sa, ngư dân Phan Thành Kim (thuyền viên tàu KH96661 ở Thủy Đầm) nói chắc như đinh đóng cột: “Ngư trường Hoàng Sa bao đời nay của cha ông mình, việc gì phải sợ. Vừa rồi tàu chúng tôi vẫn đánh bắt ở khu vực đảo Đá Lồi, Phú Lâm, Chim Én… cách khu vực giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép khoảng 30 hải lý. Nhiều tàu lớn nhỏ của họ cũng gây hấn, rượt đuổi nhưng chúng tôi vẫn đánh bắt cá bình thường, không chút e ngại. Ngay cả các đảo mà phía Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép, đêm đêm chúng tôi vẫn vào tận nơi để khai thác. Hoàng Sa là của Việt Nam, không thể khác được. Từ xưa, ông cha ta đã ra đây khai thác, nay thế hệ con cháu tiếp tục bám ngư trường này là điều hiển nhiên”. Nhìn vẻ tự tin của anh Kim, chúng tôi hiểu, với ngư dân, mỗi tấc biển của cha ông là bất khả xâm phạm…
Tàu cá của ngư dân phường Ninh Thủy đang chuẩn bị vươn khơi ra Hoàng Sa |
Gặp chúng tôi, lão ngư Phan Kín (làng Thủy Đầm) tỏ ra tự tin khi nói về con mình ở ngư trường Hoàng Sa: “Hôm qua, thằng Cảo (anh Phan Cảo, con trai ông – P.V) mới điện về báo, tàu nó đã đầy cá, bắt đầu nhổ neo quay về bờ. Nghe nó nói trong chuyến đi lần này bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công nhưng tàu và thuyền viên đều không sao”. Đối với một lão ngư đã ngót 40 năm “cưỡi gió, đạp sóng Biển Đông”, những điều mà con trai ông gặp trên biển là chuyện quá đỗi bình thường. Quá nửa đời người gắn bó với sóng nước, không ít lần đối mặt với nguy hiểm nhưng chưa bao giờ ông có ý định bỏ biển. Ý chí đó đã được tiếp nối bởi các ngư dân trẻ ở làng chài này…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tấn Đang – Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy tỏ ra tự hào: “Tình hình Biển Đông dù nóng lên nhưng ngư dân Ninh Thủy vẫn quyết tâm bám biển, bám ngư trường, qua đó góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Địa phương có hơn 30 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, chủ yếu hoạt động tại khu vực Hoàng Sa – Trường Sa. Riêng tàu câu cá nhám chỉ hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa hiện có hơn 10 chiếc”.
Ra khơi khi Biển Đông đang “nổi sóng”, không ít ngư dân chia sẻ với chúng tôi rằng, họ rất yên tâm khi trên biển có sự hỗ trợ của lực lượng chấp pháp Việt Nam; trong bờ có sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp. Ông Nguyễn Văn Đẩu – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: “Thực hiện Chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi đã triển khai các nội dung hướng dẫn ngư dân yên tâm bám biển sản xuất; tổ chức 4 đợt tập huấn cho hơn 600 chủ tàu, thuyền trưởng về các chính sách hỗ trợ ngư dân đang được triển khai. Ngày 21-5, chúng tôi đã làm việc với ngân hàng để tìm cách hỗ trợ ngư dân tiếp cận vốn mua sắm ngư cụ, cải hoán tàu thuyền và các phương tiện khác để phục vụ bám biển lâu dài. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cập nhật, phổ biến những điều kiện hỗ trợ tốt nhất về thông tin liên lạc để giúp đỡ ngư dân khi gặp sự cố trên biển hoặc có va chạm với tàu Trung Quốc. Chúng tôi cũng đã xây dựng được 165 tổ đội khai thác khơi xa (mỗi tổ đội từ 8-10 chiếc tàu trở lên) để ngư dân liên kết, hỗ trợ nhau khi khai thác trên biển”.
Rời Ninh Thủy khi Trung Quốc vừa tiếp tục đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 16-5 đến 1-8-2014, chúng tôi thấy các ngư dân ở đây chẳng hề e sợ trước lệnh cấm phi lý này. Bỏ qua những yêu sách ngang ngược của Trung Quốc, các tàu cá vừa cập bến lại hối hả chuẩn bị ngư cụ và các nhu yếu phẩm để tiếp tục vươn khơi.
Theo baokhanhhoa.com.vn