Lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Từ tháng 3 đến tháng 8 – 1945)

322

Bước sang năm 1945, tình hình thế giới càng có nhiều thay đổi quan trọng. Nhạy cảm trước những chiều hướng phức tạp, đan chéo nhau của các lực lượng chính trị  quốc tế trong vấn đề Đông Dương, đặc biệt là ý đồ đặt Đông Dương dưới sự ủy trị quốc tế do Mỹ và Trung Hoa giữ vai trò chủ yếu (thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cairô), tháng 2-1945 Hồ Chí Minh quyết định sang Côn Minh. Cùng đi với Hồ Chí Minh có trung uý Sao (Shaw), người được Việt Minh cứu, để trở về Bộ tư lệnh không quân Mỹ ở Côn Minh. Đến trụ sở Cơ quan không quân cứu trợ Mỹ (AGAS) tại Côn Minh, Hồ Chí Minh tranh thủ đọc sách báo, tài liệu của Cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ (AOWI) nhằm thu thập thông tin về tình hình thế giới. Tại đây, ngày 29-3-1945, Hồ Chí Minh gặp Tướng Sênôn (Claire L. Chenault). Tướng Sênôn cảm ơn Việt Minh đã cứu thoát Sao, còn Hồ Chí Minh thì cho rằng đó là bổn phận của những người chống phátxít, giúp đỡ quân Đồng minh. Trong cuộc gặp gỡ này, người Mỹ hứa sẽ giúp đỡ vũ khí, thuốc men, điện đài cho Việt Nam và huấn luyện cho người của Việt Minh biết sử dụng các thứ đó. Ngay sau đó, từ Côn Minh, Hồ Chí Minh đi Bách Sắc, một thị trấn nhỏ nhưng quan trọng về chiến lược ở phía tây nam tỉnh Quảng Tây tìm gặp Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (lúc này đã chuyển về đây vì Liễu Châu đã bị quân Nhật chiếm đóng từ ngày 11-11-1944). Người được biết tổ chức này đã có nhiều thay đổi, Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ đã rời Đệ tứ chiến khu, và hội gần như đã ngừng hoạt động, song các nhóm Việt Minh vẫn hoạt động tích cực tại vùng biên giới (1). Người lựa chọn một số chiến sĩ của các nhóm Việt Minh hoạt động ở đây để cuối tháng 4-1945 cùng Người về nước. Với chuyến trở lại Côn Minh lần này, Hồ Chí Minh đã mang về một số thuốc men, cùng lời hứa của Tướng Sênôn, đồng thời giới thiệu hình ảnh, tầm ảnh hưởng, sự lớn mạnh và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của quân Đồng minh đối với cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Trong thời gian Hồ Chí Minh đi Trung Quốc, ở trong nước, ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Cuộc chính biến Nhật – Pháp đã làm cho tình hình chính trị Đông Dương khủng hoảng sâu sắc, tạo điều kiện khách quan để Đảng ta phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi điều kiện cho phép. Vì vậy, ngay đêm đó Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và ra chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12-3-1945). Chỉ thị nêu rõ những đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong tình thế mới. Chỉ thị đã đem đến cho phong trào cách mạng một luồng sinh khí mới. Trong cả nước, không khí gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền khi thời cơ đến đã sẵn sàng. Dưới ánh sáng của bản chỉ thị, một cao trào đấu tranh cách mạng rộng khắp, kết hợp đấu tranh chính trị với khởi nghĩa từng phần đã phát triển khắp nơi. Tại một số nơi thuộc các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ đã lập ủy ban nhân dân cách mạng. Phong trào phá kho thóc cứu đói theo lời kêu gọi của Đảng đã lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời kỳ tiền khởi nghĩa đã diễn ra sôi động trong cả nước.

Trước tình thế mới, ngày 15-3-1945, Tổng bộ Việt Minh phát Hịch kháng Nhật cứu nước, kêu gọi nhân dân:

“Giờ kháng Nhật cứu nước đã đánh. Kíp nhằm theo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Minh:

Tiến lên!

Xông tới!

Cứu nước, cứu nhà!” (2).

Ngày 12-4-1945, Mặt trận Việt Minh ra lời kêu gọi:Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam và Mấy lời tâm huyết ngỏcùng các vị huynh thứ ái quốc, nhằm tranh thủ một bộ phận quan chức yêu nước, lôi kéo các tầng lớp trung gian ngả về phía cách mạng, thúc đẩy nhanh quá trình phân hoá trong hàng ngũ quan lại ngụy quyền.

Từ ngày 15 đến 20-4-1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hoà (Bắc Giang) nhận định: Tình thế đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này, đồng thời “quyết định phát triển lực lượng vũ trang, thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân, xây dựng 7 chiến khu trong cả nước và “phải đánh thông liên lạc giữa các chiến khu Bắc Kỳ và Trung, Nam Kỳ” (3). Tiếp đó, ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc tổ chức các Uỷ ban dân tộc giải phóng, coi đó là “hình thức tiền chính phủ, trong đó nhân dân học tập để tiến lên giữ chính quyền cách mạng” (4). Phong trào cách mạng trong cả nước dâng cao theo đúng tinh thần chỉ thị của Đảng. Cuộc khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền bộ phận thắng lợi đã giải phóng được nhiều vùng, nhất là ở Việt Bắc.

Để có thể kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước, đầu tháng 5-1945, Hồ Chí Minh quyết định chuyển đại bản doanh từ Cao Bằng về Tuyên Quang, nơi phong trào cách mạng phát triển, giao thông giữa miền xuôi và miền ngược đều thuận tiện. Tại đây, sau khi nghe báo cáo về tình hình mọi mặt, về nội dung chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, Nghị quyết Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Người nhất trí với tinh thần của các văn kiện đó, đồng thời nêu ý kiến thành lập Khu giải phóng. Chấp hành chỉ thị của Người, ngày 4-6-1945, Khu giải phóng được thành lập. Đây thực sự căn cứ địa vững chắc về mọi mặt để làm bàn đạp tiến lên giải phóng toàn quốc. Với Mười chính sách lớn được thực hiện ở Khu giải phóng như: đánh đuổi phátxít Nhật và bè lũ tay sai, tịch thu tài sản của bọn cướp nước và bán nước chia cho dân nghèo, thực hiện tổng tuyển cử và các quyền tự do, dân chủ khác, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng nền kinh tế tự cung, tự cấp, chống nạn mù chữ, huấn luyện chính trị, quân sự cho nhân dân… Khu giải phóng thực sự là hình ảnh của “nước Việt Nam mới”, hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau này.

Ngày 6-8-1945, được tin Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hirôsima, Hồ Chí Minh viết nhiều thư hoả tốc, thúc giục các đại biểu về nhanh Tân Trào dự Hội nghị toàn quốc của Đảng. Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của thời cơ cách mạng, của cơ hội ngàn năm có một, ngày 10-8-1945, trong khi bàn với một số đồng chí về công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị, Hồ Chí Minh nói:

“Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội” (5).

Đến giữa tháng 8-1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa từng phần đã cuồn cuộn dâng lên từ Bắc đến Nam. Trong khi đó, quân Đồng minh đã đánh bại quân đội phátxít Nhật. Ngày 14-8-1945, vua Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã. Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Còn thực dân Pháp thì ráo riết quay trở lại xâm lược Đông Dương. Thời cơ tổng khởi nghĩa chín muồi, đã đến lúc nhân dân ta vùng dậy giành lại quyền độc lập của mình. Trước cơ hội có một không hai ấy, tại Tân Trào, thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến 15-8-1945, quyết định Đảng phải “kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, “thống nhất tổ chức… thống nhất chính trị…phát triển và củng cố Đảng” (6), “thi hành 10 chính sách Việt Minh”, phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào tước vũ khí quân đội Nhật. Hội nghị quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc gồm 5 người do đồng chí Trường Chinh phụ trách và 23 giờ ngày 13-8-1945 Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 khẳng định:

“Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!  Cơ hội có một không hai cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!”. “Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!” (7).

Hồ Chí Minh đề nghị hội nghị sớm bế mạc để các đại biểu nhanh chóng trở về các địa phương, kịp thời  mang mệnh lệnh khởi nghĩa phát động, lãnh đạo quần chúng tổ chức vùng lên giành chính quyền.

Tiếp theo Hội nghị toàn quốc của Đảng, chiều ngày 16 và ngày 17-8-1945, Quốc dân Đại hội đại biểu đã họp tại Tân Trào dưới sự chủ toạ của Hồ Chí Minh. Hơn 60 đại biểu tham dự đại hội, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam và kiều bào ta ở nước ngoài, đại biểu của các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo. Quốc dân Đại hội thực sự là hình ảnh của khối toàn dân đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh:

1- Đại hội tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh.

2- Đại hội kêu gọi nhân dân cả nước, đoàn kết để thi hành Mười chính sách của Việt Minh và hiệu triệu toàn dân vùng lên đấu tranh để giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

3- Đại hội cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch với một Uỷ ban Thường trực gồm 5 người – tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời một chính phủ hợp pháp do nhân dân cử ra.

Quyết định triệu tập Quốc dân Đại hội trong thời điểm lịch sử quan trọng này là một sáng tạo tài tình, thể hiện sự nhạy bén trước thời cuộc của Hồ Chí Minh. Hoạt động và những quyết sách của Quốc dân Đại hội thực sự tiêu biểu cho ý chí cách mạng sôi sục của nhân dân, cho ý chí “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đánh giá sự kiện này, Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp khẳng định:

“Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng ch­ưa thành công. Quốc dân Đại hội tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời chế độ cộng hoà dân chủ của nư­ớc ta, cho một Chính phủ lâm thời của n­ước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khi cách mạng đã thành công” (8).

Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra khẩn trư­ơng và thắng lợi trong đêm tr­ước của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, mang tầm vóc lịch sử như­ một Quốc hội của nư­ớc Việt Nam mới. Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta suốt gần một thế kỷ bị thực dân Pháp thống trị. Hoạt động và những quyết nghị của Quốc dân Đại hội Tân Trào đã cho thấy Đại hội thực sự biểu thị cho ý chí của toàn dân tộc, phản ánh nguyện vọng và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành độc lập của toàn thể nhân dân, đáp ứng đư­ợc những quyền về dân sinh, dân chủ của nhân dân lao động.

Ngay sau đại hội, ngày 18-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa:

“Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!” (9).

Thực hiện quyết định của Đảng và của Quốc dân Đại hội Tân Trào, chớp đúng thời cơ, toàn dân ta từ Bắc đến Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị đã đứng lên khởi nghĩa giành lấy chính quyền từ tay phátxít Nhật. Sức mạnh của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bùng lên thành bão táp cách mạng, quyết giành lại độc lập, tự do. Ngày 19-8, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23-8 ở Huế, và ngày 25-8 ở Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã thành công. Chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Trước khi quân Đồng minh kéo vào, chính quyền cách mạng từ trung ương đến địa phương đã được thiết lập, thay thế cho chính quyền của phátxít Nhật và tay sai. Nhân dân ta đã đón quân Đồng minh với tư cách là chủ nhân của nước Việt Nam độc lập.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã giáng một đòn quyết định vào tất cả các cơ quan đầu não của bọn thống trị và tay sai. Làn sóng cách mạng và sức mạnh bạo lực cách mạng của quần chúng đã làm tê liệt mọi sự kháng cự của các thế lực thù địch, xoá bỏ bộ máy chính quyền của giai cấp thống trị, thành lập chính quyền cách mạng ở Việt Nam, chứ không phải Việt Nam được độc lập khi “một khoảng trống quyền lực” chính trị xuất hiện ở Việt Nam như một văn học giả đã từng nói. Khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8- 1945 là sự vùng dậy của toàn dân, khác với chiến tranh khởi nghĩa do lực lượng quần chúng thực hiện là chủ yếu. Sức mạnh làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa – khởi nghĩa dân tộc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, được rèn luyện, hun đúc qua ba cuộc tổng diễn tập (1930 -1931), (1936 -1939) và (1939 -1945) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sức mạnh đó đã lôi cuốn được cả những người còn đang do dự, phản ánh một cách rõ nét tư duy trí tuệ của Đảng và sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của Việt Nam khi giải quyết vấn đề dân tộc và dân chủ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, việc Bảo Đại thoái vị để làm một người dân của một nước độc lập đã chứng tỏ ngọn cờ dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giương cao, chủ trương đoàn kết mọi lực lượng của dân tộc trong đấu tranh giành chính quyền ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã kịp thời hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng, dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 23-8-1945, Hồ Chí Minh về đến làng Gạ (Phú Gia, Từ Liêm, Hà Nội), để cùng Trung ương Đảng giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh của nước nhà. Sáng 25-8-1945, Người nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình Tổng khởi nghĩa và chủ trương ra mắt của Chính phủ lâm thời. Chiều 25-8-1945, Người vào nội thành. Ngày 26-8-1945, Người mở phiên họp đầu tiên với Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận các vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời và soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Theo Người, việc míttinh lớn ở Hà Nội, ra mắt Chính phủ, tuyên bố Việt Nam độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hoà phải được gấp rút làm ngay, và làm trước khi quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật. Trên tinh thần đó, ngày 28-8-1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng cải tổ thành Chính phủ lâm thời. Thực hiện chủ trương của Hồ Chí Minh, một số cán bộ của Đảng và Việt Minh tự nguyện rút lui để nhường chỗ cho các đảng phái khác. Đánh giá hành động cao đẹp này của các đồng chí cán bộ của Đảng và Việt Minh, Hồ Chí Minh khẳng định đó là:

“Một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học” (10).

Cùng ngày, Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời khẳng định:

“Nhiệm vụ của Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu đ­ược Mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, Uỷ ban dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời… thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập đư­ợc Quốc hội để cử ra một Chính phủ dân chủ cộng hoà chính thức” (11).

Tại 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập và tranh thủ ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng. Sau những ngày chuẩn bị khẩn trương, một cuộc míttinh lớn của nhân dân Hà Nội đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình chiều ngày 2-9-1945. Trong buổi lễ long trọng đó, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thủ tiêu hoàn toàn chế độ thực dân, phong kiến, tuyên bố về nền độc lập của dân tộc Việt Nam trước đồng bào cả nước và nhân dân thế giới. Người khẳng định:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (12).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đập tan xiềng xích nô lệ của phátxít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà độc lập và tự do. Đó là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình đã khai sinh ra một Nhà nước Việt Nam mới – Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, “thực sự là giai đoạn đầu tiên mở đầu cho làn sóng xoá bỏ chế độ thuộc địa ở châu Á, tiếp theo là châu Phi” vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thắng lợi vĩ đại này, đã lật đổ ách thống trị của phátxít Nhật và thực dân Pháp, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ trở thành công dân một nước Việt Nam độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời với những bài học kinh nghiệm được rút ra trong 15 năm đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc duới sự lãnh đạo của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được tiếp tục phát huy trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc ngay sau đó.

 

[1].Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Sđd, t.2, tr. 235.[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 534.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập,Sđd, t. 7, tr. 392, 535.

3,4. Nguyễn Lương Bằng: Gặp Bác Hồ ở Tân Trào, trong cuốn Tân Trào 1945-1985, Hội Văn học nghệ thuật Hà Tuyên, 1985, tr. 52.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập,Sđd, t. 7, tr. 432.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập,Sđd, t. 7, tr. 421 – 422.

7. Quốc dân Đại hội Tân Trào, Nxb.Hà Nội, Hà Nội, 1995, tr. 27.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 554.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 160.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 160.

11. Việt Nam dân quốc công báo, số 1, ngày 2-9-1945.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 4.

 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam