Để Gạc Ma sống mãi

276

 Trong những ngày cả nước hướng về sự kiện Gạc Ma (14-3-1988), ngày 13-3, ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đoàn công tác đến thăm và kiểm tra tiến độ xây dựng công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Công viên Biển Đông, thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

Sau một năm khởi công xây dựng, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma với tượng đài chính mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” đang dần hoàn thành. Có mặt tại công trình xây dựng khu tưởng niệm, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc hết sức khẩn trương của các đơn vị thi công. Mỗi ngày, ở công trường có khoảng 300 công nhân, nghệ nhân, kỹ sư của 13 đơn vị thi công luôn túc trực làm việc với quyết tâm sớm hoàn thành công trình trước thời hạn. Ở khu vực tượng đài chính, với 9 hình tượng chiến sĩ hải quân Việt Nam được đặt trên đồi cát cao, có địa hình phức tạp nên việc thi công phần móng, các bậc thang khá khó khăn. Tuy nhiên, các đơn vị thi công đang nỗ lực để đảm bảo theo yêu cầu, thiết kế. Tại khu vực tạc tượng, 20 nghệ nhân chuyên nghiệp đến từ các làng nghề nổi tiếng ở tỉnh Ninh Bình ngày đêm miệt mài, chăm chút từng chi tiết. Nghệ nhân Nguyễn Hùng chia sẻ: “Hơn 30 năm trong nghề, đến giờ tôi mới có được cảm xúc thiêng liêng, thành kính khi được tận tay tạc tượng những người con bất diệt của Tổ quốc. Tôi sẽ cố gắng đem hết khả năng để tác phẩm có hồn nhất”.

 

1
 Công trình xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

 

Việc tạc tượng các chiến sĩ được thực hiện hết sức kỹ lưỡng, do 2 nhà điêu khắc Lâm Quang Nới và Lý Thị Liễu (TP. Hồ Chí Minh) trực tiếp chỉ đạo thi công. Tất cả khuôn thạch cao đều làm tại TP. Hồ Chí Minh rồi đưa ra Khánh Hòa để làm khuôn mẫu. Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới chia sẻ: “Để tạo ra những bức tượng có hồn nhất, chúng tôi đã có hàng tháng nghiên cứu lịch sử và thu thập những hình ảnh, tư liệu về gương mặt, vóc dáng của 64 chiến sĩ Gạc Ma. Từ đó, tạo khuôn mẫu để cho các nghệ nhân phóng tác lên tượng đá. Đến thời điểm này, việc tạc tượng đã hoàn thành 70% khối lượng công việc”.

 

Phối cảnh công trình tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”. Ảnh: Mạnh Hùng
Phối cảnh công trình tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”. Ảnh: Mạnh Hùng

 

Theo đại diện Ban quản lý dự án công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, đến thời điểm này đã có 2 đơn vị hoàn thành 100% khối lượng công việc, 11 đơn vị còn lại đã hoàn thành được từ 35 đến 80% khối lượng công việc.

Tại buổi kiểm tra tiến độ thi công, ông Đặng Ngọc Tùng yêu cầu Ban quản lý dự án xác định rõ ranh giới đất, sớm dứt điểm triển khai đền bù giải tỏa; các đơn vị thi công phải bảo đảm chất lượng tuyết đối, không được sai sót trong thiết kế; quá trình thi công phải có giải pháp che chắn tránh gây thiệt hại, bảo đảm tuyệt đối về an toàn lao động. Tất cả phấn đấu đến ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7) năm nay, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 công trình.

 

Ông Đặng Ngọc Tùng (đội mũ) kiểm tra việc tạc tượng
Ông Đặng Ngọc Tùng (đội mũ) kiểm tra việc tạc tượng

Khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích 2,5ha, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 150 tỷ đồng do người lao động, nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài đóng góp. Tượng đài chính mang tên “Những người nằm lại phía chân trời”, mang biểu tượng “vòng tròn bất tử”, được tạo thành từ 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma trong trận chiến với hải quân Trung Quốc ngày 14-3-1988.

 

Ông Đặng Ngọc Tùng (bìa phải) thăm, tặng quà gia đình chị Trần Thị Thủy
Ông Đặng Ngọc Tùng (bìa phải) thăm, tặng quà gia đình chị Trần Thị Thủy

Ông Đặng Ngọc Tùng cho biết, mặc dù đã 28 năm trôi qua nhưng rất nhiều chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 vẫn chưa tìm được thi thể. Do đó, khu tưởng niệm sẽ là nơi an ủi vong linh, thờ tự cho các gia đình, đồng thời giúp truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước truyền thống anh hùng, vững chắc tay súng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đối với vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Chứng kiến công trình đang dần hình thành với bàn tay, tâm huyết của các kỹ sư, nghệ nhân từ mọi miền đất nước, tôi rất xúc động và tự hào”, ông Đặng Ngọc Tùng nói.

VĂN GIANG

 


Trong dịp này, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đến thăm gia đình bà Đỗ Thị Hà (vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh); chị Trần Thị Thủy (con gái liệt sĩ Trần Văn Phương). Bà Hà cho biết: “Suốt 28 năm qua, điều mẹ con tôi mong mỏi là có được chồng bên cạnh, dù đó chỉ là một nấm mồ để hương khói. Giờ đây, khu tưởng niệm được xây dựng, lòng tôi cũng ấm áp hơn rất nhiều”.

Công trình khu tưởng niệm mang tính biểu tượng cao, hiện đại và thể hiện được bản sắc dân tộc. Công trình được xây dựng bằng vật liệu bền vững, vĩnh cửu; thiết kế dựa vào thế đất trên cao để xây dựng nhằm quan sát được công trình từ xa, đảm bảo không phá vỡ địa hình, cảnh quan thiên nhiên… Trong khu tưởng niệm còn có các công trình phụ trợ như: nhà chờ, bảo tàng ngầm lịch sử Gạc Ma, quảng trường Hòa Bình.

Theo Báo Khánh Hòa