Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn điện ảnh

1471

Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) đã trở thành huyền thoại, niềm cảm hứng cho các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Tuy xuất phát từ những góc nhìn khác nhau về không gian và thời gian, nhưng không ai phủ nhận thắng lợi oai hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như ý nghĩa lịch sử to lớn của nó.

Từ phim tài liệu đến phim truyện

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người Việt Nam nhớ ngay đến bộ phim tài liệu Việt Nam (hay còn được gọi Việt Nam trên đường thắng lợi) của đạo diễn Roman Karmen (Liên Xô cũ) được làm năm 1954 – 1955. Phim thuật lại cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong nước, phim này chỉ được biết đến bản phim đen trắng. Đến năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) mới mua lại bản quyền phim màu để phát sóng trên truyền hình. Trong phim, khán giả có thể nhìn thấy cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới hầm chỉ huy, cảnh bộ đội xông lên tấn công hầm De Castries, đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân Hà Nội… Được phát hành năm 1955, bộ phim này kịp thời đưa hình ảnh về cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam đến đông đảo khán giả trên toàn thế giới.  

 

Cảnh kéo pháo trong phim “Đường lên Điện Biên”.
Cảnh kéo pháo trong phim “Đường lên Điện Biên”

Nổi tiếng không kém là bộ phim Cuộc chiến giữa hổ và voi của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel (phóng viên báo L’Humanite (Nhân đạo) tại Việt Nam trong giai đoạn 1980 – 1986), từng được Đài THVN mua bản quyền phát sóng năm 2009 nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim tái hiện những diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ – nơi quân và dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm và giành thắng lợi trước quân đội thực dân Pháp, cuộc chiến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví như cuộc chiến giữa hổ và voi. Phim đã ghi lại được rất nhiều lời kể của các chứng nhân lịch sử về sự kiện Pháp thua trận ở lòng chảo Điện Biên, trong đó có nhiều tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong phim, khi đề cập đến tướng Giáp, Daniel Roussel không chỉ khắc họa một con người có nhãn quan quân sự tuyệt vời, đã dũng cảm thay đổi phương án tấn công của chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn khắc họa về chân dung một con người bình dị, không kém phần hài hước.

Ngoài 2 bộ phim này, chiến thắng Điện Biên Phủ còn in dấu trong nhiều bộ phim tài liệu khác như: Điện Biên Phủ của đạo diễn Shoendoerffer (cựu chiến binh Pháp quay trở lại Việt Nam làm năm 1992), Lá cờ chuẩn (năm 1962, đạo diễn Uđa và Nguyễn Khắc Lợi)…

Chiến thắng Điện Biên Phủ còn để lại dấu ấn trong nhiều bộ phim truyện nhựa, phim truyền hình của Việt Nam như: Hoa ban đỏ, Ký ức Điện Biên, Đường lên Điện Biên, Sống cùng lịch sử…

Hoa ban đỏ (đạo diễn – Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp) được phát hành năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim không tập trung miêu tả cảnh khốc liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ, thay vào đó là những khoảng lặng của chiến tranh như: cảnh văn công lên tận chiến trường biểu diễn động viên tinh thần bộ đội, cảnh đào hầm thầm lặng và ngột ngạt trong đêm, những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng của người lính…

10 năm sau (năm 2004), đạo diễn Đỗ Minh Tuấn thực hiện phim Ký ức Điện Biên. Trong trận chiến ở Điện Biên Phủ, Trung sĩ Bernard vì quá chán ghét chiến tranh đã đầu hàng để bảo toàn mạng sống của mình. Bernard được Bạo đưa về hậu cứ. Tại đây, cả hai cùng gặp và đem lòng yêu cô y tá Mây. Cảm phục khi thấy quân và dân ta sẵn sàng chiến đấu, hy sinh tới cùng vì độc lập, Bernard đột ngột muốn quay lại chiến trường để khai thác thêm thông tin giúp quân ta chiếm sân bay Mường Thanh. Trong một đêm mưa, khi thấy vắng Bernard, nghĩ rằng người hàng binh đã bỏ trốn, Bạo đã vác súng đi tìm để giết anh, nhưng khi chứng kiến cảnh Bernard ngồi khóc giữa bãi xác đồng đội, Bạo đã tỉnh ngộ… Phim thể hiện một cái nhìn nhân văn về cuộc chiến của quân ta, ở đó không chỉ có những cảnh chiến đấu được đặc tả một cách chân thực, sống động mà còn có tình người, nỗi khát khao hòa bình của binh lính từ 2 phía…

Đường lên Điện Biên (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) là phim truyền hình được làm nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim chủ yếu xoay quanh hành trình của tiểu đoàn bộ binh chủ lực trong chuyến hành quân xuyên Tây Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lồng vào trong đó là những chuyện tình cảm động giữa người lính với cô gái dân công, giữa anh lính liên lạc với cô gái miền ngược xinh đẹp, dịu dàng…

Thông điệp hòa bình

Những bộ phim về Điện Biên Phủ, từ phim tài liệu cho đến phim truyện đã dần hoàn thiện một bức tranh về chiến thắng oanh liệt này. Trong phim Việt Nam, Cuộc chiến giữa hổ và voi các nhà làm phim đã phản ánh sự không cân xứng lực lượng giữa quân đội Việt Nam và quân viễn chinh Pháp. Các nhà làm phim chỉ ra nguyên nhân thắng lợi diệu kỳ của nhân dân Việt Nam, đó là lòng dũng cảm, trí sáng tạo và khả năng kiên nhẫn tuyệt vời, là tình đoàn kết quân dân… Những ai từng xem phim Việt Nam chắc hẳn không thể nào quên được cảnh quay khắc tạc hình ảnh những người chiến sĩ trèo đèo lội suối; cảnh xây dựng chiến hào ngay bên cạnh những trái phá liên tiếp nổ tung, bụi khói mờ mịt; cảnh bộ đội ta kéo pháo vượt núi băng đèo, ngay dưới những trận mưa bom xối xả của kẻ thù. Chủ nghĩa anh hùng không chỉ thể hiện trong trận mạc, mà còn thể hiện cả trong lao động phục vụ chiến trường của nhân dân trên khắp đất nước; toàn dân cùng chiến đấu vì độc lập dân tộc với phong trào dân công hỏa tuyến, vót chông bẫy giặc… Trong phim Cuộc chiến giữa hổ và voi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra một sai lầm lớn của nhà cầm quyền cũng như binh sĩ Pháp thời điểm ấy, đó là sự tự tin thái quá về lực lượng và vũ khí tối tân của quân đội Pháp. Họ không biết rằng: “Một dân tộc có thể hy sinh tất cả để có được độc lập”.

Điều quan trọng là tuy xuất phát từ những điểm nhìn khác nhau về không gian và thời gian, nhưng không ai phủ nhận thắng lợi oai hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như ý nghĩa lịch sử to lớn của nó. Những bộ phim về Điện Biên Phủ còn chỉ ra rằng, dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình như cách mà những người cựu binh 2 phía trở thành bạn bè trong phim Ký ức Điện Biên.

Theo Báo Khánh Hòa