Trò chơi phán đoán

436

1. Suy luận:
– Cách chơi: Số các em tham gia trò chơi từ 10 đến 15 em chia làm 2 nhóm A và B, trong số đó cử một em làm trọng tài. Trọng tài bắt đầu cho 2 nhóm hoặc bốc thăm xem bên nào sẽ được đố trước. Thí dụ: Nhóm A được đố trước, sẽ cử người lên nói nhỏ với trọng tài (sau khi cả nhóm đã hội ý với nhau) là “chúng tôi đố con gà”. Sau đó em ở nhóm A quay sang nhóm B kể ra một số đặc điểm để nhóm B suy luận. Thí dụ:
+ Nó có lông
+ Nó có mỏ
+ Nó có móng
+ Nó có đuôi
Nếu nhóm A kê ra đủ 10 chi tiết (là tối đa) mà nhóm B vẫn không đoán được hoặc đoán sai là bị thua.
– Luật chơi: bên bị đố chỉ được nói tối đa 3 lần và chỉ 1 người trả lời.

2. Cử đại sứ:
– Cách chơi: 2 nhóm bốc thăm và 1 bên sẽ được cử “Đại sứ” qua trước. Thí dụ: Nhóm A cử 1 Đại sứ qua nhóm B. nhóm B yêu cầu: “Tôi cần 1 thầy giáo”, sau đó, đại sứ trở về nhóm A của mình và tìm mọi cách, bằng các động tác diễn đạt lại ý của nhóm B mà không được nói. Đại sứ được phép diễn đạt 2 lần, chậm và rõ. Nếu nhóm A vẫn không đóan được sẽ bị thua. Trọng tài phải có mặt khi nhóm B đặt yêu cầu và đại sứ truyền đạt để đảm bảo sự đúng đắn.
– Luật chơi:
1 – Điều yêu cầu với đại sứ phải cụ thể, không trừu tượng.
2 – Em làm đại sứ không được nói cũng như nhép miệng, ra hiệu cho đội mình.
3 – Khi suy đoán mỗi nhóm chỉ được phát biểu tối đa 3 lần và phải nói to.

3. Truyền đạt tư tưởng:
– Cách chơi: Các em ngồi trong phòng, mỗi người có 1 mảnh giấy và 1 cây viết. Quản trò hô “bắt đầu” các em viết 1 chữ đầu của 1 câu dự  tính, thí dụ “Xuân” (xuân này hơn hẳn mấy xuân qua) hoặc “Chúc” (chúc mừng năm mới). Quản trò lại hô “Chuyền!”, các em liền chuyền mảnh giấy vừa viết sang em kế bên. Em này tiếp tục viết chữ kế tiếp theo, sau đó cũng chuyền tờ giấy của mình sang bạn khác. Trò chơi cứ thế tiếp tục cho tới khi quản trò ra lệnh ngừng chơi. mọi người sẽ đọc từng câu, chọn ra câu nào có ý nghĩa hay nhất.

Tác giả: HUỲNH TOÀN (Trưởng Khoa Kỹ năng – Trường Đoàn Lý Tự Trọng TP. Hồ Chí Minh)