91 đại biểu Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác đã cùng thảo luận trong Diễn đàn “Thanh niên hội nhập” được tổ chức chiều ngày 28/8, tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Dự và chủ trì diễn đàn có đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.
Đất nước Việt Nam đang ở trong giai đoạn hội nhập sâu rộng nhất từ trước đến nay khi Cộng đồng chung ASEAN đã chính thức được thành lập từ ngày 31/12/2015 và Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào nhiều hiệp định kinh tế thế hệ mới, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho đất nước. Để tận dụng tốt những cơ hội có được từ quá trình hội nhập đòi hỏi đất nước phải có được một nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức, kỹ năng, cũng như cả thái độ phù hợp tương thích với môi trường cạnh tranh toàn cầu, do vậy càng đòi hỏi thanh niên cần phải có sự chuẩn bị, chủ động và hoàn thiện để đáp ứng được với sự thay đổi chung của thế giới.
Thanh niên thể hiện tình yêu Tổ quốc qua đối ngoại nhân dân
Tại diễn đàn, hoạt động đối ngoại nhân dân đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi và chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ nhiều chương trình giao lưu quốc tế của thanh niên. Các đại biểu đều nhận định đối ngoại nhân dân mang Việt Nam đến với thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam.
Đại biểu Phạm Quang Linh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam chia sẻ giải pháp nâng cao sức mạnh đối ngoại nhân dân. Theo đại biểu Linh, là thanh niên cần hoàn thiện 02 yếu tố quan trọng: tình yêu Tổ quốc và nâng cao các mặt kiến thức, kỹ năng. Đại biểu nhấn mạnh, mỗi thanh niên cần có tình yêu Tổ quốc và niềm tin vào đất nước, như vậy khi tham gia hội nhập, với lòng tự hào dân tộc và tình yêu đất nước cùng kiến thức rộng về lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội sẽ giới thiệu về Việt Nam tới bạn bè quốc tế, cũng như tạo dựng các mối quan hệ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa những người trẻ tuổi.
Chia sẻ kinh nghiệm từ nhiều chương trình đang thực hiện, đại biểu Trần Hồng Phương, Thư Ký Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Washington, DC, Hoa Kỳ cho biết, các hoạt động đối ngoại nhân dân được tổ chức tại Mỹ như: chương trình “I love Vietnam” 1,2 tại Washington, DC với sự tham gia của các bạn thanh niên nước ngoài và các bạn Việt Kiều tại khu vực; Chương trình “Vòng tay nước Mỹ” với sự tham gia của các bạn Việt Kiều tại nước Mỹ; Các chương trình hội thảo về nghề nghiệp, Biển Đông,… Tuy nhiên, Phương cũng chỉ ra những hạn chế của du học sinh Việt Nam khi tham gia chương trình cùng các bạn thanh niên nước ngoài là chưa thực sự mở khi giao tiếp; còn ngần ngại về sự khác biệt quốc gia, vùng miền; chưa có nhiều kỹ năng trong giao tiếp.
Hội nhập quốc tế: Còn nhiều thách thức
“Hội nhập là sân chơi cạnh tranh, phải vươn lên và thể hiện bằng năng lực, cũng như khả năng của mình để bước ra thế giới. Thanh niên Việt Nam dù có đủ tố chất nhưng nhận thức về hội nhập chưa cao. Trong quá trình học tập và làm việc, mỗi thanh niên ở vị trí nào cũng cần phải xác định được tâm thế và vị trí hội nhập, cũng như bối cảnh đất nước đặt ra, cần nhìn nhận được cơ hội trong thách thức để tiếp cận được với thành công”.
Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong
|
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Tùng, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo, tư vấn và chuyển giao công nghệ – Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, khi gia nhập cộng đồng kinh tế, các nước sẽ hợp tác chung trong các ngành mũi nhọn như: kỹ sư, bác sĩ, y dược và công nghiệp,… Sẽ có sự chia sẻ lao động chung giữa các nước ASEAN và các nước trên thế giới. Đại biểu nhận định thực tế việc đào tạo kiến thức trong nhóm kinh tế, tài chính chưa thực sự tốt, cũng như rào cản về khoa học kỹ thuật ngay cả khi so sánh với các nước trong khu vực và bày tỏ sự băn khoăn Việt Nam sẽ làm gì để chuẩn bị cho lao động trẻ tham dự vào thị trường lao động chung này, mà vẫn giữ được vị trí làm việc tại nước nhà.
Đại biểu Trần Xuân Chiến, làm việc tại Công ty TNHH CMC Thăng Long; Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên lập nghiệp Hà Nội chỉ rõ hạn chế lớn nhất của lực lượng thanh niên trong hội nhập là thiếu kinh nghiệm, vốn khởi nghiệp và tri thức. Đại biểu đề nghị, để thanh niên có thể hội nhập tốt, Đoàn thanh niên và các tổ chức thanh niên cần là cầu nối với các đơn vị để thúc đẩy sự quan tâm của các bộ, ngành tới cơ chế, chính sách, thủ tục tài chính dành cho thanh niên phát triển các mô hình khởi nghiệp.
Hầu hết các đại biểu đều băn khoăn khi hội nhập quốc tế, bên cạnh những cơ hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi thanh niên phải hoàn thiện tri thức và kỹ năng hơn nữa |
Với đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy cơ điện thuộc công ty DAP- Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chia sẻ trực tiếp từ kinh nghiệm của công ty trong quá trình vận hành có trục trặc đều phải thuê các chuyên gia từ nước ngoài về sửa chữa mất nhiều thời gian và gây tốn kém, thiệt hại cho doanh nghiệp. Đại biểu Tuấn cho rằng, nếu công nhân trẻ có tư duy tốt về mặt kỹ thuật, có khả năng ngoại ngữ theo học các chuyên gia nước ngoài thì không chỉ nâng cao được tri thức cho công nhân, mà còn tận dụng được nguồn lao động dồi dào trong nước.
Đối với đại biểu Vũ Văn Luật, Giám đốc Trung tâm phần mềm và Công nghệ, Công ty TNHH MTV Ứng dụng Kỹ thuật và Sản xuất (TECAPRO) nhấn mạnh, Việt Nam cần xác định mục tiêu khi hội nhập quốc tế, đặc biệt chú trọng nền tảng sản xuất; đào tạo con người, nâng cao kiến thức và kỹ năng để đào tạo được lớp trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và biết khắc phục khó khăn.
Ngoại ngữ: Chìa khóa để hội nhập
Tham dự diễn đàn, ông Trần Bá Cường, trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương đã thông tin cho các đại biểu trẻ về Hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định Thương mại tự to. Ông Cường cho rằng, hội nhập đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội, tuy nhiên hiện nay phần đông thanh niên của chúng ta rất bị động, ngoại ngữ chưa được tốt, chưa có kỹ năng làm việc nhóm, một số vấn đề chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng mềm khi bước vào thương trường, như: tài chính, kế toán quản trị nguồn nhân lực… Theo đại biểu Cường, để giúp các bạn trẻ hội nhập tốt nhất, cần đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong nước để giúp các bạn trẻ khi giao tiếp với các bạn nước ngoài có đủ kiến thức giao tiếp. Bên cạnh đó, cần trang kỹ năng giao tiếp và kỹ năng mềm để có thể chủ động, tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Ông Cường cho biết thêm: “Ngoại ngữ là rào cản lớn khi thanh niên lập nghiệp và bước ra thị trường quốc tế. Đất nước ta trong tương lai không thể không đi theo con đường của các quốc gia mà họ coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai như: Singapore, Malaysia, Philippin,…. Người Việt hầu hết chúng ta đi du lịch hay đi công tác nước ngoài đều gặp khó khăn về vấn đề ngoại ngữ do yếu hơn so với các nước khác. Khi giao tiếp người ta không hiểu, trong khi đó rõ ràng mình cũng đang nói tiếng Anh bởi vì đã phát âm sai.”
Đại biểu Trần Hồng Phương, Thư Ký Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Washington, DC, Hoa Kỳ cho biết: “Khi nói về Hội nhập nó có rất nhiều vấn đề, không chỉ là Việt Nam hội nhập vào thế giới mà còn cả thế giới đến với Việt Nam. Ở nước ngoài, một trong những rào cản lớn nhất là ngoại ngữ. Mặc dù các bạn du học nhưng chưa chắc các bạn đã giỏi về ngoại ngữ. Vì vậy khi tổ chức các cuộc Hội thảo vẫn phải tổ chức song song hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt để giới thiệu cho các bạn về văn hóa, kinh tế của Việt Nam; đồng thời các bạn trẻ cũng có thể giao lưu và phát triển tiếng Anh. Đó cũng là mục tiêu mà chúng tôi muốn hướng đến.” |
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu ý kiến chung về vấn đề học ngoại ngữ hiện nay còn nhiều bất cập, dù học hết đại học nhưng trình độ sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp còn ít, các hoạt động vẫn cần có phiên dịch. Đa số các đại biểu cũng đều đồng tình Việt Nam nên đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai sử dụng thông dụng trong giao tiếp để tạo điều kiện tốt nhất giúp thanh niên phát triển.
Đoàn thanh niên luôn đồng hành cùng khắc phục khó khăn
Tại diễn đàn, một số đại biểu cho rằng các chương trình của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã hỗ trợ rất tốt cho sinh viên, thanh niên phát triển nhiều kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ. Các cuộc thi tìm hiểu được tổ chức về kiến thức ASEAN; các cuộc thi đấu tiếng Anh; các chương trình giao lưu giữa thanh niên Việt Nam và các nước; cũng như các cuộc thi về hoàn thiện kỹ năng quản lý tài chính;… Tuy nhiên, theo nhận định của các đại biểu, do truyền thông và sự lan tỏa chưa tốt nên nhiều học sinh, sinh viên chưa tiếp cận được với các chương trình, các cuộc thi hỗ trợ phát triển khả năng sinh viên và học được kỹ năng mềm.
Theo đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thanh niên đều đã có sự nỗ lực và thu hoạch của riêng mình để chia sẻ kinh nghiệm, mặc dù bên cạnh đó, cũng còn một số bộ phận thanh niên gặp khó khăn khi tiếp cận với hội nhập. Đồng chí khẳng định, những trở ngại và thách thức được các đại biểu đưa ra tại diễn đàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ cùng đồng hành với thanh niên để tháo gỡ; đồng thời, những ý kiến tâm huyết của các đại biểu cũng là những gợi mở để Đoàn thanh niên đưa ra những kế hoạch và chương trình phù hợp trong tương lai.
Dịp này, đồng chí Lê Quốc Phong mong muốn, trong thời gian Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV, các đại biểu ưu tú tiếp tục trao đổi, chia sẻ với nhiều thanh niên khác để hoàn thiện bản thân hơn nữa, cũng như gặt hái được nhiều thành tựu trong cuộc sống, chuẩn bị sẵn tâm thế tiến tới hội nhập không chỉ trong môi trường quốc tế, mà còn trong mọi lĩnh vực.
Nguồn Doanthanhnien.vn