Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị-xã hội của thanh niên Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.
1. Huy hiệu Đoàn:
– Ý nghĩa: Biểu thị sức mạnh, ý chí của thanh niên Việt Nam, tính xung kích của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Cờ Đoàn:
– Nền đỏ
– Hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba (2/3) chiều dài.
– Ở chính giữa có huy hiệu Đoàn.
– Đường kính huy hiệu bằng hai phần năm (2/5) chiều rộng cờ.
3. Bài ca chính thức của Đoàn (Đoàn ca):
– “Thanh niên làm theo lời Bác”.
– Nhạc và lời của Hoàng Hòa.
– Đoàn ca được sử dụng trong các dịp lễ, hội của Đoàn: Đại hội và trong sinh hoạt Đoàn.
4. Ngày thành lập Đoàn: 26-03-1931.
I. MỤC ĐÍCH LÝ TƯỞNG CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
II. TÍNH CHẤT ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
Điều lệ Đoàn khẳng định: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị-xã hội của thanh niên Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện”. Điều này phản ánh đầy đủ Đoàn là một tổ chức thanh niên Cộng sản mang tính tiên tiến của giai cấp công nhân và tính quần chúng rộng rãi của thanh niên Việt Nam thông qua việc mở rộng các hoạt động có tính chất xã hội, mỗi đoàn viên và tổ chức cơ sở Đoàn thể hiện tính tiên tiến, vai trò nòng cốt của mình trong phong trào thanh niên và các hội của thanh niên.
III. CHỨC NĂNG CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
Đoàn có 3 chức năng:
– Đoàn là Đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, Nhà nước và các ngành. Đoàn luôn luôn xác định nhiệm vụ của mình là đội quân xung kích cách mạng tích cực tham gia xây dựng Đảng và là người kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của Bác Hồ.
– Đoàn là Trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, tạo môi trường đưa thanh niên vào các hoạt động giúp học tập rèn luyện và phát triển nhân cách, năng lực của người lao động mới phù hợp với yêu cầu cảu xã hội hiện nay.
– Đoàn là Người đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tuổi trẻ. Chức năng này khẳng định rõ tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức của thanh niên, vì thanh niên.
IV. VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
Đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong hệ thống này Đảng là người lãnh đạo, Đoàn là một trong các tổ chức thành viên.
– Đối với Đảng: Đoàn là hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, là đội dự bị tin cậy của Đảng, nguồn cung cấp cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng.
– Đối với nhà nước: Đoàn là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đoàn phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức xã hội chăm lo giáo dục, đào tạo và bảo vệ thanh thiếu nhi.
– Đối với các tổ chức xã hội của thanh niên và phong trào thanh niên: Đoàn giữ vai trò làm nòng cốt chính trị trong việc xây dựng tổ chức tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam và các thành viên khác của Hội.
– Đối với Đội TNTP Hồ Chí Minh: Đoàn giữ vai trò là người phụ trách Đội và có trách nhiệm xây dựng tổ chức Đội, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tài chính cho hoạt động của Đội.
V. NGUYÊN TẮC CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, được thể hiện như sau:
Cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đoàn đều do bầu cử lập ra, thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở mỗi cấp là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội đoàn viên ở cấp ấy. Giữa hai kỳ Đại hội, cơ quan lãnh đạo là Ban chấp hành do Đại hội Đoàn cùng cấp bầu ra. Giữa hai kỳ họp Ban chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Ban thường vụ do Ban chấp hành cùng cấp bầu ra.
Ban chấp hành Đoàn các cấp có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình với Đại hội hoặc hội nghị đại biểu cùng cấp, với Ban chấp hành Đoàn cấp trên, với các cấp ủy Đảng cùng cấp và thông báo cho Ban chấp hành Đoàn cấp dưới.
Nghị quyết của Đoàn phải được chấp hành nghiêm chỉnh, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức.
Trước khi quyết định các công việc và biểu quyết của Đoàn, các thành viên đều được cung cấp thông tin và phát biểu ý kiến của mình, ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu các báo cáo lên Đoàn cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc song phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết hiện hành.