Chương trình Đối thoại thanh niên: “Chính sách hoạt động tình nguyện – Tiếng nói người trong cuộc”

176
Ngày 11/7, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình đối thoại thanh niên tại Thành phố Hồ Chí Minh. có chủ đề: “Chính sách hoạt động tình nguyện – Tiếng nói người trong cuộc”.

Đồng chủ trì chương trình đối thoại gồm các đồng chí: Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ và Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.Buổi đối thoại có sự tham gia của hơn 300 thanh niên tình nguyện, cán bộ Đoàn, đại diện các tổ chức tình nguyện, đại diện chính quyền các quận, huyện trên địa bàn thành phố Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi đối thoại, đồng chí Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), phổ biến một số điểm mới về chính sách hoạt động tình nguyện theo Quyết định 57/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên.Thanh niên tham gia tình nguyện có hành động dũng cảm, hy sinh hoặc bị thương trong quá trình làm tình nguyện thì hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.Sau khi kết thúc các chương trình, dự án, đề án, thanh niên tình nguyện được ưu tiên xét duyệt để hưởng các chính sách về định cư, hỗ trợ về tiền lương tháng. Thanh niên còn được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm; được ưu tiên tuyển chọn tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc nếu hoạt động tình nguyện từ 3 tháng trở lên…Tại buổi đối thoại, có đại biểu cho rằng mặc dù Quyết định này mang lại nhiều quyền lợi cho các tình nguyện viên, tuy nhiên việc đặt vấn đề “quyền lợi” trong các hoạt động tình nguyện sẽ khiến chương trình này giảm ý nghĩa.Với kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động tình nguyện cũng như tiếp xúc với các tình nguyện viên, nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước Giang Ngọc Phương cho rằng trong khoản 2, Điều 7 của Quyết định 57 có quy định “thanh niên trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện được hưởng tiền bồi dưỡng,” điều này quá mang nặng tính vật chất, chứ không còn mang tính tình nguyện như mục đích của chương trình đề ra.Hoạt động tình nguyện là bất vụ lợi, việc có thêm những khoản chi phí để hỗ trợ cho các tình nguyện viên là tốt, nhưng không nên đưa vào một chính sách cụ thể.Thay vào đó, chính sách nên tập trung vào việc trang bị phương tiện làm việc, trang bị cá nhân cho các tình nguyện viên.
hĐồng chí Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phó chủ tịch UBND phường 4, quận 5, TP.Hồ Chí Minh trình bày ý kiến. Ảnh TTXVN
 
Ở góc độ của người làm chuyên môn, Trưởng ban Quốc tế Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Khánh Vân cho biết, trong Quyết định trên không đề cập đến hoạt động tình nguyện quốc tế.Trên thực tế, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều đối tượng sinh viên quốc tế tới tham gia tình nguyện tại Việt Nam cũng như sinh viên là người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam tham gia tình nguyện cùng đoàn trường hay sinh viên, thanh niên Việt Nam tham gia tình nguyện ở nước ngoài.Việc thanh niên Việt Nam tham gia hoạt động tình nguyện ở nước ngoài cũng là một cách thức tham gia công tác ngoại giao nhân dân trong thanh niên. Do đó, chính sách cần đề cập đến hoạt động tình nguyện quốc tế ở nhóm đối tượng trên.Đồng thời, đối tượng này cần được hỗ trợ một phần ngân sách phục vụ việc di chuyển, lưu trú ở nước ngoài…Tại buổi đối thoại, nhiều đại biểu nhận định, hiện chưa quy định rõ đơn vị nào cấp chứng nhận cho các tổ chức tình nguyện không thuộc sự quản lý của Đoàn thanh niên; việc đánh giá hiệu quả của các hoạt động tình nguyện như thế nào để phát huy tinh thần tự giác, nhiệt huyết trong thanh niên.Nhiều đại biểu cũng cho rằng, công tác tình nguyện cần phát huy tính chuyên môn hóa; đối tượng tình nguyện nên mở rộng ra đối với các đội viên để sớm nhen lên ngọn lửa nhiệt huyết, hăng hái xung kích trong các hoạt động cộng đồng.Đặc biệt, nhiều thanh niên tình nguyện cho rằng, một số địa phương chưa có trách nhiệm trong việc bảo vệ, duy trì các công trình của thanh niên tình nguyện, làm lãng phí công sức tình nguyện. Một số hoạt động tình nguyện còn tổ chức phô trương, hình thức, chưa hiệu quả, việc đào tạo, tập huấn các kỹ năng an toàn cho các tình nguyện chưa được chú trọng, dẫn đến những sự việc đáng tiếc.
gĐồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trò chuyện với thanh niên TP Hồ Chí Minh bên lề chương trình đối thoại. Ảnh QĐND Online
 
Sau khi lắng nghe những ý kiến, đề xuất của các đoàn viên, thanh niên, kết luận chương trình, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh: “Tình nguyện là phong trào tốt đẹp, mang tính nhân văn cao cả, thể hiện nét đẹp của tuổi trẻ nước ta đối với những phần việc, khó khăn của địa phương. Việc ra đời của Quyết định 57 không phải hành chính hóa các công việc tình nguyện mà góp phần nâng tính chuyên nghiệp của phong trào tình nguyện của các cấp. Trong đó, tổ chức Đoàn, Hội giữ vai trò dẫn dắt, làm cầu nối, “chất men” để định hướng, thúc đẩy hiệu quả của hoạt động tình nguyện. Thời gian tới, các cấp bộ đoàn khi tổ chức các phong trào tình nguyện cần gắn bó chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn địa phương để cùng có trách nhiệm trong hoạt động, tham gia quản lý, cũng như phát huy tốt hiệu quả các công trình, phần việc tình nguyện đã thực hiện tại địa phương”.Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong, cho biết sẽ phản ánh những đề xuất, kiến nghị đến các Bộ, ngành Trung ương cũng như những thông tin cụ thể để thực hiện tốt Quyết định 57, tạo điều kiện cho phong trào thanh niên tình nguyện tiếp tục phát triển trong thời gian tới./.
Nguồn (Nguồn TTXVN, QĐND Online)
Doanthanhnien.vn tổng hợp