Phát triển tài năng trẻ tạo bước đột phá cho Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

220

Sáng ngày 31/8, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tài năng trẻ Trung ương Đoàn tổ chức Tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển tài năng trẻ quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa”. Đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã chủ buổi tọa đàm.

Tọa đàm đã gợi mở thảo luận về nhiều vấn đề liên quan tới công tác phát triển tài năng trẻ như: Xác định tài năng trẻ, vài trò của tài năng trẻ trong quá trình phát triển; Thực trạng thu hút và trọng dụng tài năng trẻ ở Việt Nam hiện nay; Kinh nghiệm thu hút, trọng dụng tài năng trẻ của một số quốc gia phát triển trên thế giới; Định hướng những vấn đề trọng tâm chiến lược phát triển tài năng trẻ quốc gia trong thời gian tới.

 

 
5
Tham gia tọa đàm có các đại diện bộ, ngành; các chuyên gia, tài năng trẻ tiêu biểu và 120 cán bộ phụ trách công tác tài năng trẻ đến từ Trung ương Đoàn, các tỉnh, thành đoàn, đoàn cơ sở khu vực phía Bắc
 
Tài năng trẻ phải cống hiến cho Tổ quốc

 

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, để xác định được đối tượng là tài năng trẻ cần làm rõ được vai trò trong việc cống hiến của chính mình cho Tổ quốc. Nếu là tài năng trẻ nhưng không có lòng yêu nước, không đóng góp gì cho đất nước thì chưa đủ điều kiện để nhận định là tài năng trẻ của Việt Nam.

 
 

Theo anh Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, phát triển tài năng trẻ quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa cần đặt tư tưởng đạo đức và lòng yêu nước lên đầu tiên, cũng như sự cống hiến của tài năng trẻ với Tổ quốc như thế nào để trọng dụng. Anh Vương đề xuất, quá trình sử dụng nhân tài là yếu tố vô cùng quan trọng cần đưa vào trong việc tham mưu và trình cơ chế, chính sách. Trong đó, quá trình triển khai công tác đề cử, thi cử cần nêu rõ trách nhiệm của các cấp bộ, ngành.

 

Cùng quan điểm, Phó Bí thư thành Đoàn Hải Phòng Đào Phú Dương nhận định, xác định tài năng trẻ cần được tập trung trong 3 yếu tố: Mở rộng tuổi đối tượng không chỉ dừng ở đối tượng thanh niên mà còn cần tập trung vào đối tượng thiếu nhi (phát hiện càng sớm càng thuận lợi để bồi dưỡng, giáo dục và phát triển). Bên cạnh đó, tài năng trẻ cũng cần có sản phẩm cống hiến cho xã hội và có lòng yêu nước.

 
 

Đồng chí Dương đề xuất, cần có cơ sở dữ liệu kết nối giữa các tài năng trẻ; chú ý khâu tổ chức thực hiện, cần xây dựng phân rõ quyền hạn, chức năng và trách nhiệm của từng đơn vị khi thực hiện. Đặc biệt, trong chiến lược tới đây, cần làm rõ mục tiêu sử dụng được nguồn nhân lực; làm rõ các bước phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, sử dụng, trong đó có thanh lọc nếu tài năng trẻ không có đóng góp gì cho xã hội và đất nước.

 

 
5
Một số đại biểu ý kiến trọng dụng nhân tài là tạo điều kiện cho thanh niên được nghiên cứu và sản xuất, từ đó phát triển khả năng của mình. Tài năng trẻ cũng phải là những người biết làm giàu và làm chủ cuộc sống
 

Nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao là khâu đột phá của Việt Nam trong tương lai

 
 

TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội khẳng định, nhân tài là rường cột của quốc gia, tuy nhiên, hiện nay nước ta duy trì hình thức chọn nhân tài bằng hình thức khoa cử và văn hóa người Việt chưa mạnh dạn tự tiến cử hay do cơ chế và đãi ngộ chưa thực sự tạo điều kiện để nhân tài lộ diện.

 
 

TS Vân nhận định, trước tình hình đất nước nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và huy động nguồn vốn gặp khó khăn, chỉ có phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể theo kịp được trong thời kỳ hội nhập. Nhà nước cần ban hành thể chế dành cho người tài trong các lĩnh vực: chính trị, khoa học, giáo dục, sản xuất,…; đồng thời cần có chính sách lựa chọn, tuyển dụng, bồi dưỡng, trọng dụng và quy định trách nhiệm của tài năng trẻ trong từng lĩnh vực. TS Vân góp ý bước đầu nên định khung thể chế, định nghĩa nhân tài, định hướng và xác nhận những công việc cần làm, tiến tới nâng dần chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài từ nước ngoài, thậm chí không phân biệt quốc tịch, mới có thể tạo được sự đột phá của đất nước trong thời gian tới.

 
 

Trách nhiệm của tổ chức Đoàn

 
 

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh việc xác định tài năng trẻ ở độ tuổi phù hợp chính là giai đoạn có đóng góp, sáng kiến, sản phẩm nhất định để đánh giá tài năng. TS Hưng cho rằng, trách nhiệm của Đoàn thanh niên là phải quan tâm, phát hiện, chăm lo từ độ tuổi thiếu nhi. Khi trẻ xuất hiện năng khiếu, các tổ chức cần bồi dưỡng để thành tài năng và nhân tài.

 
 

TS Hưng cũng góp ý về chiến lược phát triển nhân tài cần có 03 nội dung: Xác định vai trò vị trí tài năng trẻ trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đánh giá thực trạng tài năng trẻ hiện nay gồm: chính sách, cơ chế phát hiện, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng; Đưa ra lộ trình cụ thể và kế hoạch chi tiết phát triển tài năng trẻ trong thời gian tới.

 
 

Đồng chí Vũ Thị Diệu Linh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm thành lập Quỹ tài năng trẻ tại địa phương, tổ chức và giới thiệu các gương mặt điển hình trong tỉnh, từ học sinh, sinh viên đến các đối tượng trong xã hội. Trong quá trình triển khai, do mức duy trì quỹ còn hạn chế nên theo quy định chưa hình thành được tổ chức chính thống. Cơ chế chưa đủ nên chưa có sự định hướng cụ thể; chưa có sự đồng bộ trong tất cả các đơn vị khi tổ chức; huy động nguồn lực còn thấp do đối tượng tài trợ hạn chế khi doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn; đầu ra dành cho các tài năng trẻ chưa có.

 
 

Đồng chí Diệu LInh đề xuất với Trung ương Đoàn cần có hướng dẫn cụ thể về quỹ cấp tỉnh; cấp Trung ương cần có các nguồn kinh phí phân bổ hỗ trợ cho các địa phương trong công tác tài năng trẻ; cần có chuyên đề, phân công nhiệm vụ rõ ràng về các tỉnh, thành đoàn để triển khai rộng rãi hơn.

 

 
Tổ chức Đoàn cần soạn thảo sơ lược đề cương để tham mưu trong công tác phát triển tài năng trẻ
 

Tiếp thu ý kiến các thảo luận tại tọa đàm, Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải cho biết, công tác tài năng trẻ là vấn đề và trách nhiệm chung của các ngành, nghề. Ở góc độ Đoàn thanh niên tiếp cận, Trung ương Đoàn mới chỉ có nhiều chương trình, hoạt động phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ, nhưng chưa có cơ chế phát triển lâu dài. Vì vậy, các đại biểu đóng góp ý kiến vào Chiến lược phát triển tài năng trẻ là điều rất cần thiết để Đoàn thanh niên có thể đi tiên phong trong việc lựa chọn vấn đề và triển khai những việc quan trọng nhằm phát hiện ra đội ngũ nhân tài trẻ; đồng thời, tôn vinh, kết nối và hỗ trợ bước đầu cho các bạn trẻ.

 
 

Đồng chí Nguyễn Long Hải nhấn mạnh, Đoàn là nơi phát hiện và khơi nguồn cảm hứng cho những tài năng trẻ. Các ý kiến của chuyên gia, cán bộ phụ trách công tác tài năng trẻ sẽ tạo cơ sở để Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham mưu với Đảng, Nhà nước đưa ra hệ thống chính sách giúp đẩy mạnh công tác tài năng trẻ trong thời gian tới./.

Nguồn Doanthanhnien.vn