Sáng 9/9, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X đã khai mạc tại Hà Nội. Đồng chí Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN và đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng – Bí thư thường trực Trung ương Đoàn chủ trì hội nghị.
Với tỷ lệ phiếu bầu rất cao, đồng chí Bùi Quang Huy – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn và đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn đã được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa X, nhiệm kỳ 2012-2017.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, gắn với thực tiễn cơ sở để góp ý cho dự thảo Đề cương chi tiết Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI.
Đại biểu góp ý cho Đề cương chi tiết Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI |
Đại biểu Bùi Trường Giang, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó chủ tịch Hội LHTN VN cho rằng, đất nước đang bước vào giai đoạn khó khăn và nhiều thách thức buộc thanh niên phải bắt tay hành động. Chúng ta đã nói nhiều về tiên phong, gương mẫu, nhưng đã đến lúc phải biến thành hành động để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình nguyện hay hội nhập cũng đều là hành động. Để thanh niên phát huy sáng tạo, làm chủ khoa học kỹ thuật, thì tổ chức Đoàn phải tạo môi trường và hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng KHCN vào đời sống.
Đề cao tính hiệu quả, đồng chí Trương Hồng Trang – Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu cho rằng, rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta triển khai quá nhiều việc khiến một số việc không được đầu tư chiều sâu và bị đánh giá là hình thức. Làm như vậy, chúng ta không chỉ tự làm khó mình mà làm khó cả cơ sở.
Đồng chí Bùi Thanh Toàn – Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên lại nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của tổ chức Đoàn trong các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề có liên quan nhiều đến thanh thiếu nhi. “Vừa qua ở Phú Yên xảy ra tình trạng hàng trăm thanh niên tập trung gây náo loạn ở một ngôi chùa, một nhà thờ chỉ để bắt Pokemon. Đối với vấn đề xã hội như thế này, thì vai trò của tổ chức Đoàn như thế nào?” anh Toàn đặt câu hỏi.
Công tác xây dựng Đoàn cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị. Chất lượng cán bộ Đoàn tốt thì phong trào mới đi lên, vì thế công tác đầu vào, đào tạo, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ Đoàn cần có đánh giá cụ thể để rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ tới. Có đại biểu cho rằng, cần có giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng công tác Đoàn, chất lượng sinh hoạt Đoàn ở cơ sở, bởi đó mới là sự vững mạnh thực sự của tổ chức Đoàn.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng, văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI sẽ được viết gọn gàng, dễ hiểu để tạo thuận lợi không chỉ cho cán bộ Đoàn mà cả đoàn viên, thanh niên đều dễ dàng tiếp cận. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sẽ theo hướng mở, tạo không gian sáng tạo, sự chủ động và chuyển động từ cơ sở; có như thế, tinh thần nghị quyết mới đi vào cuộc sống, thiết thực và sâu sát với thanh niên.
“Thanh niên có thể không quan tâm đến tên gọi của phong trào, nhưng họ thấy hoạt động thiết thực, tạo giá trị cho bản thân thì họ tham gia. Đông đảo thanh niên tham gia thì sẽ tạo thành phong trào. Chúng ta cần nhìn vào thực tiễn thanh niên hiện nay để xây dựng phong trào. Nếu phong trào không thu hút, lôi cuốn được thanh niên thì không gọi là phong trào được”, đồng chí Bí thư thứ nhất phát biểu.
Đối với vấn đề xây dựng Đoàn, đồng chí Lê Quốc Phong cho rằng, chúng ta cần củng cố, nâng cao “chất Đoàn” trong mỗi Đoàn viên thì tổ chức mới vững mạnh. “Có thể ở đâu đó, tổ chức chưa tốt, điều kiện còn thiếu thốn, nhưng nếu cán bộ Đoàn, đoàn viên có nhận thức tốt thì chắc chắn phong trào ở nơi đó chuyển động tốt”, đồng chí khẳng định.