Lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc (1945 – 1954)

6856

I- BẢO VỆ,  CỦNG CỐ VÀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Những ngày tưng bừng của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và lễ độc lập qua đi rất nhanh. Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á vừa được thành lập đã phải bước ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình. Để kiện toàn và củng cố lực lượng, chúng ta đã phải đối phó với tình hình cực kỳ phức tạp và vô vàn khó khăn: Nền kinh tế kiệt quệ, nạn đói khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hai triệu người vẫn còn đang đe doạ; ngân khố trống rỗng (chỉ còn một triệu đồng bạc rách), trình độ văn hoá rất thấp kém, đa số nhân dân không biết chữ. Trong khi đó, thù trong giặc ngoài: ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng, dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật, thực chất là muốn tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền nhân dân, lập chính phủ phản động làm tay sai cho Mỹ – Tưởng; ở miền Nam, núp sau bóng quân Anh, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm nước ta một lần nữa; bọn phản động tay sai cũng nổi lên khắp nơi, tìm mọi cách cản trở cuộc kiến quốc của nhân dân ta.

Đứng trước vận mệnh của nước nhà như ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lấy trách nhiệm nặng nề trước nhân dân:

“Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc của nhân dân”(1).

Người cùng tập thể Trung ương Đảng bình tĩnh, sáng suốt phân tích tình hình, kịp thời đề ra đường lối đúng đắn và những biện pháp hành động khôn khéo để giải quyết từng bước những khó khăn về đời sống kinh tế, văn hoá – xã hội và những vấn đề cấp bách khác. Sáng ngày 3-9-1945, tại Bắc Bộ phủ, chủ toạ phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách để cứu nguy dân tộc:

Một là giải quyết nạn đói;

Hai là thanh toán nạn dốt;

Ba là tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử;

Bốn là xoá bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hoá mới, đạo đức mới, đạo đức cách mạng;

Nm là xoá bỏ ngay những thứ thuế bóc lột vô nhân đạo;

Sáu là thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.

Người tuyên bố lịch tiếp đại biểu nhân dân và các tổ chức đoàn thể với cách thức cụ thể, rõ ràng: gửi thư nói trước, để sắp thì giờ, như vậy khỏi phải chờ đợi mất công; mỗi đoàn chớ quá 10 vị; mỗi lần xin chớ quá một tiếng đồng hồ.

Lúc này nạn đói kém còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh, vì vậy, Người đề nghị với Chính phủ phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất đồng thời mở cuộc lạc quyên. Người viết:

“Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng.

Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước:

Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” (2).

Hưởng ứng lời kêu gọi và tấm gương của Người, cả nước dấy lên phong trào tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, với các hình thức phong phú “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm nhịn ăn”, v.v.. Chỉ sau một tuần quyên góp, cả nước đã có hàng vạn tấn gạo cứu đói.

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (3).

“Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập,

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”(4).

Người đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ, và “hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ” (5), với phương châm: người biết chữ dạy người chưa biết chữ, những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết, vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo. Người nhấn mạnh:

“Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử” (6).

Người đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ – tương lai của dân tộc, của nước nhà. Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Người gửi thư cho các học sinh:

Non sông Viêt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(7).

Để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ và Sắc lệnh số 44, ngày 10-10-1945, thành lập Hội đồng cố vấn học chính để nghiên cứu và đệ trình Chính phủ chương trình giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và theo dõi thực hiện chương trình ấy. Sau một năm hưởng ứng lời kêu gọi của Người, 95% dân số Việt Nam cơ bản xoá được nạn mù chữ.

Để xoá bỏ những tư tưởng và tập quán lạc hậu của chế độ thực dân và phong kiến cản trở đối với một xã hội văn minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ mở một cuộc vận động đời sống mới, nhằm giáo dục nhân dân ta đạo đức mới, đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính.

Để xây dựng nền tài chính quốc gia, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Quỹ độc lập và phát động Tuần lễ vàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào nhân dịp Tuần lễ vàng. Nhờ tinh thần hăng hái yêu nước, đồng bào cả nước đã tự nguyện đóng góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng.

Nhằm mang lại những quyền lợi thiết thực cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã ký một loạt sắc lệnh bãi bỏ chế độ thuế khoá bất công của thực dân Pháp, như: thuế thân, thuế chợ, thuế đò, đồng thời ban hành Luật Lao động, bảo vệ quyền lợi cho công nhân; quy định giảm tô 25% cho nông dân; chia ruộng của bọn thực dân và ruộng công cho nông dân, ban bố sắc lệnh tự do tín ngưỡng.

Nhiệm vụ chủ yếu lúc này là giữ vững và khẳng định tính hợp pháp của chính quyền cách mạng, vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, thành lập chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp dân chủ. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội gồm 7 điều; trong đó điều thứ 5 ghi: Sẽ thành lập một Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử và điều thứ 6 ghi rõ: Sẽ thành lập một Uỷ ban để dự thảo Hiến pháp đệ trình Quốc hội (8). Người ký Sắc lệnh số 34 ngày 20-9-1945, lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp, gồm bảy thành viên và Sắc lệnh số 39 ngày 26-9-1945, lập ra Uỷ ban tổ chức Tổng tuyển cử gồm chín thành viên. Uỷ ban tổ chức Tổng tuyển cử sẽ dự thảo các thể lệ về tổng tuyển cử, từ việc định số đại biểu cho toàn quốc, cho từng tỉnh theo tỷ lệ dân số, đến cách thức bầu. Chính phủ quyết định chọn ngày 23-12-1945 là ngày Tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau đó, để các cá nhân, các đảng phái và tổ chức chính trị khác có thêm thời gian đề cử và ứng cử, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76, lùi ngày bầu cử vào ngày 6-1-1946.

Tuy kẻ thù của cách mạng tìm mọi cách chống phá, nhưng với sách lược mềm dẻo, đối sách khôn khéo và niềm tin vào nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Người thực hiện quyền công dân của mình tại điểm bỏ phiếu số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Toàn dân ta tỏ rõ sự tín nhiệm đặc biệt với Hồ Chí Minh, Người đã trúng cử với số phiếu cao nhất.

Ngày 2-3-1946, kỳ thứ nhất Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tuyển cử đã tỏ rõ cho thế giới biết toàn dân Việt Nam đoàn kết nhất trí, Người đề nghị Quốc hội mở rộng thêm 70 ghế không qua bầu cử, cho các đại biểu thuộc hai tổ chức chính trị Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng) và Việt Cách (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh).

Quốc hội nhất trí tán thành bản báo cáo những công việc đã làm trong 6 tháng qua của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày. Được sự uỷ nhiệm của Quốc hội, Người giới thiệu các thành viên mới của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Kháng chiến uỷ viên hội, Đoàn cố vấn tối cao và Uỷ ban dự thảo Hiến pháp.

Sau khi Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng các thành viên mới của Chính phủ, Đoàn cố vấn, Uỷ ban kháng chiến đọc lời tuyên thệ nhậm chức:

“Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một loạt sắc lệnh để kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước với chức năng và nhiệm vụ mới, đồng thời đề ra những nguyên tắc cơ bản về hoạt động của chính quyền nhân dân, là công bộc của dân, gánh vác công việc cho dân:

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (9).

Người cũng vạch rõ “những lỗi lầm rất nặng nề” của một số cán bộ có chức, có quyền, đó là các căn bệnh như: trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo,… đòi hỏi cán bộ phải “ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”. Người biểu dương những cán bộ tốt, đồng thời tỏ thái độ nghiêm khắc.

“Ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung” (10).

Với bút danh Chiến Thắng, Người viết một loạt bài trên báo Cứu quốc, đó là những lời chỉ bảo tận tình với đội ngũ cán bộ cách mạng. Và bản thân Người luôn luôn gương mẫu thực hiện. Chính những điều đó đã giúp một cách thiết thực cán bộ chính quyền các cấp nhanh chóng khắc phục những sai sót, góp phần khẳng định bản chất tốt đẹp của chính quyền mới. Vì thế, tuy mới có chính quyền, đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý đất nước, nhưng đã thực sự được dân tin, dân yêu, thực sự đoàn kết được toàn dân.

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với báo giới phương châm của Chính phủ là: “Đoàn kết toàn dân, quyết tâm vì chính nghĩa, quyết giữ vững độc lập bằng mọi giá”. Để có được lực lượng, Người chủ trương mở rộng khối đoàn kết toàn dân, thu hút đông đảo, rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Người chỉ thị phải nhanh chóng phát triển các tổ chức đã có trong Mặt trận Việt Minh, đồng thời thành lập thêm các tổ chức mới. Theo sáng kiến của Người, ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập để thu hút tất cả các tổ chức chính trị, các đảng phái và cá nhân yêu nước chưa tham gia Mặt trận Việt Minh, miễn là tán thành đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của hội.

Tiếp sau đó là sự ra đời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (20-7-1946), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1946), Đảng Xã hội Việt Nam (22-7-1946). Các tổ chức này đều tự nguyện gia nhập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Đó chính là sức mạnh để chống thù trong giặc ngoài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến khối đoàn kết toàn dân trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Người đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị đại biểu của hơn 20 dân tộc thiểu số ở miền Bắc. Gửi thư tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, Người khẳng định:

“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta” (11).

Người đặc biệt quan tâm việc tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo vì sự nghiệp chung. Người nói:

“Dù Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà” (12).

Với lòng thành, mong muốn đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời được nhiều nhân sĩ danh tiếng như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ. Người tin tưởng và mạnh dạn sử dụng những thượng thư, đại thần của triều đình Huế như các cụ Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hoè vào những chức vụ quan trọng của chính quyền nhân dân. Người nói: “Chỉ sợ lòng mình không rộng, chứ không sợ người ta không theo mình”.

Song song với việc giải quyết những công việc cấp bách về đối nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại khẩn cấp. Ngày 28-9-1945, với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, Người trình Hội đồng Chính phủ dự thảo Lời tuyên bố về chính sách ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dựa trên những nguyên tắc tự do, bình đẳng và quyền dân tộc tự quyết đã được các nước Đồng minh ghi nhận trong các Hiến chương Đại Tây Dương và Xan Phranxixcô.

Ngày 17-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Thông điệp cho Liên hợp quốc và các vị đứng đầu các cường quốc, hoan nghênh việc Liên hợp quốc thành lập Uỷ ban tư vấn về Viễn Đông và phản đối việc nước Pháp là thành viên của uỷ ban này. Được tin Liên hợp quốc họp tại Luân Đôn có lập một tiểu ban xét đơn của các nước nhược tiểu, ngày 14-1-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện tới ông Hăngri Xpác (H. Spaak), Chủ tịch Hội đồng Liên hợp quốc, cùng các vị ngoại trưởng các cường quốc, đề nghị đưa vấn đề công nhận nền độc lập của Việt Nam và kết nạp Việt Nam vào Liên hợp quốc ra hội đồng. Đây là đòi hỏi chính đáng của nhân dân Việt Nam. Tuy vậy, trong thâm tâm, Người không hy vọng Liên hợp quốc sẽ giải quyết ngay, nhưng điều đó cũng làm cho Liên hợp quốc biết tới cuộc chiến đấu và khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng nhận rõ kẻ thù nguy hại nhất lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền và độc lập dân tộc, Người vận dụng sách lược rất khôn khéo, mềm dẻo, phân hoá cao độ kẻ thù.

Tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng để giữ vững chính quyền, có điều kiện đối phó với quân Pháp ở miền Nam. Tiêu Văn, Lư Hán, Chu Phúc Thành… mỗi tên một tính cách, nhưng cùng chung mục đích là vơ vét, làm giàu. Hiểu rõ đối thủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đối sách phù hợp với từng đối tượng. Người chủ trương trong quan hệ giữa ta với quân Tưởng, thực hiện phương châm: biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự. Người căn dặn: Kiên nhẫn không phải là hèn nhát mà là một phương pháp đấu tranh. Một mặt, nhân nhượng cho quân Tưởng một số quyền lợi về kinh tế như vẫn áp dụng chính sách tối huệ quốc dành cho Hoa kiều, tạo điều kiện cho buôn bán gạo và hàng hoá sang Hồng Kông. Về chính trị: ta mở rộng 70 ghế tham gia Quốc hội không qua bầu cử cho Việt Quốc, Việt Cách – tay sai của quân Tưởng, để xoá đi lý do mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng chống phá cách mạng. Ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật. Mặt khác, dùng sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, làm thất bại mọi mưu đồ đen tối của chúng và trừng trị bọn tay sai đã lộ mặt phá hoại cách mạng. Đồng thời, Người cùng Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, động viên nhân dân cả nước ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam.

Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa – Pháp được ký kết tại Trùng Khánh, trong những điều khoản thoả thuận, có việc phía Trung Hoa dân quốc (Tưởng Giới Thạch) để Pháp thay thế mình ở phía bắc vĩ tuyến 16. Ở Hà Nội, đại diện quân Tưởng giục ta thoả thuận với Pháp. Các nhà thương lượng Pháp càng nôn nóng hơn, vì hiểu rằng muốn đem quân ra Bắc Việt Nam một cách êm thấm, không có đụng độ quân sự, cần phải điều đình và đi tới một thoả thuận với Chính phủ Hồ Chí Minh.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Tình hình và chủ trương (3-3-1946). Trên cơ sở phân tích khách quan những thuận lợi và khó khăn, điều kiện trong và ngoài nước, đi tới quyết định hoà đàm với Pháp, để phá mưu mô của quân Tưởng và tay sai, nhanh chóng tống cổ chúng ra khỏi Việt Nam, bảo toàn lực lượng, dành thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Bản Chỉ thị nhấn mạnh:

“Trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta” (13).

Sau một thời gian tiếp xúc, giao thiệp, các cuộc đàm phán bí mật diễn ra không đạt kết quả vì lập trường hai bên còn xa nhau, vì phía Pháp chỉ muốn Việt Nam là một quốc gia tự trị. 16 giờ 30 chiều ngày 6-3-1946, lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ Pháp – Việt đã diễn ra tại nhà số 38 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp: nước Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do(không như mong muốn của ta: Việt Nam là một quốc gia độc lập và thống nhất). Chứng kiến lễ ký còn có đại diện Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa ở Bắc Đông Dương, phái bộ Mỹ, lãnh sự Anh và đại diện phân bộ Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ. Theo Hiệp định, nước Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính riêng, ở trong Liên bang Đông Dương và Khối Liên hiệp Pháp, và cam đoan thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ; nước Việt Nam đồng ý để 15 ngàn quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa và sẽ rút hết sau 5 năm; hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức, trong khi đàm phán, quân đội hai bên giữ nguyên vị trí.

Bản hiệp định tuy chưa đem lại nền độc lập hoàn toàn cho dân tộc ta, song đây cũng là bản hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ký với nước ngoài, có sự chứng kiến của đại diện các nước Mỹ, Anh và Trung Hoa, điều đó chứng tỏ rằng: Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp. Đó là thắng lợi lớn về chính trị và ngoại giao của ta, đồng thời, loại bớt kẻ thù cho cách mạng Việt Nam:

“Đồng bào và đồng chí ở Nam đã khéo lợi dụng dịp đó để xây dựng và phát triển lực lượng của mình” (14)

Hiệp định Sơ bộ ký chưa ráo mực, thực dân Pháp đã có những hành động phá hoại, thiếu thiện chí như đòi quân đội ta nộp vũ khí, đánh úp quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, di chuyển quân đến những nơi không được phép của ta, nhưng thời gian hoà hoãn đối với chính quyền cách mạng lúc này có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết để củng cố, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đụng đầu lịch sử và khốc liệt. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm mọi cách, tranh thủ mọi cơ hội có thể để kéo dài thời gian hoà hoãn. Người xúc tiến nhiều cuộc gặp gỡ điều đình với phía Pháp.

Ngày 24-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) (15) trên chiến hạm Êmin Béctanh (Emile Bertin) ở vịnh Hạ Long. Hai bên thoả thuận: Sẽ có những cuộc thăm chính thức ngoại giao giữa hai nước; sẽ mở Hội nghị trù bị tại Đà Lạt (trước khi có đàm phán chính thức); phái đoàn Chính phủ Việt Nam sẽ sang Pháp để ký hiệp ước chính thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm thượng khách của Chính phủ Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy thoả thuận Hạ Long đã tạo cơ hội tốt đẹp cho chúng ta trên mặt trận ngoại giao, từ Pari ta có thể làm cho dư luận Pháp và Tây Âu hiểu tình hình và đồng tình với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Ngày 19-4-1946, Hội nghị trù bị Đà Lạt khai mạc. Sau nhiều ngày làm việc, do lập trường ngoan cố của phía Pháp, nhất là về vấn đề Nam Bộ nên hội nghị hoàn toàn bế tắc.

Ngày 25-4-1946, phái đoàn Quốc hội Việt Nam gồm 15 thành viên, do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu, lên đường sang Pari. Những ngày ở thăm nước Pháp, đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã hoạt động tích cực theo tinh thần “đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu ta” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi thăm chính thức Cộng hoà Pháp. Trước khi rời Tổ quốc, Người nắm tay nhà cách mạng lão thành Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước và nói:

“Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (16).

Cuộc hành trình đến Cộng hoà Pháp của Người phải đi qua các nước: Miến Điện (17), Ấn Độ, Pakixtăn, Irắc, Ai Cập, Angiêri, rồi Biarit (Biarritz) thủ phủ xứ Pirênê Atlăngtie (Pyrénées – Atlantiques), miền Nam nước Pháp. Ở những nơi dừng chân, Người tranh thủ mọi cơ hội bày tỏ thiện cảm của nhân dân ta đối với nước chủ nhà, làm cho họ hiểu cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa, đồng thời cũng tỏ rõ thiện chí với nước Pháp.

Chiều ngày 22-6-1946, lễ đón chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Pari. Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tung bay trên bầu trời Thủ đô nước Cộng hoà Pháp, Quốc ca Việt Nam vang lên hùng tráng.

Đến Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại nơi có những kỷ niệm khó quên của mấy chục năm trước là thân phận của người dân mất nước, đang tìm đường cứu nước, nay với một cương vị mới, một trọng trách mới – Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, thượng khách của nước Pháp, sứ giả của tình hữu nghị Việt – Pháp. Trong lời đáp từ tại buổi tiệc chiêu đãi của Thủ tướng G. Biđôn (Georger Bidault), Người nói:

“Nước Việt Nam và nước Pháp có thể hoà hợp với nhau trong khối Liên hiệp Pháp gồm những dân tộc tự do bình đẳng cùng ôm một lý tưởng dân chủ và cùng say mê vì tự do… đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (18). Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp” (19).

Trong thời gian lưu lại trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ và trò chuyện với đại biểu ba chính đảng đang cầm quyền và hầu hết các đoàn thể chính trị lớn tại Pháp. Người cũng đã tiếp xúc với đại biểu các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới, Đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới, Người còn gặp nhiều nhà hoạt động chính trị danh tiếng, các doanh nghiệp, quân nhân, trí thức, nhà văn, nhà báo, v.v.. Thông qua những cuộc gặp đó Chủ tịch Hồ Chí Minh biết được tình cảm và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị ở Pháp. Người làm cho họ hiểu rõ khát vọng tự do, ý chí bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Người đã để lại những ấn tượng khó phai trong tâm tưởng người Pháp bởi sự chân thành, cởi mở và giản dị của mình. Người dành thời gian tiếp xúc, trò chuyện với các thế hệ Việt kiều đang làm ăn, sinh sống tại Pháp và các nước lân cận. Người kêu gọi lòng ái quốc của bà con Việt kiều hãy giúp đỡ và ủng hộ Chính phủ.

Ngày 12-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo chính thức tại lâu đài Roayan Môngxô (Royal Monceau), Pari, công bố lập trường 6 điểm của Chính phủ ta, nêu rõ: Việt Nam đòi quyền độc lập trong Liên hiệp Pháp, vui lòng cộng tác với Pháp; Việt Nam cũng tán thành Liên bang Đông Dương nhưng không chấp nhận một chính phủ liên bang; Việt Nam bảo hộ tài sản của kiều dân Pháp nhưng họ phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam; Việt Nam có quyền mua lại những sản nghiệp có quan hệ đến quốc phòng và sử dụng cố vấn người Pháp khi cần; Việt Nam có quyền phái đại sứ và lãnh sự tại các nước; Người đặc biệt nhấn mạnh vấn đề Nam Bộ: Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam, không ai có quyền chia sẻ, không lực lượng nào có thể chia cắt. Cuộc họp báo đã nâng cao vị thế của Việt Nam trước dư luận Pháp và quốc tế.

Ngày 6-7-1946, cuộc đàm phán chính thức Việt – Pháp khai mạc tại lâu đài Phôngtennơblô (Fontainebleau). Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi sát và chỉ đạo kịp thời với những diễn biến cuộc đàm phán.

Thái độ ngoan cố cùng hành động trắng trợn vi phạm Hiệp định Sơ bộ của phía Pháp đã làm cho cuộc đàm phán tại Phôngtennơblô bế tắc. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam với quy mô rộng lớn hơn, cường độ quyết liệt hơn, nếu đến sớm sẽ hoàn toàn không có lợi cho ta. Để cứu vãn tình thế bế tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gặp Bộ trưởng M. Mutê (Marius Moute) để thảo luận thêm về quan hệ Việt – Pháp và đi tới ký kết bản Tạm ước Việt – Pháp, ngày 14-9-1946. Bản Tạm ước định rõ hai bên đình chỉ xung đột, phía Pháp bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ ở Nam Bộ, thả những người bị bắt; phía Việt Nam bảo đảm quyền lợi kinh tế, văn hoá của Pháp tại Việt Nam; hai bên thoả thuận thời gian mở lại cuộc đàm phán vào tháng Giêng năm 1947. Bản Tạm ước chưa đạt được những yêu cầu như mong muốn, nhưng đã đem lại thắng lợi to lớn về ngoại giao và thời gian quý báu để chúng ta chuẩn bị lực lượng.

Ngày 18-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nướctrên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin (Dumont d’ Urville). Ngày 20-10 tầu cập cảng Hải Phòng, kết thúc chuyến đi thăm và đàm phán với Pháp.

Ngày 23-10-1946, các phương tiện thông tin đại chúng đã truyền đi lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quốc dân về chuyến thăm chính thức nước Pháp. Sau khi khẳng định những kết quả chuyến thăm Cộng hoà Pháp, Người chỉ rõ nhiệm vụ của nhân dân ta trong thời gian tới là phải đồng tâm nhất trí, ra sức tổ chức, công tác để xây dựng nước nhà, phát triển kinh tế…; đối với người Pháp cần thân thiện, lịch sự, ôn hoà và thật thà hợp tác, phải tỏ cho thế giới biết rằng:

“Nhân dân ta yêu chuộng hoà bình, Chính phủ ta muốn cho dân được an cư lạc nghiệp. Chúng ta muốn cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp mong có ích lợi cho cả hai bên” (20).

Nguy cơ chiến tranh đến gần. Ngày 5-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ. Người nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là kháng chiến và kiến quốc. Cả hai việc đều cần phải có nhiều người: người về quân sự, kinh tế, giao thông… Lực lượng đó là đảng viên, thanh niên, là những phần tử hăng hái trong nhân dân, nếu khéo vận động, khéo huấn luyện, đào tạo, biết đặt đúng việc thì có ích cho đất nước. Đồng thời phải làm cho dân hiểu cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ, rất gay go, cực khổ vì “Dù địch thua đến 99%, nó cũng ráng sức cắn lại. Vì nó thất bại ở Việt Nam, thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc nó sẽ tan hoang” (20).

Vì lực lượng địch chỉ có hạn cho nên chúng ta phải có tín tâm và quyết tâm thì mới đi đến thắng lợi. Mọi người phải hăng hái tham gia du kích và tăng gia sản xuất khắp nơi, nhất định kháng chiến thắng lợi. Đó chính là những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân: ký sắc lệnh đổi Vệ quốc quân thành Quân đội quốc gia Việt Nam, kiện toàn bộ máy tổ chức: lập Bộ Tổng tham mưu, Cục Chính trị, Cục Thông tin liên lạc, Quân sự uỷ viên hội…, mở trường đào tạo cán bộ chính trị, quân sự cho lực lượng vũ trang.

Ngày 26-5-1946, Người dự lễ khai giảng khoá đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây, trao tặng nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” và căn dặn:

Đó “là bổn phận thiêng liêng, là mục đích của anh em, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta” (21).

Song song với quân đội chính quy, Người còn quan tâm chỉ đạo xây dựng các lực lượng nửa vũ trang (dân quân du kích ở nông thôn và tự vệ ở thành phố), huy động toàn dân ủng hộ, xây dựng lực lượng vũ trang. Phát động toàn dân hưởng ứng phong trào Mùa đông binh sĩ, gửi áo ấm cho các chiến sĩ ngoài mặt trận và Người nêu gương trước. Người nói:

“Tôi có 2 chiếc áo rét. Một chiếc tôi đã mặc mấy năm nay và một chiếc của Uỷ ban vận động Mùa đông binh sĩ vừa mang biếu tôi. Cả 2 chiếc, tôi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận” (22).

Hiểu rõ lực lượng vũ trang của ta, đa số xuất thân từ nông thôn – những người nông dân mặc áo lính, nên dù bộn bề công việc điều hành nhà nước mới độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh với các bút danh Q.Th và Q.T vẫn dành thời gian viết và đăng liên tiếp từ giữa tháng 5-1946 trên báo Cứu quốc, dưới tiêu đề Binh pháp Tôn Tử, một loạt bài về chiến lược, chiến thuật quân sự. Đây là tập tài liệu huấn luyện ngắn, nhưng rất cơ bản, cụ thể và dễ hiểu, về một hệ thống luận văn quân sự phổ thông, để giảng giải và giới thiệu nội dung và phương pháp tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, bởi muốn chiến thắng, ngoài tinh thần, người chiến sĩ còn cần phải có giác ngộ chính trị cao, được bồi dưỡng về lý luận quân sự, có hiểu biết về chiến thuật, kỹ thuật… Nhờ vậy, Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ đã phát triển nhanh chóng, nhiều đơn vị mới được thành lập, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bộ đội rất cao, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Để tạo cơ sở chính trị vững chắc cho cuộc kháng chiến sắp tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành một số biện pháp củng cố tổ chức chính quyền. Sáu ngày sau khi về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá I. Trong tình hình khẩn trương, được sự uỷ nhiệm của Quốc hội, ngày 2-11-1946, Người đã trình Quốc hội thông qua danh sách các thành viên Chính phủ – một Chính phủ sẽ đảm đương trọng trách lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc đi đến thắng lợi. Ngày 9-11-1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, đồng thời cũng là Hiến pháp đầu tiên ở Á Đông. Hiến pháp gồm: Lời nói đầu và 7 chương với 70 điều, xác định rõ chủ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, định rõ quyền tự do và nghĩa vụ xây dựng đất nước của công dân. Hiến pháp nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, cách tổ chức và quyền hạn của Nghị viện nhân dân, của Chính phủ, của hội đồng nhân dân và uỷ ban hành chính các cấp, của các cơ quan tư pháp, v.v..

Để chuẩn bị căn cứ địa cho cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm cho việc di chuyển các cơ quan của Đảng và Nhà nước, đồng thời tổ chức lực lượng chuyển một số trang thiết bị kỹ thuật, gạo, muối về căn cứ.

Tuy bận trăm ngàn công việc lớn của quốc gia, nhưng khi biết tin chị và anh ruột ra thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để giữ trọn đạo làm em với anh trai Nguyễn Sinh Khiêm và chị gái Nguyễn Thị Thanh. Thông cảm với Người đang bận lo việc nước, ông cả Khiêm và bà Thanh đã vui vẻ trở lại quê nhà, vì biết rõ cậu Thành ngày xưa vẫn khoẻ mạnh và nay là Hồ Chí Minh.

Quân Pháp ngày càng vi phạm nghiêm trọng những thoả ước mà hai bên đã ký kết. Những hành động quân sự tấn công xâm chiếm ngày càng trắng trợn, liều lĩnh những địa điểm của ta đóng giữ. Phía ta vẫn giữ thái độ hết sức mềm dẻo, mong muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường hoà bình, như lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên báo Pari – Sài Gòn:

“Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh… Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách…

Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm… Cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do” (23).

Sau rất nhiều cố gắng để vãn hồi hoà bình, nhưng tình hình ngày càng xấu. Ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ toạ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) tại làng Vạn Phúc, Hà Đông. Hội nghị phân tích sâu sắc tình hình của ta, âm mưu của địch và quyết định: tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Hội nghị cũng quyết định đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Hội nghị đã thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo.

Sáng sớm ngày 19-12-1946 quân Pháp gửi tối hậu thư thứ ba, hạn trong 24 giờ đồng hồ, tự vệ Hà Nội phải hạ vũ khí, đình chỉ ngay những hành động chuẩn bị kháng chiến.

20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cả dân tộc theo lời hịch kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!” (24).

Vậy là trong 16 tháng (từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung giải quyết những yêu cầu cụ thể và cấp bách của lịch sử: chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân với hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương. Với sự mẫn tiệp và nhạy bén, sáng tạo, Người đã làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của thù trong giặc ngoài, giữ vững chính quyền cách mạng, tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp.

Mùa đông năm 1946, Người 56 tuổi lên đường kháng chiến. Hành trang mang theo rất giản đơn: chiếc balô đựng vài ba bộ quần áo, một chiếc túi đựng tài liệu với cái máy chữ Hécmét, chiếc đồng hồ quả quýt cùng chiếc gậy trúc và đôi dép caosu.

II- LINH HỒN CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Để đưa cuộc kháng chiến toàn dân đi đến thắng lợi thì phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thành một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch và cách mạng triệt để. Trước hết, Người không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong lãnh đạo của cán bộ, đảng viên.

Trong năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành hai tác phẩm quan trọng là Đời sống mớiSửa đổi lối làm việc.

Dưới bút danh Tân Sinh, Người viết tác phẩm Đời sống mới. Bằng hình thức hỏi – đáp, cuốn sách giới thiệu vắn tắt, rõ ràng, dễ hiểu nội dung của đời sống mới và nêu yêu cầu cụ thể đối với mỗi người, mỗi gia đình, từng giới, từng ngành. Cuốn sách còn hướng dẫn bộ đội và nhân dân ta sửa chữa những cái cũ không còn phù hợp, thực hiện những cái mới mà hay trong đời sống, trong cách ăn, mặc, ở, đi lại, cách làm việc. Đời sống mới đã thiết thực giúp bộ đội và nhân dân ta biết xử lý một cách đúng đắn mối quan hệ giữa cái cũ và mới trong đổi mới, và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, làm cho trong kháng chiến dân ta “vật chất được đầy đủ, tinh thần được vui mạnh hơn”.

Với bút danh X.Y.Z, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, gồm 6 phần, nêu lên những kinh nghiệm, bài học thực tiễn có tính lý luận, bồi dưỡng tác phong lãnh đạo của người đảng viên cộng sản; 12 điểm về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền và cả nước có chiến tranh và nêu 5 điều về rèn luyện đạo đức cách mạng. Người kết luận:

“Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (25).

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Người nêu 12 điều để “làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu” (26). Người căn dặn:

“Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại” (27).

Người khẳng định: “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”(28). Về chính trị, bộ đội nắm vững đường lối, chính sách, trước hết là đường lối quân sự của Đảng, phải tăng cường đoàn kết, đoàn kết giữa cán bộ với chiến sĩ, đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế. Về quân sự, bộ đội phải ra sức rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực để nâng cao trình độ tác chiến; nội dung huấn luyện phải toàn diện.

Để góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp cho quân đội, Người đã biên soạn tài liệu Cách huấn luyện quân sự của Khổng Minh (29), gồm 36 vấn đề thuộc về phẩm chất, bản lĩnh và cách thức chỉ huy của người tướng.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL, phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và Sắc lệnh số 111/SL – 112/SL, phong quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng cho một số cán bộ cao cấp đang giữ các trọng trách trong quân đội. Đó là một bước để quân đội ta tiến dần lên chính quy hoá.

Người cũng rất coi trọng vai trò của dân quân du kích, vì đó:

“Là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã” (30).

Với phương châm chắc thắng mới đánh, đồng thời chú ý phát huy sức mạnh chính nghĩa, kết hợp quân sự với chính trị, ra sức địch vận để làm tan rã hàng ngũ địch, Người khuyên các lực lượng vũ trang: Không nên nóng vội, muốn ăn to đánh lớn khi chưa đủ điều kiện. Nhờ thế mà:

“Trong 2 năm kháng chiến cứu nước, từ Nam đến Bắc, quân đội ta đã nhiều phen chiến thắng quân đội thực dân Pháp là một quân đội kinh nghiệm nhiều, khí giới tốt, là một quân đội có tiếng trên hoàn cầu” (31).

Để động viên tinh thần quân và dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về đặt và quy định thưởng huân, huy chương kháng chiến, huân chương Quân công cho các cá nhân và tập thể có nhiều thành tích trong kháng chiến.

Phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước. Nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến, Người đã ra lời kêu gọi, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc, nêu rõ mục đích, phương châm và khẩu hiệu, cũng như nội dung thi đua cụ thể cho từng giới. Người tin tưởng:

“Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi” (32).

Người cử cụ Tôn Đức Thắng làm Trưởng Ban Trung ương vận động Thi đua ái quốc, ông Hoàng Đạo Thuý làm Tổng thư ký Ban thi đua Trung ương. Hưởng ứng lời kêu gọi người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Đường lối kháng chiến trường kỳ của ta bước đầu làm thất bại chiến lược đánh “chớp nhoáng” của địch, buộc chúng phải co cụm về các thành phố lớn. Tuy vậy Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: Nhất định thực dân Pháp sẽ mở cuộc tiến công lớn vào thu đông 1947, mà chiến trường chính là Việt Bắc. Với âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, ngày 8-10-1947, địch cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn, mở đầu cho cuộc phiêu lưu quân sự lên Việt Bắc. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời ra chỉ thị Phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp và chỉ đạo: Dùng cách đánh du kích và vận động chiến, quân và dân ta đã làm cho các binh đoàn lớn của Pháp bị chia cắt và hao mòn. Sau 40 ngày (tới 13-11-1947), 3 binh đoàn với 2 vạn quân tinh nhuệ của địch đã phải tháo chạy khỏi Việt Bắc. Cuộc tấn công thu đông của thực dân Pháp hoàn toàn phá sản.

Chiến dịch kết thúc, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Việt Bắc anh dũng, trong đó Người vạch rõ những thất bại của Pháp, khái quát nguyên nhân quyết định thắng lợi của ta trong chiến dịch thu đông vừa qua, đồng thời dự báo âm mưu mới của địch. Người cũng nhắc nhở quân và dân ta: Chớ chủ quan khinh địch, tự cao tự đại mà phải luôn luôn chuẩn bị, cẩn thận đề phòng, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đó là chìa khoá để đi đến thắng lợi.

Cuộc phản công thắng lợi ở Việt Bắc đã đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta sang một giai đoạn mới. Thất bại thu đông 1947 ở Việt Bắc đã buộc thực dân Pháp chuyển từ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến lược đánh lâu dài và thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, đồng thời xin viện trợ của đế quốc Mỹ. Mặt khác, sau một thời gian mặc cả, tháng 6-1948, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương đã ký Tuyên bố chung với đại diện Chính phủ Bảo Đại, theo đó Pháp thừa nhận “độc lập” của Việt Nam.

Về phía ta, đi đôi với thắng lợi về quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đối ngoại, phá thế cô lập về ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của loài người tiến bộ đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Đầu năm 1947, trong thư, điện gửi Chính phủ các nước Ấn Độ, Miến Điện, Nam Dương, Cao Miên. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Vận mệnh dân tộc châu Á quan hệ mật thiết với vận mệnh dân tộc Việt Nam…” và bày tỏ: “Chúng tôi mong được tất cả các dân tộc giúp đỡ” (33).

Người cử các đoàn đại biểu đi dự hội nghị quốc tế, như: Hội nghị Liên Á ở Ấn Độ, Hội nghị các nước châu Á ủng hộ Nam Dương chống xâm lược Hà Lan… Đồng thời, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định đưa quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ cách mạng Lào và Cao Miên, phối hợp chiến đấu cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập vạn đại sơn, giúp bạn giải phóng một vùng rộng lớn ở Quảng Tây.

Cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược là một sự cổ vũ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, nên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cùng tình cảm nồng nhiệt của Chính phủ và nhân dân các nước anh em. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt cơ quan đại diện thường trú tại Băng Cốc, Rănggun, Praha để tuyên truyền, giúp nhân dân thế giới ngày càng hiểu hơn về cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta.

Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Lời tuyên bố gửi Chính phủ các nước trên thế giới:

“Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam… Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới” (34).

Ngày 18-1-1950, Chính phủ Trung Quốc công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 30-1-1950, Chính phủ Liên Xô, rồi Chính phủ các nước dân chủ nhân dân Đông Âu lần lượt công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Đầu tháng 1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật rời Tân Trào đi Bắc Kinh, Trung Quốc. Đầu tháng 2-1950, Người đến Mátxcơva, Liên Xô. Trong những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo tình hình đấu tranh cách mạng và sự phát triển của cuộc kháng chiến anh dũng nhưng rất gian khổ của nhân dân Việt Nam, trao đổi ý kiến về vai trò và vị trí của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam trong trào lưu cách mạng thế giới, về sự giúp đỡ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Các nhà lãnh đạo hai nước đánh giá cao cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam, đồng thời coi việc giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là nghĩa vụ quốc tế cao cả. Việc hai nước lớn Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ mới công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới, đã đưa lại “thắng lợi to lớn nhất trong lịch sử Việt Nam”. Và “Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này” (35).

Để củng cố và mở rộng vùng căn cứ địa Việt Bắc, phá tan sự phong toả của thực dân Pháp, nối liền nước ta với thế giới dân chủ, tháng 7-1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới (từ ngày 16-9 đến ngày 8-10-1950). Người trực tiếp kiểm tra kế hoạch tác chiến, phê chuẩn quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch và ra trận địa quan sát cứ điểm Đông Khê. Chiến dịch Biên giới toàn thắng, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn, một dải biên giới dài 750 km với 35 vạn dân, đã nối liền nước ta với các nước dân chủ anh em.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo ra thế và lực mới, đưa cuộc kháng chiến của ta đi tới thắng lợi hoàn toàn. Trước yêu cầu của tình hình mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 21 đến ngày 23-6-1950, đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Tháng 1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Đại hội trù bị của Đảng. Người yêu cầu các đại biểu cần nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính trong các văn kiện. Người nêu rõ:

“Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó” (36).

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức họp tại Bản Khay, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự đại hội có 200 đại biểu, thay mặt cho hơn 76 vạn đảng viên thuộc các Đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Báo cáo chính trị tại đại hội. Sau khi điểm những nét chính tình hình thế giới 50 năm qua và tình hình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi Đảng ra đời, Người khẳng định: Đường lối trường kỳ kháng chiến là hoàn toàn đúng đắn; với phương châm: đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân và thực hiện biện pháp: thi đua yêu nước, cuộc kháng chiến đã thực sự là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, là chiến tranh nhân dân. Người chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm của Đảng như bệnh chủ quan, mệnh lệnh, hẹp hòi, công thần…, đồng thời nêu lên trách nhiệm chính của đảng viên là phải phát triển lối làm việc tập thể, củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, nêu cao tinh thần kỷ luật, tính nguyên tắc, mở rộng phê bình và tự phê bình. Người nhấn mạnh: Để đưa kháng chiến đến thắng lợi cần phải có một đảng hoạt động mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cho nên nó phải là đảng của dân tộc Việt Nam.

Đại hội đã nghe, thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị, bàn về phương hướng, đường lối của cách mạng Việt Nam, về tổ chức và Điều lệ Đảng, về chính quyền nhân dân, về củng cố khối đoàn kết, về xây dựng Quân đội nhân dân và quan hệ ngoại giao, v.v.. Trong điều kiện lịch sử mới, phải có một đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi. Đại hội quyết định công tác chuẩn bị và tiến tới thành lập chính đảng mácxít ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương. Đại hội nhất trí theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã bầu 29 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi nghị quyết do đại hội đề ra. Trước hết, để củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3-3-1951, Đại hội toàn quốc hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt (Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam) đã quyết định thành một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy tên là Mặt trận Liên Việt, và Người được bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận. Tiếp đến là Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt – Miên – Lào, gồm đại biểu mặt trận dân tộc thống nhất của ba nước, được tổ chức thắng lợi là đòn nặng nề giáng vào âm mưu chia để trị của thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

“Với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sức đại đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thật sự” (37).

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng, từ cuối năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Vũ Kỳ – thư ký giúp việc của Người sang công tác ở Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, để chuẩn bị cho sự ra đời của một lực lượng mới tham gia kháng chiến: THANH NIÊN XUNG PHONG, mà những đơn vị đầu tiên được thành lập ngày 15-7-1950. Nhiệm vụ ban đầu của các ĐỘI THANH NIÊN XUNG PHONG CÔNG TÁC này là tham gia làm đường, vận chuyển lương thực, đạn dược cho các chiến dịch lớn của cuộc kháng chiến. Trong chuyến công tác kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Đội thanh niên xung phong 312, tối ngày 20-3-1951, đang làm đường ở Nà Cù, thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn và tặng bốn câu thơ:

Không có việc gì khó,

Chỉ sự lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên (38).

Từ ngày 27-9 đến 5-10-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ hai (khoá II). Hội nghị nhận định: Ta đã giữ được thế chủ động trên chiến trường, nhưng chưa thay đổi được tình thế ở đồng bằng Bắc Bộ. Hội nghị đề ra ba nhiệm vụ lớn là: Ra sức tiêu diệt sinh lực địch; phá tan kế hoạch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch; bồi dưỡng sức kháng chiến của nhân dân, xây dựng căn cứ địa, củng cố hậu phương để phục vụ tiền tuyến, phục vụ kháng chiến. Ba nhiệm vụ đó có mối quan hệ mật thiết với nhau:

“Đánh địch về mặt quân sự và về mặt chính trị là để tiêu hao lực lượng địch… Tăng gia sản xuất và tiết kiệm là để bồi dưỡng lực lượng ta, đặng tiêu hao lực lượng địch. Tiêu hao lực lượng địch là để bồi dưỡng lực lượng ta. Cho nên 3 nhiệm vụ ấy phải cùng tiến hành với nhau” (39).

Muốn huy động sức dân cho kháng chiến, phải bồi dưỡng lực lượng của dân. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Người kêu gọi nông dân Việt Nam:

“Ruộng rẫy là chiến trường,

Cuốc cày là vũ khí,

Nhà nông là chiến sĩ,

Hậu phương thi đua với tiền phương” (40).

Sản xuất muốn vững chắc phải đi đôi với tiết kiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống. Vì thế, Người đã khởi xướng cuộc vận động “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.

Việc thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam và Mậu dịch quốc doanh – mầm mống của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đã thúc đẩy sản xuất, giao lưu hàng hoá, đấu tranh kinh tế với địch, mở rộng buôn bán và trao đổi với các nước anh em.

Thắng lợi về chính trị, quân sự và kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác văn hoá, văn nghệ, giáo dục phát triển. Nhân dịp Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, ngày 15-7-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Hội nghị, Người viết:

“Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hoá gánh một phần rất quan trọng…

Nhiệm vụ của văn hoá chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới” (41).

Người khẳng định:

“Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (42).

Anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức đã thực hiện khẩu hiệu “kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến” do Người đề ra.

Đồng thời với những vấn đề văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm chăm lo đến công tác tư tưởng. Trong Báo cáo về tình hình và nhiệm vụ trình bày tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba (22-4-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên ba nhiệm vụ lớn và bốn công tác chính, trong đó quan trọng nhất là chỉnh đảng, chỉnh quân, vì:

“Là một đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng” (43) và “Dù có bao nhiêu khí giới tinh xảo mà người (tức cán bộ và chiến sĩ) không có lập trường vững, quan điểm vững, tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thì súng đó cũng bỏ đi” (44).

Người theo dõi chặt chẽ cuộc chỉnh huấn và nói rằng: chỉnh huấn là để làm cho mọi người đi vào con đường sáng sủa, tươi đẹp của cuộc đời cách mạng. Người ta ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Vì vậy, phải thương yêu nhau, quý trọng nhau, giúp nhau nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Cuộc vận động chỉnh huấn, chỉnh quân đã giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao thêm lập trường tư tưởng, tạo ra một khí thế cách mạng mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:

“Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc” (45).

Cuộc kháng chiến bước vào thời kỳ quyết liệt, đòi hỏi phải huy động sức người sức của ngày càng nhiều, cho nên càng phải bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân. Hội nghị Trung ương lần thứ tư (từ ngày 25 đến 30-1-1953) đã quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô, tiến tới cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng. Vì:

“Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân” (46).

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (từ ngày 15 đến ngày 21-11-1953) đã thảo luận chính sách, kế hoạch cải cách ruộng đất và thông qua những văn kiện về cải cách ruộng đất.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá I (từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo về cải cách ruộng đất, nêu rõ ý nghĩa, mục đích và đường lối chính sách chung của cải cách ruộng đất. Người nhấn mạnh:

“Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố công – nông liên minh, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt” (47).

Muốn thế phải tiến hành cải cách ruộng đất, vì có giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến, có bồi dưỡng cho nông dân thì mới động viên đầy đủ lực lượng to lớn đó vào kháng chiến tranh thắng lợi. Trong phiên cuối cùng của kỳ họp, các đại biểu đã nhất trí thông qua Luật Cải cách ruộng đất.

Ngày 19-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 197/SL công bố thi hành Luật Cải cách ruộng đất.

Nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ, theo dõi sát sao của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất ở giai đoạn đầu đã thu được những kết quả rất to lớn: Hàng triệu nông dân có ruộng; khối liên minh công – nông được tăng cường; chính quyền và mặt trận được kiện toàn; sự lãnh đạo của Đảng được đề cao. Hậu phương được củng cố và phát triển vững mạnh, nhờ đó sức chiến đấu của quân đội được nâng cao, kháng chiến có thêm sức mạnh mới để bước sang giai đoạn phản công thắng lợi.

Từ đầu năm 1953, với bút danh Đ.X, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một loạt 50 bàiThường thức về chính trị, đăng trên báo Cứu quốc. Bài mở đầu Giai cấp là gì?, ra ngày 16-1-1953 và bài Kết luận, ra ngày 23-9-1953. Đây là những bài viết nhằm cung cấp cho cán bộ và nhân dân những kiến thức phổ thông cần thiết về chính trị như: Giai cấp là gì? Phong kiến là gì? Tư bản là gì?, v.v. đến những vấn đề về đường lối cách mạng và các tổ chức cách mạng như Đảng, Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền nhân dân, v.v.. Mục đích của những bài viết ngắn này chủ yếu xây dựng lý tưởng và niềm tin cho nhân dân, để vượt qua gian khó, hy sinh, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau chiến thắng ở Chiến dịch Biên giới – thu đông 1950, để phá vỡ phòng tuyến địch ở đồng bằng Bắc Bộ, từ cuối 1950 đến giữa năm 1951, ta liên tiếp mở ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Trung du, Chiến dịch đường số 18 và Chiến dịch Hà – Nam – Ninh. Nhưng ở đây địch mạnh về cả binh lực lẫn hoả lực, nên tuy đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, nhưng ta cũng bị tổn thất, không đạt mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch đường số 18. Người kêu gọi nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tìm ra khuyết điểm, quyết tâm khắc phục để giành thắng lợi mới. Muốn đánh thắng phải thảo luận kỹ để chủ trương cho đúng, đặt kế hoạch cho sát. Cán bộ phải thương yêu đội viên, bộ đội phải thương yêu dân, phụng sự dân: “Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc” (48).

Cuối năm 1951, Tátxinhi mở cuộc phản công lớn ra Hoà Bình nhằm cắt đứt đường liên lạc tiếp tế giữa Khu IV với Việt Bắc, hòng tiêu diệt quân chủ lực của ta, giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Ngày 24-11-1951, Trung ương Đảng ra chỉ thị về nhiệm vụ phá cuộc tiến công Hoà Bình của địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các cán bộ, chiến sĩ chủ lực và dân quân du kích tham gia Chiến dịch Hoà Bình. Người nhắc nhở:

“Muốn thắng, thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh.

Nhưng tuyệt đối chớ chủ quan, khinh địch.

Bộ đội chủ lực đánh.

Bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng đánh. Các lực lượng phải phối hợp nhau chặt chẽ để tiêu diệt sinh lực của địch, để đánh tan kế hoạch thu đông của chúng” (49).

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân ta đã phối hợp đánh địch ở Hoà Bình cả trước mặt và sau lưng. Sau hơn ba tháng bao vây và tiến công quyết liệt, quân ta đã buộc quân Pháp phải rút chạy khỏi Hoà Bình, âm mưu của chúng hoàn toàn bị phá sản. Ta tiêu diệt hơn hai vạn tên địch, giải phóng một vùng Hoà Bình và hai triệu đồng bào.

Địch còn đang hoang mang, bị động đối phó với ta ở trung du và đồng bằng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nơi chúng đang sơ hở, địa hình rừng núi nên địch không phát huy được sức mạnh, khả năng cơ động của pháo và không quân. Nhưng, phía ta có thuận lợi là phát huy sở trường đánh ở vùng rừng núi, nhưng khó khăn về huy động hậu cần tại chỗ. Muốn thắng địch, ta phải quyết tâm rất cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Hội nghị phổ biến kế hoạch Chiến dịch Tây Bắc, Người nói rõ quyết tâm của Trung ương và Tổng quân uỷ là phải đánh thắng trong chiến dịch này. Để động viên bộ đội, Người đặt giải thưởng một triệu đồng tặng cho những đơn vị và cá nhân lập công xuất sắc. Người nói: “Số tiền tuy nhỏ, nhưng giá trị nó to, vì do tay Bác tự làm ra” (50). Người còn thăm hai đơn vị bộ đội, gửi thư cho các cán bộ, chiến sĩ và dân công phục vụ mặt trận Tây Bắc. Quyết tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền đến mỗi cán bộ, chiến sĩ, dân công tham gia chiến dịch.

Ngày 14-10-1952, Chiến dịch Tây Bắc mở màn bằng cuộc tiến công của ta vào phân khu Nghĩa Lộ. Sau hai tháng rưỡi chiến đấu, bộ đội ta đã giải phóng 8/10 vùng Tây Bắc bị địch chiếm giữ, gồm 25 vạn dân, mở rộng và củng cố vùng căn cứ địa kháng chiến của ta, phá tan âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của địch.

Sau Chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ ta thoả thuận với Chính phủ kháng chiến Lào về việc quân tình nguyện Việt Nam với Quân giải phóng Pathét Lào, mở chiến dịch Thượng Lào. Quán triệt tinh thần “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” (51) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ đội ta đã cùng quân đội và nhân dân Lào chiến đấu, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phongxalỳ, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào với vùng tự do của ta, mở ra một tình thế thuận lợi cho cuộc chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương.

Những thất bại liên tiếp trên các chiến trường làm cho thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, nguy khốn. Chính phủ Pháp một mặt xin thêm viện trợ Mỹ, mặt khác thay đổi tướng tá chỉ huy và kế hoạch tác chiến hòng tìm lối thoát danh dự bằng thắng lợi quân sự. Tháng 5-1953, Hăngri Nava (Henri Navarre), Tham mưu trưởng lục quân khối NATO, được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava vạch ra một kế hoạch có quy mô rộng lớn, nhằm trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, giành thắng lợi quyết định, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng.

Tháng 9-1953, tại Tỉn Keo, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị bàn và phê chuẩn phương án tác chiến đông xuân 1953-1954 là hướng Tây Bắc, Tây Nguyên và Trung – Hạ Lào của Bộ Tổng tham mưu, với phương châm tác chiến: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, đánh chắc thắng” (52).

Giữa tháng 11-1953, bộ đội chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu; phối hợp với quân đội Pathét Lào tiến công địch ở Trung – Hạ Lào. Nava buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc, với hơn 16 ngàn quân tinh nhuệ. Tướng Mỹ Ô Đanien (O’Daniel) đã xác nhận “Đây là một pháo đài bất khả xâm phạm” sau khi thị sát.

Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ của ta, mở cuộc đại tiến công vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Điện Biên Phủ, và coi đây là điểm quyết chiến chiến lược. Người chỉ thị:

“Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được” (53).

Các chiến trường trong cả nước được lệnh cùng phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, đẩy mạnh tiến công, chiến tranh du kích phát triển, làm phá sản kế hoạch tập trung binh lực của Nava. Hậu phương chi viện cao nhất cho chiến dịch lịch sử.

Để động viên các đơn vị bộ đội thi đua giết giặc lập công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho quân đội, và ân cần căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận: Cần nắm chắc Nghị quyết của Trung ương và chủ trương “đánh chắc thắng” của Bộ Chính trị.

Ngày 13-3-1954, quân ta mở cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một cuộc đọ trí, đọ sức hết sức gay go, quyết liệt giữa ta và địch, để giành giật từng thước đất. Trải qua 55 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu cực kỳ ngoan cường và anh dũng, vượt qua bao gian khổ và hy sinh, ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phất phới tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của địch. Tướng Đờ Caxtơri (De Castries) cùng toàn bộ Ban Tham mưu bị bắt sống. Hơn một vạn quân Pháp tại Điện Biên Phủ ra hàng.

“Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống đất và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn” (54).

Thắng lợi quân sự của ta trong chiến cuộc đông xuân 1953-1954, nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp.

Ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương khai mạc. Phái đoàn ta do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, bước vào bàn hội nghị trong tư thế của người chiến thắng. Trưởng đoàn ta tuyên bố lập trường 8 điểm làm cơ sở cho việc thảo luận vấn đề lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương. Đó là một giải pháp hoàn chỉnh: Đình chỉ chiến sự đi đôi với giải pháp về chính trị cho Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương.

Cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên mặt trận ngoại giao cũng gay go và quyết liệt. Ở Pháp, ngày 12-6-1954, Chính phủ Lanien bị đổ. Thay vào là Măngđex Phrăngxơ (Mandès – France), đại diện phái chủ hoà, làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu đoàn đại biểu Pháp sang Giơnevơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố hoan nghênh nguyện vọng muốn mau chóng thực hiện ngừng bắn ở Đông Dương của ông M. Phrăngxơ.

Từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, tại Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về tình hình và phương án đấu tranh tại Hội nghị Giơnevơ.

Từ ngày 13 đến ngày 18-7-1954, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khoá II) họp. Hội nghị đã nghe và thảo luận hai báo cáo Về tình hình và nhiệm vụ mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Để hoàn thành nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác trước mắt của đồng chí Trường Chinh. Hội nghị khẳng định: Đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của cách mạng Đông Dương, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lúc này là tăng cường lực lượng quân sự, xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; tiếp tục thực hiện chính sách ruộng đất; phục hồi và phát triển sản xuất, chuẩn bị điều kiện xây dựng đất nước. Hội nghị đã đề ra 10 công tác trước mắt.

Trong điều kiện các nước nhân nhượng với nhau, ngày 21-7-1954,Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương đã được ký kết, theo đó: các nước thừa nhận và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia, ngừng bắn đồng thời trên toàn chiến trường Đông Dương, Pháp rút quân về nước; vĩ tuyến17 chỉ là ranh giới quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam, sau hai năm sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ năm 1954 chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương là một thắng lợi vẻ vang của các lực lượng cách mạng ở Đông Dương, đồng thời là một đóng góp quan trọng mở đầu sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp và báo hiệu quá trình sụp đổ không thể đảo ngược được của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ chứng tỏ sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố gắng phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, những tiến bộ vượt bậc của quân đội ta về nghệ thuật quân sự, về tổ chức chỉ huy, về chiến đấu và bảo đảm chiến đấu.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến:

“Chứng minh thiên tài lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và trí thông minh, trình độ già dặn của dân Việt Nam, khéo tiến, khéo thoái, lúc mềm, lúc cứng, lấy sức nhỏ đánh sức to, lấy sức yếu địch sức mạnh,… quyết tâm và tin tưởng tiến đến thắng lợi cuối cùng” (55).

Là linh hồn của cuộc kháng chiến, là biểu tượng sáng ngời nhất của tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, Người đã quy tụ được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại để chĩa thẳng vào kẻ thù, khiến cho chúng luôn luôn bị động bất ngờ và thất bại. Còn sức chiến đấu của nhân dân ta thì như được nhân lên gấp bội, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới” (55).

Thắng lợi của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã làm sáng tỏ một chân lý của thời đại ngày nay là một dân tộc dù nhỏ nhưng đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chiến đấu theo đường lối cách mạng đúng đắn thì có khả năng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng có quân đội nhà nghề, thiện chiến được trang bị hiện đại.

Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi thêm một trang vô cùng vẻ vang, “Việt Nam – Điện Biên Phủ – Hồ Chí Minh” trở thành khẩu hiệu chiến đấu và chiến thắng của các dân tộc bị áp bức, được nhân dân thế giới nhắc đến với niềm tự hào và cảm phục.


  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 165.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 31.

3,4,5,6. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t. 4, tr. 8, 36, 37, 33.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 33.[1].

8. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.1, tr. 31.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 56 – 57.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 58.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 217-218.

12. Báo Cứu quốc, số 142, ngày 15-1-1946.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 46.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 162.

15. Cao uỷ Pháp ở Đông Dương (1945-1947).

16. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 457.

17. Nay là Mianma.

18. Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 267.

20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 201.

21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 433.

22. Hồ Chí MinhBiên niên tiểu sử, Sđd, t. 3, tr. 227.

23. Báo Cứu quốc, số 408, ngày 17-11-1946.

24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 473.

25. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 480.

26,27,28,29. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 252.

30.Cách huấn luyện quân sự của Khổng Minh, Biên dịch Hồ Chí Minh, Phòng Chính trị ĐQCVN Liên khu III xuất bản, tháng 9-1948.

31. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t. 5, tr. 132.

32,33. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 204, 446.

34. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 24.[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 7-8.

35. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 81-82.[1].

36. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 150.

37,38. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 181, 95.

39,40. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 463, 178.

41,42. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 464.

43.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 480.

44. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, t.1, tr. 518.

45,46. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 15, 16.

47. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 179.

48,49. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.6, tr. 207, 341.

50. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 561.

51. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 64.

52. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, t.1, tr. 531.

53. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, t.1, tr. 557.

54. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 261.

55. Phạm Văn Đồng: Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1974, tr. 16.

I- BẢO VỆ,  CỦNG CỐ VÀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Những ngày tưng bừng của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và lễ độc lập qua đi rất nhanh. Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á vừa được thành lập đã phải bước ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình. Để kiện toàn và củng cố lực lượng, chúng ta đã phải đối phó với tình hình cực kỳ phức tạp và vô vàn khó khăn: Nền kinh tế kiệt quệ, nạn đói khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hai triệu người vẫn còn đang đe doạ; ngân khố trống rỗng (chỉ còn một triệu đồng bạc rách), trình độ văn hoá rất thấp kém, đa số nhân dân không biết chữ. Trong khi đó, thù trong giặc ngoài: ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng, dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật, thực chất là muốn tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền nhân dân, lập chính phủ phản động làm tay sai cho Mỹ – Tưởng; ở miền Nam, núp sau bóng quân Anh, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm nước ta một lần nữa; bọn phản động tay sai cũng nổi lên khắp nơi, tìm mọi cách cản trở cuộc kiến quốc của nhân dân ta.

Đứng trước vận mệnh của nước nhà như ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lấy trách nhiệm nặng nề trước nhân dân:

“Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc của nhân dân”(1).

Người cùng tập thể Trung ương Đảng bình tĩnh, sáng suốt phân tích tình hình, kịp thời đề ra đường lối đúng đắn và những biện pháp hành động khôn khéo để giải quyết từng bước những khó khăn về đời sống kinh tế, văn hoá – xã hội và những vấn đề cấp bách khác. Sáng ngày 3-9-1945, tại Bắc Bộ phủ, chủ toạ phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách để cứu nguy dân tộc:

Một là giải quyết nạn đói;

Hai là thanh toán nạn dốt;

Ba là tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử;

Bốn là xoá bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hoá mới, đạo đức mới, đạo đức cách mạng;

Nm là xoá bỏ ngay những thứ thuế bóc lột vô nhân đạo;

Sáu là thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.

Người tuyên bố lịch tiếp đại biểu nhân dân và các tổ chức đoàn thể với cách thức cụ thể, rõ ràng: gửi thư nói trước, để sắp thì giờ, như vậy khỏi phải chờ đợi mất công; mỗi đoàn chớ quá 10 vị; mỗi lần xin chớ quá một tiếng đồng hồ.

Lúc này nạn đói kém còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh, vì vậy, Người đề nghị với Chính phủ phát động ngay một chiến dịch tăng gia sản xuất đồng thời mở cuộc lạc quyên. Người viết:

“Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng.

Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước:

Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” (2).

Hưởng ứng lời kêu gọi và tấm gương của Người, cả nước dấy lên phong trào tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, với các hình thức phong phú “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm nhịn ăn”, v.v.. Chỉ sau một tuần quyên góp, cả nước đã có hàng vạn tấn gạo cứu đói.

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (3).

“Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập,

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”(4).

Người đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ, và “hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ” (5), với phương châm: người biết chữ dạy người chưa biết chữ, những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết, vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo. Người nhấn mạnh:

“Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử” (6).

Người đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ – tương lai của dân tộc, của nước nhà. Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Người gửi thư cho các học sinh:

Non sông Viêt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(7).

Để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ và Sắc lệnh số 44, ngày 10-10-1945, thành lập Hội đồng cố vấn học chính để nghiên cứu và đệ trình Chính phủ chương trình giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và theo dõi thực hiện chương trình ấy. Sau một năm hưởng ứng lời kêu gọi của Người, 95% dân số Việt Nam cơ bản xoá được nạn mù chữ.

Để xoá bỏ những tư tưởng và tập quán lạc hậu của chế độ thực dân và phong kiến cản trở đối với một xã hội văn minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ mở một cuộc vận động đời sống mới, nhằm giáo dục nhân dân ta đạo đức mới, đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính.

Để xây dựng nền tài chính quốc gia, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Quỹ độc lập và phát động Tuần lễ vàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào nhân dịp Tuần lễ vàng. Nhờ tinh thần hăng hái yêu nước, đồng bào cả nước đã tự nguyện đóng góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng.

Nhằm mang lại những quyền lợi thiết thực cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã ký một loạt sắc lệnh bãi bỏ chế độ thuế khoá bất công của thực dân Pháp, như: thuế thân, thuế chợ, thuế đò, đồng thời ban hành Luật Lao động, bảo vệ quyền lợi cho công nhân; quy định giảm tô 25% cho nông dân; chia ruộng của bọn thực dân và ruộng công cho nông dân, ban bố sắc lệnh tự do tín ngưỡng.

Nhiệm vụ chủ yếu lúc này là giữ vững và khẳng định tính hợp pháp của chính quyền cách mạng, vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, thành lập chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp dân chủ. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội gồm 7 điều; trong đó điều thứ 5 ghi: Sẽ thành lập một Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử và điều thứ 6 ghi rõ: Sẽ thành lập một Uỷ ban để dự thảo Hiến pháp đệ trình Quốc hội (8). Người ký Sắc lệnh số 34 ngày 20-9-1945, lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp, gồm bảy thành viên và Sắc lệnh số 39 ngày 26-9-1945, lập ra Uỷ ban tổ chức Tổng tuyển cử gồm chín thành viên. Uỷ ban tổ chức Tổng tuyển cử sẽ dự thảo các thể lệ về tổng tuyển cử, từ việc định số đại biểu cho toàn quốc, cho từng tỉnh theo tỷ lệ dân số, đến cách thức bầu. Chính phủ quyết định chọn ngày 23-12-1945 là ngày Tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau đó, để các cá nhân, các đảng phái và tổ chức chính trị khác có thêm thời gian đề cử và ứng cử, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76, lùi ngày bầu cử vào ngày 6-1-1946.

Tuy kẻ thù của cách mạng tìm mọi cách chống phá, nhưng với sách lược mềm dẻo, đối sách khôn khéo và niềm tin vào nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Người thực hiện quyền công dân của mình tại điểm bỏ phiếu số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Toàn dân ta tỏ rõ sự tín nhiệm đặc biệt với Hồ Chí Minh, Người đã trúng cử với số phiếu cao nhất.

Ngày 2-3-1946, kỳ thứ nhất Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tuyển cử đã tỏ rõ cho thế giới biết toàn dân Việt Nam đoàn kết nhất trí, Người đề nghị Quốc hội mở rộng thêm 70 ghế không qua bầu cử, cho các đại biểu thuộc hai tổ chức chính trị Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng) và Việt Cách (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh).

Quốc hội nhất trí tán thành bản báo cáo những công việc đã làm trong 6 tháng qua của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày. Được sự uỷ nhiệm của Quốc hội, Người giới thiệu các thành viên mới của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Kháng chiến uỷ viên hội, Đoàn cố vấn tối cao và Uỷ ban dự thảo Hiến pháp.

Sau khi Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng các thành viên mới của Chính phủ, Đoàn cố vấn, Uỷ ban kháng chiến đọc lời tuyên thệ nhậm chức:

“Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một loạt sắc lệnh để kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước với chức năng và nhiệm vụ mới, đồng thời đề ra những nguyên tắc cơ bản về hoạt động của chính quyền nhân dân, là công bộc của dân, gánh vác công việc cho dân:

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (9).

Người cũng vạch rõ “những lỗi lầm rất nặng nề” của một số cán bộ có chức, có quyền, đó là các căn bệnh như: trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo,… đòi hỏi cán bộ phải “ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”. Người biểu dương những cán bộ tốt, đồng thời tỏ thái độ nghiêm khắc.

“Ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung” (10).

Với bút danh Chiến Thắng, Người viết một loạt bài trên báo Cứu quốc, đó là những lời chỉ bảo tận tình với đội ngũ cán bộ cách mạng. Và bản thân Người luôn luôn gương mẫu thực hiện. Chính những điều đó đã giúp một cách thiết thực cán bộ chính quyền các cấp nhanh chóng khắc phục những sai sót, góp phần khẳng định bản chất tốt đẹp của chính quyền mới. Vì thế, tuy mới có chính quyền, đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý đất nước, nhưng đã thực sự được dân tin, dân yêu, thực sự đoàn kết được toàn dân.

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với báo giới phương châm của Chính phủ là: “Đoàn kết toàn dân, quyết tâm vì chính nghĩa, quyết giữ vững độc lập bằng mọi giá”. Để có được lực lượng, Người chủ trương mở rộng khối đoàn kết toàn dân, thu hút đông đảo, rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Người chỉ thị phải nhanh chóng phát triển các tổ chức đã có trong Mặt trận Việt Minh, đồng thời thành lập thêm các tổ chức mới. Theo sáng kiến của Người, ngày 29-5-1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập để thu hút tất cả các tổ chức chính trị, các đảng phái và cá nhân yêu nước chưa tham gia Mặt trận Việt Minh, miễn là tán thành đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của hội.

Tiếp sau đó là sự ra đời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (20-7-1946), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1946), Đảng Xã hội Việt Nam (22-7-1946). Các tổ chức này đều tự nguyện gia nhập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Đó chính là sức mạnh để chống thù trong giặc ngoài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến khối đoàn kết toàn dân trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Người đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị đại biểu của hơn 20 dân tộc thiểu số ở miền Bắc. Gửi thư tới Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, Người khẳng định:

“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta” (11).

Người đặc biệt quan tâm việc tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo vì sự nghiệp chung. Người nói:

“Dù Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà” (12).

Với lòng thành, mong muốn đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời được nhiều nhân sĩ danh tiếng như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ. Người tin tưởng và mạnh dạn sử dụng những thượng thư, đại thần của triều đình Huế như các cụ Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hoè vào những chức vụ quan trọng của chính quyền nhân dân. Người nói: “Chỉ sợ lòng mình không rộng, chứ không sợ người ta không theo mình”.

Song song với việc giải quyết những công việc cấp bách về đối nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại khẩn cấp. Ngày 28-9-1945, với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, Người trình Hội đồng Chính phủ dự thảo Lời tuyên bố về chính sách ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dựa trên những nguyên tắc tự do, bình đẳng và quyền dân tộc tự quyết đã được các nước Đồng minh ghi nhận trong các Hiến chương Đại Tây Dương và Xan Phranxixcô.

Ngày 17-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Thông điệp cho Liên hợp quốc và các vị đứng đầu các cường quốc, hoan nghênh việc Liên hợp quốc thành lập Uỷ ban tư vấn về Viễn Đông và phản đối việc nước Pháp là thành viên của uỷ ban này. Được tin Liên hợp quốc họp tại Luân Đôn có lập một tiểu ban xét đơn của các nước nhược tiểu, ngày 14-1-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện tới ông Hăngri Xpác (H. Spaak), Chủ tịch Hội đồng Liên hợp quốc, cùng các vị ngoại trưởng các cường quốc, đề nghị đưa vấn đề công nhận nền độc lập của Việt Nam và kết nạp Việt Nam vào Liên hợp quốc ra hội đồng. Đây là đòi hỏi chính đáng của nhân dân Việt Nam. Tuy vậy, trong thâm tâm, Người không hy vọng Liên hợp quốc sẽ giải quyết ngay, nhưng điều đó cũng làm cho Liên hợp quốc biết tới cuộc chiến đấu và khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng nhận rõ kẻ thù nguy hại nhất lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền và độc lập dân tộc, Người vận dụng sách lược rất khôn khéo, mềm dẻo, phân hoá cao độ kẻ thù.

Tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng để giữ vững chính quyền, có điều kiện đối phó với quân Pháp ở miền Nam. Tiêu Văn, Lư Hán, Chu Phúc Thành… mỗi tên một tính cách, nhưng cùng chung mục đích là vơ vét, làm giàu. Hiểu rõ đối thủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đối sách phù hợp với từng đối tượng. Người chủ trương trong quan hệ giữa ta với quân Tưởng, thực hiện phương châm: biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự. Người căn dặn: Kiên nhẫn không phải là hèn nhát mà là một phương pháp đấu tranh. Một mặt, nhân nhượng cho quân Tưởng một số quyền lợi về kinh tế như vẫn áp dụng chính sách tối huệ quốc dành cho Hoa kiều, tạo điều kiện cho buôn bán gạo và hàng hoá sang Hồng Kông. Về chính trị: ta mở rộng 70 ghế tham gia Quốc hội không qua bầu cử cho Việt Quốc, Việt Cách – tay sai của quân Tưởng, để xoá đi lý do mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng chống phá cách mạng. Ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật. Mặt khác, dùng sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, làm thất bại mọi mưu đồ đen tối của chúng và trừng trị bọn tay sai đã lộ mặt phá hoại cách mạng. Đồng thời, Người cùng Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, động viên nhân dân cả nước ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam.

Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa – Pháp được ký kết tại Trùng Khánh, trong những điều khoản thoả thuận, có việc phía Trung Hoa dân quốc (Tưởng Giới Thạch) để Pháp thay thế mình ở phía bắc vĩ tuyến 16. Ở Hà Nội, đại diện quân Tưởng giục ta thoả thuận với Pháp. Các nhà thương lượng Pháp càng nôn nóng hơn, vì hiểu rằng muốn đem quân ra Bắc Việt Nam một cách êm thấm, không có đụng độ quân sự, cần phải điều đình và đi tới một thoả thuận với Chính phủ Hồ Chí Minh.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Tình hình và chủ trương (3-3-1946). Trên cơ sở phân tích khách quan những thuận lợi và khó khăn, điều kiện trong và ngoài nước, đi tới quyết định hoà đàm với Pháp, để phá mưu mô của quân Tưởng và tay sai, nhanh chóng tống cổ chúng ra khỏi Việt Nam, bảo toàn lực lượng, dành thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Bản Chỉ thị nhấn mạnh:

“Trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta” (13).

Sau một thời gian tiếp xúc, giao thiệp, các cuộc đàm phán bí mật diễn ra không đạt kết quả vì lập trường hai bên còn xa nhau, vì phía Pháp chỉ muốn Việt Nam là một quốc gia tự trị. 16 giờ 30 chiều ngày 6-3-1946, lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ Pháp – Việt đã diễn ra tại nhà số 38 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp: nước Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do(không như mong muốn của ta: Việt Nam là một quốc gia độc lập và thống nhất). Chứng kiến lễ ký còn có đại diện Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa ở Bắc Đông Dương, phái bộ Mỹ, lãnh sự Anh và đại diện phân bộ Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ. Theo Hiệp định, nước Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính riêng, ở trong Liên bang Đông Dương và Khối Liên hiệp Pháp, và cam đoan thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ; nước Việt Nam đồng ý để 15 ngàn quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa và sẽ rút hết sau 5 năm; hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức, trong khi đàm phán, quân đội hai bên giữ nguyên vị trí.

Bản hiệp định tuy chưa đem lại nền độc lập hoàn toàn cho dân tộc ta, song đây cũng là bản hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ký với nước ngoài, có sự chứng kiến của đại diện các nước Mỹ, Anh và Trung Hoa, điều đó chứng tỏ rằng: Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp. Đó là thắng lợi lớn về chính trị và ngoại giao của ta, đồng thời, loại bớt kẻ thù cho cách mạng Việt Nam:

“Đồng bào và đồng chí ở Nam đã khéo lợi dụng dịp đó để xây dựng và phát triển lực lượng của mình” (14)

Hiệp định Sơ bộ ký chưa ráo mực, thực dân Pháp đã có những hành động phá hoại, thiếu thiện chí như đòi quân đội ta nộp vũ khí, đánh úp quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, di chuyển quân đến những nơi không được phép của ta, nhưng thời gian hoà hoãn đối với chính quyền cách mạng lúc này có ý nghĩa quan trọng và rất cần thiết để củng cố, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đụng đầu lịch sử và khốc liệt. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm mọi cách, tranh thủ mọi cơ hội có thể để kéo dài thời gian hoà hoãn. Người xúc tiến nhiều cuộc gặp gỡ điều đình với phía Pháp.

Ngày 24-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) (15) trên chiến hạm Êmin Béctanh (Emile Bertin) ở vịnh Hạ Long. Hai bên thoả thuận: Sẽ có những cuộc thăm chính thức ngoại giao giữa hai nước; sẽ mở Hội nghị trù bị tại Đà Lạt (trước khi có đàm phán chính thức); phái đoàn Chính phủ Việt Nam sẽ sang Pháp để ký hiệp ước chính thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm thượng khách của Chính phủ Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy thoả thuận Hạ Long đã tạo cơ hội tốt đẹp cho chúng ta trên mặt trận ngoại giao, từ Pari ta có thể làm cho dư luận Pháp và Tây Âu hiểu tình hình và đồng tình với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Ngày 19-4-1946, Hội nghị trù bị Đà Lạt khai mạc. Sau nhiều ngày làm việc, do lập trường ngoan cố của phía Pháp, nhất là về vấn đề Nam Bộ nên hội nghị hoàn toàn bế tắc.

Ngày 25-4-1946, phái đoàn Quốc hội Việt Nam gồm 15 thành viên, do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu, lên đường sang Pari. Những ngày ở thăm nước Pháp, đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã hoạt động tích cực theo tinh thần “đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu ta” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi thăm chính thức Cộng hoà Pháp. Trước khi rời Tổ quốc, Người nắm tay nhà cách mạng lão thành Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước và nói:

“Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (16).

Cuộc hành trình đến Cộng hoà Pháp của Người phải đi qua các nước: Miến Điện (17), Ấn Độ, Pakixtăn, Irắc, Ai Cập, Angiêri, rồi Biarit (Biarritz) thủ phủ xứ Pirênê Atlăngtie (Pyrénées – Atlantiques), miền Nam nước Pháp. Ở những nơi dừng chân, Người tranh thủ mọi cơ hội bày tỏ thiện cảm của nhân dân ta đối với nước chủ nhà, làm cho họ hiểu cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa, đồng thời cũng tỏ rõ thiện chí với nước Pháp.

Chiều ngày 22-6-1946, lễ đón chính thức Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Pari. Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tung bay trên bầu trời Thủ đô nước Cộng hoà Pháp, Quốc ca Việt Nam vang lên hùng tráng.

Đến Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại nơi có những kỷ niệm khó quên của mấy chục năm trước là thân phận của người dân mất nước, đang tìm đường cứu nước, nay với một cương vị mới, một trọng trách mới – Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, thượng khách của nước Pháp, sứ giả của tình hữu nghị Việt – Pháp. Trong lời đáp từ tại buổi tiệc chiêu đãi của Thủ tướng G. Biđôn (Georger Bidault), Người nói:

“Nước Việt Nam và nước Pháp có thể hoà hợp với nhau trong khối Liên hiệp Pháp gồm những dân tộc tự do bình đẳng cùng ôm một lý tưởng dân chủ và cùng say mê vì tự do… đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (18). Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp” (19).

Trong thời gian lưu lại trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ và trò chuyện với đại biểu ba chính đảng đang cầm quyền và hầu hết các đoàn thể chính trị lớn tại Pháp. Người cũng đã tiếp xúc với đại biểu các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới, Đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới, Người còn gặp nhiều nhà hoạt động chính trị danh tiếng, các doanh nghiệp, quân nhân, trí thức, nhà văn, nhà báo, v.v.. Thông qua những cuộc gặp đó Chủ tịch Hồ Chí Minh biết được tình cảm và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị ở Pháp. Người làm cho họ hiểu rõ khát vọng tự do, ý chí bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Người đã để lại những ấn tượng khó phai trong tâm tưởng người Pháp bởi sự chân thành, cởi mở và giản dị của mình. Người dành thời gian tiếp xúc, trò chuyện với các thế hệ Việt kiều đang làm ăn, sinh sống tại Pháp và các nước lân cận. Người kêu gọi lòng ái quốc của bà con Việt kiều hãy giúp đỡ và ủng hộ Chính phủ.

Ngày 12-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo chính thức tại lâu đài Roayan Môngxô (Royal Monceau), Pari, công bố lập trường 6 điểm của Chính phủ ta, nêu rõ: Việt Nam đòi quyền độc lập trong Liên hiệp Pháp, vui lòng cộng tác với Pháp; Việt Nam cũng tán thành Liên bang Đông Dương nhưng không chấp nhận một chính phủ liên bang; Việt Nam bảo hộ tài sản của kiều dân Pháp nhưng họ phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam; Việt Nam có quyền mua lại những sản nghiệp có quan hệ đến quốc phòng và sử dụng cố vấn người Pháp khi cần; Việt Nam có quyền phái đại sứ và lãnh sự tại các nước; Người đặc biệt nhấn mạnh vấn đề Nam Bộ: Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam, không ai có quyền chia sẻ, không lực lượng nào có thể chia cắt. Cuộc họp báo đã nâng cao vị thế của Việt Nam trước dư luận Pháp và quốc tế.

Ngày 6-7-1946, cuộc đàm phán chính thức Việt – Pháp khai mạc tại lâu đài Phôngtennơblô (Fontainebleau). Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi sát và chỉ đạo kịp thời với những diễn biến cuộc đàm phán.

Thái độ ngoan cố cùng hành động trắng trợn vi phạm Hiệp định Sơ bộ của phía Pháp đã làm cho cuộc đàm phán tại Phôngtennơblô bế tắc. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam với quy mô rộng lớn hơn, cường độ quyết liệt hơn, nếu đến sớm sẽ hoàn toàn không có lợi cho ta. Để cứu vãn tình thế bế tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gặp Bộ trưởng M. Mutê (Marius Moute) để thảo luận thêm về quan hệ Việt – Pháp và đi tới ký kết bản Tạm ước Việt – Pháp, ngày 14-9-1946. Bản Tạm ước định rõ hai bên đình chỉ xung đột, phía Pháp bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ ở Nam Bộ, thả những người bị bắt; phía Việt Nam bảo đảm quyền lợi kinh tế, văn hoá của Pháp tại Việt Nam; hai bên thoả thuận thời gian mở lại cuộc đàm phán vào tháng Giêng năm 1947. Bản Tạm ước chưa đạt được những yêu cầu như mong muốn, nhưng đã đem lại thắng lợi to lớn về ngoại giao và thời gian quý báu để chúng ta chuẩn bị lực lượng.

Ngày 18-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nướctrên chiến hạm Đuymông Đuyếcvin (Dumont d’ Urville). Ngày 20-10 tầu cập cảng Hải Phòng, kết thúc chuyến đi thăm và đàm phán với Pháp.

Ngày 23-10-1946, các phương tiện thông tin đại chúng đã truyền đi lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quốc dân về chuyến thăm chính thức nước Pháp. Sau khi khẳng định những kết quả chuyến thăm Cộng hoà Pháp, Người chỉ rõ nhiệm vụ của nhân dân ta trong thời gian tới là phải đồng tâm nhất trí, ra sức tổ chức, công tác để xây dựng nước nhà, phát triển kinh tế…; đối với người Pháp cần thân thiện, lịch sự, ôn hoà và thật thà hợp tác, phải tỏ cho thế giới biết rằng:

“Nhân dân ta yêu chuộng hoà bình, Chính phủ ta muốn cho dân được an cư lạc nghiệp. Chúng ta muốn cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp mong có ích lợi cho cả hai bên” (20).

Nguy cơ chiến tranh đến gần. Ngày 5-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ. Người nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là kháng chiến và kiến quốc. Cả hai việc đều cần phải có nhiều người: người về quân sự, kinh tế, giao thông… Lực lượng đó là đảng viên, thanh niên, là những phần tử hăng hái trong nhân dân, nếu khéo vận động, khéo huấn luyện, đào tạo, biết đặt đúng việc thì có ích cho đất nước. Đồng thời phải làm cho dân hiểu cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ, rất gay go, cực khổ vì “Dù địch thua đến 99%, nó cũng ráng sức cắn lại. Vì nó thất bại ở Việt Nam, thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc nó sẽ tan hoang” (20).

Vì lực lượng địch chỉ có hạn cho nên chúng ta phải có tín tâm và quyết tâm thì mới đi đến thắng lợi. Mọi người phải hăng hái tham gia du kích và tăng gia sản xuất khắp nơi, nhất định kháng chiến thắng lợi. Đó chính là những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân: ký sắc lệnh đổi Vệ quốc quân thành Quân đội quốc gia Việt Nam, kiện toàn bộ máy tổ chức: lập Bộ Tổng tham mưu, Cục Chính trị, Cục Thông tin liên lạc, Quân sự uỷ viên hội…, mở trường đào tạo cán bộ chính trị, quân sự cho lực lượng vũ trang.

Ngày 26-5-1946, Người dự lễ khai giảng khoá đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây, trao tặng nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” và căn dặn:

Đó “là bổn phận thiêng liêng, là mục đích của anh em, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta” (21).

Song song với quân đội chính quy, Người còn quan tâm chỉ đạo xây dựng các lực lượng nửa vũ trang (dân quân du kích ở nông thôn và tự vệ ở thành phố), huy động toàn dân ủng hộ, xây dựng lực lượng vũ trang. Phát động toàn dân hưởng ứng phong trào Mùa đông binh sĩ, gửi áo ấm cho các chiến sĩ ngoài mặt trận và Người nêu gương trước. Người nói:

“Tôi có 2 chiếc áo rét. Một chiếc tôi đã mặc mấy năm nay và một chiếc của Uỷ ban vận động Mùa đông binh sĩ vừa mang biếu tôi. Cả 2 chiếc, tôi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận” (22).

Hiểu rõ lực lượng vũ trang của ta, đa số xuất thân từ nông thôn – những người nông dân mặc áo lính, nên dù bộn bề công việc điều hành nhà nước mới độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh với các bút danh Q.Th và Q.T vẫn dành thời gian viết và đăng liên tiếp từ giữa tháng 5-1946 trên báo Cứu quốc, dưới tiêu đề Binh pháp Tôn Tử, một loạt bài về chiến lược, chiến thuật quân sự. Đây là tập tài liệu huấn luyện ngắn, nhưng rất cơ bản, cụ thể và dễ hiểu, về một hệ thống luận văn quân sự phổ thông, để giảng giải và giới thiệu nội dung và phương pháp tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, bởi muốn chiến thắng, ngoài tinh thần, người chiến sĩ còn cần phải có giác ngộ chính trị cao, được bồi dưỡng về lý luận quân sự, có hiểu biết về chiến thuật, kỹ thuật… Nhờ vậy, Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ đã phát triển nhanh chóng, nhiều đơn vị mới được thành lập, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bộ đội rất cao, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Để tạo cơ sở chính trị vững chắc cho cuộc kháng chiến sắp tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành một số biện pháp củng cố tổ chức chính quyền. Sáu ngày sau khi về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá I. Trong tình hình khẩn trương, được sự uỷ nhiệm của Quốc hội, ngày 2-11-1946, Người đã trình Quốc hội thông qua danh sách các thành viên Chính phủ – một Chính phủ sẽ đảm đương trọng trách lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc đi đến thắng lợi. Ngày 9-11-1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, đồng thời cũng là Hiến pháp đầu tiên ở Á Đông. Hiến pháp gồm: Lời nói đầu và 7 chương với 70 điều, xác định rõ chủ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, định rõ quyền tự do và nghĩa vụ xây dựng đất nước của công dân. Hiến pháp nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, cách tổ chức và quyền hạn của Nghị viện nhân dân, của Chính phủ, của hội đồng nhân dân và uỷ ban hành chính các cấp, của các cơ quan tư pháp, v.v..

Để chuẩn bị căn cứ địa cho cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm cho việc di chuyển các cơ quan của Đảng và Nhà nước, đồng thời tổ chức lực lượng chuyển một số trang thiết bị kỹ thuật, gạo, muối về căn cứ.

Tuy bận trăm ngàn công việc lớn của quốc gia, nhưng khi biết tin chị và anh ruột ra thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để giữ trọn đạo làm em với anh trai Nguyễn Sinh Khiêm và chị gái Nguyễn Thị Thanh. Thông cảm với Người đang bận lo việc nước, ông cả Khiêm và bà Thanh đã vui vẻ trở lại quê nhà, vì biết rõ cậu Thành ngày xưa vẫn khoẻ mạnh và nay là Hồ Chí Minh.

Quân Pháp ngày càng vi phạm nghiêm trọng những thoả ước mà hai bên đã ký kết. Những hành động quân sự tấn công xâm chiếm ngày càng trắng trợn, liều lĩnh những địa điểm của ta đóng giữ. Phía ta vẫn giữ thái độ hết sức mềm dẻo, mong muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường hoà bình, như lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên báo Pari – Sài Gòn:

“Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh… Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách…

Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm… Cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do” (23).

Sau rất nhiều cố gắng để vãn hồi hoà bình, nhưng tình hình ngày càng xấu. Ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ toạ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) tại làng Vạn Phúc, Hà Đông. Hội nghị phân tích sâu sắc tình hình của ta, âm mưu của địch và quyết định: tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Hội nghị cũng quyết định đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Hội nghị đã thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo.

Sáng sớm ngày 19-12-1946 quân Pháp gửi tối hậu thư thứ ba, hạn trong 24 giờ đồng hồ, tự vệ Hà Nội phải hạ vũ khí, đình chỉ ngay những hành động chuẩn bị kháng chiến.

20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cả dân tộc theo lời hịch kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!” (24).

Vậy là trong 16 tháng (từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung giải quyết những yêu cầu cụ thể và cấp bách của lịch sử: chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân với hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương. Với sự mẫn tiệp và nhạy bén, sáng tạo, Người đã làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của thù trong giặc ngoài, giữ vững chính quyền cách mạng, tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp.

Mùa đông năm 1946, Người 56 tuổi lên đường kháng chiến. Hành trang mang theo rất giản đơn: chiếc balô đựng vài ba bộ quần áo, một chiếc túi đựng tài liệu với cái máy chữ Hécmét, chiếc đồng hồ quả quýt cùng chiếc gậy trúc và đôi dép caosu.

II- LINH HỒN CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Để đưa cuộc kháng chiến toàn dân đi đến thắng lợi thì phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thành một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch và cách mạng triệt để. Trước hết, Người không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong lãnh đạo của cán bộ, đảng viên.

Trong năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành hai tác phẩm quan trọng là Đời sống mớiSửa đổi lối làm việc.

Dưới bút danh Tân Sinh, Người viết tác phẩm Đời sống mới. Bằng hình thức hỏi – đáp, cuốn sách giới thiệu vắn tắt, rõ ràng, dễ hiểu nội dung của đời sống mới và nêu yêu cầu cụ thể đối với mỗi người, mỗi gia đình, từng giới, từng ngành. Cuốn sách còn hướng dẫn bộ đội và nhân dân ta sửa chữa những cái cũ không còn phù hợp, thực hiện những cái mới mà hay trong đời sống, trong cách ăn, mặc, ở, đi lại, cách làm việc. Đời sống mới đã thiết thực giúp bộ đội và nhân dân ta biết xử lý một cách đúng đắn mối quan hệ giữa cái cũ và mới trong đổi mới, và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, làm cho trong kháng chiến dân ta “vật chất được đầy đủ, tinh thần được vui mạnh hơn”.

Với bút danh X.Y.Z, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, gồm 6 phần, nêu lên những kinh nghiệm, bài học thực tiễn có tính lý luận, bồi dưỡng tác phong lãnh đạo của người đảng viên cộng sản; 12 điểm về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền và cả nước có chiến tranh và nêu 5 điều về rèn luyện đạo đức cách mạng. Người kết luận:

“Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (25).

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Người nêu 12 điều để “làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu” (26). Người căn dặn:

“Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại” (27).

Người khẳng định: “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”(28). Về chính trị, bộ đội nắm vững đường lối, chính sách, trước hết là đường lối quân sự của Đảng, phải tăng cường đoàn kết, đoàn kết giữa cán bộ với chiến sĩ, đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế. Về quân sự, bộ đội phải ra sức rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực để nâng cao trình độ tác chiến; nội dung huấn luyện phải toàn diện.

Để góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp cho quân đội, Người đã biên soạn tài liệu Cách huấn luyện quân sự của Khổng Minh (29), gồm 36 vấn đề thuộc về phẩm chất, bản lĩnh và cách thức chỉ huy của người tướng.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL, phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và Sắc lệnh số 111/SL – 112/SL, phong quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng cho một số cán bộ cao cấp đang giữ các trọng trách trong quân đội. Đó là một bước để quân đội ta tiến dần lên chính quy hoá.

Người cũng rất coi trọng vai trò của dân quân du kích, vì đó:

“Là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã” (30).

Với phương châm chắc thắng mới đánh, đồng thời chú ý phát huy sức mạnh chính nghĩa, kết hợp quân sự với chính trị, ra sức địch vận để làm tan rã hàng ngũ địch, Người khuyên các lực lượng vũ trang: Không nên nóng vội, muốn ăn to đánh lớn khi chưa đủ điều kiện. Nhờ thế mà:

“Trong 2 năm kháng chiến cứu nước, từ Nam đến Bắc, quân đội ta đã nhiều phen chiến thắng quân đội thực dân Pháp là một quân đội kinh nghiệm nhiều, khí giới tốt, là một quân đội có tiếng trên hoàn cầu” (31).

Để động viên tinh thần quân và dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về đặt và quy định thưởng huân, huy chương kháng chiến, huân chương Quân công cho các cá nhân và tập thể có nhiều thành tích trong kháng chiến.

Phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước. Nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến, Người đã ra lời kêu gọi, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc, nêu rõ mục đích, phương châm và khẩu hiệu, cũng như nội dung thi đua cụ thể cho từng giới. Người tin tưởng:

“Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi” (32).

Người cử cụ Tôn Đức Thắng làm Trưởng Ban Trung ương vận động Thi đua ái quốc, ông Hoàng Đạo Thuý làm Tổng thư ký Ban thi đua Trung ương. Hưởng ứng lời kêu gọi người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Đường lối kháng chiến trường kỳ của ta bước đầu làm thất bại chiến lược đánh “chớp nhoáng” của địch, buộc chúng phải co cụm về các thành phố lớn. Tuy vậy Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: Nhất định thực dân Pháp sẽ mở cuộc tiến công lớn vào thu đông 1947, mà chiến trường chính là Việt Bắc. Với âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, ngày 8-10-1947, địch cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn, mở đầu cho cuộc phiêu lưu quân sự lên Việt Bắc. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời ra chỉ thị Phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp và chỉ đạo: Dùng cách đánh du kích và vận động chiến, quân và dân ta đã làm cho các binh đoàn lớn của Pháp bị chia cắt và hao mòn. Sau 40 ngày (tới 13-11-1947), 3 binh đoàn với 2 vạn quân tinh nhuệ của địch đã phải tháo chạy khỏi Việt Bắc. Cuộc tấn công thu đông của thực dân Pháp hoàn toàn phá sản.

Chiến dịch kết thúc, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Việt Bắc anh dũng, trong đó Người vạch rõ những thất bại của Pháp, khái quát nguyên nhân quyết định thắng lợi của ta trong chiến dịch thu đông vừa qua, đồng thời dự báo âm mưu mới của địch. Người cũng nhắc nhở quân và dân ta: Chớ chủ quan khinh địch, tự cao tự đại mà phải luôn luôn chuẩn bị, cẩn thận đề phòng, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đó là chìa khoá để đi đến thắng lợi.

Cuộc phản công thắng lợi ở Việt Bắc đã đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta sang một giai đoạn mới. Thất bại thu đông 1947 ở Việt Bắc đã buộc thực dân Pháp chuyển từ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến lược đánh lâu dài và thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, đồng thời xin viện trợ của đế quốc Mỹ. Mặt khác, sau một thời gian mặc cả, tháng 6-1948, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương đã ký Tuyên bố chung với đại diện Chính phủ Bảo Đại, theo đó Pháp thừa nhận “độc lập” của Việt Nam.

Về phía ta, đi đôi với thắng lợi về quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đối ngoại, phá thế cô lập về ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của loài người tiến bộ đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Đầu năm 1947, trong thư, điện gửi Chính phủ các nước Ấn Độ, Miến Điện, Nam Dương, Cao Miên. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Vận mệnh dân tộc châu Á quan hệ mật thiết với vận mệnh dân tộc Việt Nam…” và bày tỏ: “Chúng tôi mong được tất cả các dân tộc giúp đỡ” (33).

Người cử các đoàn đại biểu đi dự hội nghị quốc tế, như: Hội nghị Liên Á ở Ấn Độ, Hội nghị các nước châu Á ủng hộ Nam Dương chống xâm lược Hà Lan… Đồng thời, với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định đưa quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ cách mạng Lào và Cao Miên, phối hợp chiến đấu cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập vạn đại sơn, giúp bạn giải phóng một vùng rộng lớn ở Quảng Tây.

Cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược là một sự cổ vũ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, nên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cùng tình cảm nồng nhiệt của Chính phủ và nhân dân các nước anh em. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt cơ quan đại diện thường trú tại Băng Cốc, Rănggun, Praha để tuyên truyền, giúp nhân dân thế giới ngày càng hiểu hơn về cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta.

Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Lời tuyên bố gửi Chính phủ các nước trên thế giới:

“Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam… Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới” (34).

Ngày 18-1-1950, Chính phủ Trung Quốc công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 30-1-1950, Chính phủ Liên Xô, rồi Chính phủ các nước dân chủ nhân dân Đông Âu lần lượt công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Đầu tháng 1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật rời Tân Trào đi Bắc Kinh, Trung Quốc. Đầu tháng 2-1950, Người đến Mátxcơva, Liên Xô. Trong những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo tình hình đấu tranh cách mạng và sự phát triển của cuộc kháng chiến anh dũng nhưng rất gian khổ của nhân dân Việt Nam, trao đổi ý kiến về vai trò và vị trí của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam trong trào lưu cách mạng thế giới, về sự giúp đỡ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Các nhà lãnh đạo hai nước đánh giá cao cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam, đồng thời coi việc giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là nghĩa vụ quốc tế cao cả. Việc hai nước lớn Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ mới công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới, đã đưa lại “thắng lợi to lớn nhất trong lịch sử Việt Nam”. Và “Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này” (35).

Để củng cố và mở rộng vùng căn cứ địa Việt Bắc, phá tan sự phong toả của thực dân Pháp, nối liền nước ta với thế giới dân chủ, tháng 7-1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới (từ ngày 16-9 đến ngày 8-10-1950). Người trực tiếp kiểm tra kế hoạch tác chiến, phê chuẩn quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch và ra trận địa quan sát cứ điểm Đông Khê. Chiến dịch Biên giới toàn thắng, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn, một dải biên giới dài 750 km với 35 vạn dân, đã nối liền nước ta với các nước dân chủ anh em.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo ra thế và lực mới, đưa cuộc kháng chiến của ta đi tới thắng lợi hoàn toàn. Trước yêu cầu của tình hình mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 21 đến ngày 23-6-1950, đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Tháng 1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Đại hội trù bị của Đảng. Người yêu cầu các đại biểu cần nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính trong các văn kiện. Người nêu rõ:

“Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó” (36).

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức họp tại Bản Khay, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự đại hội có 200 đại biểu, thay mặt cho hơn 76 vạn đảng viên thuộc các Đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Báo cáo chính trị tại đại hội. Sau khi điểm những nét chính tình hình thế giới 50 năm qua và tình hình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi Đảng ra đời, Người khẳng định: Đường lối trường kỳ kháng chiến là hoàn toàn đúng đắn; với phương châm: đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân và thực hiện biện pháp: thi đua yêu nước, cuộc kháng chiến đã thực sự là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, là chiến tranh nhân dân. Người chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm của Đảng như bệnh chủ quan, mệnh lệnh, hẹp hòi, công thần…, đồng thời nêu lên trách nhiệm chính của đảng viên là phải phát triển lối làm việc tập thể, củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, nêu cao tinh thần kỷ luật, tính nguyên tắc, mở rộng phê bình và tự phê bình. Người nhấn mạnh: Để đưa kháng chiến đến thắng lợi cần phải có một đảng hoạt động mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cho nên nó phải là đảng của dân tộc Việt Nam.

Đại hội đã nghe, thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị, bàn về phương hướng, đường lối của cách mạng Việt Nam, về tổ chức và Điều lệ Đảng, về chính quyền nhân dân, về củng cố khối đoàn kết, về xây dựng Quân đội nhân dân và quan hệ ngoại giao, v.v.. Trong điều kiện lịch sử mới, phải có một đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi. Đại hội quyết định công tác chuẩn bị và tiến tới thành lập chính đảng mácxít ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương. Đại hội nhất trí theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã bầu 29 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta thực hiện thắng lợi nghị quyết do đại hội đề ra. Trước hết, để củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3-3-1951, Đại hội toàn quốc hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt (Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam) đã quyết định thành một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy tên là Mặt trận Liên Việt, và Người được bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận. Tiếp đến là Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt – Miên – Lào, gồm đại biểu mặt trận dân tộc thống nhất của ba nước, được tổ chức thắng lợi là đòn nặng nề giáng vào âm mưu chia để trị của thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

“Với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sức đại đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thật sự” (37).

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng, từ cuối năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Vũ Kỳ – thư ký giúp việc của Người sang công tác ở Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, để chuẩn bị cho sự ra đời của một lực lượng mới tham gia kháng chiến: THANH NIÊN XUNG PHONG, mà những đơn vị đầu tiên được thành lập ngày 15-7-1950. Nhiệm vụ ban đầu của các ĐỘI THANH NIÊN XUNG PHONG CÔNG TÁC này là tham gia làm đường, vận chuyển lương thực, đạn dược cho các chiến dịch lớn của cuộc kháng chiến. Trong chuyến công tác kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Đội thanh niên xung phong 312, tối ngày 20-3-1951, đang làm đường ở Nà Cù, thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn và tặng bốn câu thơ:

Không có việc gì khó,

Chỉ sự lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên (38).

Từ ngày 27-9 đến 5-10-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ hai (khoá II). Hội nghị nhận định: Ta đã giữ được thế chủ động trên chiến trường, nhưng chưa thay đổi được tình thế ở đồng bằng Bắc Bộ. Hội nghị đề ra ba nhiệm vụ lớn là: Ra sức tiêu diệt sinh lực địch; phá tan kế hoạch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch; bồi dưỡng sức kháng chiến của nhân dân, xây dựng căn cứ địa, củng cố hậu phương để phục vụ tiền tuyến, phục vụ kháng chiến. Ba nhiệm vụ đó có mối quan hệ mật thiết với nhau:

“Đánh địch về mặt quân sự và về mặt chính trị là để tiêu hao lực lượng địch… Tăng gia sản xuất và tiết kiệm là để bồi dưỡng lực lượng ta, đặng tiêu hao lực lượng địch. Tiêu hao lực lượng địch là để bồi dưỡng lực lượng ta. Cho nên 3 nhiệm vụ ấy phải cùng tiến hành với nhau” (39).

Muốn huy động sức dân cho kháng chiến, phải bồi dưỡng lực lượng của dân. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Người kêu gọi nông dân Việt Nam:

“Ruộng rẫy là chiến trường,

Cuốc cày là vũ khí,

Nhà nông là chiến sĩ,

Hậu phương thi đua với tiền phương” (40).

Sản xuất muốn vững chắc phải đi đôi với tiết kiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống. Vì thế, Người đã khởi xướng cuộc vận động “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.

Việc thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam và Mậu dịch quốc doanh – mầm mống của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đã thúc đẩy sản xuất, giao lưu hàng hoá, đấu tranh kinh tế với địch, mở rộng buôn bán và trao đổi với các nước anh em.

Thắng lợi về chính trị, quân sự và kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác văn hoá, văn nghệ, giáo dục phát triển. Nhân dịp Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, ngày 15-7-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Hội nghị, Người viết:

“Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hoá gánh một phần rất quan trọng…

Nhiệm vụ của văn hoá chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới” (41).

Người khẳng định:

“Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (42).

Anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức đã thực hiện khẩu hiệu “kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến” do Người đề ra.

Đồng thời với những vấn đề văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm chăm lo đến công tác tư tưởng. Trong Báo cáo về tình hình và nhiệm vụ trình bày tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba (22-4-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên ba nhiệm vụ lớn và bốn công tác chính, trong đó quan trọng nhất là chỉnh đảng, chỉnh quân, vì:

“Là một đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng” (43) và “Dù có bao nhiêu khí giới tinh xảo mà người (tức cán bộ và chiến sĩ) không có lập trường vững, quan điểm vững, tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thì súng đó cũng bỏ đi” (44).

Người theo dõi chặt chẽ cuộc chỉnh huấn và nói rằng: chỉnh huấn là để làm cho mọi người đi vào con đường sáng sủa, tươi đẹp của cuộc đời cách mạng. Người ta ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Vì vậy, phải thương yêu nhau, quý trọng nhau, giúp nhau nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Cuộc vận động chỉnh huấn, chỉnh quân đã giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao thêm lập trường tư tưởng, tạo ra một khí thế cách mạng mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:

“Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc” (45).

Cuộc kháng chiến bước vào thời kỳ quyết liệt, đòi hỏi phải huy động sức người sức của ngày càng nhiều, cho nên càng phải bồi dưỡng sức dân, nhất là nông dân. Hội nghị Trung ương lần thứ tư (từ ngày 25 đến 30-1-1953) đã quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô, tiến tới cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng. Vì:

“Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân” (46).

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (từ ngày 15 đến ngày 21-11-1953) đã thảo luận chính sách, kế hoạch cải cách ruộng đất và thông qua những văn kiện về cải cách ruộng đất.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá I (từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo về cải cách ruộng đất, nêu rõ ý nghĩa, mục đích và đường lối chính sách chung của cải cách ruộng đất. Người nhấn mạnh:

“Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố công – nông liên minh, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt” (47).

Muốn thế phải tiến hành cải cách ruộng đất, vì có giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến, có bồi dưỡng cho nông dân thì mới động viên đầy đủ lực lượng to lớn đó vào kháng chiến tranh thắng lợi. Trong phiên cuối cùng của kỳ họp, các đại biểu đã nhất trí thông qua Luật Cải cách ruộng đất.

Ngày 19-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 197/SL công bố thi hành Luật Cải cách ruộng đất.

Nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ, theo dõi sát sao của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất ở giai đoạn đầu đã thu được những kết quả rất to lớn: Hàng triệu nông dân có ruộng; khối liên minh công – nông được tăng cường; chính quyền và mặt trận được kiện toàn; sự lãnh đạo của Đảng được đề cao. Hậu phương được củng cố và phát triển vững mạnh, nhờ đó sức chiến đấu của quân đội được nâng cao, kháng chiến có thêm sức mạnh mới để bước sang giai đoạn phản công thắng lợi.

Từ đầu năm 1953, với bút danh Đ.X, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một loạt 50 bàiThường thức về chính trị, đăng trên báo Cứu quốc. Bài mở đầu Giai cấp là gì?, ra ngày 16-1-1953 và bài Kết luận, ra ngày 23-9-1953. Đây là những bài viết nhằm cung cấp cho cán bộ và nhân dân những kiến thức phổ thông cần thiết về chính trị như: Giai cấp là gì? Phong kiến là gì? Tư bản là gì?, v.v. đến những vấn đề về đường lối cách mạng và các tổ chức cách mạng như Đảng, Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền nhân dân, v.v.. Mục đích của những bài viết ngắn này chủ yếu xây dựng lý tưởng và niềm tin cho nhân dân, để vượt qua gian khó, hy sinh, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau chiến thắng ở Chiến dịch Biên giới – thu đông 1950, để phá vỡ phòng tuyến địch ở đồng bằng Bắc Bộ, từ cuối 1950 đến giữa năm 1951, ta liên tiếp mở ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Trung du, Chiến dịch đường số 18 và Chiến dịch Hà – Nam – Ninh. Nhưng ở đây địch mạnh về cả binh lực lẫn hoả lực, nên tuy đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, nhưng ta cũng bị tổn thất, không đạt mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch đường số 18. Người kêu gọi nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tìm ra khuyết điểm, quyết tâm khắc phục để giành thắng lợi mới. Muốn đánh thắng phải thảo luận kỹ để chủ trương cho đúng, đặt kế hoạch cho sát. Cán bộ phải thương yêu đội viên, bộ đội phải thương yêu dân, phụng sự dân: “Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc” (48).

Cuối năm 1951, Tátxinhi mở cuộc phản công lớn ra Hoà Bình nhằm cắt đứt đường liên lạc tiếp tế giữa Khu IV với Việt Bắc, hòng tiêu diệt quân chủ lực của ta, giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Ngày 24-11-1951, Trung ương Đảng ra chỉ thị về nhiệm vụ phá cuộc tiến công Hoà Bình của địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các cán bộ, chiến sĩ chủ lực và dân quân du kích tham gia Chiến dịch Hoà Bình. Người nhắc nhở:

“Muốn thắng, thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh.

Nhưng tuyệt đối chớ chủ quan, khinh địch.

Bộ đội chủ lực đánh.

Bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng đánh. Các lực lượng phải phối hợp nhau chặt chẽ để tiêu diệt sinh lực của địch, để đánh tan kế hoạch thu đông của chúng” (49).

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân ta đã phối hợp đánh địch ở Hoà Bình cả trước mặt và sau lưng. Sau hơn ba tháng bao vây và tiến công quyết liệt, quân ta đã buộc quân Pháp phải rút chạy khỏi Hoà Bình, âm mưu của chúng hoàn toàn bị phá sản. Ta tiêu diệt hơn hai vạn tên địch, giải phóng một vùng Hoà Bình và hai triệu đồng bào.

Địch còn đang hoang mang, bị động đối phó với ta ở trung du và đồng bằng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nơi chúng đang sơ hở, địa hình rừng núi nên địch không phát huy được sức mạnh, khả năng cơ động của pháo và không quân. Nhưng, phía ta có thuận lợi là phát huy sở trường đánh ở vùng rừng núi, nhưng khó khăn về huy động hậu cần tại chỗ. Muốn thắng địch, ta phải quyết tâm rất cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với Hội nghị phổ biến kế hoạch Chiến dịch Tây Bắc, Người nói rõ quyết tâm của Trung ương và Tổng quân uỷ là phải đánh thắng trong chiến dịch này. Để động viên bộ đội, Người đặt giải thưởng một triệu đồng tặng cho những đơn vị và cá nhân lập công xuất sắc. Người nói: “Số tiền tuy nhỏ, nhưng giá trị nó to, vì do tay Bác tự làm ra” (50). Người còn thăm hai đơn vị bộ đội, gửi thư cho các cán bộ, chiến sĩ và dân công phục vụ mặt trận Tây Bắc. Quyết tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền đến mỗi cán bộ, chiến sĩ, dân công tham gia chiến dịch.

Ngày 14-10-1952, Chiến dịch Tây Bắc mở màn bằng cuộc tiến công của ta vào phân khu Nghĩa Lộ. Sau hai tháng rưỡi chiến đấu, bộ đội ta đã giải phóng 8/10 vùng Tây Bắc bị địch chiếm giữ, gồm 25 vạn dân, mở rộng và củng cố vùng căn cứ địa kháng chiến của ta, phá tan âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của địch.

Sau Chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ ta thoả thuận với Chính phủ kháng chiến Lào về việc quân tình nguyện Việt Nam với Quân giải phóng Pathét Lào, mở chiến dịch Thượng Lào. Quán triệt tinh thần “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” (51) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ đội ta đã cùng quân đội và nhân dân Lào chiến đấu, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phongxalỳ, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào với vùng tự do của ta, mở ra một tình thế thuận lợi cho cuộc chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương.

Những thất bại liên tiếp trên các chiến trường làm cho thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, nguy khốn. Chính phủ Pháp một mặt xin thêm viện trợ Mỹ, mặt khác thay đổi tướng tá chỉ huy và kế hoạch tác chiến hòng tìm lối thoát danh dự bằng thắng lợi quân sự. Tháng 5-1953, Hăngri Nava (Henri Navarre), Tham mưu trưởng lục quân khối NATO, được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava vạch ra một kế hoạch có quy mô rộng lớn, nhằm trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, giành thắng lợi quyết định, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng.

Tháng 9-1953, tại Tỉn Keo, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị bàn và phê chuẩn phương án tác chiến đông xuân 1953-1954 là hướng Tây Bắc, Tây Nguyên và Trung – Hạ Lào của Bộ Tổng tham mưu, với phương châm tác chiến: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, đánh chắc thắng” (52).

Giữa tháng 11-1953, bộ đội chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu; phối hợp với quân đội Pathét Lào tiến công địch ở Trung – Hạ Lào. Nava buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc, với hơn 16 ngàn quân tinh nhuệ. Tướng Mỹ Ô Đanien (O’Daniel) đã xác nhận “Đây là một pháo đài bất khả xâm phạm” sau khi thị sát.

Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ của ta, mở cuộc đại tiến công vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Điện Biên Phủ, và coi đây là điểm quyết chiến chiến lược. Người chỉ thị:

“Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được” (53).

Các chiến trường trong cả nước được lệnh cùng phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, đẩy mạnh tiến công, chiến tranh du kích phát triển, làm phá sản kế hoạch tập trung binh lực của Nava. Hậu phương chi viện cao nhất cho chiến dịch lịch sử.

Để động viên các đơn vị bộ đội thi đua giết giặc lập công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho quân đội, và ân cần căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận: Cần nắm chắc Nghị quyết của Trung ương và chủ trương “đánh chắc thắng” của Bộ Chính trị.

Ngày 13-3-1954, quân ta mở cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một cuộc đọ trí, đọ sức hết sức gay go, quyết liệt giữa ta và địch, để giành giật từng thước đất. Trải qua 55 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu cực kỳ ngoan cường và anh dũng, vượt qua bao gian khổ và hy sinh, ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phất phới tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của địch. Tướng Đờ Caxtơri (De Castries) cùng toàn bộ Ban Tham mưu bị bắt sống. Hơn một vạn quân Pháp tại Điện Biên Phủ ra hàng.

“Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống đất và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn” (54).

Thắng lợi quân sự của ta trong chiến cuộc đông xuân 1953-1954, nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp.

Ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương khai mạc. Phái đoàn ta do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, bước vào bàn hội nghị trong tư thế của người chiến thắng. Trưởng đoàn ta tuyên bố lập trường 8 điểm làm cơ sở cho việc thảo luận vấn đề lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương. Đó là một giải pháp hoàn chỉnh: Đình chỉ chiến sự đi đôi với giải pháp về chính trị cho Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương.

Cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên mặt trận ngoại giao cũng gay go và quyết liệt. Ở Pháp, ngày 12-6-1954, Chính phủ Lanien bị đổ. Thay vào là Măngđex Phrăngxơ (Mandès – France), đại diện phái chủ hoà, làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao dẫn đầu đoàn đại biểu Pháp sang Giơnevơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố hoan nghênh nguyện vọng muốn mau chóng thực hiện ngừng bắn ở Đông Dương của ông M. Phrăngxơ.

Từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, tại Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về tình hình và phương án đấu tranh tại Hội nghị Giơnevơ.

Từ ngày 13 đến ngày 18-7-1954, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khoá II) họp. Hội nghị đã nghe và thảo luận hai báo cáo Về tình hình và nhiệm vụ mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Để hoàn thành nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác trước mắt của đồng chí Trường Chinh. Hội nghị khẳng định: Đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của cách mạng Đông Dương, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lúc này là tăng cường lực lượng quân sự, xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; tiếp tục thực hiện chính sách ruộng đất; phục hồi và phát triển sản xuất, chuẩn bị điều kiện xây dựng đất nước. Hội nghị đã đề ra 10 công tác trước mắt.

Trong điều kiện các nước nhân nhượng với nhau, ngày 21-7-1954,Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương đã được ký kết, theo đó: các nước thừa nhận và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia, ngừng bắn đồng thời trên toàn chiến trường Đông Dương, Pháp rút quân về nước; vĩ tuyến17 chỉ là ranh giới quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam, sau hai năm sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ năm 1954 chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương là một thắng lợi vẻ vang của các lực lượng cách mạng ở Đông Dương, đồng thời là một đóng góp quan trọng mở đầu sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp và báo hiệu quá trình sụp đổ không thể đảo ngược được của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ chứng tỏ sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố gắng phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, những tiến bộ vượt bậc của quân đội ta về nghệ thuật quân sự, về tổ chức chỉ huy, về chiến đấu và bảo đảm chiến đấu.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến:

“Chứng minh thiên tài lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và trí thông minh, trình độ già dặn của dân Việt Nam, khéo tiến, khéo thoái, lúc mềm, lúc cứng, lấy sức nhỏ đánh sức to, lấy sức yếu địch sức mạnh,… quyết tâm và tin tưởng tiến đến thắng lợi cuối cùng” (55).

Là linh hồn của cuộc kháng chiến, là biểu tượng sáng ngời nhất của tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, Người đã quy tụ được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại để chĩa thẳng vào kẻ thù, khiến cho chúng luôn luôn bị động bất ngờ và thất bại. Còn sức chiến đấu của nhân dân ta thì như được nhân lên gấp bội, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới” (55).

Thắng lợi của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã làm sáng tỏ một chân lý của thời đại ngày nay là một dân tộc dù nhỏ nhưng đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chiến đấu theo đường lối cách mạng đúng đắn thì có khả năng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng có quân đội nhà nghề, thiện chiến được trang bị hiện đại.

Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi thêm một trang vô cùng vẻ vang, “Việt Nam – Điện Biên Phủ – Hồ Chí Minh” trở thành khẩu hiệu chiến đấu và chiến thắng của các dân tộc bị áp bức, được nhân dân thế giới nhắc đến với niềm tự hào và cảm phục.


  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 165.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 31.

3,4,5,6. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t. 4, tr. 8, 36, 37, 33.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 33.[1].

8. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.1, tr. 31.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 56 – 57.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 58.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 217-218.

12. Báo Cứu quốc, số 142, ngày 15-1-1946.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 46.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 162.

15. Cao uỷ Pháp ở Đông Dương (1945-1947).

16. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 457.

17. Nay là Mianma.

18. Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 267.

20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 201.

21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 433.

22. Hồ Chí MinhBiên niên tiểu sử, Sđd, t. 3, tr. 227.

23. Báo Cứu quốc, số 408, ngày 17-11-1946.

24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 473.

25. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 480.

26,27,28,29. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 252.

30.Cách huấn luyện quân sự của Khổng Minh, Biên dịch Hồ Chí Minh, Phòng Chính trị ĐQCVN Liên khu III xuất bản, tháng 9-1948.

31. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t. 5, tr. 132.

32,33. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 204, 446.

34. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 24.[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 7-8.

35. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 81-82.[1].

36. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 150.

37,38. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 181, 95.

39,40. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 463, 178.

41,42. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 464.

43.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 480.

44. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, t.1, tr. 518.

45,46. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 15, 16.

47. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 179.

48,49. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.6, tr. 207, 341.

50. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 561.

51. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 64.

52. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, t.1, tr. 531.

53. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, t.1, tr. 557.

54. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 261.

55. Phạm Văn Đồng: Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1974, tr. 16.

56. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 12.

56. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 12.

 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam